Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật XIV TN, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật XIV TN, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Bài Phúc âm Chúa Nhật hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu trở về giảng dạy nơi quê quán của Ngài. Một lưu ý nhỏ trong đoạn Phúc âm hôm nay về anh chị em của Đức Giêsu. Có người dựa vào bản văn hôm nay để chứng minh rằng Đức Mẹ có nhiều con khác ngoài Chúa Giêsu. Thực ra, theo nguyên văn bản Hy Lạp adelphos, chỉ về họ hàng bà con, anh chị em họ nói chung, không có ý nói riêng về anh chị em ruột thịt, cùng cha cùng mẹ. Theo truyền thống Công giáo, Đức Mẹ không có người con nào khác ngoài Chúa Giêsu.
Khi Đức Giêsu cất tiếng giảng nơi hội đường về Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1,15), thì dân làng Nadarét khởi sự từ thán phục. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? Nhưng rồi họ nghi ngờ và chống đối. Cuối cùng họ không tin, tức là khước từ hoàn toàn. Lý do khiến họ từ khước là vì theo họ : “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giusê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta đó là tại sao Đức Giêsu không được những người đồng hương tiếp đón. Có lẽ, đối với họ, thì ông Giêsu nầy không phải là người xa lạ. Nói cách khác, họ cho rằng đã biết rành rẽ về con người của Đức Kitô. Theo họ, đây là ông thợ mộc trong làng khoảng 30 năm qua, không có biểu hiện nào đặc biệt. Hơn nữa Ông Giêsu nầy lại không được đào tạo qua một trường lớp nào tại Giêrusalem như các luật sĩ khác. Dĩ nhiên Đức Giêsu không có bằng cấp hay giấy chứng nhận nào cả. Vậy mà giờ đây, Đức Giêsu lại lên tiếng giảng dạy trong Hội đường như các Luật sĩ và hơn nữa dạy một cách khôn ngoan vượt bực mà người ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Tại sao một người như bao người khác có thể nói điều khôn ngoan như vậy. Đặt vấn đề thì rất hay nhưng thay vì tiếp tục tìm hiểu về con người Đức Giêsu, những người đồng hương từ chối Người.
Chúa Giêsu giải thích hiện tượng đó bằng câu nói : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Và Người đã không làm một phép lạ nào tại đó. Lý do là vì phép lạ mà Đức Giêsu thực hiện ở khắp nơi chính là cách Người đáp ứng lại niềm tin của con người được ơn phép lạ. Vì thế Người nói với bệnh nhân được chữa lành: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34). Ngược lại, Đức Giêsu từ khước làm phép lạ theo lời yêu cầu của người Pharisêu bởi vì họ không tin (8,11-12). Ở đây cũng vậy, Chúa Giêsu không làm phép lạ vì họ không tin. 
Như thế, đối diện với Đức Giêsu, ngay từ ban đầu người ta thấy đã có sự bất đồng ý kiến trong việc chấp nhận Người. Đức Giêsu đã tỏ ra là Đấng có uy quyền trong lời nói (Mc 4) và trong hành động (Mc 5). Thế nhưng dân làng Nadarét từng sống với Người ba mươi năm lại không tin vào Người (Mc 6,6) bởi vì những ai đã có định kiến về Đức Giêsu nghĩa là Đức Giêsu phải là như thế này thế kia, giống như người này người kia, thì những người ấy không thể nào lãnh hội được những điều mạc khải về Đức Giêsu.
Từ đó chúng ta rút ra được một bài học quan trọng. Đừng tưởng rằng mình đã biết Đức Kitô, nhất là đừng tự hào rằng mình là đạo dòng, mình đã đi tu được nhiều năm, đã chịu chức linh mục, đã khấn được nhiều năm. Đức Giêsu luôn vẫn là mầu nhiệm. Việc khám phá Người vẫn phải làm luôn mãi trong cuộc đời của chúng ta. Mỗi khi chúng ta tự hào về những hiểu biết của mình về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu, chúng ta sẽ đối xử với Chúa Giêsu như những dân làng Nazareth hôm nay, nghĩa là tự xa rời khỏi Đức Kitô.
Chúa Giêsu bị xua đuổi bởi những người thân làm chúng ta nhớ lại bài đọc thứ nhất. Chúa phán : “Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta.” Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến với dân Israel, dân Chúa chọn, nhưng đồng thời cũng là dân nhiều lần từ chối lời mời gọi trở lại của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu thật là khó khăn khi phải đối đầu với những người có sẳn một định kiến, có sẳn một hình ảnh về Thiên Chúa trong đầu. Những người ấy không còn có thể chấp nhận những gì mà Đức Giêsu, Đấng Được Thiên Chúa sai đến rao giảng. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là “Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri.” Đứng trước vị tiên tri, là người được Thiên Chúa sai đến con người có thể có thái độ chấp nhận hay từ chối. Chính sự tự do chấp nhận hay từ chối đó mà người ta lãnh phần trách nhiệm không nhỏ đối với lời dạy của Đức Giêsu.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi tất cả chúng ta cùng hành động như Người, tức là đi rao giảng tin mừng như Người. Mỗi khi chúng ta khuyên bảo người khác làm lành lánh dữ. Mỗi khi chúng ta khuyên bảo người khác ăn năn trở lại cùng Chúa. Mỗi khi chúng ta an ủi những người sầu khổ, thất vọng,… chúng ta đã rao giảng tin mừng của Đức Kitô cho con người ngày hôm nay.
Công việc đó không phải là đơn giản. Thánh Phaolo trong bài đọc hai đã viết : “Vì thế tôi vui thỏa trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Đức Kitô.” Chúa Giêsu đã bị người ta xua đuổi khi trở về quê hương thì chúng ta không tránh khỏi những khó khăn khi nói điều tốt cho người khác.
Có những bậc làm cha làm mẹ đau khổ vì thấy con mình không còn đi lễ đọc kinh nữa, cũng không còn nghe những lời hướng dẫn của mình nữa. Mỗi lần như thế chúng ta hãy nhớ lại lời của thánh Phaolo trên đây: Thánh nhân vui vì bị lăng nhục, bị làm cho yếu đuối. Có những khi chúng ta cảm thấy yếu đuối bất lực trước sự cứng lòng của những người thân trong gia đình. Thay vì thất vọng, chúng ta coi đó là hậu quả tất nhiên của việc rao giảng tin mừng. Chúa Giêsu đã từng bị những người đồng hương từ bỏ. Thánh Phaolo cũng đã từng bị bách hại. Đối với Chúa Giêsu và thánh Phaolo, những điều đó không làm ngăn trở công việc rao giảng tin mừng của các Ngài.
Vì thế thay vì thất vọng buông xuôi, xin cho chúng ta biết can đảm khuyên bảo người khác sống yêu mến Thiên Chúa và con người.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …