Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VII Thường Niên, năm C, của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VII Thường Niên, năm C, của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN C

1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15,45-49; Lc 6,27-38

PHƯƠNG CÁCH BIẾN THÙ THÀNH BẠN 

I- HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG : Lc 6,27-38

Lc 6,27-38(27) Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. (28) Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. (29) Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. (30) Ai xin thì hãy cho. Ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại. (31) Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. (32) Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. (33) Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ơn với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. (34) Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì ơn với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. (35) Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao. Vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác”. (36) Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. (37) Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (38) Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.

  1. Ý CHÍNH : Bài Tin mừng hôm nay là bản tóm lược các lời Đức Giê-su dạy về cách cư xử đối với kẻ thù và những kẻ gian ác, để xứng đáng làm con Thiên Chúa và được tóm lại như sau :

Hãy chúc lành để đáp lại những kẻ nguyền rủa; Hãy xin Chúa ban điều tốt lành cho những kẻ vu khống mình; Hãy dùng nhu thắng cương và lấy ơn báo óan; Hãy làm cho kẻ khác trước điều mình muốn họ làm cho mình. Hãy tỏ lòng khoan dung nhân từ đối với những kẻ vô ơn bạc ác với mình. Làm ơn và cho vay mượn mà không mong báo đền. Không xét đoán ý trái và đừng vội kết án tha nhân. Hãy quảng đại tha thứ và cho đi. Tất cả những điều tốt ấy sẽ không vô ích, nhưng sẽ được Thiên Chúa báo đền ở đời sau.

  1. CHÚ THÍCH :

C 27-28 : + Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em : Kẻ thù ở đây cụ thể là những kẻ ganh ghét làm hại ta, những người nguyền rủa, vu khống, đánh đập và tước đoạt tài sản của ta… Yêu kẻ thù không phải chỉ về phạm vi tình cảm suông, nhưng là đáp trả những việc xấu của kẻ gian ác như : Chúc lành cho kẻ nguyền rủa ta, cầu nguyện cho kẻ vu khống ta.

C 29-31 : +Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy: Đây là một nguyên tắc căn bản trong cách đối nhân xử thế. Tô-bi-a cha cũng khuyên Tô-bi-a con tương tự : “Điều con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Còn Đức Khổng Tử thì dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, thì đừng làm cho người). Lời dạy của Đức Giê-su đây lại nhấn mạnh tính tích cực : Các môn đệ cần noi gương Thiên Chúa trên trời, Đấng “luôn tỏ lòng nhân hậu đối với mọi người”. Ngay cả phường vô ơn và kẻ độc ác”, Người cũng sẵn sàng ban ơn lành cho họ nữa.

– C 35 : + Con Đấng Tối Cao : Ai đối xử khoan dung với kẻ thù như thế sẽ được gọi là “Con Đấng Tối Cao”, một danh hiệu được ban cho vị vua thuộc dòng dõi Đa-vít (x. 2 Sm 7,14). Đức Giê-su đã được sứ thần đến truyền tin cho Đức Ma-ri-a gọi bằng danh hiệu này (x. Lc 1,32). Ngòai ra, những kẻ “ăn ở thuận hòa” cũng được gọi là “con Thiên Chúa” nữa (x. Mt 5,9).

C 36-37: +Anh em đừng xét đoán… Đừng lên án… Hãy tha thứ…: Xét đoán là một hành vi nhân linh, mà mọi người cần thực hiện trong cuộc sống. Sự xét đóan khôn ngoan sẽ giúp người ta phân biệt được người tốt kẻ xấu, điều nào đúng hay sai, quan trọng nhiều hay ít, việc gì cần làm trước hay làm sau… Nếu biết xét đoán đúng và áp dụng phương pháp hữu hiệu thì mọi việc sẽ thành công. Ở đây, Đức Giê-su dạy các môn đệ : “Đừng xét đoán”, nghĩa là đừng đoán xét ý trái cách bất công cho người khác, vì việc kết án chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” vào ngày tận thế. Còn hiện tại, Thiên Chúa không phán xét và không kết tội ai, và luôn khoan dung tha thứ cho những kẻ tội lỗi có lòng sám hối ăn năn… Sau này chúng ta có được xét xử khoan dung hay không, là tùy thái độ hiện tại của ta đối với tha nhân, như lời Chúa phán : “Anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nếu biết tha thứ lỗi lầm cho anh em, như lời kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11,4).

  1. HỎI ĐÁP :

– HỎI : Khi dạy “Giơ má bên kia cho kẻ vả mặt mình, không cản nó lấy luôn cả áo trong”. Phải chăng Đức Giê-su muốn các môn đệ cứ để mặc cho kẻ gian ác lộng hành, để chúng tiếp tục làm hại nhiều người hiền lương yếu đuối ?

ĐÁP: Thực ra đây chỉ là một kiểu nói nghịch lý, được cường điệu hóa theo cách nói của người Do thái, tương tự như lời Chúa đòi người ta phải tự móc mắt, chặt tay chân, nếu các bộ phận ấy nên dịp tội cho mình (x. Mt 5,29-30). Người ta không được hiểu những lời này hoàn toàn theo nghĩa đen. Bằng chứng là lúc bị điệu ra xét xử, Đức Giê-su đã không đưa má kia cho tên thuộc hạ của thượng tế Khan-na khi hắn vả mặt Người, trái lại Người hạch lại nó : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?” (Ga 18,23). Tuy vậy, Đức Giê-su luôn đòi môn đệ phải biết nhẫn nhịn chịu đựng kẻ gian ác. Có lần Người đã quở trách hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khi họ xin Thầy dùng sấm sét tiêu diệt dân làng Sa-ma-ri vì họ đã từ chối đón tiếp thầy trò vào ở trọ trong làng của họ (x Lc 9,55). Ngôn sứ I-sai-a cũng tuyên sấm về thái độ của người Tôi Trung của Đức Chúa, ứng nghiệm nơi Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn như sau : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Ở đây Đức Giê-su chỉ muốn dạy các môn đệ một phương thức đấu tranh bất bạo động : Hãy dùng tình thương để cảm hóa kẻ ác, lấy nhu thắng cương, lấy sự hiền lành chinh phục những kẻ cường bạo, theo nguyên tắc “thêm bạn bớt thù và biến thù thành bạn”, giúp cho những kẻ gian ác có cơ hội hòan lương.

II- SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38a).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) LẤY ƠN BÁO OÁN ĐỂ HOÁ GIẢI HẬN THÙ :

 MARTIN LUTHER KING là mục sư người da đen, đã chủ trương đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ bằng phương thế bất bạo động của Đức Giê-su là dùng Tình Thương để hoá giải thù hận. Câu chuyện về chú bé da đen do ông kể lại đã minh hoạ cho chủ trương tốt đẹp này của ông :

Có một chú bé da đen tên là TOM. Một hôm theo thói quen, vừa tan trường là em lại chạy đi phân phát báo cho các trường trong vùng để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Hôm ấy em lại bất ngờ bị mót tiểu dọc đường. Thay vì đi tiểu đại vào một gốc cây gần đó như mọi lần, lần này Tom lại chạy vào một nhà vệ sinh dành riêng cho người da trắng bên đường để vừa đi tiểu vừa quan sát xem nhà vệ sinh của người da trắng tốt đẹp như thế nào.

Được vào trong nhà vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, Tom cảm thấy sung sướng. Bất ngờ Tom nghe có tiếng chân người bước nhanh trên nền nhà về hướng nhà vệ sinh mà em đang ở bên trong. Chưa kịp phản ứng thì em đã bị một người đàn ông da trắng giữ chặt và đánh Tom một cái bạt tai khiến em té ngã đập đầu vào tường nhà vệ sinh đau điếng. Kèm theo cái tát là những lời nguyền rủa tên da đen đã dám vi phạm luật của tiểu bang A-la-ba-ma nước Mỹ. Theo đó thì người da đen không được phép bén mảng đến những nơi dành riêng cho người da trắng, kể cả nhà vệ sinh.

Được chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên, Martin Luther King đã khuyên nhủ bé Tom như sau :

– Cháu Tom bé nhỏ đáng thương ơi ! Cháu có thể lựa chọn một trong hai thái độ đáp trả : Một là chạy ra khỏi nhà vệ sinh, nhặt mấy cục đá bên đường ném vào đầu gã đàn ông da trắng khốn kiếp vừa ra tay đánh đập cháu, rồi chạy nhanh về khu người da đen nói với mọi người : Có ngày chúng ta sẽ cùng nhau giết sạch bọn da trắng đã dám khinh thường và đối xử bất công tàn nhẫn với người da đen chúng ta.

Hai là cháu sẽ chọn thái độ cao thượng hơn là : Cháu sẽ im lặng nhớ đến Chúa Giê-su ngày xưa, cũng đã từng bị kẻ gian ác xô té mấy lần trên đường vác thập giá lên núi sọ. Nhưng lần nào Người cũng im lặng, lại trỗi dậy để tiếp tục vác thập giá đi lên đỉnh đồi chịu chết trên cây thập giá. Người đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ hành hạ mình : Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Vậy cháu hãy tha thứ cho người da trắng đã hạ nhục cháu nhé. Tom ơi !  Trả thù là điều quá dễ, nhưng yêu thương mới là khó. Chúng ta là những người da đen Hoa- Kỳ, chúng ta muốn xây dựng ngày mai tươi sáng hơn nhưng chỉ có tình thương mới làm được việc đó cháu ạ !

Mỗi người chúng ta hôm nay cũng hãy nhớ rằng : “Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận”.

2) THA THỨ ĐỂ BIẾN THÙ THÀNH BẠN :

LEV TOLSTOY đã nói tương tự như lời Đức Giê-su dạy về sự tha thứ cho kẻ thù : “Tình yêu diệu kỳ. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống”.

 Một hiệp sỹ dũng cảm tên là HIDEBRAND bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành động trả thù của mình. Ông đã chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi để thi hành ý định. Hôm ấy ông đã thức dậy vào lúc nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết kẻ thù của ông là Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông nhìn thấy một nhà nguyện bắt đầu mở cửa. Ông liền đi vào trong đó chờ sáng. Trong lúc chờ đợi ông quan sát các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức tranh thứ nhất vẽ Đức Giê-su mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng chữ Latinh câu này : “Bị lăng nhục, Người không đáp trả bằng lăng nhục”.

Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi Người bị đánh đòn, với hàng chữ : “Khi chịu khổ đau như thế, Người đã không nói lời đe dọa”.

Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Đức Giê-su trên cây thập giá với hàng chữ : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand đã bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng không phải để chém giết nhưng để tha thứ và hoà giải với nhau. (Góp nhặt)

3) ĐỊNH LUẬT QUẢ BÁO TRONG GIAO TIẾP XÃ HỘI:

Cách đây ít lâu có một phụ nữ viết một bài đăng trên một tạp chí tôn giáo, kể lại kinh nghiệm về định luật quả báo trong quan hệ giao tiếp với tha nhân như sau:

“Tôi là một phụ nữ tuổi trung niên và tính tình khép kín. Tôi không thích giao tiếp với bất cứ ai vì sợ bị họ quấy rầy. Chính vì thế mà tôi đã sống cô đơn nhiều năm trong một căn hộ chật hẹp với số tiền trợ cấp xã hội ba tháng một lần. Thái độ khép kín đó đã làm cho tôi bị suy nhược thần kinh. Một ngày nọ tôi bị đau nặng phải đi điều trị tại một bệnh viện miễn phí. Nằm viện đã lâu mà bệnh tình cũng không thuyên giảm. Trong thời gian này tôi cảm thấy cô đơn vì không có ai đến thăm. Chỉ có cô em gái của tôi ở nước ngoài là còn nhớ đến tôi và gửi cho tôi một thùng quà kèm theo thiệp chúc mừng No-en vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh cuối năm. Rồi một ngày nọ, cô em gái duy nhất kia lại bị chết đột ngột do tai nạn giao thông. Tin này khiến cho tôi càng thêm tuyệt vọng. Một hôm, tình cờ tôi đọc được một thông báo trong tập san của bệnh viện nơi tôi đang điều trị, nội dung như sau : “Tổ chức thiện nguyện chúng tôi đang cần có thêm người tình nguyện phục vụ các bệnh nhân tê liệt tại tầng lầu ba của bệnh viện”. Thế là tôi quyết định đăng ký làm thử công việc thiện nguyện này để tránh sự nhàm chán trong lúc nhàn rỗi. Chỉ có Chúa mới biết tại sao tôi lại tình nguyện làm một việc vất vả không lương này. Nhưng theo tôi hiểu thì chắc là Người muốn dùng việc ấy để chữa lành bệnh tinh thần cho tôi.

Ngày nọ, tôi được bà trưởng hội phân công đến giúp cho một bà cụ bị tê liệt mà đã từ lâu không một thân nhân nào còn đến thăm hỏi giúp đỡ bà. Bà cụ thường tủi thân và luôn than vãn trách móc con cháu đã đối xử tệ bạc với bà. Nhận thấy cụ cần được động viên an ủi, nên tôi hay đến ngồi bên cạnh, vừa bóp tay chân cho cụ vừa lắng nghe cụ tâm sự. Mỗi lần như vậy, cụ lại có dịp kể cho tôi nghe những nỗi đau khổ mà chồng con đã đối xử tệ bạc với cụ. Một hôm tôi ghé tai khẽ nói với cụ rằng : Tôi có một bà mẹ có nét mặt phúc hậu rất giống cụ. Tôi cảm thấy yêu cụ như yêu mẹ ruột của tôi. Nghe vậy, nét mặt cụ đột nhiên biến đổi : Cụ im lặng nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi : “Có thật vậy không hả cô ?”. Tôi trả lời : “Đúng thật như vậy đó ! Con rất yêu cụ như yêu mẹ ruột của con !”. Và ngay lúc ấy, tôi cảm thấy trong người tôi một mối xúc cảm lạ lùng, nó làm biến đổi con tim vốn chai lỳ của tôi. Trước đây tôi không có thiện cảm với ai, nhưng giờ đây tôi lại thấy mọi người đều dễ thương và tôi sẵn sàng tiếp xúc với những người đau khổ để đem niềm vui và tình thương đến cho họ. Cũng từ ngày đó tôi không còn cảm thấy căng thẳng thần kinh nữa và tôi quyết định không uống thuốc chữa bệnh thần kinh  mỗi ngày như trước. Tôi ăn ngủ bình thường và lên cân. Căn bệnh suy nhược thần kinh của tôi tự nhiên biến mất. Trong lần tái khám định kỳ, bác sĩ chữa trị cho tôi tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi bình phục rất nhanh mà không cần uống thuốc mỗi ngày như trước”.

Câu chuyện nói trên cho thấy : Chính khi chúng ta thể hiện tình thương đối với tha nhân là lúc chúng ta cũng nhận được ơn chữa lành căn bệnh tinh thần của mình.

4) BIẾN THÙ THÀNH BẠN LÀ CÁCH TIÊU DIỆT KẺ THÙ HỮU HIỆU NHẤT :

Trong cuộc nội chiến tại nước Hoa Kỳ, sự hận thù giữa hai miền Nam Bắc ngày một thêm sâu đậm. Lần kia, tổng thống ÁP-RA-HAM LANH-CÔN (Abraham Lincoln) đã bị nhiều người Bắc Mỹ chỉ trích khi ông chủ trương cần đối xử khoan dung đối với đám dân nổi loạn ở miền Nam. Những người này nhắc cho Lanh-côn nhớ rằng cuộc chiến tranh giữa hai miền vẫn đang tiếp diễn. Theo họ, quân đội miền Nam là kẻ thù, và tất cả bọn họ đều cần phải bị tiêu diệt. Bấy giờ tổng thống Lanh-côn đáp : “Cách tiêu diệt kẻ thù hữu hiệu nhất chính là biến kẻ thù trở thành bạn hữu của chúng ta bằng lòng khoan dung tha thứ”.

Lời nói của Lanh-côn rất phù hợp với lời Đức Giê-su dạy trong Tin Mừng hôm nay : “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em… Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao. Vì Người nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác” (Mt 5,27-28.35).

  1. THẢO LUẬN: Chúng ta nên làm gì đối với những người đang thù ghét và nói xấu chống lại chúng ta ?
  2. SUY NIỆM :

1) ÁC GIẢ ÁC BÁO :

Người xưa có câu : “Ác giả ác báo”, “Gieo gió gặt bão” : Ai làm ác thì sẽ gặp phải điều ác. Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm óan thù. Chỉ có ánh sáng mới xoá tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới hóa giải hận thù. Nếu chúng ta không sống theo lời dạy của Chúa Giê-su để tha thứ cho tha nhân điều họ đã xúc phạm đến ta thì phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ ngày càng tăng thêm, rồi bạo lực sẽ kéo theo bạo lực và tất cả chúng ta đều bị rơi vào hố diệt vong.

2) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA LÒNG THÙ HẬN :

Một nhà tâm lý đã nói rằng : “Nếu anh nuôi lòng thù hận và muốn giết chết kẻ thù đã làm hại anh, thì anh hãy sắm sẵn hai chiếc quan tài : Một chiếc dành cho kẻ thù sắp bị anh giết chết. Còn chiếc kia sẽ dành cho chính anh. Vì anh cũng sẽ bị chết dần chết mòn do sợ hãi bị trả thù hay sợ sự trừng phạt của công lý”. Thực vậy, hận thù gây tác hại. Nó làm tổn thương về tinh thần cho người đang nuôi oán thù trong lòng. Nó còn huỷ diệt nhân cách của họ như Ba-con đã nói :  “Khi trả thù, người ta biến mình thành ngang hàng với kẻ thù. Còn khi tha thứ thì người ta sẽ vượt cao hơn kẻ thù của mình”.

3) YÊU THƯƠNG – PHƯƠNG CÁCH HỮU HIỆU ĐỂ HÓA GIẢI HẬN THÙ :

Các chuyên gia tâm lý ngày nay đều công nhận rằng : “Hận thù thì hủy diệt, còn yêu thương mới làm phát triển nhân cách con người”. Tình yêu có phép mầu để biến thù thành bạn. Áp-ram Lanh-côn (Abaham Lincon) nói : “Biến thù thành bạn, tức là ta đã tiêu diệt kẻ thù rồi vậy !”. Chính Chúa Giê-su trong Tin mừng hôm nay đã dạy chúng ta : “Anh em hãy yêu kẻ thù… Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha. Hãy cho đi thì sẽ được cho lại !” (Lc 6,35).

4) LÀM GÌ ĐỂ BIẾN THÙ THÀNH BẠN ? :

– Tìm ra nguyên nhân khiến ta bị thù ghét để khắc phục :

Hầu hết sự ganh ghét của người khác đối với ta là do nỗi sợ sẽ không còn được tôn trọng và yêu thương. Việc xác định nguyên nhân ta bị ganh ghét là bước đầu cần làm để hóa giải sự thù ghét của kẻ khác. Sự ganh ghét có thể do chúng ta có ngoại hình đep hơn; được nhiều người quý mến hơn; được cấp trên tín nhiệm và trao trách nhiệm cao hơn; được hưởng phúc lộc dồi dào hơn… Một khi đã tìm ra nguyên nhân khiến ta bị thù ghét, chúng ta sẽ khắc phục và hóa giải sự thù ghét.

– Khắc phục và hoá giải sự thù ghét bằng thực thi yêu thương :

+ Kín đáo khen ngợi những ưu điểm của đối phương :

Lời khen ưu điểm của đối phương cách tế nhị và thành thật là phương thế hữu hiệu để hóa giải hận thù và biến thù thành bạn như Tuân Tử đã nói : “Ai khen ta mà khen phải là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải là thầy ta. Ai nịnh hót ta đó chính là kẻ thù của ta vậy.”

+ Đi bước trước để làm hòa và biến thù thành bạn :

Sự xuất hiện của những người ganh ghét trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả Đức Giê-su vốn là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Lc 4,34), nhưng vẫn bị các đầu mục dân Do thái thù ghét và chỉ trích : “Ông ta là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7,34). Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta cách hóa giải những thù ghét của kẻ khác bằng cách không chấp nhất nhưng đi bước trước đến với họ và “biến thù thành bạn” bằng các phương thế như sau :

. Cầu xin Chúa ban ơn lành cho kẻ đã nói xấu và vu khống làm hại ta;

. Lấy ơn báo óan : Làm một việc tốt cho kẻ đang thù ghét ta;

. Làm ơn và cho vay mà không mong báo đền;

. Không xét đoán ý trái và không kết án tha nhân cách hồ đồ và bất công;

. Sẵn sàng tha thứ không chỉ tha bảy lần nhưng tha bảy mươi lần bảy;

. Quảng đại cho họ lời khen thành thật để động viên tinh thần và chia sẻ vật chất…

Đây là những việc sẽ khó thực hiện nếu không quyết tâm cao và không được ơn Chúa nâng đỡ trợ giúp. Khi bị người khác thù ghét nói xấu và làm hại, chúng ta cần bình tĩnh tìm cách hóa giải hận thù để nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su.

  1. NGUYỆN CẦU

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trước tha nhân, nhưng biết quảng đại mở ra, biết vươn tâm hồn lên cao, vượt qua mọi ích kỷ tầm thường của loài người, để mặc lấy tâm tình bao dung nhân hậu của Thiên Chúa. Xin cho con đủ sức vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen cùng mọi trả thù ti tiện. Xin cho con luôn giữ được tâm hồn bình thản, không để cho bất cứ yếu tố bên ngoài nào làm xáo trộn, khuấy động tâm can con.

– LẠY CHÚA. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu được những người tự nhiên con có ác cảm. Xin cho vòng tay con rộng mở để ôm cả những kẻ đang ganh ghét, vu khống và làm hại con. Nhờ đó con hy vọng sẽ được Chúa tha thứ tội lỗi và xứng đáng làm con thảo của Chúa Cha trên trời và nên môn đệ thực sự của Chúa.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …