Hãy ở nhân từ như Chúa Cha
SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – C
(Lc 6, 27-38)
Nói đến lòng nhân từ là người ta nói đến điều quý giá nhất, giá trị cốt lõi bên trong con người. “Nhân” chính là cảnh giới cao thượng của con người trên đời, là đạo lý làm người mà bất kỳ ai cũng phải tu dưỡng. Lòng nhân từ được người đời coi trọng từ trước tới nay.
Nhân từ như Chúa Cha
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ : “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Lời mời gọi ấy hướng chúng ta về với Thiên Chúa là Cha nhân từ.
Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người trừ một ai “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Lòng nhân từ của Thiên Chúa tỏ hiện cho dân Israel, và trải rộng ra tất cả những gì bàn tay Chúa tác tạo : “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).
Chúa Giêsu, lòng nhân từ của Chúa Cha
Chúa Giêsu chính là hiện thân của Chúa Cha nhân từ, là quà tặng Thiên Chúa Cha ban cho con người. Chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Cha và Chúa Giêsu là Con của Người sống nhân từ. Nhân từ thì không xét đoán, là cho đi, là thứ tha và không lên án. Chúng ta hãy ghi nhớ những lời của Chúa Giêsu khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đây chính là lòng nhân từ của Chúa Cha được thể hiện trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Chúng ta “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 1)
Hãy ở nhân từ
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “hãy ở nhân từ như Cha” (Lc 6,36) cho chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ chính là nền tảng cho đời sống của người Kitô hữu. Chúng ta cần phải thể hiện lòng nhân từ như Chúa Cha. Vì nơi lòng nhân từ của Chúa Cha, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, mà không cần hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (x. PHANXICÔ, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).
Thời Giáo Hội sơ khai, lòng nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), chia sẻ của cải (x.Cv 4,34-35), và bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), việc chôn tang người chết (x.Cv 8,2). Thánh Phêrô khuyên: “Anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9). Còn thánh Phaolô thì khuyên giáo đoàn Rôma sống bác ái thật : “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người…kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).
Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.
Giáo Phụ Hermas thành Roma giữa thế kỷ thứ II trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…”
Người Á Đông thời xưa xem “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức của con người, cũng là năm đức để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Trong năm đức ấy thì đức “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) được xếp ở vị trí đứng đầu, đủ thấy tầm quan trọng vô cùng của nó.
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, xin giúp chúng con sống nhân từ như Chúa dạy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ