NIỀM VUI THÁNH ĐỨC
Càng thêm tuổi thì người ta càng “ngộ” ra nhiều điều. Người ta gọi đó là kinh nghiệm, nói theo bình dân là tình trạng “đụng chạm” – “đụng” nhiều thì “chạm” nhiều. Đơn giản mà chí lý!
Một trong những điều người ta “ngộ” ra là nhận thấy rằng cuộc đời có gì đó xem chừng “bất ổn” lắm: buồn nhiều, vui ít. Thảo nào Chúa Giêsu luôn nhắc nhở: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16:24; Mc 8:34 ; Lc 9:23).
Buồn nhiều thì chắc rồi , vì “đời là bể khổ” mà. Nhưng vui ít chứ không phải là không vui. Tuy nhiên, vấn đề là vui vì cái gì? Có nhiều dạng và nhiều mức độ vui. Niềm vui sẽ hóa nỗi buồn: Tiệc vui tan, rồi hóa kỷ niệm. Kỷ niệm chứ có thật đâu mà vui. Nhưng niềm vui của Kitô hữu là niềm vui cao thượng, người ta khả dĩ vui ngay trong nỗi gian nan, hoạn nạn. Tại sao vậy? Vì họ luôn tín thác vào Thiên Chúa – Đấng quan phòng và tiền định mọi sự. Đó là niềm vui, vui vì an tâm!
Trước tiên, ngôn sứ Isaia xác định: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô! Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” (Is 66:10-11). Niềm vui như thế thật là tốt lành, vì niềm vui đó mang tinh thần tín thác vào Thiên Chúa, biết tín thác là cách sống khôn ngoan và khiêm nhường. Điều đó chắc chắn Thiên Chúa rất hài lòng.
Thiên Chúa hài lòng thì Ngài sẽ ban cho cuộc sống phong phú, dồi dào, thoải mái, đúng như Ngài đã hứa: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66:12-13). Điều gì Ngài đã hứa thì Ngài sẽ hoàn tất theo cách quan phòng và tiền định của Ngài.
Với cảm nhận bản thân, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ thực tế tâm linh: “Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù” (Is 66:14). Có hai vế rõ ràng: ai thuận với Thiên Chúa thì hạnh phúc và vui sống, ai đối nghịch với Ngài thì thua thiệt.
Đó là hệ lụy tất yếu. Điều đó được minh chứng qua lời của tác giả Thánh Vịnh: “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh! Hãy thưa cùng Thiên Chúa: Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài! Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm. Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh” (Tv 66:1-4).
Hệ lụy đó còn được xác nhận thêm một cách hùng hồn: “Đến mà xem công trình của Thiên Chúa: hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng sợ! Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền, và dân Người đi bộ qua sông; việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ. Chúa uy dũng hiển trị muôn đời; đôi mắt Người theo dõi chư dân, quân làm phản chớ có hòng nổi dậy!” (Tv 66:5-7). Chắc chắn chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều kỳ diệu như vậy. Điều này mặc nhiên rằng chẳng có bất cứ thần linh nào khác có thể làm được như vậy.
Vô tri bất mộ. Biết rồi thì tin, tin rồi thì yêu, không ai có thể trì hoãn cái sự sung sướng đó được, không thể im lặng, vì tình yêu luôn vị tha, nghĩa là người ta phải chia sẻ điều đó cho mọi người cùng biết và cùng hưởng niềm vui đó: “Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời, đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi” (Tv 66:16). Thiên Chúa là Đấng trung tín (2 Tx 3:3), luôn “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2:4). Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh dẫn chứng cụ thể: “Xin chúc tụng Thiên Chúa đã CHẲNG bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng KHÔNG dứt nghĩa đoạn tình” (Tv 66:20).
Cảm nghiệm niềm vui được biết Thiên Chúa, Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh, Thánh Phaolô chia sẻ: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). Loại ước mơ như thế thực sự “rất lạ”, hoàn toàn “khác người”, thậm chí là “ngược đời”. Nếu không có niềm tin sâu sắc thì không thể nào hiểu nổi loại ước mơ “độc đáo” của Thánh Phaolô.
Với niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và với niềm vui trong Ngài, Thánh Phaolô xác nhận và chia sẻ: “Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người. Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu. Thưa anh em, nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng” (Gl 6:15-18).
Trình thuật Lc 10:1-12 và 17-20 cho biết “bài sai” của Đức Giêsu dành cho bảy mươi hai môn đệ là “đi rao giảng Tin Mừng” nhưng với điều kiện là “không đòi hỏi thứ gì” từ người khác.
Chúa Giêsu bảo các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến. Ngài nói rõ: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. ĐỪNG mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng ĐỪNG chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’. Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. ĐỪNG đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em”.
Một loạt mệnh lệnh cách – bao gồm cả phủ định và xác định. Chúa Giêsu bảo họ KHÔNG ĐƯỢC ĐÒI HỎI bất cứ điều gì, có sao hưởng vậy. Có lẽ đây là một trong những câu “chói tai” mà người ta không muốn đề cập hoặc bị người khác nhắc nhở.
Tuy nhiên, chấp nhận hoặc bằng lòng với những gì mình có là một dạng hạnh phúc giản dị mà kỳ diệu, không chấp nhận những gì mình có hoặc đòi hỏi thì chỉ là tự làm khổ mình (và làm khổ người khác). Chấp nhận điều kiện sống hiện tại không là thúc thủ hoặc miễn cưỡng với số phận, nhưng chấp nhận với niềm lạc quan và tín thác vào Thiên Chúa để Thánh Ý Chúa được nên trọn (x. Mt 26:42; Lc 23:34).
Chấp nhận hiện tại, không đòi hỏi cho mình, nhưng biết sống vì người khác, giúp ích cho tha nhân. Thật vậy, Chúa Giêsu căn dặn: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’. Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’. Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó”.
Nhóm Bảy Mươi Hai ra đi và đạt được kết quả mỹ mãn. Khi trở về, họ hớn hở khoe Sư Phụ rằng họ đã rao giảng, ai cũng vui nghe đến danh Thầy, ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục họ. Nhưng Đức Giêsu nghiêm túc và thẳng thắn nói: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em CHỚ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng HÃY mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:18-20).
Ngày nay chúng ta cũng vậy, làm được việc gì đó thì vội kiêu hãnh, tưởng mình “ngon” hơn người, chạy theo hư danh trần tục mà quên rằng mình chẳng là chi cả, chỉ là “đầy tớ vô dụng” mà thôi (x. Lc 17:10). Quả thật, không có Chúa Giêsu thì chẳng ai làm được điều gì (x. Ga 15:5). Vả lại, nếu có làm được gì thì đó là bổn phận và trách nhiệm phải làm thay cho người khác, vì sáng danh Thiên Chúa chứ không phải vì vinh danh mình. Thiết tưởng cũng cần nhớ lại gương của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả: “Người phải NỔI BẬT lên, còn tôi phải LU MỜ đi” (Ga 3:30).
Đó là khiêm nhường (khiêm nhu, khiêm hạ, khiêm tốn). Khiêm nhường là loại niềm vui thánh đức. Thánh Phaolô vui mừng vì Thập Giá của Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy vui mừng vì tên được ghi vô Sổ Trường Sinh chứ không phải vì làm được công to việc lớn gì cả. Những điều này không hề đối lập mà lại rất hợp lý.
Khiêm nhường trái ngược với kêu ngạo. Kinh Thánh xác nhận: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11:2). Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết quên mình vì người khác, nhưng đôi khi chúng ta lại thích làm ngược lại: muốn người khác hy sinh vì mình. Nhận xét của Napoléon thật đáng để chúng ta xét mình: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ KHÔNG phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là VÌ sự im lặng của những người tốt”.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết mau mắn và vui mừng thi hành Ý Ngài dành cho con trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con biết hết lòng tin tưởng vào Ngài, không bao giờ cậy dựa vào hiểu biết của con (Cn 3:5), để con có được niềm vui thánh đức nơi Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU