Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Đừng Có Vô Cảm

( Lc 7, 11-17)

 lc71117Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của Năm Thánh Lòng Thương Xót, Năm mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta “xóa bỏ sự thờ ơ, vô cảm, đánh mất cảm xúc …” (x.Misericordiae Vultus số 15).

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót“. Ngài cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!

Nhân loại đang sống trong một thế giới với các phương tiện hiện đại tân kỳ. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, người ta đang cố gắng tạo ra rô-bốt thật giống người hơn để giúp con người trong các việc nặng nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều, trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chíp “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh.  

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình. Thấy Chân, Thiện, Mỹ mà không ngưỡng mộ. Gặp cảnh bi thương lại thờ ơ, không động lòng thương xót, không rung động tâm can. Giá trị đạo đức bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật và cá nhân chủ nghĩa, dẫn đến “bệnh vô cảm“. Bệnh này thể hiện ở chỗ, không động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là xác khô của một cỗ máy?

Lời Chúa hôm nay vang lên như tiếng chuông báo động về lòng thương xót :  “Vừa thấy bà, Chúa liền động lòng thương xót: bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Một Thiên Chúa động lòng thương xót khi thấy đám đông đi theo mình và đã làm phép lạ để nuôi sống nhiều ngàn người ăn. Chúa chạnh lòng thương chữa lành những người mang bệnh hoạn tật nguyền. Chúa động lòng thương khi thấy đứa con trai hoang đàng của mình trở về. Và trong đoạn Tin Mừng hôm, Chúa Giêsu đã cảm động khi thấy bà góa bên cạnh quan tài của con một đã chết. Cảm thông với nỗi đau khổ của người đàn bà góa, Chúa bảo bà: “Bà đừng khóc nữa“(Lc 7,13), làm cho bà đầy hy vọng.

Lòng thương xót vô điều kiện, bằng chứng là không ai xin Chúa và Chúa cũng không đòi hỏi lòng tin nơi người được chữa lành, hay nơi những người liên quan. Chỉ đơn thuần trên đường đi, Chúa Giêsu bà đang đi chôn cậu con trai yêu quí Chúa đã ra tay phục sinh cho con của bà.

Chúa thấy hoàn cảnh của bà thật đáng thương. Đáng thương vì chồng bà mất sớm, khiến bà trở nên mẹ góa con côi. Đáng thương hơn nữa, vì giờ đây đứa con trai duy nhất của bà cũng bỏ bà ra đi vĩnh viễn. Bà lâm vào cảnh “Tre già phải khóc măng non”, và thành người bơ vơ không nơi nương tựa. Tất cả dường như sụp đổ, cuộc sống bà xem ra không còn hy vọng gì cả, bà chỉ có một niềm an ủi, một động lực để sống là đứa con thì nay niềm hy vọng cuối cùng đó cũng không còn nữa.

Sống ở trên đời,  nhiều người trong chúng ta cũng muốn lau những giọt nước mắt của tha nhân và nói với họ rằng: “Đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, các phương tiện truyền thông cho chúng ta thấy rõ những khổ đau của nhân loại, nhiều vô kể! Nếu có thể được, chúng ta sẽ nói với những người ấy rằng : “Hãy đứng dậy” (Lc 7,14). Nhưng rất tiếc chúng ta không phải là Thiên Chúa nên không thể! Tận đáy lòng, chúng muốn nói với họ:  trong lúc bị đau khổ bủa vây, hãy nhìn lên Chúa Giêsu và xin Chúa giúp!

Động lòng thương” với những người sầu khổ, là thái độ của những người nhận ra hình ảnh của mình nơi người khác thật [mong manh]. Chăm sóc vết thương của tha nhân là điều trị vết thương của chính mình. Lòng trắc ẩn trở thành một sự hiệp thông, cầu nối, thêu dệt tình bằng hữu.

Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương. Một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, hẳn không ai muốn. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương“. Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, giống cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống.

Xin Chúa cất khỏi chúng ta trái tim chai cứng và ban tặng cho chúng ta trái tim mềm mại của Chúa, trái tim biết yêu thương, để chúng ta luôn biết thổn thức, biết chạnh lòng trước những hoàn cảnh, trước những mảnh đời đau khổ và bất hạnh để ra tay trợ giúp họ. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN