Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 14B TN

Con Bác Thợ Mộc

Mc 6,1-6(Mc 6,1-6)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Ngữ cảnh

Ngay từ đầu Tin Mừng, tác giả Máccô cho thấy Đức Giêsu hành động với uy quyền trước toàn dân (1,16–3,12). Nhưng sau đó, những trở ngại đã xuất hiện: thân nhân Người đi bắt Người về, vì cho rằng Người đã mất trí (3,21); các kinh sư thì nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và dùng quyền của nó mà trừ quỷ (3,22); bằng kiểu diễn tả bóng bảy, Người đã nói đến sự cứng lòng của dân Israel (4,11-12); trận bão trên biển không nhận chìm được con thuyền của Người, là một hình ảnh cho hiểu là sứ vụ của Người sẽ gặp nhiều khó khăn (4,35t), nhưng vẫn đứng vững; yêu cầu của dân Ghêrasa cũng ở trong chiều hướng ấy (5,17). Bài tường thuật chuyến về thăm Nadarét cũng nói đến thái độ không tin của người dân Nadarét, khiến họ không chấp nhận Đức Giêsu (6,1-6). Như thế, truyện này tóm tắt một số đề tài đã được triển khai trong các phân đoạn trước: tư cách môn đệ và lòng tin, Đức Giêsu là thầy và là vị làm phép lạ, sự hiểu lầm và sự loại trừ Đức Giêsu.

  1. Bố cục

Bản văn này có thể chia thành bốn phần:

2.1.Đức Giêsu về quê và giảng dạy ngày sabát (cc.1-2a);

2.2.Các thính giả vấp phạm về Người (cc. 2b-3);

2.3.Sự cứng lòng tin: đánh giá và kết quả (cc. 4-6a);

2.4.Đức Giêsu tiếp tục ra đi (c. 6b).

3.Vài điểm chú giải

– Quê quán của Người (1): Đây là Nadarét thuộc miền Galilê (1,9), cách hồ Ghênêsarét khoảng 30 cs về phía tây. Vào thời đó, Nadarét chỉ là một làng nhỏ, không quan trọng gì (x. Ga 1,46). Trong Cựu Ước, làng này không bao giờ được nói đến. Vì làng ở độ cao 300-400m trên mặt biển, người ta có thể nhận ra làng từ xa.

– Có các môn đệ đi theo (1): Khi nói đến các môn đệ, tác giả Máccô luôn luôn đưa vào đề tài “đi theo” (sequela) (x. 2,15; 10,32; 15,41).

– Bắt đầu giảng dạy (2): Ta nhớ lại đoạn 1,21-28 giới thiệu Đức Giêsu là thầy và là người chữa bệnh. Phản ứng đầu tiên trước sự khôn ngoan và những việc lẫy lừng của Người là sự ngạc nhiên. Từ đó, câu hỏi đặt ra “Bởi đâu ông ta được như thế?” mang tính mỉa mai: trong khi những người đồng hương gắng tìm cho ra danh tánh của con người Giêsu, thì quyền lực của Người lại bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.

– Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên (2): Phản ứng này thường xảy ra trước lời giảng dạy (1,22; 11,18), một phép lạ (7,37) hoặc một câu nói lạ lùng của Đức Giêsu (10,26). Tác giả nhắc đến phản ứng này với nhận định về sự khôn ngoan của Đức Giêsu để cho thấy Người vừa ban một mạc khải, nhưng dân chúng không tin.

– Bác thợ (3): Từ Hy Lạp tektôn (La-tinh: faber) có lẽ phản ánh từ Aram naggârâ có thể là một người thợ đóng đồ mộc hoặc là một người thợ xây dựng. Những người thợ ấy thường đi đây đó. Phải chăng Đức Giêsu cũng đã đi đây đó, ít sống tại Nadarét? Bản văn dùng mạo tự xác định ho cho hiểu rằng dân Nadarét đã quen gọi Đức Giêsu như thế.

– Con bà Maria (3): Phải chăng câu này cho phép giả thiết là Giuse đã qua đời? Trong ngữ cảnh ở đây, không có gì bảo đảm là kiểu gọi này có ý nói là Giuse đã chết cả. Chúng ta ghi nhận là trong TM Maccô, Giuse không bao giờ được nêu tên. Dù sao, “con bà Maria” đã trở thành tên gọi của Đức Giêsu. Hoặc tên này được dùng để sỉ nhục, bởi vì người Do Thái được gọi bằng tên của người cha, hoặc để mỉa mai vì muốn ám chỉ đến một cuộc chào đời bất hợp pháp (con hoang). Nếu trường hợp sau là đúng, thì lời sỉ nhục này lại là một khẳng định về cuộc sinh hạ trinh khiết. Để ủng hộ cho cách giải thích này, người ta nêu ra câu hỏi của dân Nadarét về nguồn gốc của Đức Giêsu và sự kiện Maccô tránh nhắc đến người cha.

– Ngôn sứ có bị rẻ rúng (4): Có lẽ đây là một câu tục ngữ phát xuất từ Do Thái giáo nhằm diễn tả kinh nghiệm của các nhà du thuyết Do Thái. Ta có những câu Hy Lạp tương tự: “các triết gia khó sống tại quê hương”. Nhưng ở đây Maccô mở rộng câu ngạn ngữ mà áp dụng cho cả gia đình dòng họ; như thế là nối dài chiều hướng của sự cố được kể ở 3,20t.

4.Ý nghĩa của bản văn

4.1.Đức Giêsu về quê và giảng dạy ngày sabat (1-2a)

Đức Giêsu đã rời nhà và vùng ông Giaia ở để về quê, tức là Nadarét. Nhân dịp cử hành phụng tự tại hội đường vào ngày sa-bát, Người đã giảng một bài. Đó là việc Người vẫn thường làm (x. 1,21.39).

4.2.Các thính giả vấp phạm về Người (2b-3)

Phản ứng của các thính giả chứng tỏ Đức Giêsu vừa ban một mạc khải. Họ đã nêu ra năm câu hỏi: ba câu liên hệ đến hoạt động của Đức Giêsu (bản thân; giáo lý; các phép lạ) và hai câu liên hệ đến gia đình dòng họ của Người. Chỉ đức tin mới nhận biết nguồn gốc đích thực của Đức Giêsu. Người là Con Thiên Chúa. Đối với những người đồng hương, sự hiểu biết về môi trường sinh sống của Đức Giêsu là biến thành một trở ngại không thể vượt qua. Họ từ khước Đức Giêsu và không chấp nhận giáo huấn của Người. Sự vấp phạm đó chính là sự cứng lòng tin của họ.

4.3.Sự cứng lòng tin: đánh giá và kết quả (4-6a)

Đức Giêsu xác định lập trường bằng một câu ngạn ngữ. Câu này vừa giúp Người biện minh cho mình vừa giảm nhẹ tầm mức của các sự kiện. Các môn đệ (theo Mc, các ông lúc nào cũng đi theo Người) phải học lấy bài học kinh nghiệm này: không bao giờ được để cho nỗi thất vọng vì bị từ khước đánh ngã mình. Con Thiên Chúa bị mọi người kể cả gia đình, hiểu lầm, và bị bỏ cô đơn trong thế gian này. Sự kiện Người không thể làm được phép lạ nào ở quê hương cho thấy tương quan giữa phép lạ và đức tin. Điều này không có nghĩa là quyền lực của Đức Giêsu bị hạn chế nhưng có nghĩa là khi ơn cứu độ được ban tặng trong phép lạ bị từ chối, thì không thể xảy ra phép lạ được. Nếu Đức Giêsu làm khác là Người không trung thành với sứ mạng của Người. Lời ghi thêm “Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” nhằm làm giảm nhẹ nét tiêu cực nơi những gì được nói trước. Nhưng câu 6a kết luận vẫn ghi nhận sự cứng lòng tin và sự ngạc nhiên của Đức Giêsu.

4.4.Đức Giêsu tiếp tục ra đi (6b)

Tuy nhiên, thất bại này vẫn không làm Đức Giêsu chán nản chùn bước. Người tiếp tục ra đi như Người đã nói với các môn đệ: “chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (1,38).

4.5.Kết luận

Đức Giêsu trở lại quê hương Nadarét. Người vào hội đường để giảng dạy, tức là thi hành sứ mạng ngôn sứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù đã biết các phép lạ Đức Giêsu làm và nay vừa nghe Người giảng, dân làng Nadarét lại chỉ coi Người như là “bác thợ, con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Giôsết, Giuđa và Simon” (c. 3a) mà thôi. Tin Mừng Maccô cho thấy liên hệ huyết thống cũng như tình đồng hương không giúp người ta nhận biết Đức Giêsu trong chân tính của Người. Muốn khám phá ra mầu nhiệm Đức Giêsu, người ta phải để cho chính Người dẫn dắt và giáo huấn ngày qua ngày.

5.Gợi ý suy niệm

5.1.Vấn đề trọng tâm của bản văn là đức tin

Đức tin giúp con người có sự khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe giáo huấn của Thiên Chúa và của các vị sứ giả của Người. Cũng chính đức tin giúp người ta nhận biết các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã và vẫn đang làm trong thế giới, để ban ơn cứu độ cho mọi người. Tại nơi nào con người khép kín lại với Thiên Chúa, khi Người đang ngỏ với họ trong phép lạ, thì phép lạ trở thành chuyện phi lý. Cũng như quyền lực của Người là ơn cứu độ cho chúng ta, thì sự cứng lòng tin của chúng ta là sự bất lực của Người. Điều đó đã được chứng thực tại cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với dân làng Nadarét: họ đã ngạc nhiên về những gì Đức Giêsu nói, và thế là để vuột mất ý nghĩa của các lời Người loan báo.

5.2.Sự từ khước ở Nadarét vẫn tồn tại

Con người hôm nay, những người Nadarét mới, vẫn đang thấy Đức Giêsu là một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước của con người hôm nay, hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến, họ không hiểu được cốt lõi tinh túy của sứ điệp, cũng không tạo cơ hội cho các việc kỳ diệu có thể xảy ra hay cho ơn Chúa có thể đến được với chính họ và người khác. Từ đây, chúng ta có thể đi đến một nhận định: cộng đoàn Kitô hữu có hai trách nhiệm, bởi vì phải vừa biết nhận ra các ngôn sứ được Thiên Chúa cho xuất hiện giữa các thành viên của mình, vừa phải hỗ và làm gia tăng ơn Chúa mà sự hiện diện của họ mang lại. Ý thức này đòi hỏi cộng đoàn phải trở thành một tập thể sẵn sàng, trong tư thế cầu nguyện, có cái nhìn khôn ngoan, để nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa. Tất cả các điều này không đơn giản: trong đời sống mỗi ngày, chúng ta ghi nhận rằng cộng đoàn chúng ta đang bước đi giữa hai đe dọa: một bên, cộng đoàn có thể rơi vào một thứ hứng khởi dễ dãi mà chạy theo bất cứ một chủ trương đổi mới nào, để rồi cuối cùng bị lạc hướng và bị phân tán; một bên, cộng đoàn dễ bị thu hút bởi xu hướng bất động và sự cứng ngắc do bám vào một vài điều xác tín nào đó.

5.3.Người môn đệ của Đức Giêsu không được nản chí khi gặp thất bại hay chống đối

Nhiệm vụ của họ là cứ ra đi để rao giảng Lời Chúa, để làm chứng, không nên bận tâm (và nặng lòng) với kết quả. Họ cần phải nhìn vào Thầy Giêsu mà dấn thân. Như Đức Giêsu, họ cứ quảng đại làm việc, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Niềm vui họ sẽ nhận được khơng phải do kết quả kiểm chứng được, nhưng là do biết rằng họ đã kiên trì thực hiện những điều Thiên Chúa muốn.

5.4.Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người

Chính tật xấu này làm cho khả năng đón nhận và loan truyền Lời Chúa bị giới hạn lại. Các Kitô hữu cần học lấy bài học của thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6). Đấy là khả năng nhận ra sự thiện hảo tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và sẵn sàng nêu lên.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya để tìm cách phá hoại. Thấy trong cửa hàng có một bàn thờ bằng gỗ quý, chạm khắc rất mỹ thuật ghi giá bán 30 triệu đồng và một cái thùng rác ghi giá bán 10.000 đồng, người đột nhập gỡ miếng giấy ghi giá 30 triệu ở bàn thờ gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 10.000 đồng ở thùng rác dán vào bàn thờ. Thế là bàn thờ gỗ quý chạm khắc công phu chỉ có giá 10.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá trị lên đến 30 triệu đồng và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác. Thế là các món hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng cao giá trị gấp trăm lần. Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên đã mua lầm một cách tai hại.[2]

Các giá trị của đời sống con người hôm nay cũng đang bị đảo lộn y hệt như thế, khiến rất nhiều người tôn vinh tiền tài của cải mà xem thường luân thường đạo lý, đánh giá cao những gì phù phiếm bên ngoài mà coi rẻ phẩm chất cao đẹp của con người. Thế là những điều phù phiếm được lên ngôi trong khi những phẩm chất cao đẹp của con người bị đẩy xuống hạng thấp kém.

Tin Mừng hôm nay kể lại: Chúa Giêsu trở về Nagiarét, quê hương của Ngài, trong tư thế một vị Ngôn Sứ, một bậc thầy, có các môn đệ tháp tùng. Ngày Sabbat, Ngài vào Hội Đường đọc Sách Thánh và công bố giáo lý của Ngài. Dân làng Nagiarét lấy làm ngạc nhiên sững sốt. Họ hỏi nhau: “bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vây nghĩa là làm sao? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?” “Ông ta là ai?” “Ông ta không phải là chú thợ mộc trong làng, con của bà Maria, không phải là anh em họ hàng với các ông Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Họ biết quá rõ lý lịch của Ngài, biết rõ họ hàng nhà Ngài, nên họ không thể nào để cho khôn ngoan và quyền năng của Ngài lay chuyển họ. Họ chẳng nhìn nhận Ngài là ai khác hơn là “chú thợ mộc trong làng”.

            Với con mắt định kiến, thiển cận và hẹp hòi, những người đồng hương với Đức Giêsu đã không nhận ra khuôn mặt thật của Người. Họ không tin Người là một tiên tri, lại càng không thể tin Người là Đấng Cứu Thế, và chắc chắn họ chẳng ngờ mình là người đồng hương với Con Thiên Chúa.

Chính lòng ghen tỵ là một trong những nguyên nhân khiến “các tiên tri không được kính trọng ở quê hương mình” (Lc.4,24).

– Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy quá khứ rất đỗi bình thường của Người.

– Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy hiện tại của Người không một chút hào quang.

– Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy nơi Người một bác thợ mộc rất mực âm thầm, khiêm tốn.

Chính vì không tin nên họ đã không thấy. Thấy đây là thấy toàn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa. Thấy đây là thấy Người bằng cái nhìn luôn đổi mới. Thấy đây là thấy với con mắt đức tin. Tác giả thư Do Thái viết: “Đức Tin là bảo đảm cho những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy” (Dt.11,1). Cho dù Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người có thể làm được mọi sự. Nhưng Người phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Người đã trở nên bất lực trước những kẻ thiếu niềm tin. Và quả thật, “Người đã không thể làm được phép lạ nào” tại quê hương mình. Thế mới biết con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, con người có toàn quyền từ chối quà tặng của Người.

Nếu Phép Lạ là quà tặng của Thiên Chúa, cần được đón nhận với Niềm Tin; thì chính Niềm Tin là ân huệ của Thiên Chúa chỉ có thể nhận được với lời cầu nguyện. Cần phải cầu nguyện để có Niềm Tin. Nhà bác học kiêm triết gia Pascal đã nói: “để có niềm tin con người phải quì gối cầu xin”. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.       

https://catechesis.net/mc-6-1-6-duc-giesu-ve-tham-nadaret/

[2] Lm.Ignatio Trần Ngà dựa theo ý tưởng của Frère Phong trong cuốn “Mắm Muối cho bữa cơm hằng ngày”

 

Xem thêm

ROAD TO LIBERTY

Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên, Năm Chẵn

  ĐƯỜNG ĐẾN TỰ DO “Khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, …