Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV, NĂM C, CỦA LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV, NĂM C, CỦA LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Hãy Ra Đi Rao Giảng Tin Mừng

(Lc 10, 1-12. 17-20)

ThuongNien14-TienCâu đầu trang Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới (x. Lc 10, 1). Như thế, sứ mạng loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho nhóm 12 Tông Đồ, mà còn được trao cho các môn đệ khác nữa. Ðây là một đặc điểm tiêu biểu của thánh sử Luca khi muốn nhấn mạnh đến sứ mạng phổ quát của việc loan báo Tin Mừng trong đó chúng ta có nhiệm vụ này.

Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo Năm 2011, khi nhắc đến tính chất thời sự và cấp thiết của sứ vụ truyền giáo mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội. Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết : “Sứ vụ này vẫn chưa được hoàn tất… Một cái nhìn chung về nhân loại cho thấy sứ mạng ấy vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu và chúng ta phải hết sức dấn thân phục vụ sứ mạng ấy” (J.P. II, RM 1). Chúng ta không thể tiếp tục an tâm khi nghĩ rằng sau hai ngàn năm, vẫn còn những dân tộc không biết Chúa Kitô và chưa được nghe biết sứ điệp cứu độ của Ngài.

Đúng là “lúa chín thì nhiều, nhưng thợ gặt lại ít” (Lc 10,2). Lời Chúa Giêsu cách đây gần 2000 năm vẫn còn luôn thời sự, Ngài mời gọi chúng ta : “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10,2). Cánh đồng của Thiên Chúa thật bát ngát mênh mông, những người được sai đi thỏa sức làm việc. Nhưng Chúa Kitô không phải chỉ giới hạn trong việc sai đi, Chúa còn trao cho các nhà truyền giáo những quy luật rõ ràng để hành xử. Trước hết, Chúa “sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới ” (Lc 10,1), để họ giúp đỡ lẫn nhau và làm chứng cho tình yêu huynh đệ. Chúa cảnh báo cho họ biết trước là họ sẽ như “chiên ở giữa sói rừng” (Lc 10,3), nghĩa là trước sự dửng dưng, không đón tiếp, có khi bị từ chối, bị ngược đãi, bị bắt bớ bởi thế gian dành cho họ, hiền hoà là thái độ luôn cần phải có. Vì là sứ giả hòa bình, nên họ phải mang trong mình sứ điệp hoà bình ấy như lời Chúa dạy : “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,3), và Chúa khuyên họ : “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép” (Lc 10, 4). Tại sao vậy? Thưa là để người được sai đi sống với những gì Chúa Quan Phòng an bài cho họ ; họ sẽ chăm sóc cho những kẻ đau yếu như là dấu chỉ của lòng thương xót Chúa; nơi nào họ bị khước từ, thì đi nơi khác, chỉ cần cảnh báo nơi đó về trách nhiệm khước từ Nước Thiên Chúa. Thánh sử Luca làm nổi bật lòng hăng say của các môn đệ vì những kết quả tốt của sứ mạng, và ghi lại lời nói đẹp sau đây của Chúa Giêsu : “Các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới, con người đang tìm kiếm sự sung túc, dễ dàng, công danh sự nghiệp và thành công như mục đích của cuộc sống, gây thiệt hại cho các giá trị luân lý, sống xa rời Sứ điệp Tin Mừng, và sống như thể không có Thiên Chúa.

Trang Tin Mừng trên đây khơi dậy nơi chúng ta, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ý thức làm nhà thừa sai của Chúa Kitô, những kẻ được gọi để chuẩn bị đường cho Chúa, bằng lời nói và bằng chứng tá đời sống. Vì Thánh Phêrô nói : “Tin mừng không phải là một thiện ích dành riêng cho người lãnh nhận, nhưng là một hồng ân cần phải được chia sẻ, một tin vui cần phải thông truyền. Hồng ân – Nghĩa vụ này được ủy thác không phải chỉ cho vài người, nhưng cho tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa…” (1 Pr 2,9).

Vì vậy không lạ gì khi Công đồng Vaticanô II và Huấn quyền của Hội Thánh luôn nhấn mạnh cách đặc biệt về nhiệm vụ truyền giáo mà Đức Kitô đã uỷ thác cho các môn đệ của Người, và là nhiệm vụ mà toàn thể Dân Thiên Chúa: các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân phải dấn thân thực hiện. Hội Thánh phải cảm thấy lệnh truyền rao giảng Tin Mừng của Chúa chất vấn mình mãnh liệt, để Đức Kitô được rao giảng khắp nơi.

Là những tín hữu trong Đức Kitô, chúng ta phải tiếp bước Thánh Phaolô Tông Đồ, là “tù nhân của Đức Kitô vì anh em, những người dân ngoại” (Ep 3, 1), ngài đã chịu đau khổ và chiến đấu để đem Tin Mừng đến giữa dân ngoại (x. Cl 1, 24-29), không ngại tiêu hao sức lực, thời giờ và của cải để loan báo Sứ điệp của Đức Kitô.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio viết: “Chúng ta không thể ngồi yên khi nghĩ tới hàng triệu anh chị em chúng ta đang sống trong tình trạng không biết đến tình yêu của Thiên Chúa, chính họ cũng được cứu chuộc bằng máu Chúa Kitô” (số 86).

Khi công bố Năm Đức Tin, Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết rằng : “Đức Kitô hôm nay cũng như hồi ấy, sai chúng ta đi khắp các nẻo đường trên thế giới để loan báo Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên mặt đất” (Tông Thư Porta Fidei, 7).

Hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập Ngày Thế Giới truyền Giáo vào chúa nhật 23 tháng 10 năm 2016 tới đây với chủ đề “Giáo Hội Truyền Giáo, Chứng Tá Của Lòng Thương Xót”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cao vai trò của phụ nữ và các gia đình trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài khẳng định : Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài” (Misericordiae Vultus 3).

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trên việc loan báo Tin Mừng, đặc biệt trên những ai đang làm việc trên cánh đồng truyền giáo. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh, Ngôi Sao dẫn đường loan báo Tin Mừng đồng hành với tất cả các sứ giả của Tin Mừng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …