Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

TỘI LỖI và LÒNG THƯƠNG XÓT

ToiLoi & LTXTiếng Việt thường nói “tội tình”. Rất hay, rất thú vị, và rất… “lạ”. Vì có TỘI nên cần TÌNH, và nhờ TÌNH mà sạch TỘI (được THA). Mẫu tự T luôn có cái gì đó rất đặc biệt hơn so với các mẫu tự khác. Ví dụ, khi nhận lỗi, người ta nói: “Tại tôi hết”, hoặc “tại tôi cả”. Nói theo phong cách người Bắc, có thể là: “Tại tôi tất tần tật, tôi thật tồi tệ” (9 chữ T).

Tác giả Thánh Vịnh nói: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7). Phải chăng vì vậy mà ai sinh ra cũng khóc? Nhà cải cách John Calvin (thế kỷ 16) nhận định trong cuốn Institutes of the Christian Religion (Tóm lược về Kitô giáo): “Tất cả chúng ta đều xuất thân từ hạt giống không thuần khiết, sinh ra đã nhiễm tội lỗi rồi”.

VÌ LÀ TỘI NHÂN…

Chắc chắn ai cũng là tội nhân. Quả thật, ngay cả những người thánh thiện cũng đã từng lần mò tìm lối về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha. Những đại tội nhân “nổi tiếng” và gương mẫu về lòng sám hối là Phêrô, Maria Mađalêna (Mai-đệ-liên), Dimas (tướng cướp “tốt lành”), Augustinô, Đa-vít,…

Vua Đa-vít mê vợ của Urigia, nhà vua đã tìm cách sát hại “tình địch” để thỏa mãn nhục dục. Tội lỗi! Ông Nathan gặp vua Đa-vít và kể chuyện nhà giàu, nhà nghèo. Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận: “Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót” (1 Sm 12:5-6). Nhưng ông Nathan nói thẳng với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ítraen, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ítraen và Giuđa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa” (2 Sm 12:7-8).

Rồi ông Nathan tiếp tục hạch tội vua Đa-vít: “Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Ngài? Ngươi đã dùng gươm đâm Urigia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Urigia, người Khết, làm vợ ngươi” (2 Sm 12:9-10). Sự thật phơi bày, vua Đa-vít “ngậm tăm”, hết đường chối cãi!

Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2 Sm 12:13a). Thiên Chúa đã dùng ông Nathan làm cho vua Đa-vít tỉnh ngộ. Thật là Hồng Ân tuyệt vời! Ông Nathan nói với vua Đa-vít: “Về phía Đức Chúa, Ngài đã bỏ qua tội của ngươii; ngươi sẽ không phải chết” (2 Sm 12:13b). Ôi, Lòng Chúa Thương Xót bao la và hải hà quá đỗi! Vua Đa-vít cũng là chính mỗi chúng ta ngày nay, đã phạm tội tày trời và đáng chết, nhưng lại được tẩy sạch trong dòng Nước và Máu chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đó là Hồng Phúc!

Tác giả Thánh Vịnh nói về một mối phúc: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 32:1-2). Nhận biết mình tội lỗi thì phải thú nhận, xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi nào, và luôn tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa”. Chính Ngài đã, đang và mãi mãi tha thứ tội vạ cho chúng ta. Hãy tâm niệm: “Chính Chúa là nơi con ẩn náu, giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo. Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên những khúc ca mừng con được giải thoát” (Tv 32:5 & 7). Sự thật là thế. Được lãnh nhận đầy tràn đủ loại Hồng Ân, chúng ta phải vui mừng chia sẻ: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng! Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo!” (Tv 32:11).

Thánh Phaolô nói: “Vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy” (Gl 2:16). Điều đó chứng tỏ Đức Tin rất quan trọng. Chỉ cần chân thành tin tưởng và phó thác cho Đức Kitô thì sẽ được tha thứ tội lỗi, được công chính hóa, và được cứu độ. Luật cũng cần, nhưng chỉ là phụ. Luật có sau con người, nhằm phục vụ con người. Như người ta nói: “Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật”.

Thánh Phaolô chứng minh: “Vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” (Gl 2:19). Thánh nhân xác nhận một điều tuyệt vời, điều được coi là danh ngôn Kinh Thánh mà ngày nay thường được trích dẫn: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20a). Thánh Phaolô diễn giải thêm: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích” (Gl 2:20b-21). Chắc chắn rằng mỗi Kitô hữu cũng phải sống như vậy!

…NÊN CẦN LÒNG THƯƠNG XÓT

Cuối mỗi chục Kinh Mân Côi, Giáo hội luôn hiệp nhất cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đưa các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta cũng nhiều lần nài xin Chúa thương xót, rồi còn nhiều lần kêu cầu như vậy trong suốt mỗi 24 giờ – và suốt chuyến đời trần gian này.

Một hôm, có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình tại tư gia. Bỗng dưng xuất hiện một phụ-nữ-vốn-là-người-tội-lỗi trong thành, gái làng chơi hạng sang “nổi tiếng” cả thành phố lớn. Ả giang hồ này biết được Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu liền xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm hảo hạng. Sự xuất hiện của nữ-khách-không mời-mà-tới này thật chướng tai và gai mắt! Nếu chúng ta gặp tình huống này, hẳn chúng ta nguyền rủa không tiếc lời và xua đuổi hơn là xua tà đuổi ma.

Chắc hẳn chị cũng biết rõ mọi người nhìn chị bằng những ánh mắt sắc như dao cau. Nhưng chị mặc kệ, chị cứ lặng lẽ đứng đằng sau, sát chân Chúa Giêsu rồi khóc nức nở, chị lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên. Y như trong phim!

Và quả thật, ông Pharisêu đã mời Chúa Giêsu liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39). Nhưng Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!”. Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. Ngài điềm đạm: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” (Lc 7:41-42). Ông Simôn thản nhiên đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn” (Lc 7:43a). Câu trả lời hoàn toàn chính xác, 100 điểm! Đức Giêsu gật gù và bảo: “Ông xét đúng lắm” (Lc 7:43b).

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía người phụ nữ, nhưng lại nói với ông Simôn bằng lối tỷ giảo cấp: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi” (Lc 7:44-46). Chí lý quá, nhưng thấm thía quá, và đau quá, Chúa ơi!

Lời Chúa nói với ông Pharisêu kia cũng là nói riêng với mỗi chúng ta, vì chúng ta cũng thường có động thái như ông ta, tự cho mình là hơn người về một lĩnh vực nhỏ nào đó (chứ chưa lớn). Ngay cả trong việc đạo đức và bác ái, chúng ta cũng vẫn không chừa – thậm chí còn ích kỷ, kiêu ngạo, và ra lệnh cho Chúa ngay khi chúng ta cầu nguyện. Phải cảnh giác cao độ: Ma quỷ có thể cám dỗ bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy đạo đức. Lạy Chúa tôi!

Cả ông Pharisêu và mọi thực khách đều im thin thít, chả dám hé môi nói nửa lời! Trúng phóoc tim đen rồi còn đâu mà phân bua hoặc biện hộ!

Chúa Giêsu kết luận: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7:47). Sau đó, Ngài nói với người-phụ-nữ-tội-lỗi: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7:48). Chuyện tưởng chừng chỉ có trong cổ tích, thế mà lại hoàn toàn có thật, thật hơn cả sự thật. Lòng Chúa Thương Xót kỳ diệu quá, không ai khả dĩ hiểu thấu!

Vẫn chưa xong. Nghe Ngài nói vậy, những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (Lc 7:49). Nhãn tiền mà vẫn cứng lòng, chưa chịu tin. Nhưng Đức Giêsu xác định với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an!” (Lc 7:50). Nhờ Đức Tin mà được tha thứ và được cứu độ. Một lần nữa, Chúa Giêsu lại chứng tỏ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Đức Tin chân chính!

Lạy Thiên Chúa, xin thánh hóa chúng con, làm cho lòng đạo đức nơi chúng con đừng là giả tạo vì sự tác động của ma quỷ, để chúng con biết dành cho tha nhân những ánh mắt thiện cảm và chuyển tải lòng thương xót của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN