Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VIII Thường Niên, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VIII Thường Niên, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 8C TN

Cái Xà và Cọng Rác trong Tin Mừng

(Lc 6,39-45)

lc63945bLời Chúa hôm nay cho chúng ta một nguyên tắc để sửa lỗi anh em đó là bản thân mình phải tốt mới có thể sửa dạy người khác. Vì thế, kẻ muốn làm thầy người khác thì trước hết phải biết mình. Biết mình với những tật hư nết xấu để tự sửa đổi bản thân, sau đó mới có thể làm thầy, sửa dạy người khác. Nếu không biết mình để tu thân thì giống như Chúa Giêsu nói: “mù dắt mù” thì kết quả là cả hai thầy trò sẽ sa xuống hố.

Quả thật, đôi mắt của chúng ta thường dùng để nhìn người khác chứ ít khi nhìn vào mình, do đó, chúng ta ít thấy lỗi lầm của chúng ta, nhưng lại dễ dàng nhận ra những sai sót của tha nhân: “sao anh lại có thể nói với người anh em: “này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?

Đức Giêsu thật hài hước khi đưa ra hình ảnh cọng rác và cái xà. Người muốn nhấn mạnh đến mối tương quan để làm nổi bật sự lố bịch của thói xét đoán. Tính hài hước trong cách minh họa của Đức Giêsu làm cho thính giả cũng như độc giả là chúng ta phải nhìn ra tính nghiêm túc của bài học.

Chủ nghĩa giữ luật hình thức có thể che mắt người ta để rồi họ chỉ lo “xăm soi” những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác, còn chính họ lại đui mù trước những lầm lỗi nghiêm trọng của mình. Vì hình ảnh minh họa nhắm đến những người hướng dẫn đui mù, nên trước tiên áp dụng cho giới lãnh đạo, nhưng Chúa Giêsu đã dùng từ “anh em”, nên bài học này cũng áp dụng cho cả chúng ta nữa.

Điểm nhấn ở đây không phải là chuyện lên án hay moi móc những lỗi lầm của anh em. Thực ra, mỗi người cần xem xét lại cuộc đời mình để phát hiện và loại bỏ những gì là bất toàn và lỗi tội. Biết xét mình và tự phê phán là mấu chốt cho những tương quan chân thật. Nói cách khác, tương quan của chúng ta thường là giả tạo.

Chúng ta đeo mặt nạ để che giấu con người thật của mình. Chúng ta ngụy tạo những điều chúng ta không có. Chính vì thế nhiều khi chúng ta đã muốn vùi dập người khác xuống tận bùn đen, còn bản thân chúng ta thì lại muốn được ca tụng, được vượt trổi lên đến tận mây xanh.

Sự ghen ghét làm mờ đôi mắt chúng ta. Đáng lẽ ra chúng ta phải cư xử nghiêm khác với bản thân mà rộng rãi với người khác, thì chúng ta lại hành động trái ngược lại, cư xử nghiêm khắc với người khác mà rộng rãi với chính bản thân mình.

Đáng lẽ ra chúng ta phải lấy cái xà ra khỏi mắt chúng ta trước đã, rồi mới thấy mà lấy cọng rác ra khỏi mắt anh em mình, thì trái lại, chúng ta chỉ thấy cái rơm, cái rác trong mắt anh em, mà quên đi cái xà còn đang nằm ở trong con mắt của mình. Vì thế, điều quan trọng đó là phải biết nhìn nhận những sai lỗi khuyết điểm của mình, để rồi cố gắng uốn nắn, nỗ lực sửa đổi, nhờ đó thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời.

Đức Hồng Y Verdier đã chia sẻ như sau: “kể từ khi làm Tổng Giám Mục Paris, tôi đã bị thiệt mất ba điều quí giá: một là không còn được đi lại tự do, vì công việc quá nhiều;

hai là không có bạn bè, vì ai cũng sợ làm mất thời giờ của tôi; ba là không được nghe biết sự thật, vì kính nể nên ai cũng khen ngợi và tâng bốc tôi.”

Vì kính nể nên ai cũng khen ngợi và tâng bốc, nên Đức Hồng Y Verdier sợ không nghe được sự thật, nhất là sự thật về con người của mình. Trái lại, để thấy được con người thật của mình, nhiều khi chúng ta lại phải cần đến những người hay chỉ trích chống đối chúng ta như có có câu chuyện kể rằng:

Một ông vua kia được viên quan cận thần báo cho một tin khẩn như sau:

– Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bệnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta được yên thân rồi.

Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau:

– Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất trong nước đến chữa trị cho bệnh nhân đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách để cứu sống ông ta.

Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại:

– Thưa ngài, người này là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách chữa trị cho người đó.

Nhà vua trả lời:

– Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải lo cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như thế hơn là những người lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.

Chúng ta thường có khuynh hướng thích được khen thưởng hơn là biết lắng nghe những lời thành thật giúp chúng ta thanh luyện những tiêu cực, nhất là khi chúng ta có chút ít quyền hành. Bởi thế, muốn biết rõ mình hơn, chúng ta lại càng cần phải có những kẻ can đảm, dám nói cho chúng ta biết sự thật, biết những điều lầm lỗi, để chúng ta sửa chữa và vươn lên.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con phải là những con người biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, biết sửa đổi trước khi sửa sai người khác.

Xin cho chúng con biết nhìn ra cái xà, một cái xà to lớn đang che mắt chúng con, làm chúng con không thấy được những những khiếm khuyết, lỗi lầm của chúng con.

Xin Chúa cất khỏi con cái đà trong mắt con để con nhìn ra những cái hay cái tốt nơi anh chị em chúng con, nhờ đó, chúng con sẽ cùng nhau hăng say loan báo Tin Mừng, làm cho Nước Chúa được mau hiển trị trên thế gian này. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN