Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XIII , Năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XIII , Năm B, của Trầm Thiên Thu

LIÊN ĐỚI ĐỨC TIN

(Chúa nhật XIII TN, năm B)

mc5,21-43Liên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về vấn đề gì đó, đặc biệt là về trách nhiệm. Cái gì cũng có sự liên đới, không chỉ điều tốt lành mà cả sự xấu xa cũng có tính liên đới – chẳng hạn “liên đới tội lỗi”. Trong Tông thư “Sollicitudo rei Socialis” (nói về Mối Quan Tâm Xã Hội), ngày 30-12-1987, Thánh Gioan Phaolô II xác định: “Tất cả chúng ta đều thực sự chịu trách nhiệm đối với tất cả mọi người” (số 38).

Có tội thì bị phạt, có công thì được thưởng, cũng như có khởi đầu thì có kết thúc, có sinh thì có tử, có nguyên nhân thì có kết quả hoặc hậu quả – gọi là quy luật nhân quả. Và còn nhiều dạng liên đới mang hệ lụy khác nhau trong cuộc sống – đời thường và tâm linh.

  1. DƯỠNG ĐỨC TIN

Là Đấng giàu lòng thương xót (Ep 2:4), Thiên Chúa luôn luôn chạnh lòng trắc ẩn đối với người khác, vì Ngài là tình yêu và là Chúa của sự sống, Ngài chỉ có những ước muốn thánh thiện, và trao ban nhữnggì tốt lành cho mọi người: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13). Tại sao? Câu trả lời có ngay: “Vì Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1:14). Thật vậy, “đức công chính trường sinh bất tử” (Kn 1:15). Thiên Chúa tạo dựng mọi thứ tốt lành, “chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại”, thế thì độc hại ở đâu ra nếu không bởi ác quỷ và ác nhân? Cụ thể cứ nhìn vào môi trường Việt Nam ngày nay thì biết rõ.

Thiên Chúa tốt lành nên Ngài cũng muốn chia sẻ những điều thiện hảo cho chúng ta: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Ngài dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài” (Kn 2:23). Tạo Vật và thụ tạo PHẢI có sự liên đới với nhau. Người ta tạo ra cái kia hay vật nọ, nhưng không ai làm ra cái gì giống mình. Vậy mà Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, và còn phú cho bản chất thiện hảo: Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng tốt lành, “nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2:24a), và chắc chắn rằng “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2:24b). Chúng ta đã lây nhiễm điều xấu, càng sống lâu càng tội nhiều, thế nên chúng ta luôn được “cảnh báo” bằng sự chết, vậy mà vẫn không ai sợ. Phàm nhân quá bướng bỉnh và ngang tàng. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, quả thật là thế!

Mặc dù chúng ta ngang ngược hết nước hết cái, Thiên Chúa vẫn yêu thương và muốn chúng ta cải tà quy chánh, sớm trở nên những người thực sự tốt lành: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Thế nhưng chúng ta vẫn cố chấp, ngang nhiên nghe lời xúi giục của ba thù (xác thịt, thế gian, ma quỷ) mà đi vào “con đường đen” với vẻ hào nhoáng của tội lỗi. Mỗi chúng ta đều là “đại thù đệ nhất” của chính mình. Đáng sợ nhất mà cũng khó trị nhất! Vậy mà Thiên Chúa vẫn xót thương, không nỡ làm ngơ, nên Ngài lại sai Con Một Giêsu nhập thể và chịu chết để cứu độ chúng ta. Ôi, còn hạnh phúc nào hơn nữa? Vì thế, chúng ta phải “mở mắt đức tin” mà nhận diện chính mình và thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2).Đừng bao giờ thất vọng, vì Thiên Chúa đã hứa: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54:10).

Thánh Vịnh gia đã cảm nghiệm tâm linh: “Ngài đã kéo chúng ta lên từ âm phủ, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30:4). Và rồi không thể nín thinh, Thánh Vịnh gia phải lên tiếng: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Ngài” (Tv 30:5). Không cảm tạ Ngài sao được, vì Ngài quá tốt lành, vượt ngoài tầm hiểu của phàm nhân chúng ta:“Ngài nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:6). Đừng lý luận quanh co kẻo xa rời Thiên Chúa, và chớ ngu đần mà thử thách Ngài (x. Kn 1:3a).

Không vì lòng thương xót của Thiên Chúa thì chúng ta đừng hòngnhận được chi cả. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài van xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đã “bật đèn xanh”, thế nên chúng ta đừng cố chấp và cũng đừng ngần ngại cầu xin: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ” (Tv 30:11). Khúc ai ca được Chúa đổi thành vũ điệu hoan ca, và cởi áo sô mà mặc cho chúng ta lễ phục huy hoàng. Vì thế, chúng ta không thể nín lặng mà không ca ngợi Ngài:“Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30:13), đồng thời loan truyền hồng ân thương xót ấy cho mọi người cùng nhận biết.

Với kinh nghiệm bản thân từng trải, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên:“Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, anh em cũng PHẢI TRỔI VƯỢT VỀ LÒNG QUẢNG ĐẠI” (2 Cr 8:7). Tốt về lĩnh vực này thì cũng cần tốt về lĩnh vực kia. Có “máu xấu” này cũng dễ “nhiễm” thói hư khác. Mắc bệnh này rồi sẽ dễ mắc bệnh khác. Đó là dạng liên-đới-xấu. Như một hệ lụy tất yếu, người tốt lại càng thêm tốt, người xấu lại càng thêm xấu. Cuộc sống đã và đang cho thấy ai mê đắm cái gì thì sẽ “chết” vì chính cái đó. Sinh nghề, tử nghiệp. Người ta cần có niềm đam mê, nhưng nó có thể tốt hoặc xấu là do chính mình.

Để cứu vãn khỏi sự mê muội, không gì hơn là phải tin theo Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã có lòng quảng đại vô cùng.Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích: “Ngài vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9). Thật kỳ lạ!

Nói cặn kẽ hơn,Thánh Phaolô cho biết: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều” (2 Cr 8:13-14). Đó là chia sẻ, là tương thân tương ái, là bác ái, y như lời đã chép: “Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2 Cr 8:15). Đó mới là yêu thương thực sự, yêu thương triệt để, không yêu thương bằng lời nói suông mà bằng cả hành động. Hành động mới đủ sức thuyết phục và “nói” to hơn ngôn ngữ.Thể hiện yêu thương để nuôi dưỡng đức tin. Thiên Chúa rất thực tế khi Ngài đặt vấn đề: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?” (Mt 7:9). Câu hỏicủa Chúa khiến chúng ta “ái ngại” quá chừng!

  1. SỐNG ĐỨC TIN

Yêu thương thì phải thực tế, không thể nói suông, ngay cả đức tin cũng cần cụ thể – đó là sống đức tin. Chúa Giêsu thực tế trong từng lời nói, cử chỉ và hành động. Thánh sử Máccô kể rất tỉ mỉ, rõ ràng, dễ tưởng tượng ra các diễn biến từng chi tiết:Một lần nọ, Đức Giêsu xuống thuyền trở sang bờ bên kia Biển Hồ. Một đám rất đông tụ lại quanh Ngài. Chợt có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5:23). Chúa Giêsu đang vội, không rảnh, nhưng Ngài không do dự, không chần chừ, mà liền đi theo ông.

Thấy vậy, đám đông chen lấn đi theo xem sự thể ra sao. Trong đám đông đó có một phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Nghe đồn về Đức Giêsu rất kỳ lạ, bà cố lách qua đám đông, tiến đến phía sau Ngài, và sờ vào áo của Ngài, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Ngài thôi, là sẽ được cứu” (Mc5:28). Đức tin lớn quá! Và rồi lạ lùng thay, máu cầm lại tức khắc, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi ngay chứng băng huyết. Lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Ngài liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5:30). Sức mạnh vô hình rất mạnh mẽ. Phụ nữ kia có cách thể hiện đức tin cũng rất lạ lùng và mạnh mẽ.

Nghe Thầy mình hỏi ai sờ vào áo mình, chắc là các môn đệ nghĩ Thầy mình quá lẩm cẩm và ngây ngô hết sức, thảo nào họ hỏi lại Ngài: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?”(Mc 5:31) .Hỏi thế thì… “bó tay”. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó khiến bà này sợ phát run lên vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Biết không thể giấu được, bà đến phủ phục trước mặt Ngài và nói hết sự thật. Ngài nhẹ nhàng nói với bà: “Này bà, LÒNG TIN của bà đã CỨU CHỮA bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34).Mắc chứng nan y mà được khỏi hẳn, thế thì còn gì bằng. Bà ta sướng rơn, sướng y như người về từ cõi chết vậy. Chính ĐỨC TIN mới là điều quan trọng!

Thật vậy, Chúa Giêsu luôn đề cao đức tin. Ngài không nói Ngài chữa lành mà chính niềm tin của chúng ta khả dĩ chữa lành chúng ta – cả tâm bệnh và thể bệnh. Muốn cơ thể mạnh thì phải nuôi dưỡng nó, tinh thần cũng vậy, và đức tin cũng thế. Có cố gắng nuôi dưỡng đức tin thì chúng ta mới có đủ sức mạnh để mà sống đức tin.

Và cũng ngay lúc đó, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5:35). Nghe vậy, Đức Giêsu liền trấn an ông trưởng hội đường: “Ông ĐỪNG SỢ, chỉ cần TIN thôi” (Mc 5:36). Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh về tầm quan trọng của đức tin. Rồi Ngài không cho ai đi theo mình trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. Đến nhà ông trưởng hội đường, Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Ngài bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39). Chết mà bảo ngủ. Lạ thế nhỉ? Ông Giêsu này “tâm thần” chắc! Thế nên người taxầm xì chế nhạo Ngài. Mà chẳng ai xa lạ, chính thân nhân của Ngài cũng có lần tìm bắt Ngài vì cho rằng Ngài bị mất trí (Mc 3:21).

Mặc kệ, ai nói gì thì nói, việc Ngài thì Ngài làm. Lúc đó Ngài bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Ngài vào nơi nó đang nằm. Ngài cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mc 5:41). Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được. Ai nấyđều kinh ngạc sững sờ.Ai cũng câm như hến, chẳng dám xì xầm chi nữa. Đức Giêsu không trách họ mà chỉ nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy. Rồi Ngàicòn bảo người nhà cho con bé ăn. Ôi, Thầy Giêsu rất thực tế, rất cụ thể!

Lạy Thiên Chúa, chúng con thật đắc tội với Ngài về lối suy nghĩ thiển cận hão huyền trong trí óc nông cạn của chúng con. Cúi xin Ngài thương xót mà đại lượng ân xá, và thắp Lửa Tin Yêu trong chúng con.Xin thương mở lòng trí chúng con để chúng con cũng biết sống thực tế như Ngài, sẵn sàng hành động cụ thể theo Tôn Ý Ngài,đồng thời cũng biết dứt khoát khước từ những gì trái với Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …