Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XII Thường Niên- Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XII Thường Niên- Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 LỄ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

(Lc 1,57-66.80)

snGioanTayGiaTrong năm phụng vụ chỉ có ba lễ mừng sinh nhật, đó là ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu (25/12), sinh nhật của Đức Maria (8/9) và sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả (24/6). Cuộc đời và sứ mạng của thánh Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo Hội có lý do để sắp đặt việc mừng sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế thành Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca nói đến nghi thức cắt bì của người Do Thái, vì vậy chúng ta cần dừng lại ít phút cho phong tục này:     

1.Cắt bì, dấu chỉ thuộc về một cộng đoàn

Nhiều dân tộc dùng việc cắt bì, thường là lúc gia nhập vào cộng đoàn những người trưởng thành hoặc lúc lập gia đình. Dường như Israel đã nhận cắt bì như một tục lệ cổ xưa: nhiều bản văn rất cổ đã đề cập đến việc cắt bì và nhắc đến việc sử dụng dao cắt bằng đá (Xac 4, 24tt; Gios 5, 2-9) …Như vậy, cắt bì trước hết là một nghi thức nói lên ý nghĩa thuộc về một cộng đoan.

2.Cắt bì, dấu ch Giao Ước

Nghi thức cắt bì còn có một ý nghĩa tôn giáo nữa: người ta cắt bì do lệnh truyền của Giavê (Gios 5, 2). Cắt bì mang một ý nghĩa nhất là trong văn chương tư tế, từ khi nghi thức này trở nên dấu chỉ hữu hình của Giao Ước mà mọi con trai Do Thái phải mang trên da thịt mình sau khi sinh được tám ngày. Vì thế, máu chảy ra lúc đó (x. Xac 4. 26) thường được gọi là “máu giao ước” (ít ra trong Do Thái Giáo về sau này).

Vì có liên hệ với Abraham, cha dân tộc (St 17, 9-14; 21, 4) và đã được công bố trong Luật (Lv 12, 3), nên cắt bì là điều kiện thiết yếu để có thể cử hành lễ Vượt Qua, lúc này Israel tự hào là dân được Giavê tuyển chọn và cứu thoát (Xac 12, 44. 48). Vì bị dân ngoại cấm đoán trong thời bách hại (1Mac 1, 48), việc cắt bì đã trở nên chính dấu chỉ sự chọn lựa của dân Do Thái: kẻ thì tìm cách che giấu (1 Mac 1,15), kẻ khác lại cắt bì cho con cái dầu phải nguy hiểm đến tính mạng (1 Mac 1, 60; 2 Mac 6, 10), và họ còn cưỡng ép cắt bì cho cả những người còn do dự (1 Mac 2, 46).

3.Cắt bì tâm hồn

Dân Israel cứ tưởng rằng để được hưởng những lời hứa của Giao Ước chỉ cần cắt bì là đủ, ngôn sứ Giêrêmia là người đầu tiên nhắc cho họ biết rằng cắt bì thể xác mà nhiều dân tộc khác vẫn làm tự nó không có một giá trị nào cả (Gier 9, 24); cắt bì tâm hồn (Gier 4, 4) mới là điều quan trọng; đó là kiểu nói ẩn dụ được dùng trong nhiều trường hợp khác (6, 10; Lv 19, 23). Sách Đệ Nhị Luật cũng mời gọi cắt bì tâm hồn, nghĩa là yêu mến một mình Giavê và bác ái với anh em (Đnl 10,12-22); chính truyền thống tư tế cũng nhắc đến lời mời gọi này (Lv 26, 41; Ez 44, 7tt). Is­rael tự mình không thể thực hiện việc cắt bì tâm hồn, nhưng họ sẽ được Thiên Chúa ban trong ngày cứu độ: “Giavê sẽ cắt bì tâm hồn ngươi… để ngươi yêu mến Giavê… ngõ hầu ngươi được sống” (Đnl 30, 6). Thánh Phaolô có lý khi nhận thấy nơi bản văn này (30, 12tt) lời loan báo ơn cứu rỗi nhờ ân sủng và đức tin (Rm 10, 6tt).[1]

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca lưu ý một điều quan trọng: hết thảy mọi người đều nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên như thế nào? Vì quả thực bàn tay Chúa đã ở với nó”.

Chỉ cần đọc lại một số chi tiết nói về thánh Gioan trong Tin Mừng chúng ta thấy rõ điều này: ngay khi nhận biết sứ mạng của mình là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Gioan đã rút lui vào hoang địa, sống khắc khổ, xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của thế gian để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Ông dọn đường cho Đấng Cứu Thế, bằng việc mời gọi mọi người sám hối vì thời gian đã hết, Nước Thiên Chúa đã gần. Khi hoàn thành nhiệm vụ của mình là kẻ dọn đường để “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”, Gioan đã rút lui vào trong bóng tối. Cuối đời, Gioan cũng lãnh nhận phúc tử đạo như bao số phận đã định cho cuộc đời của các ngôn sứ.

Trong ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi con người cộng tác vào công cuộc cứu độ và chúng ta cũng cầu xin cho chính chúng ta.

– Chúng ta đang sống trong một xã hội ồn ào, náo động, giữa một xã hội luôn chạy theo chủ nghĩa “hưởng thụ”, biết noi gương thánh Gioan đi vào cầu nguyện và chay tịnh để gặp gỡ Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, bình an và hạnh phúc.

– Giữa một cuộc đầy gian nan thử thách, chúng ta biết tin thác vào Chúa và cầu xin cho những bậc làm cha, làm mẹ noi gương song thân của Thánh Gioan biết giáo dục con cái theo đường lối của Thiên Chúa và Giáo Hội, biết hướng dẫn con cái hiến thân phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân để nhiều người đón nhận Tin Mừng mà thánh Gioan đã rao giảng.

– Hiện nay còn nhiều người chưa nhận biết, khước từ và chối bỏ Thiên Chúa, chúng ta  noi gương thánh Gioan biết hy sinh, hiến thân, để trở thành những chứng nhân giới thiệu Chúa cho mọi người bằng chính đời sống yêu thương và bác ái như Chúa đã dạy.Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, trg.169-171

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN