ĐỨC TIN
Tin là CHẤP NHẬN hoặc TỪ CHỐI. Nhưng đức tin vẫn cần có lý trí đúng đắn để không mê tín dị đoan hoặc tin điều mù quáng.
Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần, rất quan trọng trong đời sống con người khi còn trên đường lữ hành trần gian. Thánh Augustinô nói: “Đức tin là TIN những gì bạn không thấy, và phần thưởng của đức tin là THẤY những điều bạn tin”. Thánh Gioan Maria Vianney xác định: “Đức tin chính là lúc con người TRÒ CHUYỆN với Thiên Chúa, giống như người nói chuyện với người vậy”. Thánh Tôma Aquinô phân tích: “Công hiệu của năng lực cầu nguyện đến từ đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện có hiệu quả vẫn là do ĐỨC TIN và ĐỨC CẬY của mình”.
Về đời thường, đức tin (niềm tin, lòng tin, sự tin tưởng, kể cả sự tự tin) cũng vẫn thực sự quan trọng đối với con người. Johann Wolfgang von Goethe (1749–1832, văn sĩ, khoa học gia, kịch tác gia và họa sĩ người Đức) nói: “Có 9 điều cần thiết để sống thỏa nguyện: Đủ sức khỏe để biến công việc thành lạc thú, đủ tiền bạc để đáp ứng nhu cầu bản thân, đủ sức mạnh để chống lại và vượt qua nghịch cảnh, đủ trang nhã để thú nhận tội lỗi và bỏ chúng lại sau lưng, đủ kiên nhẫn để lao lực cho tới khi đạt được điều gì đó tốt đẹp, đủ khoan dung để thấy được điểm tốt ở hàng xóm, đủ yêu thương để khiến mình có ích cho mọi người, ĐỦ ĐỨC TIN ĐỂ BIẾN LỜI RĂN CỦA CHÚA TRỜI THÀNH HIỆN THỰC, đủ hy vọng để vứt bỏ nỗi sợ hãi bất an hướng về tương lai”.
Ngày xưa, dân Sion đã từng mất niềm tin nên đã nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” (Is 49:14). Chắc hẳn chúng ta cũng đã hơn một lần bị nao núng trước đau khổ, đã từng lung lay đức tin hoặc thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng và mất niềm tin. Tại sao? Bởi vì chúng ta nghi ngờ lòng tín thành của Thiên Chúa. Hôm nay, ngay bây giờ, hãy ghi lòng tạc dạ lời hứa của Ngài: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). Thiên Chúa là ĐẤNG TRUNG TÍN (Tv 146:6b; Dt 10:23; 2 Tx 3:3), không bao giờ sai lời.
Có tự tin mới dám thể hiện chính mình, có vững tin mới dám hành động. Khi đã có niềm tin kiên định, người ta sẽ hoàn toàn thanh thản, vô tư và vui sống, dù cuộc sống nghèo nàn và rất ư bình thường. Có Chúa là có tất cả. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62:2-3). Đức tin sẽ cứu sống chúng ta (x. Gl 3:11), và chính Chúa Giêsu đã xác định với cha của đứa bé mắc bệnh động kinh, do quỷ câm điếc ám: “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9:23).
Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Đnl 6:4; Nkm 9:6; Es 4:17; Xh 20:3; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is 43:10; Is 45:6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4), Ngài toàn năng và giàu lòng thương xót, không có thần linh nào khác ngoài Ngài. Tác giả Thánh Vịnh minh định: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng. Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang, Người là núi đá vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân” (Tv 62:6-8). Và không thể lặng im, tác giả Thánh Vịnh mời gọi mọi người cùng tín thác vào Thiên Chúa: “Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can: Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu” (Tv 62:9).
Có thể nhận biết Thiên Chúa và tin vào Ngài, đó là diễm phúc lớn. Nhưng đức tin không thể dừng lại ở mức độ đó, mà phải minh chứng đức tin: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 và 26). Đây là mức độ khó khăn hơn. Liên quan đức tin, Thánh Phaolô cho biết: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành. Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình” (1 Cr 4:1-3). Đó là cách sống đức tin sống động, tích cực chứ không thụ động.
Người ta nghĩ gì về mình, đối xử với mình thế nào, gièm pha mình điều gì,… tất cả đều không thành vấn đề. Nói như vậy không có nghĩa là bất cần, mà là đừng quá lệ thuộc vào người khác. Vấn đề quan trọng là lương tâm mình vẫn trong sạch, không lệch lạc, như Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4:4).
Triết gia Voltaire (1694-1778, Pháp quốc) nhận định: “Dư luận là con thú dữ tợn; bạn phải xích nó lại hoặc bỏ chạy thoát khỏi nó”. Quả thật không dễ đứng vững trước dư luận, vì thế chúng ta cần đủ sức mạnh và can đảm để có thể đạp trên dư luận mà sống. Thánh Phaolô nói: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1 Cr 4:5).
Trình thuật Mt 6:24-34 đề cập hai vấn đề liên quan đức tin: [1] Không Được Làm Tôi Hai Chủ, và [2] Tin Tưởng Vào Chúa Quan Phòng. Tin một chủ chứ không tin hai chủ. Tình trạng làm tôi hai chủ thực chất không là sự tin tưởng mà chỉ là nịnh bợ chủ này và tâng bốc chủ kia mà thôi.
Chúa Giêsu nói thẳng thắn: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em KHÔNG THỂ vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.
Tiền cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng ta phải làm chủ nó, chứ đừng để nó làm chủ mình. Tiền chỉ là tờ giấy vô tri vô giác, được quy ước bằng những con số, thế nhưng nó lại có ma lực khó có thể cưỡng lại. Chỉ vì tiền mà mọi mối quan hệ có thể gặp nguy hiểm – kể cả cốt nhục thâm tình, và cũng chỉ vì tiền mà người ta dám làm mọi chuyện tày trời. Thánh Phaolô đã xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10).
Thật lạ, con người luôn tự mâu thuẫn với chính mình, tìm cách bán thời gian để kiếm tiền, rồi lại dùng tiền để giết thời gian. Người giàu cũng khóc, có tiền thì sung sướng, thế mà sao lại khóc? O.W. Holmes nói: “Tiền bạc là phương tiện của người thông minh nhưng là mục đích của kẻ ngu dốt. Bạn đừng đặt sự tín nhiệm nơi tiền bạc mà hãy đặt tiền bạc nơi tín nhiệm”.
Tiền bạc và vật chất có liên quan cuộc sống hằng ngày, tác giả sách Châm Ngôn cầu nguyện: “Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin ĐỪNG để con túng nghèo, cũng ĐỪNG cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘Đức Chúa là ai vậy?’, hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30:7-9). Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta chân thành cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Kinh Lạy Cha, Mt 6:9-13 – bản kinh cũ là “Xin Cha cho chúng con rày hằng ngày dùng đủ”).
Cuộc sống không thể không lo, nhưng Chúa Giêsu bảo chúng ta “đừng quá lo” mà hãy tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”.
Lo thì vẫn lo, sợ thì vẫn sợ, phàm nhân là thế, cuộc đời là thế, “bể khổ trần gian” mà! Tuy nhiên, xét cho cùng thì chúng ta có lo sợ cũng chẳng thay đổi được gì, tốt nhất là tín thác vào Thiên Chúa, đó là cách sống khôn ngoan. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề để chúng ta hiểu rõ lý do và tại sao cần phải củng cố đức tin: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!”.
Chúa Giêsu vừa giải thích vừa kết luận: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Nói vấn đề này với người không có niềm tin thì chắc chắn chúng ta sẽ bị chế nhạo, bị cho là ngu xuẩn. Phải thực sự có niềm tin thì mới khả dĩ chấp nhận “nguyên tắc sống” mà Chúa Giêsu đề cập.
Có tiền mua tiên cũng được. Có tiền thì dễ tính toán, dễ ăn nói, dễ hành động, nhưng TIỀN KHÔNG LÀ TẤT CẢ. Tiền mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ, tiền mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe, tiền mua được chức tước nhưng không mua được uy tín, tiền mua được lương thực nhưng không mua được sự sống, tiền mua được bức tượng nhưng không mua được đức tin,…
Đức tin có liên quan chặt chẽ với đời sống của con người, nhưng đức tin đối lập với tiền bạc và vật chất. Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Đức tin chưa biến thành văn hóa là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư là chưa sống chân thành”. Chắc hẳn ai cũng biết rằng lo cũng chẳng được gì, lo bạc râu, sầu bạc tóc, nhưng tự thoát ra khỏi “vùng lo âu” đó không hề đơn giản. Với kinh nghiệm tín thác, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5). Sách Huấn Ca cũng căn dặn: “Hãy tin vào Người thì Người sẽ nâng đỡ con” (Hc 2:6).
Không thể diệt khổ, càng tránh né đau khổ thì càng đau khổ, muốn thoát đau khổ chỉ có cách duy nhất là đi xuyên qua đau khổ. Sách Huấn Ca lý giải về sự đau khổ: “Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2:5). Nghĩa là phải duy trì đức tin, nhờ vững tin mà người ta mới đủ sức chịu mọi đau khổ – tức là đi xuyên qua đau khổ.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của cuộc đời, xin gỡ “vòng kim cô” lo lắng trần tục để con có thể ngày đêm hướng về Ngài, “xin giúp lòng tin yếu kém của con” (Mc 9:24) để con đủ sức chiến thắng bản thân và vượt qua mọi gian khó. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU