Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XIII TN, năm A của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XIII TN, năm A của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Tin Mừng Mát-thêu thuật lại cuộc tấn phong long trọng của thánh Phê-rô, ở đó Chúa Giê-su trao “chìa khóa Nước Trời” cho thánh nhân và thiết lập thánh nhân làm nền tảng Giáo Hội Ngài.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Cả hai thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã được phúc tử đạo dưới thời bách hại của triều đại hoàng đế Nê-ron từ năm 64 đến năm 67.

Vào cuối thế kỷ thứ tư, hai thánh Phê-rô và Phao-lô được cử hành vào ba ngày lễ: một ở Vương Cung Thánh Đường Va-ti-can, một ở Thánh Đường thánh Phao-lô ngoại thành, và một ở các hang toại đạo, ở đó thi thể của hai thánh nhân đã được cất dấu trong suốt thời kỳ bách đạo, trước khi được mai táng xứng đáng trong hai ngôi mộ của hai ngài. Tiếp đó ngày lễ tôn kính hai ngài được tách riêng ra thành hai, ngày 29 tháng 6 đặc biệt được dành cho thánh Phê-rô và ngày 30 tháng 6 dành cho thánh Phao-lô. Ngày nay, lễ chung hai thánh Phê-rô và Phao-lô được long trọng cử hành vào ngày 29 tháng 6, còn ngày 30 tháng 6 được dành riêng để tưởng nhớ các thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rô-ma vào năm 64.

Cv 12: 1-11

Bài đọc I, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, tường thuật việc thánh Phê-rô được giải thoát kỳ diệu khi thánh nhân bị giam trong tù bởi vua Hê-rô-đê Agrippa với ý định giết  thánh nhân.

2Tm 4: 6-8, 17-18

Bài đọc II là đoạn văn thống thiết trích từ bức thư sau cùng của thánh Phao-lô, trong lúc thánh nhân chờ đợi phúc tử đạo sắp đến gần.

Mt 16: 13-19

Tin Mừng Mát-thêu thuật lại cuộc tấn phong long trọng của thánh Phê-rô, ở đó Chúa Giê-su trao “chìa khóa Nước Trời” cho thánh nhân và thiết lập thánh nhân làm nền tảng Giáo Hội Ngài.


BÀI ĐỌC I (Cv 12: 1-11)

Vua Hê-rô-đê Agrippa là cháu của vua Hê-rô-đê Cả, và con của Antipater, người mà vua Hê-rô-đê ra lệnh giết năm ngày trước khi nhà vua qua đời. Ông đã theo mẹ sang Rô-ma lúc còn rất trẻ và được giáo dục ở đó. Ông đã kết thân với Drasus, con của hoàng đế Tibere, đoạn với Caligula, sau cùng với Claude. Nhờ đế quốc Rô-ma nâng đỡ, Hê-rô-đê Agrippa đạt được không chỉ tước vị vua trên miền Giu-đê và Sa-ma-ri, nhưng nhờ hoàn cảnh thuận tiện, ông cũng đã tái lập vương quốc của tổ tiên mình. Ông ngự trị từ năm 41 đến năm 44.

Đường lối chính trị của ông, thái độ xu thời của ông, và nhất là lòng nhiệt thành tuân giữ Lề Luật của ông, được lòng những người Pha-ri-sêu. Thật ra, người Ki-tô hữu có nhiều đối thủ hung dữ trong đó có những người Pha-ri-sêu. Tuy nhiên, bè Xa-đốc mới là mối đe dọa thực sự của người Ki-tô hữu. Chính từ bè Xa-đốc này phát xuất những quấy nhiễu đầu tiên chống lại các Tông Đồ. Thánh Lu-ca nhấn mạnh sự kiện này nhiều lần (Cv 4: 1; 5: 17). Bè Xa-đốc không tin vào trào lưu Mê-si-a. Ngoài ra, họ không chấp nhận niềm tin vào sự phục sinh của kẻ chết, vì cho rằng niềm tin này chỉ có sau này, nên không thuộc Mặc Khải. Thế nên, làm thế nào họ có thể tin nhận cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su được chứ. 

1. Thánh Phê-rô bị bắt giam:

“Để làm vừa lòng người Do thái”, vua Hê-rô-đê Agrippa cho chém đầu thánh Gia-cô-bê, đoạn cho bắt giam thánh Phê-rô. Thánh Phê-rô bị bắt giam vào tuần lễ Bánh Không Men sau lễ Vượt Qua. Như vậy, thánh nhân bị bắt vào thời gian rất gần với thời gian Đức Giê-su đã bị bắt trước kia. Thánh nhân được giao cho bốn tốp lính, mỗi tốp bốn người, thay phiên nhau túc trực canh gác. Thánh nhân lại còn phải “ngủ giữa hai người lính và bị khóa vào hai cái xiềng”. Như vậy, tù nhân không thể nào trốn thoát được.

2. Lời cầu nguyện của Hội Thánh:

“Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông”. Mọi người Ki-tô hữu hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho vị lãnh đạo Giáo Hội. Lời cầu nguyện khẩn thiết đem lại sự giải thoát kỳ diệu. Cũng như trong sách Tin Mừng, trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca dành cho lời cầu nguyện một chỗ đặc biệt quan trọng.

3. Thiên sứ của Chúa:

Tước hiệu: “thiên sứ của Chúa”, xuất xứ từ Cựu Ước. Đây là cách thức diễn tả sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trước đây, thánh Phê-rô và các vị Tông Đồ khác đã được “một thiên sứ của Chúa” giải thoát trong khi các ngài bị giam theo lệnh của Thượng Hội Đồng (Cv 5: 17-20).

Thánh nhân ngủ say đến mức thiên sứ phải đánh thức ông và còn bảo ông: “Thắt lưng lại, xỏ dép và khoắc áo choàng vào mà đi theo tôi”.  Chỉ khi ra đến bên ngoài, đi hết một đường phố, thánh nhân mới tỉnh hẳn; lúc đó thánh nhân mới hiểu rằng đây không là giấc mơ, nhưng là thực tại. Thánh nhân đi đến nhà bà Ma-ri-a, mẹ của ông Gio-an, cũng gọi là Mác-cô, ở đó có khá đông tín hữu đang họp nhau cầu nguyện. Sau đó, thánh nhân vội vả ra đi đến một nơi khác để lánh nạn. Không ai biết thánh Phê-rô làm gì trong suốt những năm tháng sau biến cố này. Sách Công Vụ nói về sự hiện diện của thánh nhân chỉ ở Công Đồng Giê-ru-sa-lem vào năm 49 hay năm 50. 

BÀI ĐỌC II (2Tm 4: 6-18)

Thư thứ hai gởi cho Ti-mô-thê là văn bản sau cùng của thánh Phao-lô. Vào lúc đó, thánh nhân bị giam ở Rô-ma và những điều kiện giam cầm thật nghiêm nhặt, như thánh nhân viết:“Tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2Tm 2: 9). Thánh nhân không có ảo tưởng thoát khỏi án từ hình, vì thế trông chờ phúc tử đạo sắp đến của mình.

Ông Ti-mô-thê là một trong những cộng tác viên rất thân tín của thánh Phao-lô. Ngay ở đầu thư, thánh nhân gọi ông là “người con yêu dấu”. Cha của ông Ti-mô-thê là người Hy-lạp và mẹ ông là người Do thái. Ngay khi còn thơ ấu, ông đã học biết Kinh Thánh từ bà ngoại và mẹ của ông (2Tm 1: 6). Kiến thức Kinh Thánh này chắc chắn là một trong những điểm chung kết thân ông với thánh Phao-lô. Cả hai cộng tác mật thiết với nhau đến độ sáu bức thư của thánh Phao-lô đều có ông Ti-mô-thê đồng gởi. Thánh Phao-lô đã ủy nhiệm cho ông Ti-mô-thê trông coi Giáo Đoàn Ê-phê-sô. Thánh nhân viết cho ông để diễn tả niềm mong ước của ngài được gặp lại ông trước khi chết: “Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ao ước gặp lại anh để chan chứa niềm vui” (2Tm 1: 4). 

1. Đổ máu ra làm lễ tế:

“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế”. Lễ tế được nói ở đây là một nghi thức đổ rượu hay dầu hoặc nước trên tế vật trước khi sát tế; nghi thức này được tuân thủ tại dân ngoại cũng như tại dân Do thái. Khi viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh nhân cũng đã sử dụng từ ngữ hy tế như vậy: “Nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Thiên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em” (Pl 2: 17).

2. Cuộc thi đấu cao đẹp:

“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường”. Thánh nhân tự ý sử dụng những hình ảnh đấu trường để gợi lên những nỗ lực và cuộc đấu tranh mà toàn bộ cuộc đời của người Ki-tô hữu hàm chứa. Vào lúc này, thánh Phao-lô có thể nghiêm chỉnh nhìn lại phía sau mà yên tâm chờ đợi ngày Chung Thẩm: “Tôi đã giữ vững niềm tin”.

3. “Mọi người đã bỏ mặc tôi”:

Như Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô nhận biết các bạn hữu của ngài đã bỏ mặc ngài (trừ thánh Lu-ca là người duy nhất ở bên cạnh ngài: 2Tm 4: 11). Không ai đã đến trước Tòa Án để biện hộ cho thánh nhân, ngay cả những người Ki-tô hữu Rô-ma, điều này cho nghĩ rằng cuộc bách hại không dịu bớt. Và cũng như Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô cũng bày tỏ sự tha thứ cho họ: “Xin Chúa đừng chấp họ”.

Nhưng ngay cả trong việc bỏ mặc này, thánh nhân hiểu hơn sự hiện diện của Chúa, như thánh nhân đã cảm thấy sự hiện diện của Ngài quá thường hằng trong sứ mạng truyền giáo của mình, ở nơi sức mạnh đã được ban cho thánh nhân để loan báo Tin Mừng, cũng như ở nơi cách thức thánh nhân đã thoát khỏi biết bao hiểm nguy và thù nghịch.

4. Niềm hy vọng:

“Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”. Sau khi đã gợi lên ngày Chung Thẩm vào thời tận thế, thánh nhân nhắm đến kỳ hạn gần hơn: vào Nước Trời sau khi từ giả cõi đời này. Thánh nhân cũng đã thổ lộ niềm hy vọng này cho các tín hữu Phi-líp-phê khi thổ lộ với họ niềm ao ước được chết để nên một với Đức Ki-tô sớm chừng nào có thể “vì đối với tôi chết là một mối lợi”. Niềm hy vọng của thánh Phao-lô không dựa trên lời nói của Đức Ki-tô, nhưng đặt nền tảng chắc chắn trên thần học của thánh nhân, cốt yếu là thần học về sự Phục Sinh. 

TIN MỪNG (Mt 16: 13-19)

Chúa Nhật vừa qua, Chúa Nhật XII thường niên năm C, chúng ta đã đọc bài trình thuật về lời tuyên tín của thánh Phê-rô theo thánh Lu-ca. Tuy nhiên, thánh Lu-ca không dành cho lời tuyên tín của thánh Phê-rô một tầm mức chính yếu như thánh Mát-thêu. Chỉ duy thánh Mát-thêu đặt vào giây phút tuyên tín này cuộc tấn phong long trọng của thánh Phê-rô làm vị lãnh đạo tương lai của Giáo Hội.

Chúng ta có đến không chỉ một mà là ba bản văn trong ba sách Tin Mừng khác nhau thiết lập nên quyền lãnh đạo của thánh Phê-rô:

1- Bản văn của thánh Mát-thêu 16: 13-19 này, trong đó Chúa Giê-su thiết lập thánh Phê-rô làm nền tảng Giáo Hội của Ngài và trao ban cho thánh nhân quyền lãnh đạo Giáo Hội của Ngài.

2- Bản văn của thánh Lu-ca trong bài diễn từ của Đức Giê-su sau bữa Tiệc Ly, khi Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô: “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã cầu xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22: 31-32). Qua đó, thánh nhân được chọn là vị lãnh đạo của Giáo Hội Đức Ki-tô, bởi vì thánh nhân có kinh nghiệm sâu xa trong chính bản thân mình về thân phận yếu đuối của chính mình và tình yêu thương tha thứ vô bờ của Thầy mình; nhờ đó, thánh nhân mới biết cảm thông sự yếu đuối của em mình và làm cho đức tin của anh em mình nên vững mạnh.

3- Bản văn của thánh Gioan ở chương 21, trong đó Đức Giê-su Phục Sinh hỏi thánh Phê-rô đến ba lần cùng một câu hỏi: “Anh có mến Thầy không?” và ba lần Chúa Giê-su giao phó cho thánh nhân Giáo Hội của Ngài: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21: 15-17). Qua đó, thánh nhân được mời gọi mang lấy tấm lòng mục tử của Đức Ki-tô là không để cho bất kỳ một con chiên nào phải hư mất, nhưng sẵn sàng xả thân vì đàn chiên để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào.

Mỗi bản văn nói lên một khía cạnh quyền lãnh đạo Giáo Hội của thánh Phê-rô, vì thế không một bản văn nào tự mình là đầy đủ, nhưng cả ba bổ túc cho nhau để diễn tả gương mặt tuyệt đẹp của vị lãnh đạo Giáo Hội của Đức Ki-tô. Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi suy gẫm bản văn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. 

1. “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”:

Đức Giê-su hỏi nhóm Mười Hai, tức những môn đệ thân tín nhất của Ngài. Thánh Phê-rô nhân danh các ông trả lời. Toàn bộ phân đoạn Tin Mừng Mát-thêu này bật sáng nhân cách của thánh Phê-rô: khi Đức Giê-su đi trên mặt biển dậy sóng trong đêm tối mà đến với các ông, chỉ một mình thánh Phê-rô lao mình xuống nước mà đến cùng Thầy (14: 28-29); khi Đức Giê-su giải thích những khái niệm thanh sạch và ô uế, thánh Phê-rô là người duy nhất hỏi Thầy để biết được chính xác hơn (15: 15); khi Chúa Giê-su loan báo cho các ông cuộc Thương Khó của Ngài, chỉ một mình thánh Phê-rô phản kháng chống lại vận mệnh như thế dành cho Thầy mà thánh nhân hết lòng yêu mến (16: 22); sau này vào lúc Chúa Giê-su Biến Hình trên núi cao, chỉ một mình thánh Phê-rô lên tiếng (17: 4); về vấn đề nộp thuế, Chúa Giê-su ngỏ lời với chỉ một mình thánh Phê-rô (17: 25). Như vậy vai trò thủ lãnh của thánh nhân được phác họa rồi.

Tại Tin Mừng Mát-thêu, lời tuyên tín của thánh Phê-rô thì đầy đủ nhất: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Qua lời tuyên xưng này, thánh Phê-rô nhận ra không những phẩm chất Mê-si-a (Ki-tô) của Đức Giê-su nhưng còn địa vị Con Thiên Chúa của Ngài, nghĩa là không một mê-si-a phàm nhân nhưng một Đấng Mê-si-a xuất thân từ Thiên Chúa. Quả thật, tại thánh Mác-cô, thánh Phê-rô trả lời cách ngắn gọn: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8: 29); còn tại thánh Lu-ca, thánh Phê-rô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”(Lc 9: 20). 

Đức Giê-su tán dương lời tuyên tín của thánh nhân mà Ngài nhận ra là ơn linh hứng siêu nhân được ban cho thánh nhân: “Này anh Si-mon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Như vậy, lời tuyên tín của thánh Phê-rô không là bốc đồng nông nỗi. Chính Đức Giê-su khẳng định như vậy khi công bố một cách rõ ràng mối quan hệ độc nhất vô nhị giữa Ngài là Con và Thiên Chúa là Cha của Ngài.

2. Tấn phong thánh Phê-rô làm thủ lãnh của Giáo Hội:

“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúa Giê-su đã nói bằng tiếng A-ram; từ ngữ “tảng đá” là “kê-pha”. Ấy vậy, từ ngữ A-ram“kê-pha” không thường được dùng để đặt tên cho một người, từ ngữ Hy-lạp “petros” cũng không. Hơn nữa, tại dân Do thái, tên của một người không đơn giản chỉ là quy ước xã hội để phân biệt người này với người kia, nhưng mang một sức mạnh ý nghĩa, hầu như có tính quyết định cho một vận mạng của người mang tên đó. Khi nâng từ ngữ “kê-pha” lên tầm mức tên của một người, Chúa Giê-su một cách nào đó đóng ấn cuộc đời thánh Phê-rô vào một vận mệnh mới: thánh nhân là nền tảng bền vững của Giáo Hội Ngài. Chúa Giê-su còn đảm bảo rằng Giáo Hội sẽ muôn năm trường tồn trên quyền lực của sự hủy diệt: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”

3. Trao quyền lãnh đạo cho thánh Phê-rô:

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”. Đây là một hình ảnh kinh điển trong lịch sử của các dân tộc, như hình ảnh Cánh Cửa gợi lên uy quyền của vương quốc hay đế quốc. Ví dụ nổi tiếng nhất là ví dụ về “Cánh Cửa Tối Cao” để chỉ đế quốc Ottoman. Quả thật, đã nhiều lần, Chúa Giê-su biểu thị Nước Trời như phòng tiệc mà cửa mở hay đóng trước những khách mời tùy thuộc vào việc họ có xứng đáng hay không, chẳng hạn như cửa mở ra cho năm cô trinh nữ khôn ngoan vào dự tiệc cưới Nước Trời, nhưng đóng lại không cho năm cô trinh nữ khờ dại vào, vân vân.

“Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”
. Trong Do thái giáo, các kinh sư dùng những từ ngữ “cầm buộc và tháo cởi” khi áp dụng thành ngữ này vào những quyết định kỷ cương cũng như vào lãnh vực đạo lý. Giáo Hội cũng sẽ làm như vậy, đặc biệt khi quy chiếu đến ơn tha tội. Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giê-su trao quyền “cầm buộc và tháo cởi” cho thánh Phê-rô. Sau này, trong diễn từ về Giáo Hội, Đức Giê-su sẽ trải rộng quyền này cho toàn thể các Tông Đồ: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18: 18). Chúa Giê-su cũng sẽ tái khẳng định quyền này với các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20: 22-23). Quyền tha tội này được ban cho thánh Phê-rô, vị thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, cũng như cho toàn thể Tông Đồ đoàn.

Nguồn: kinhthanhvn

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN