“Này người thanh niên, tôi bảo anh hãy trỗi dậy”.
(1 V 17,17-24; Gl 1,11-19; Lc 7,11-17)
Tin Mừng Lc 7,11-17:
Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! “14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! “15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
Suy Niệm :
Tin Mừng ghi lại biến cố Chúa Giêsu phục sinh người con trai bà góa thành Nain, để minh chứng Ngài là Đấng Messia, là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Phép lạ này phát xuất từ con tim yêu thương của Đức Giêsu. Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp chữa lành. Ngài cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng trắc ẩn, động lòng thương trước những khổ đau của con người. Khổ đau lớn nhất trên đời là mất đi người thân trong gia đình. Người thân đây lại là người con trai duy nhất của người mẹ góa. Nỗi đau của bà mẹ góa thật là to lớn. Đức Giêsu chạnh lòng thương trước cảnh mẹ goá con côi, tre già khóc măng non. Đức Giêsu cứu sống người con trai để đem lại cho bà niềm vui hy vọng cho cuộc sống: “Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ”.
Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn tỏ bày những chân lý mạc khải sau đây:
- Đức Giêsu là Đấng Messia, là Thiên Chúa của tình thương đầy quyền năng, cảm thông trước mọi khổ đau của con người. Bản chất của Thiên Chúa là yêu thương như Thánh Gioan đã định nghĩa: ”Thiên Chúa là tình yêu”.
- Đức Giêsu có quyền trên sự sống và sự chết. Ngài là Chúa kẻ sống và kẻ chết. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tuyệt đối trên con người. Sống hay chết đều do sự an bài của Thiên Chúa: “Tứ kỳ hữu định”. Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Ngài có quyền trên sự chết. Khi Ngài phán: “Này người thanh niên”. Tôi bảo anh: “Hãy trỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.
- Đã là người ai cũng phải chết. Sống hay chết là điều rất bình thường trên cõi đời này. Sách thánh đã khẳng định: “Con người có lúc sinh, có lúc tử, vũ trụ có lúc bắt đầu, cũng có lúc kết thúc”. Thực tế cho thấy cứ 24 giờ đồng hồ qua đi thì có khoảng 300.000 người được sinh ra trong cõi đời, đồng thời có khoảng 300.000 người từ biệt cõi trần. Trước sự chết, người Kitô hữu phải luôn vui nhận theo thánh ý Chúa và tin tưởng vào Thiên Chúa, tin vào sự sống đời sau: “Chết là bước đi vào lối sống mới”. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi biết chuẩn bị để bước vào cuộc sống mai sau thật tốt đẹp: “Sống lành sẽ chết lành”.
Những bài học thực hành qua bài Tin mừng hôm nay:
- Chúa yêu thương, thông cảm, chia sẻ mọi nỗi khổ đau của con người bằng hành động cụ thể “phục sinh người thanh niên và đem trao cậu cho người mẹ”. Ở đời, nhiều khi chúng ta không biết nhạy cảm trước đau khổ, nhu cầu của anh em,,, trái tim của chúng ta có thể bị chai cứng, không còn cảm được cái khổ đau của anh em… Xin Chúa củng cố lòng mến nơi chúng ta để luôn biết yêu thương giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh.
- Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, nhất là khi gặp buồn đau, khó khăn, tai ương hoạn nạn, đau yếu bệnh tật… như trường hợp bà mẹ góa thành Nain. Đức Giêsu an ủi bà “đừng khóc nữa”. Ngài đã làm cho con bà sống lại và trao cho bà. Niềm vui sướng trở lại với bà. Người Kitô hữu không được chán nản, ngã lòng trước những đắng cay cuộc đời, vì Thiên Chúa là người Cha luôn ở với chúng ta, giúp đỡ, an ủi chúng ta.
- LM. GIUSE NGUYễN VĂN NAM