CN 7C TN
Hãy Yêu Kẻ Thù
(Lc 6,27-38)
Trong dân gian, chúng ta thấy đầy dẫy những câu chuyện hận thù, con trả thù cho cha, cha trả thù cho con, không biết bao người đã chạy theo cái kiểu thù hận chồng chất như vậy. Nếu cứ lấy hận thù đáp trả thù hận thì chẳng có thể giải quyết được gì, nhiều khi chỉ gây thêm đau thương tang tóc mà thôi. Nhưng hận thù đã có mặt khắp nơi, nó có mặt giữa anh chị em chúng ta và nó ẩn tàng ngay trong lòng chúng ta. Hận thù đã ăn sâu vào máu thịt được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Con người ngày nay sống trong một thế giới hoảng loạn của hận thù, không còn biết đi về đâu, không còn biết tin vào ai. Nhiều người đang sống trong thù hận, suy nghĩ, hành động hay lời nói chất chứa những hờn oán và nguyền rủa. Họ tìm cách phục thù sau một thời gian thù hận, cứ như thế mãi mà cũng không biết rằng mình sẽ ra sao. Họ chìm đắm trong những sầu khổ, trong những ý thức hệ, trong đấu tranh hoặc xây dựng một chủ thuyết nào đó. Họ bị mắc kẹt vào quan niệm hay những ý kiến riêng tư mà quên rằng những điều đó chỉ mang đến những đau khổ mà thôi.
Trong lịch sử nhân loại hận thù đã mang đến cho loài người biết bao đau thương chết chóc, không chỉ trong phạm vi cá nhân, mà nhiều khi cho cả một tập thể lớn rộng như trường hợp của Thành Cát Tư Hãn: “Ngay sau khi đã thôn tính gần như toàn bộ Châu Á, Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tính đến các quốc gia vùng Trung Đông. Để thể hiện ý muốn của mình, ông đã gửi một món quà gồm nhiều châu báu và mỹ nữ tới Đế quốc Khwarezm, được hộ tống bởi khoảng 500 binh lính. Tuy nhiên, người Khwarezm tỏ ra không mấy thiện chí với một chủng tộc “sinh sống trong túp lều”, và họ thẳng thừng từ chối bằng cách hạ sát toàn bộ những binh lính hộ tống đoàn vận chuyển. Cho tới lúc này, Thành Cát Tư Hãn vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh, ông cho người Khwarezm một cơ hội thứ hai khi tiếp tục gửi một sứ giả đến thương lượng với họ. Và người Khwarezm đã mắc một sai lầm khủng khiếp khi gửi trả Thành Cát Tư Hãn cái đầu của vị sứ giả đáng thương này.
Để trả thù cho tất cả những nạn nhân xấu số trên, Thành Cát Tư Hãn đã phát động một cuộc thảm sát với quy mô có lẽ chỉ đứng sau cuộc thế chiến thứ hai. Bốn vị tướng xuất sắc nhất, trong đó có Bạt Tốc Đài, cùng với binh đoàn gồm 200.000 chiến binh thiện chiến đã tiêu diệt hoàn toàn một đội quân có số lượng lớn gấp năm lần. Toàn bộ đế quốc Khwarezmia bị xóa sổ, với khoảng 4.000.000 người thiệt mạng. Lịch sử mô tả rằng “ngay cả chó mèo cũng không được tha mạng”. Chưa thỏa mãn cơn giận dữ của mình, Thành Cát Tư Hãn còn cho làm chệch hướng toàn bộ những dòng sông trên lãnh thổ Khwarezmia nhằm mục đích xóa sổ hoàn toàn quốc gia này trên bản đồ thế giới.” [1]
Hậu quả của hận thù là như thế đó, nên trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta “hãy yêu kẻ thù”. Quả thật, bình thường, yêu tha nhân đã khó, bây giờ lại phải “yêu kẻ thù” làm sao chúng ta thực hiện nổi, nhưng thánh Luca đã ghi lại Lời Chúa hôm nay “hãy yêu kẻ thù”.
“Yêu kẻ thù”, nhiều khi chúng ta chỉ đơn giản nghĩ là chúng ta có thể nén giận đối với kẻ thù, nhưng theo quan điểm của Đức Giêsu thì như thế là chưa đủ. Chúng ta có thể tha thứ, không trả đũa, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Điều Chúa muốn là: “hãy yêu kẻ thù”.
Những kẻ theo Chúa không phải đồng thuận những gì đối phương đã làm cho họ, họ không phải ngưỡng mộ hay ưa thích, nhưng phải yêu mến kẻ thù.
Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải “yêu kẻ thù”
Yêu bằng tình yêu agapè chớ không phải là tình yêu Eros. Eros là thứ tình yêu vị kỷ, chỉ biết thu vào, tìm kiếm mình trong người khác. Còn Agapè là thứ tình yêu xả kỷ, vị tha, chỉ biết tìm hạnh phúc cho người khác. Đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh cho kẻ khác, quên mình, quên hạnh phúc của mình để nghĩ đến người khác. Tính ích kỷ làm cho chúng ta khép kín tâm hồn, nó dựng nên những rào cản giữa chúng ta và tha nhân. Agapè là một tình yêu rộng mở, không loại trừ. Nó không phải là tình yêu thương chỉ dành cho những người thân thuộc nhưng cho tất cả mọi người, xấu cũng như tốt. Nó không phải là tình yêu theo bản năng, ưa thích những gì tốt đẹp nơi người khác, mà là sẵn lòng vươn tới tha nhân, hành động chỉ vì lợi ích của tha nhân.
Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em (Lc 6,27-28).
Nói như thế là Người đã gợi lên trong chúng ta một ý niệm hoàn toàn mới về sự đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu sẽ chẳng là gì nếu không hướng tới hành động. Hành động của tình yêu có khi mang lại những kết quả phi thường, thậm chí có thể biến kẻ thù thành bạn hữu như có câu chuyện kể rằng:
“Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc chí hô lớn: “ta đã trả thù được rồi”.
Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đinh. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra ngay ngươi hành khuất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm.
Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra tiếp đãi kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người phụ nữ liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem vào nói: “tôi cũng đã trả thù được rồi”.
Hận thù không thể được đáp trả bằng hận thù. Hận thù phải được đáp trả bằng tình thương. Tình thương giống như miếng đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thật sự, để họ tiến lại gần nhau, kết hợp với nhau. Nó có một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ tình thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau, vượt qua không gian và thời gian. Đó chính là mục đích Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay: “hãy yêu kẻ thù”. Amen.
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Khoahoc.tv/khampha/47814