(Dcr 12,10-11;13,1; Gl 3,26-29; Lc 9,18-24)
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
- Tin Mừng Luca 9, 18-24:
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
Suy Niệm:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay trình bày một chủ đề lớn và quan trọng Đức Giêsu là Đấng Messia. Trong bối cảnh Do Thái lúc bấy giờ, mọi người đều hướng về Đấng Messia, mong chờ một Đấng Messia đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của ngoại bang. Họ có nhiều nhận định khác nhau về Đức Giêsu “Người ta nghĩ Thầy là ai?”
Theo tin mừng Luca, người ta nghĩ rằng: Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một tiên tri thời xưa đã sống lại. Những nhận định của dân chúng đánh giá cao Đức Giêsu: Người là con người như mọi người, đồng thời là một tiên tri có thế giá, giảng dạy hấp dẫn và làm được phép lạ, ai cũng mến phục. Còn Phêrô đại diện anh em tông đồ xác định “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Sau cùng, viên sĩ quan Rôma chứng kiến Chúa chết trên Thập giá đã tuyên xưng đức tin: “Quả thật, ông này là con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Như thế chân dung đích thật của Đấng Kitô mà Đức Giêsu sắp vén mở cho các tông đồ lần đầu tiên: Đấng Kitô đau khổ hay Đấng Kitô tôi tớ.
Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa nghĩa là Ngài là Đấng Messia tôi tớ phải chết thay cho muôn người được cứu độ qua con đường phục vụ đến hy sinh thân mình, vì thế sau lời tuyên xưng của Phêrô, chính Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Dân chúng và các tông đồ đều có quan niệm không đúng về Đấng Messia. Theo họ, Đấng Messia có tính cách chính trị và không chấp nhận Đấng Messia chịa đau khổ, nên Đức Giêsu đã nghiêm cấm các tông đồ không được nói điều đó với ai, phải giữ bí mật, nếu có nói ra họ cũng không chấp nhận.
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều”. Đó là điều tất yếu thuộc trật tự thần học, thuộc chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc tử nạn không phải là một tai nạn mà cuộc phục sinh sẽ đền bù. Nhưng là dự phần vào việc cứu độ nhân loại. Chính Đức Giêsu sẽ nói với hai môn đệ trên đường Emmaus “cái tất yếu này”: “Nào Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,25).
Con đường Thập Giá, hy sinh, quên mình và phục vụ của Đức Kitô cũng là con đường của người môn đệ, những người theo Đức Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đó là con đường Đức Kitô đã đi và là con đường biến đổi đau khổ Thập giá trở thành Thánh Giá cứu độ.
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2 nhắc nhở dân thành Galat rằng: “Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, anh em đã mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27). Mặc lấy Đức Kitô là mang lấy Thánh Giá, là bước vào con đường thập giá giống như Ngài. Đau khổ của cây thập giá tự bản chất là hình phạt của tội (St 3,16-19). Nhưng qua Đức Kitô, đau khổ của thập giá đã trở nên giá cứu chuộc nhân loại.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, linh mục ghi dấu thánh giá trên trán người được Rửa tội. Đây là việc thực hành mà Giáo hội mượn từ quân đội Rôma. Khi một người trở thành lính Rôma anh ta được đóng ấn dấu hiệu của hoàng đế trên trán để chứng tỏ từ nay anh phải phục tùng hoàng đế Rôma. Dấu thánh giá ghi trên trán người Kitô hữu là dấu chỉ của người Kitô hữu thuộc về Đức Kitô, mang lấy Thánh Giá như Đức Kitô và phải phục tùng Đức Kitô, phục tùng Thiên Chúa.
Thành Giá luôn hiện diện khắp nơi trong xã hội, gia đình và cuộc sống của người Kitô hữu. Thập giá không chỉ là những khó khăn, bổn phận nặng nề, những thất bại, bệnh tật, tai ương hoạn nạn… Thập Giá mà Chúa Giêsu muốn đề cập là sự chọn lựa từ bỏ mình để hoàn toàn cho thánh ý Chúa: từ bỏ ích kỷ, tự ái, kiêu căng, hận thù… để thực thi thánh ý Thiên Chúa. Nghĩa là nói không với chính mình và nói có với Thiên Chúa, như Đức Kitô đã tự hủy mình để hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa Cha hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại: “Mọi sự đã hoàn tất…”
Người Kitô hữu tôn kính Thánh Giá, nhưng không yêu mến thánh giá, hay trốn tránh thánh giá cuộc đời, muốn được thêm mà không dám từ bỏ, hy sinh, muốn làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa. Phải vác thập giá, từ bỏ mình như Đức Kitô, chúng ta mới trở nên môn đệ Đức Kitô, vì Thánh giá là dấu chỉ của người Kitô hữu.
Hãy vác Thánh giá như Đức Kitô và với sự trợ giúp của Ngài chúng ta mới vượt qua mọi khó khăn gian khổ để trung thành với Chúa. Đức Kitô vác thánh giá vì yêu chúng ta. Người tín hữu vác thánh giá của mình và của anh em vì yêu mến Đức Kitô. Chính qua con đường từ bỏ chính mình và chấp nhận đau khổ mà chúng ta “cứu được mạng sống mình”.
LM.GIUSE NGUYỄN VĂN NAM