Lòng Thương Xót Tha Thứ Tội Khiên
(Lc 7, 36- 8, 3)
Chúa nhật XI thường niên rơi vào trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Trang Tin Mừng về người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ hôm nay như một sự trải dài về lòng thương xót vô cùng của Trái Tim Chúa. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu đối thoại với tội nhân, chúng ta vẫn quen gọi là lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói : ” Lòng thương xót của Chúa Giêsu không chỉ là một tình cảm, đó còn là một quyền năng ban sự sống, làm cho con người được phục sinh“. (Huấn đức Chúa nhật X thường niên năm 2003). Quả là lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tội nhân.
Lời Chúa Giêsu nói về người đàn bà đã mang một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm hảo hạng đến nhà ông Simon, mở ra quì dưới chân Chúa vừa xức vừa khóc nức nở đến nỗi nước mắt ướt đẫm chân Chúa, ướt rồi bà lấy tóc mình mà lau và hôn chân Chúa, thật là khó hiểu : “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít.” (Lc 7, 36-8,3)
Câu đầu Chúa Giêsu khẳng định có vẻ ngược với câu sau. Một bên, dùng tình yêu để đạt được sự tha thứ “vì bà đã yêu mến nhiều“. Bên kia cho thấy, người ta không thể thực sự yêu mến nếu không cảm nghiệm được sự tha thứ, tình yêu này được đo bằng đón nhận sự tha thứ “kẻ được tha ít“. Nói cách khác, nếu bên này, tình yêu là bước khởi đầu trong tương quan với tội lỗi, thì bên kia, ngược lại. Vậy, điều nào trước ? Tình yêu hay kinh nghiệm được tha thứ ? Để hiểu được, chắc cần phải có dụ ngôn kiểu Chúa Giêsu kể cho ông Simon.
Ông Simon trả lời : “Kẻ được ông chủ nợ tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn” (x. Lc 7,43). Tuy nhiên, dụ ngôn này dễ làm cho người ta dựa vào sự được tha thứ. Cần phải phân biệt người đã được tha và người cần được tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn có trước. Đây chính là kinh nghiệm của Đavid sau khi đã giết tướng Uria người Hittít để chiếm vợ ông. (x. 2 Sam 12, 7-10)
Đavid là một kẻ ngoại tình và đã ra lệnh giết người, nhưng dù thế chúng ta vẫn tôn kính ngài như một vị thánh vì ngài có can đảm để nói: “Tôi đã phạm tội“(). Ngài tự hạ mình trước mặt Thiên Chúa. Người ta có thể phạm sai lầm rất lớn, nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận chúng, thay đổi cuộc sống của mình và đền bù cho những gì mình đã làm.
Kinh nghiệm về sự tha thứ của Thiên Chúa bao hàm sự nhận biết, được đón nhận và dâng hiến sự thấp hèn của mình lên Thiên Chúa. Vì ai giầu có kiêu căng, thì tự mình cảm thấy không cần đến ơn tha thứ ; bởi vì họ không thấy có lợi gì. Làm sao có thể diễn tả được tình yêu đối với người chẳng cần nhận lãnh điều gì? Đó chẳng phải là kết cục khó khăn của Simon sao ? Ông hơi quá tự phụ về sự công chính và đạo đức của mình, và dường như người đàn bà tội lỗi này không ngăn cản ông đón nhận điều Chúa Giêsu muốn trao cho ông khi đến nhà ông. Chúa Giêsu nói với Simon : “Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi” lý do là vì : “bà đã yêu mến nhiều“. Và Chúa Giêsu nói với bà : “Đức tin của con đã chữa con. Con hay về bình an“. Đây chẳng phải là một hé mở cho Simon con đường để đón nhận ơn Chúa sao ?
Chỗ khác Chúa nói : “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu” (Mt 9,12). Về điều này, Thánh Ambrôsiô, Giám mục thành Milan, tiến sĩ Hội Thánh nói : “Hãy chỉ cho bác sĩ biết vết thương của bạn, bác sĩ có thể chữa bạn lành. Thậm trí nếu như bạn biết bệnh của bạn và bạn nói với bác sĩ, yêu cầu bác chữa trị, nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu bạn phải nghe lời chỉ dẫn của bác sĩ. Ambrôsiô khuyên chúng ta : Hãy lấy nước mắt mình mà rửa vết thương. Vì chính người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã từ bỏ tội lỗi mình và những quyến rũ của tội lỗi; chính bà đã thanh tẩy lỗi lầm của mình bằng chính nước mắt bà, khi lấy nước mắt mà rửa chân Chúa Giêsu. Nước mắt của lòng thống hối chừa cải chất chứa yêu thương, bà đã được tha thứ. (Thống hối, II, 8 ; SC 179)
Để cảm nghiệm và đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, con người cần phải có trái tim sẵn sàng, trong sạch và khiêm tốn. Nhờ đôi chân mà Chúa Giêsu đến gần con người. Với lòng khiêm nhường, Người đã đồng ý để bà quì xuống mà rửa chân, lấy nước mắt mình mà lau chân. Trái lại, ông Simon, tuy Chúa ở trong nhà ông, nhưng lòng ông còn ở quá xa Chúa, khi ông chứng kiến cảnh bà này đối xử với Chúa Giêsu, ông liền xét đoán và phê bình, “bà ấy là một người tội lỗi“. Bà thật can đảm đã vượt qua rào cản, giữa ô uế là (bà) và trong sạch là (Simon biệt phái), trước mặt người đời, bà làm thế vì bà cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và bà dám chắc rằng bà tin bà sẽ được.
Đón nhận một tình yêu nhưng không, để thúc đẩy kẻ có tội được tha thứ đáp trả bằng tình yêu. Nhưng kẻ được tha thứ luôn ý thức rằng tình yêu của bà đáp trả Thiên Chúa bằng chính tình yêu Thiên Chúa trao ban cho bà khi Người thứ tha lúc bà đang là tội nhân.
Tình yêu ấy được thể hiện khi Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân là Người xóa sạch, giải thoát ta khỏi gông cùm, xiếng xích, đưa ta tới một tương lai tương sáng khi bảo : “hãy đi!” Người mời gọi chúng ta ra đi mà không cần đáp trả khi thêm vào thêm vào: “Con hãy đi bình an” (nghĩa là bước đi trên đường công chính). Tội lỗi là phản nghịch của con người với Thiên Chúa, công chính là hòa bình với Thiên Chúa. “Con hãy đi bình an” cũng có thể nói rõ rằng, “hãy làm tất cả những gì có thể để dẫn tới sự bình an với Thiên Chúa“.
Đến đây chúng ta có thể khẳng định mà không lầm rằng : Kết quả của tình yêu là sự sống! Lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho con người sự sống, phục sinh con người từ cõi chết. Chúa luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Vậy, chúng ta đừng ngại đến với Chúa, Đấng có một trái tim nhân hậu. Nếu chúng ta bày tỏ với Người những vết thương trong lòng mình, tội lỗi của mình, Người luôn tha thứ cho chúng ta. Xin Đức Maria, Nữ Vương của Lòng Thương Xót cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ