Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 13B TN

Người Đàn Bà Loạn Huyết và ông Giairô Trưởng Hội Đường

Mt52143(Mc 5,21-43)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Đoạn này có ba phép lạ

Trước khi bàn chi tiết đoạn này, ta hãy xét toàn bộ vì trong đó có điều tuyệt diệu. Đoạn này có ba phép lạ: chữa con gái ông kỳ mục (18,19,23-26), chữa bà bị băng huyết (20-22) và hai người mù (27-31).

1.1.Không nghi ngờ ông Giaia đến với Chúa, vì không còn cách nào chữa được con ông

Ông là người coi sóc Hội Đường, là người Do Thái chính thống. Chính thống là phái coi thường, ghen ghét Chúa, muốn loại trừ Chúa. Ông đã chạy đến các bác sĩ, tìm mọi cách để cứu chữa con ông, nhưng vô hiệu. Chạy đến với Chúa, cho biết ông đã thất vọng với mọi cách thông thường. Chúa là nguồn hy vọng cuối cùng của ông. Đây là mẫu đức tin bất xứng, đến chỉ vì sau khi thử mọi cách thông thường. Faber có lần nói thay Thiên Chúa về đứa trẻ đi hoang: ‘nếu sự tốt lành không cải hóa được, thì sự mệt mỏi lại làm nó chạy đến lòng ta’. Ông kỳ mục đến với Chúa chỉ vì thất vọng.

1.2.Bà bị bệnh băng huyết cũng tương tự

Bà bị bệnh băng huyết cũng tương tự, đến với Chúa với đức tin bất xứng nếu không nói là bà đến với Chúa vì dị đoan, chỉ chạm đến gấu áo Người mà được khỏi!

1.3.Hai người mù xưng Chúa là con Đavít

Con Đavít theo nghĩa chính trị trần thế, nghĩa là sẽ giải phóng toàn dân bằng súng đạn, quyền uy. Đó là niềm tin của người Do Thái ái quốc. Niềm tin của hai người mù cũng là niềm tin bất xứng. Nhưng lại là điều tuyệt diệu. Ông Giaia đến với Chúa với tiêu chuẩn bất xứng, bà băng huyết đến với Chúa với đức tin bất xứng, hai người mù đến với Chúa với quan niệm bất xứng. Ta có thể nói đó là thứ thần học bất xứng, vậy mà những người trong cuộc đều tìm thấy tình yêu và quyền năng đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu của mình. Nghĩa là đến với Chúa thế nào, không quan trọng, mà quan trọng là đến. Nghĩa là không cần phải đến khi động lực, niềm tin, thần học của mình đã hoàn hảo.

1.4.Hai bài học ở đây

– Không được chỉ trích những ai có động lực, niềm tin, thần học thiếu kém.

– Không phải chờ đến khi có đức tin, mục tiêu hoàn hảo, mới đến xin Chúa giúp. Đến với Chúa thế nào không quan trọng, mà quan trọng là đến với Người, vì Chúa sẵn lòng thỏa mãn lời cầu của ta.[1]

2.Chúa chữa người đầy tớ của ông Giaia

Mt 9,18-19;23-26: Máccô (5,21-43) và Luca (8,40-56) cho biết tên ông là Giaia và là người điều khiển Hội Đường (Mc 5,22; Lc 8,41). Điều khiển Hội Đường là người rất quan trọng, được lựa chọn trong những vị kỳ mục. Trách nhiệm không phải là dạy dỗ hay giảng thuyết, mà là trông coi Hội Đường, những khi hội họp. Ông chỉ định ai đọc sách, ai cầu nguyện, mời ai giảng thuyết.

Tóm lại, ông có trách nhiệm mọi sự trong Hội Đường. Trong nỗi thất vọng, không còn cách nào chữa con gái, ông mới đến với Chúa. Tự nhiên, Chúa có thể từ chối ‘bình thường. Các ông muốn giết tôi, giờ đây, trong nỗi tuyệt vọng, các ông mới đến với tôi…’. nhưng không, không tính toán, không ngại ngùng. Vì đây là người đang cần đến Chúa, Chúa lại đang chờ mong với lòng thương xót. Người liền đi theo vị kỳ mục. Tới nhà, Chúa thấy khung cảnh nhộn nhịp, ồn ào. Người Do Thái rất trọng nghĩa vụ đối với người chết. Họ nói ‘ai lơ là với người chết, kẻ đó phải thiêu sống.[2]

2.1.Phong tục của người Do Thái khi có người qua đời

2.1.1.Họ xé áo

Xé ra sao, thế nào, đều được qui định hơn 39 cách. Đầu tiên là đứng thẳng, xé to bằng nắm tay, xé cho đến khi thấy da. Bố, mẹ thì xé ngay trước ngực, người khác thì bên phải; xé xong phải để vậy suốt 7 ngày; sau 30 ngày mới khâu lại sơ sài, sau đó mới khâu lại vĩnh viễn. Đàn bà không xé hở ngực, và phải xé áo tại phòng riêng, rồi mặc ngược trước ra sau sau ra trước, sau đó, nơi công chúng, họ phải xé áo ngoài.

2.1.2.Rồi đến cách khóc

Tại nhà hiếu, luôn luôn phải có những tiếng khóc lóc, nức nở, do những bà chuyên môn. Trong ‘The Land and the Book’, Thomson kể “tại mỗi làng, cộng đồng đếu có những bà khóc chuyên môn. Luôn luôn sẵn sàng, để mỗi khi khách tới, họ khóc để khách có thể khóc theo. Họ cũng là những người biết từng người trong làng hay cộng đồng. Họ có thể giới thiệu danh tính, cuộc đời của người đã chết cũng như những người trong gia đình, để ai cũng cảm thấy như khóc thương người thân…”

2.1.3.Sau đó là những người thổi sáo

Tiếng sáo thật hợp với cảnh chết chóc. Sách Talmud dạy ‘chồng có trách nhiệm an táng vợ đã chết, than khóc, nức nở như thói quen mọi nơi. Gia đình nghèo nhất cũng phải có ít là hai người thổi sáo và một bà khóc chuyên môn’. Ngay tại Rôma cũng có những người thổi sáo trong đám tang. Seneca kể về đám tang hoàng đế Claudius ‘họ than khóc nức nở đến nỗi Claudius, dầu đã chết, vẫn nghe thấy tiếng than khóc của họ’. Vì tiếng sáo não nùng, buồn thảm quá, nên luật Rôma đã giới hạn số người thổi sáo không được quá 10 người.

2.2.Tiếng Hy Lạp cũng như tiếng Anh, người chết thường được nói là ngủ

Trong quang cảnh đó, Chúa đến. Với quyền uy, Chúa êm đềm nói em bé chưa chết, chỉ ngủ thôi, và bảo tất cả mọi người hãy ra ngoài. Nghe Chúa nói, họ cười nhạo, nhưng cũng vâng theo. Nói ‘em bé chỉ ngủ thôi’ có thể Chúa hiểu đúng như câu nói. Tiếng Hy Lạp cũng như tiếng Anh, người chết thường được nói là ngủ. Từ ‘nghĩa địa’ do tiếng Hy lạp Koimètèrion có nghĩa là nơi của những người ngủ. Người ngủ (kiomasthai) là người ngủ tự nhiên hay ngủ đã chết. Từ ‘ngủ tự nhiên’ là katheudein, được dùng trong chuyện này.

2.3. Tại Phương Đông, người chết phải đem chôn sớm

Tại Phương Đông, người chết phải đem chôn sớm vì thời tiết nóng, xác chết chóng hư. Tristram viết ‘phải chôn táng người chết trễ nhất là chiều tối hôm chết’. Vì phải chôn sớm, hôn mê lại thường xẩy ra, nên đem chôn người còn sống cũng là chuyện hay xẩy ra. Có thể đây cũng là một trường hợp, và Chúa nói đúng như người nghĩ ‘em bé chỉ ngủ thôi’.[3]

2.4.Cô bé mới 12 tuổi

Lc 8,40-42; 49-56: Cô mới 12, tuổi đang lớn, con một của Giaia Trưởng Hội Đường, thế giá, khá giả, tương lai độc nhất của gia đình… các bà khóc mướn đã túc trực… chắc Giaia phải dẹp tính kiêu căng để đến với Chúa, vì lúc đó Hội Đường đã loại Chúa ra ngoài, coi Người là kẻ phá luật. Roland, người cận vệ của Charlemagne. Ông điều khiển đội cận vệ, tại Roncesvalles ông bị người Saracens bắt. Trận chiến mỗi ngày mỗi dữ, nghiêng ngửa. Roland có cái tù và, gọi là Olivant, lấy được từ Jatmund khổng lồ, tiếng lớn đến nỗi 30 dặm cũng nghe thấy. Lớn đến nỗi khi nghe hú, chim lăn ra chết. Oliver, bạn thân, xin Roland thổi tù và để Charlemagne có thể nghe đến cứu. Lần lượt người này qụy ngã rồi người kia… chỉ còn mình Roland. Sau cùng, thấy chết đến nơi, ông mới rú tù và. Charlemagne nghe biết, vội tới, song đã quá muộn vì Roland đã chết vì quá tự mãn không chịu kêu cứu! Phải bỏ tự ái, kiêu căng và phải khiêm tốn kêu cầu, bày tỏ nhu cầu của mình… Giaia có niềm tin thật mạnh. Bất kể những nức nở than khóc của đoàn người khóc mướn. Ông và vợ theo Chúa vào phòng đứa trẻ chết, trông cậy Chúa sẽ làm phép lạ ‘bạn không biết ông Giêsu này có thể làm gì. Quả thật không ai có thể biết Chúa Giêsu có thể làm những gì.[4]

2.5.Thái độ của ông trưởng Hội Đường

Mc 5,21-24: Kỳ mục là người quan trọng, quản trị Hội Đường, quan trọng nhất, đáng kính nhất, thường không trực tiếp công việc, song trách nhiệm hết tất cả. Vậy mà ông đã:

2.5.1.Bỏ thành kiến

Ông là người Do Thái chính thống, Trưởng Hội Đường. Là kẻ coi Chúa như kẻ ngoại lai, kẻ rối, không được vào Hội Đường, vậy mà giờ đây phải chạy đến Người…

2.5.2.Quên địa vị

Trưởng Hội Đường mà đến gần, còn vội quì gối bái lạy dưới chân Chúa Giêsu, một thầy dạy lang thang. Giống quan Naaman xưa (2V 5) đến xin Êlisa chữa bệnh hủi của ông. Êlisa bảo ông xuống sông Giôđan tắm 7 lần. Xuống sông Giôđan tắm, đâu có phải là cách chữa ông bộ trưởng của Syria! Êlisa cũng không đích thân gặp Naaman mà chỉ sai người bảo Naaman! Sông Giôđan lại đâu có sạch hơn những sông tại Syria. Đấy là những điều Naaman đã nghĩ. Nhưng may thay, Naaman đã bỏ tự ái, thành kiến, quên địa vị, và nhờ đó ông được khỏi bệnh! Diogenes, phái triết gia bi quan, bị hải tặc bắt đem bán như người nô lệ. Nhìn vào những người lái buôn, thấy một người, ông nói: “hãy bán tôi cho người này, ông ấy cần một ông thầy”. Người đó mua ông về, trao việc coi nhà và dạy bảo con cái cho ông. Ông chủ nhà thường nói: “khi Diogenes vào nhà tôi, thật là một ngày tốt cho tôi”. Đúng thế, nhưng ông đã phải bỏ địa vị của mình.

2.5.3.Bỏ kiêu căng

Là một quan lớn, chủ tịch cộng đoàn, quan trọng nhất, đáng kính nhất, mà giờ đây đến xin người Nadarét giúp đỡ! Chẳng ai muốn phải nợ nần, ai ai cũng muốn tự lập, đầy đủ, thong dong… Nhưng bước đầu của người Kitô hữu là không thể không nợ Thiên Chúa.

2.5.4.Quên cả bạn bè

Làm sao bạn bè lại không chỉ trích, cười chê… và chính ông đến với Chúa Giêsu chứ không sai người nào. Có thể vì không ai đi. Có thể người nhà sẽ vội can ông đừng đến với Chúa Giêsu. Thế nhưng bất chấp tất cả, Giaia nhất quyết đến với Chúa![5]

3.Chúa chữa người đàn bà bị băng huyết

3.1.Bà là người ngoại đạo từ miền Xêdarê Philíppi

Lc 8,43-48: Bà là người ngoại đạo từ miền Xêdarê Philíppi. Eusebius, sử gia lớn của Giáo Hội (300 sau Chúa) nói bà bỏ tiền dựng tượng để ghi nhớ được khỏi bệnh trong thành phố của bà. Tượng tồn tại cho đến thời đại đế Julian. Để cố đem các thần ngoại lai về, đại đế mới truyền phá tượng bà loạn huyết đã dựng, rồi dựng tượng mình lên thay, nhưng cuối cùng chính tượng ông lại bị sấm sét của Thiên Chúa phá đổ. Bà mắc cỡ vì theo luật (Lv 15,19-33), bà bị dơ, bị loại khỏi mọi sinh hoạt của cộng đoàn. Người Do Thái đạo đức mặc áo có rèm (Nm 15,37-41; Đnl 22,12). Để nhắc nhớ họ là người của Thiên Chúa, cam kết tuân giữ luật Chúa. Nét đặc biệt là trong khi giữa đám đông mà Chúa như quên tất cả, để chỉ chú ý đến mình bà. Bà là người nghèo, không là gì, lại đang đau khổ vì loạn huyết nên có ai để ý, vậy mà Chúa để ý. Con người thường dán những nhãn hiệu vào ngưòi khác và đối xử tùy tiện. Đối với Chúa Giêsu, chẳng ai có nhãn hiệu nào, ngoại trừ mọi người có nhãn hiệu đau khổ, thiếu thốn, bệnh tật. Và mọi người đều quan trọng như nhau. Một người khách quan trọng tới thăm Thomas Carlyle. Ông đang làm việc không thể bị phiền hà, Jane, vợ ông dẫn người khách vào, hé cửa vừa đủ để ông có thể thấy hiền nhân. Thấy Carlyle đang chăm chú công việc, như quên mọi sự, phác thảo những cuốn sách làm ông nổi tiếng, Jane nói với người khách ‘đó là Tammas Carlyle mọi người đều biết, ông ấy là chồng tôi’. Bà không gọi chồng theo tước vị thiên hạ gọi, mà gọi ông theo nhãn hiệu tình yêu. Trước thế chiến II, một cô du lịch qua Georgia. Tình cờ cô gặp một bà trong túp nhà tranh nhỏ. Bà già hỏi có phải cô sẽ đi Mạc Tư Khoa không? cô đáp ‘phải’. Bà già liền nói ‘xin cô vui lòng đưa gói kẹo bơ tôi làm cho con tôi với, tại Mạc Tư Khoa, nó không có kẹo này đâu.’ Tên con bà là Joseph Stalin. Ta nghĩ một nhà độc tài một thời nắm quyền khắp nước Nga đâu có thích bánh kẹo bơ, nhưng mẹ Stalin biết. Hầu hết mọi người cho rằng bà loạn huyết có gì quan trọng, nhưng với Chúa Giêsu, bà đang cần, nên quên hết đám đông để cứu giúp bà. ‘Thiên Chúa yêu mỗi người như chỉ có mình người ấy’. Ai đã nói ‘sau khi tạo dựng một người, Thiên Chúa liền vứt khuôn mẫu đi để dựng người khác theo khuôn mẫu khác’.[6]

3.2.Bệnh băng huyết là một bệnh dơ bẩn

Mt 9,20-22: Đối với người Do Thái thì không gì ghê sợ dơ tởm cho đàn bà bằng bệnh xuất huyết. Sách Talmud nói có hơn 11 cách chữa bệnh này. Một số chữa bằng thuốc bổ và chất co rút; còn lại đều là mê tín dị đoan. Một cách chữa là mang tro trứng chim đà điểu trong bịch bằng lụa trong mùa hè, trong bịch bằng bông trong mùa đông. Cách khác là mang hạt lúa mạch thấy trong phân con lừa cái trắng.

Khi thuật lại chuyện này, Maccô cho biết, bà đã thử hết cách, chạy đến các thầy thuốc mà bệnh không khỏi, lại còn tệ hơn (Mc 5,26). Ghê sợ nhất là vì bệnh nhân bị coi là không sạch. Sách Lêvi ra lệnh ‘khi một người đàn bà bị rong huyết trong vòng nhiều ngày, ngoài thời kỳ kinh nguyệt, hoặc rong huyết quá thời kỳ kinh nguyệt, thì sự ô uế sẽ kéo dài suốt thời kỳ bị rong huyết; nó sẽ ra ô uế như trong thời gian có kinh. Mọi giường nó nằm trong suốt thời gian rong huyết, sẽ ra ô uế như cái giường trong thời gian nó có kinh; mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế, như bị ô uế trong thời gian nó có kinh. Bất cứ ai đụng vào những thứ đó, sẽ ra ô uế; nó sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều’ (Lv 15,25-27).[7]

3.3.Bà bị loại khỏi việc thờ phượng cũng như tiếp xúc với mọi người

Tất nhiên, bà bị loại khỏi việc thờ phượng cũng như tiếp xúc với mọi người. Vì thế, bà không thể lẫn lộn trong đám đông chung quanh Chúa. Dám đến trà trộn gần Chúa như thế, cho thấy bà đã tuyệt vọng đến mức nào. Bà len lỏi đến sau Chúa, rán động vào gấu áo Người. Đó là 4 tua góc gấu áo mầu xanh người Do Thái quen mặc theo sách Dân Số 15,37-42 và Đệ Nhị Luật 22,12 truyền, và Matthêu có nhắc tới Mt 14,36; 23,5. Những tua áo này mang hai ý nghĩa: để tỏ ra đó là người Do Thái, thành viên của dân được chọn; và để nhắc nhở người Do Thái, mỗi khi mặc hay cởi áo, họ thuộc về Thiên Chúa. Sau này, khi người Do Thái bị bắt bớ khắp nơi, tua áo được mang trong áo trong, và ngày nay họ mang trong khăn choàng khi cầu nguyện.

3.4.Maccô có giọng chê bai thầy thuốc

Mc 5,25-29: ở đây, Maccô có giọng chê bai thầy thuốc. Bà loạn huyết này đã tới nhiều thầy thuốc, nhưng càng tới, bà càng thấy bệnh tình tệ hơn! Có người đã nói ‘tôi thường đến các thầy thuốc, nhưng càng được các ông xức thuốc, càng xức, mắt tôi càng tệ cho đến khi mù hẳn (Tobit 2,10). Pháp sư thường nói: “phần lớn lái lừa là gian ác, lái lạc đà là cùng đinh, thủy thủ là lành mạnh, còn thầy thuốc thì tốt nhất cũng chỉ đáng hỏa ngục, đao thủ là bè lũ với Amalek”. Tuy vậy sách Sirach 38, 1-15 viết tốt về thầy thuốc. Các y sỹ bất lực không thể chữa bà loạn huyết này. Bà nghe biết về Chúa Giêsu, nhưng vấn đề là bà không thể công khai nói về bệnh tình của mình, vì thế bà quyết định đến với Chúa cách thầm lặng, Chúa là niềm hy vọng cuối cùng… chẳng ai phải đến với Chúa vì sức ép của hoàn cảnh, nhưng thực tế nhiều người lại đến với Người bằng cách ấy. Và cả đến những lúc như vậy, Chúa cũng không xua đuổi chúng ta![8]

3.5.Khi bà chạm vào Chúa, Chúa thấy có một cài gì đó khác thường

Khi bà rong huyết động tới gấu áo Chúa, trời đất như ngừng lại. Không khác đang coi phim, bỗng phim ngừng lại để chỉ thấy một màn. Đó là màn trước đám đông đang di chuyển, bỗng Chúa ngừng lại. Hình như Chúa chỉ để ý đến người đàn bà. Bà không phải là kẻ mất hút giữa đám đông, mà là người Chúa đang tìm kiếm. Đối với Người, không ai bị mất hút giữa đám đông vì Người là Thiên Chúa. W.B.Yeats viết trong giây phút thần bí: ‘tình yêu của Thiên Chúa thì vô biên cho mỗi linh hồn, vì mỗi linh là một duy nhất, không ai có thể thỏa mãn mọi nhu cầu như Thiên Chúa’. Thế gian đâu có thế; họ thường phân chia ra những hạng người quan trọng và những hạng người không quan trọng.[9]

Mc 5,30-34: Chuyện cho biết:

3.5.1.Chúa tiêu hao năng lực

“Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”. Mỗi lần chữa một người, Chúa đều thấy thế. Đây là luật chung trong cuộc sống. Không ai làm được gì nếu không tiêu hao sức lực… nhà dương cầm phải tiêu hao sức lực mới chơi hay; triết gia, nông gia, khoa học gia… muốn chữa, giúp người, ta cũng phải tiêu hao sức lực… Môsê xưa sau khi dân chúng đúc tượng bò vàng rồi thờ lạy trong khi ông ở trên núi. Ông đã xin Thiên Chúa xóa tên ông khỏi sách đáng nhớ nếu Thiên Chúa tha cho dân (Ex 32,30-32). Hãy nhớ đến Meyers làm Phaolô nói thế nào, khi thấy thế giới dân ngoại hư mất: ‘rồi, với niềm khao khát vô biên, chạy ran khắp người tôi như tiếng kèn trận – phải chết đi để cứu những người này – chết để cứu họ, hy sinh vì họ tất cả’. Sự cao cả của Chúa Giêsu là sẵn sàng trả giá để giúp con người, và cái giá đó phát xuất từ chính sự sống của Người. Chỉ có thể theo Chúa khi chúng ta sẵn sàng tiêu hao, không phải bản thân, mà cả chính linh hồn và sức lực của ta cho người khác.

3.5.2.Chúa cảm thấy một sức lực phát ra

Các môn đệ lại rất bình thường, cứ nghĩ sao Chúa có thể tránh chen lấn giữa đám đông? Ấy thế, nhưng Chúa cảm thấy rõ, là vì Chúa đã mất sức lực khi cứu chữa người ta! Một trong những thảm kịch của cuộc đời là chứng vô cảm. Ta thường vô cảm trước người khác, không hiểu họ đang trải qua những gì, vì ta không cảm thấy, không mất mát gì…

4.Bà loạn huyết thì thấy được nhẹ nhàng vì xưng thú bệnh tình

Bà loạn huyết thì thấy được nhẹ nhàng vì xưng thú bệnh tình. Thật là khó khăn, thật là bối rói, ngại ngùng. Nhưng sau khi xưng thú, bà thấy thanh thỏa nhẹ nhõm…[10]

– Trong ‘A Night to Remember’, Walter Lord kể về vụ tầu Titanic đắm tháng tư năm 1912: ‘người ta đua nhau chết một cách rùng mình ghê sợ, khi con tầu tưởng không thể chìm, đụng vào băng đá trên Đại Tây Dương. Sau khi tin thảm kịch loan ra, tờ New York, tờ American, suy tôn ông thuyền trưởng của con tầu. Ông thuyền trưởng thì chỉ nhớ đến cái chết của John Jacob Astor, một tỉ phú, và cuối cùng, hầu như chẳng may mới nhắc đến cái chết của 1.800 người khác. Chỉ có một người được nhớ tới, chỉ có một người quan trọng, đó là nhà tỉ phú, ngoài ra, 1.800 người kia chẳng là gì. Con người là như thế, còn Chúa thì không vậy.

– Bain, tâm lý gia, nói đến những điều phái khoái lạc ưa chuộng mà ông gọi là ‘cái gì cũng đầy tràn dịu dàng’ thì trong ý nghĩa thanh cao nhất, đẹp đẽ nhất, cái gì cũng dịu dàng nơi Thiên Chúa. James Agate nói về G.K.Chesterton ‘không giống những nhà tư tưởng khác, Chesterton hiểu đồng loại của mình, ông cảm thông những thống khổ của kẻ thủ đoạn cũng như nỗi ưu tư của viên quan tòa… hơn bất cứ ai tôi biết, Chesterton rất bặt thiệp. Ông để ý hết mình đến người đánh giầy, thiện cảm, dịu dàng với mọi người, biến cả thế giới thành bà con quen thuộc’. Đấy là những suy tư về tình yêu Thiên Chúa, tình yêu không bỏ ai mất hút giữa đám đông. Đây cũng là điều nhắc nhớ nhân loại thời nay, những con người cá nhân đang lâm nguy bị mất hút giữa đám đông, thành những con số trong hệ thống an ninh xã hội, những phần tử của các hiệp hội hay cộng đoàn, hầu mất hết quyền lợi cá nhân.

– W.B.Yeats nói về Augustus John, nghệ sĩ và họa sĩ thời danh ‘ông rất quan tâm chống lại những gì làm mọi người như nhau’. Với Thiên Chúa thì không ai giống ai, mỗi người là một cá biệt, là một duy nhất; mỗi người đều được hưởng toàn tình yêu, toàn quyền năng của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, bà loạn huyết này không bị mất hút giữa đám đông, ngược lại, vào lúc cần thiết, chỉ có bà là quan trọng. Mỗi người chúng ta cũng thế.[11]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

1.Người đàn bà loạn huyết và ông Giairô, trưởng Hội Đường (Mc 5,21-43)

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại hai việc làm của Đức Giêsu. Những việc này không chỉ nhằm chứng tỏ quyền năng của Chúa trên bệnh tật và sự chết, mà còn cho chúng ta thấy thái độ và lập trường của Chúa đối với những luật lệ khắt khe và khô cứng của đạo Do Thái thời bấy giờ.
2.Trước hết là việc Chúa chữa cho một người đàn bà mắc bệnh loạn huyết

Theo luật Do Thái, người nào mắc chứng bệnh này thì đương nhiên bị liệt vào hàng ô uế, cho nên không được vào Đền Thờ, không được tham dự các lễ nghi phụng tự, và cũng không được đụng tới ai vì hễ ai mà bị người ô uế đụng phải thì cũng trở thành người ô uế luôn.

Khỏi cần nói nhiều, chúng ta cũng hiểu bà này đau khổ như thế nào. Trong cơn đau khổ, bà đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là tìm cách đụng vào gấu áo Đức Giêsu. Ý định này táo bạo ở chỗ là việc đó trái lề luật, và cũng chẳng ai chịu cho bà ta đụng vào mình vì sợ bị lây nhiễm sự ô uế. Vì thế mà bà ta phải làm một cách lén lút. Dù vậy Đức Giêsu vẫn biết.

Khi Đức Giêsu hỏi “ai đã đụng đến ta?” thì bà ta sợ hãi vì thấy việc làm của mình đã bị bại lộ. Nhưng bà ta ngạc nhiên hết sức vì Đức Giêsu chẳng hề quở trách bà một lời nào, trái lại còn làm cho bà khỏi bệnh, và còn an ủi bà “con hãy đi bình an”.
3.Sang câu chuyện của ông Giairô

Ông là Trưởng Hội Đường, nghĩa là một viên chức tôn giáo, một người có trách nhiệm bảo vệ luật đạo. Trước đó ông đã đến xin Đức Giêsu đến nhà ông chữa trị cho con gái ông sắp chết. Đang khi Đức Giêsu cùng đi với ông về nhà thì xảy ra câu chuyện của người đàn bà mắc bệnh loạn huyết mà ta vừa nói ở trên. Bà này đã đụng vào Đức Giêsu nên theo luật thì Đức Giêsu đã trở thành người ô uế. Nếu Đức Giêsu mà vào nhà ông thì cũng theo luật đó, tới phiên nhà ông cũng bị lây nhiễm ô uế luôn. Và việc đó sẽ gây hậu quả to lớn bởi vì như ta đã biết, ông là Trưởng Hội Đường, nếu ông không giữ luật mà còn để nhà ông bị Đức Giêsu làm thành ô uế thì có thể ông mất chức luôn.

Đang lúc đó lại xảy thêm một diễn tiến nữa: người nhà ông chạy đến cho hay là con gái ông đã chết rồi, đừng làm phiền Đức Giêsu nữa. Trước những sự kiện dồn dập như thế, ông Giairô không còn ý định mời Đức Giêsu về nhà mình nữa. Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “đừng sợ gì cả (nghĩa là: ông đừng sợ làm phiền tôi, cũng đừng sợ bị lây ô uế), điều cần nhất là lòng tin”. Giairô đã tin Chúa, không còn ngại sợ gì nữa, mời Chúa về nhà, Đức Giêsu cầm lấy tay đưa đứa bé đã chết và truyền cho nó sống lại. Lại thêm một chi tiết đáng lưu ý: theo luật thì xác chết cũng là một thứ ô uế, ai đụng tới xác chết thì sẽ bị nhiễm ô uế. Nhưng ta đã thấy, một lần nữa Đức Giêsu đã tỏ ra bất chấp.[12]   

Chúa Giêsu đã bất chấp tất cả. Chúa chỉ cần đức tin. Đức tin của ông Trưỏng Hội Đường: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Chúa chỉ cần đức tin, một đức tin vững mạnh của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết: “hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an”.

Nhìn lại đức tin của chúng ta. Qua thái độ của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết và của ông trưởng hội đường Giairô, ta thử xét lại đức tin của chúng ta xem sao: tin khi đời sống bình an, thuận buồm xuôi gió thì chưa hẳn là đức tin thật, nó phải được tôi luyện trong đau khổ, trong khó khăn, trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên phép lạ. Hay nói đúng hơn, lúc ấy Thiên Chúa mới trợ giúp, mới cứu chữa, vì khi đó chúng ta không tin vào sức riêng mình mà tin vào Chúa, thì Chúa phải thực hiện thôi.

Như Abraham xưa, như Phêrô đi trên mặt biển, như người đàn bà và ông Giairô trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tin tưởng.
Cuộc đời của chúng ta không bao giờ hết đau khổ. Chúng ta có thể cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa cả trong đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không nhất thiết lấy đi đau khổ, nhưng cho chúng ta năng lực chuyển hoá đau khổ. Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ để linh hồn chúng ta không bị thu hẹp vào sự thụ động hoàn toàn, gần giống như những đồ vật, bị tác động nhưng không bao giờ hoạt động. Thấu hiểu chân lý này, ông Francois Mauriac đã phát biểu: “Ngài đến không phải để cất sự đau khổ mà để hiện diện với đau khổ”.

Như vậy nghĩa là Ngài đến ban đức tin cho chúng ta để chúng ta biết chịu đựng đau khổ, biết chuyển hoá đau khổ, biến nó thành phương tiện để đạt tới ơn cứu độ. Bằng không thì chúng ta chịu đau khổ một cách vô ích và những đau khổ trở nên vô nghĩa.
Những ai không có đức tin thì gặp nhiều bất lợi trước đau khổ. Họ chịu đựng đau khổ gấp ba lần: họ chịu đựng bệnh tật, họ chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật (vì đối với họ, bệnh tật chỉ là phiền toái, kết quả của một số phận mù quáng) và họ chịu đựng đau khổ vì cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Họ coi bệnh tật của họ như một việc phải chịu đựng thay vì một việc phải sống. Đời sống của họ như bị giữ chặt lại vì họ chờ đợi thụ động cho đến khi mọi việc trở lại bình thường để họ có thể bắt đầu cuộc sống trở lại. Mặt khác, các bệnh nhân có đức tin ở trong một tình thế tốt hơn. Dù đức tin không giải thoát họ khỏi bệnh tật, hoặc làm giảm bớt đau khổ do bệnh tật gây ra, người có đức tin tiếp tục sống một cách mãnh liệt như trước đây, có khi còn mãnh liệt hơn. Như vậy họ có thể tìm thấy Thiên Chúa ngay trong bệnh tật cũng như trong lúc khỏe mạnh.[13]

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.395

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.395

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.396-397

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.399

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.399-400

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.400-401

[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 397

[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 401-402

[9] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.397-398

[10] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 402

[11] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg.396-398

[12] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

[13] Flor McCarthy

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …