Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI TN A – LỄ CHÚA BA NGÔI CỦA TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI TN A – LỄ CHÚA BA NGÔI CỦA TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

MỘT CHÚA BA NGÔI

(Ga 3, 16 -18)

 

imagesKính thưa quý vị, thưa các bạn! Chúng ta đang sống trong bầu không khí nhờ lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Điều nầy có nghĩa là, phần đức tin của chúng ta được củng cố, được nâng đỡ, được tăng sức bởi Đức Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ơn Chúa tác động trên chúng ta không phải chỉ một ngày Lễ Chúa Thánh Thần, nhưng ơn Chúa Thánh Thần xuống đủ cho chúng ta trong một năm 365 ngày, rồi lại đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm tới chúng ta lại được ban ơn tăng sức đức tin để chúng ta được hiểu biết về Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Vì vậy, nếu Thiên Chúa không mặc khải, không tỏ lộ ra, thì chúng ta không thể hiểu biết về Thiên Chúa được. Vậy, Chúa Thánh Thần chính là ơn Mặc Khải của Thiên Chúa. Vì Ngài được mệnh danh là Đấng Thánh Hóa.

Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta một định tín về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi không phải là Ba Chúa, mà là Một Chúa Ba Ngôi. Vậy, Chúa Ba Ngôi được hiểu như thế nào? Thưa, Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Vâng, điều mầu nhiệm nầy, chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…“ (Mt 28, 19)

Chỉ có thánh sử Mat-thêu ghi rất rõ ràng về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Thực sự, Chúa Ba Ngôi không khó hiểu như chúng ta nghĩ, vì Chúa Ba Ngôi không phải là Ba Chúa, mà là sự hiệp thông của Một Chúa duy nhất, vì đây là bản tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa có nhiều mầu nhiệm, nhưng Thiên Chúa chỉ có một Bản Thể duy nhất, đó là Thiên Chúa. Nhưng Bản Thể của Thiên Chúa được mặc khải cho loài người biết là Thiên Chúa có Ba Ngôi, ngang nhau, không hơn kém, cao, thấp, nhỏ bé, khổng lồ. Tự hữu và Hằng hữu, yêu thương và vĩnh tồn, vô biên và toàn năng. Một minh họa cho dễ hiểu là: Thiên Chúa là một hình tròn, đồng tâm, nhưng bên trong hình tròn có Ba hình tam giác, dù xoay chiều nào, vẫn không thay đổi, ba hình tam giác cấu tạo nên một hình tròn, nhưng hình tròn ôm lấy ba tam giác, vì đó là một hình tròn. Ba hình tam giác ấy, nhân cho ba, nhân mãi vẫn là ba.

Vâng, đó là một minh họa, trong số nhiều dẫn chứng tương hợp về Chúa Ba Ngôi, để trí khôn chúng ta thỏa mãn phần nào về mầu nhiệm cao cả nầy. Một câu chuyện khuyên chúng ta đừng thắc mắc về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, mà hãy tôn thờ Ngài cho xứng hợp.

Có một lần kia, Augustino, vị thánh tiến sĩ giám mục, đang suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, ngài suy tư đến sững sờ, rồi ngài đi ra bờ biển, vừa đi vừa suy tư, thì thấy một cậu bé mục nước biển lên đổ vào những cái hang còng trên bải cát. Thánh Augustino trông thấy hình ảnh nầy và chạy đến bên cậu bé, bảo rằng: “Nầy cậu bé, tại sao cậu lại dư thì giờ mà đi làm cái việc vô ích vậy?” Cậu bé ấy cứ bình tâm tiếp tục làm công việc của mình. Đến một lúc, cậu bé mới trả lời: “Tôi làm cái việc nầy, đúng là vô ích thật! Nhưng không bằng ngài, vì ngài đang làm cái việc còn vô ích hơn tôi gấp vạn lần“. Rồi cậu bé biến mất, Augustino chợt nhận ra. Ồ! Chắc, Thiên Chúa đã gởi Thiên Thần đến để dạy cho ta biết về mầu nhiệm mà ta đang suy tư.

Câu chuyện trên thật, hư ta không biết. Nhưng, có thể dạy cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vượt quá trí khôn con người. Vì Thiên Chúa vốn là mầu nhiệm, điều gì Thiên Chúa không mặc khải, thì ta không nhận biết được. Thiên Chúa vốn siêu nhiên, đã mặc khải Đấng cứu thế Giêsu-Kitô, thì nhân loại chối bỏ, không đón nhận, Người vốn siêu nhiên, là Thiên Chúa thật, nhưng đã mặc lấy sự tự nhiên, ở với con người, vì Thiên Chúa không thể dùng sự siêu nhiên để cùng ở với tự nhiên, như vậy, thì con người không tin vào Đấng cứu thế. Khi được cho biết mầu nhiệm siêu nhiên, thì con người cũng bán tín, bán nghi. Khi Chúa Giêsu chịu tử nạn, rồi phục sinh, Người trở về nơi Người đã đến, thì Người phải ban Thánh Thần là Thần Chân Lý, đến cùng nhân loại. Như vậy, rõ ràng Thiên Chúa Đấng tạo thành trời đất có Ba Ngôi, Ngôi Cha là Đấng tác thành muôn loài. Ngôi Hai làm Người, cứu chuộc bằng cuộc tử nạn, nhưng Người là Thiên Chúa, vì vậy, nơi Người sự chết không làm chủ được, vì vậy Người phục sinh, để đem lại sự sống cho chúng ta. Nếu Chúa Giêsu-Đấng cứu chuộc không phục sinh, thì nơi Người không có giá trị cứu chuộc, còn nếu Người không tử nạn, thì làm sao có ơn cứu chuộc, vì không có phục sinh. Vậy nên chi, Đoạn Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi, giáo hội trình bày cho chúng ta thấy ý nghĩa nêu trên (Ga 3, 16 – 18)

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3, 16 -18)

Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là một cụm từ trừu tượng nữa, mà là một hình ảnh cụ thể qua Con Một của Thiên Chúa, là Đức Giêsu-Kitô. Thiên Chúa Ba Ngôi không đơn thuần chỉ là lý thuyết, mà là một hình ảnh sống động qua cuộc đời cứu thế của Đức Giêsu-Kitô. Vì mọi công việc nơi Người, không do bởi mình Người, mà là do bởi Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như thế, công cuộc tạo thành và cứu chuộc đã hoàn tất, vậy giờ đây, từ giây phút phục sinh. Đấng Bảo Trợ và Tác Sinh mà Chúa Giêsu ban tặng, là Chúa Thánh Thần đang hiện hữu với giáo hội và chúng ta, để tiếp tục sứ vụ của Ngài cho đến tận thế. Rõ ràng Ba Ngôi Thiên Chúa là một nhiệm mầu, nhưng không xa cách những kẻ tin vào Ngài. Đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng duy nhất và hằng hữu đời đời./. Amen.

15/06/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …