(Mc 16, 15-20)
CÓ THIÊN CHÚA THÌ CÓ TƯƠNG LAI
Vâng, thưa quý vị, Mầu Nhiệm Thăng Thiên là một niềm tin tất thắng, mầu nhiệm Thăng Thiên là chóp đỉnh của sự toàn thắng bởi Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm Người. Vì mầu nhiệm Thăng Thiên biểu lộ trọn vẹn niềm tin, niềm vui cao cả nhất. Bởi vì, Đức Kitô đã chiến thắng tử thần để làm gì, nếu như Người không trở về với nguyên bản Thiên Tính của Người?
Không niềm vui nào lớn hơn niềm vui phục sinh của Đức Kitô, nhưng nếu Người ở lại mãi mãi với bản tính phàm nhân, có nghĩa là mầu nhiệm nhân tính làm người của Người thì không phải. Bởi vì, nguyên lý của Người là Thiên Tính, như vậy, mầu nhiệm Thăng Thiên là mầu nhiệm Chúa Giêsu trở về với Thiên Tính của Người.
Còn chúng ta, thưa quý vị, chúng ta sẽ làm gì với mầu nhiệm thăng thiên của mỗi người chúng ta. Vâng, bất cứ ai bước theo Chúa Kitô, được nhấn chìm trong Bí Tích Thánh Tẩy đều đước tháp nhập vào mầu nhiệm Thăng Thiêng của Chúa Giêsu. Bởi vì, Người là “ĐầU” là THỦ LÃNH, thì những kẻ theo Người cũng được tháp nhập vào mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay.
Vâng, thưa quý vị, các bạn, hình ảnh Thăng Thiên của Chúa Giêsu, mà qua Lời Tin Mừng (Mc 16, 15-20) hôm nay cho thấy một viễn cảnh của “tương lai” của chúng ta.
Vâng, mọi cuộc sống đều bắt đầu từ “tương lai”, vì không ai sống cho “quá khứ”. Nhiều người nói rằng cuộc sống đúng nghĩa là sống cho “hiện tại”. Vâng, điều đó không sai, nhưng chưa đúng, bởi vì không ai “cầm“ được thời gian, nên sự bất lực tuyệt đối và đúng sự thật là không ai làm chủ được thời gian của mình. Vì thế, sự khôn ngoan của phàm nhân là “sống cho hiện tại”. Nhưng chân lý của sự sống là “tương lai”, nếu có hiện tại đầy đủ và mãn nguyện chính là nhờ vào “quá khứ”. Vì “quá khứ” chăm chỉ thì mới có “hiện tại” an nhàn, sung sướng. mà “hiện tại” hôm nay chính là “tương lai” trong “quá khứ”.
Vâng, thưa quý ông bà, anh, chị, em, về ngôn ngữ phàm nhân, chỉ có “3 Thời” trong cuộc sống, đó là: QUÁ KHỨ – HIỆN TẠI – TƯƠNG LAI. Chắc chắn không có “thời” thứ 4.
Tương lai tươi sáng hay đen tối đều hệ lụy vào hiện tại. Hiện tại, chính là nền tảng cho tương lai. Thí dụ: Ngày xưa, có một cậu bé chăm chỉ, học hành, phụ giúp cha mẹ, thì ngày nay sau khi đỗ đạt thành tài thì được làm giám đốc, nuôi bản thân, gia đình cha mẹ. được nhiều người nể trọng. Như vậy, người ta nói: Có tương lai tươi sáng, nhưng quá khứ của người đó hết sức lam lũ, vất vả. Trong lúc đó, nếu là hiện tại trong quá khứ đó, người đó không cố gắng chăm chỉ, không có nhận thức bản thân cùng với sự giúp đỡ của gia đình thì làm sao người đó thành đạt.
Như vậy, tương lai là một quá trình thực thi đúng, sai, tốt, xấu mà thành. Nếu, quá khứ phấn đấu tốt, thì tương lai tươi sáng. Nếu quá khứ tồi tệ, thì tương lai đen tối. Tương lai là hệ lụy của hiện tại. hiện tại là mầm tương lai. Qúa khứ cũng chính là hiện tại, vì vậy tương lai là điều kỳ diệu đang ở phía trước. Như vậy, rõ ràng niềm tin vào Thiên Chúa qua Đấng cứu thế là một điều kỳ diệu, vì điều ấy hệ thuộc vào tương lai, vì nếu con người muốn đón nhận ơn cứu độ, mặc nhiên, họ phải tin vào Đấng Phục Sinh. Nhưng, Đấng Phục Sinh là nguyên lý siêu nhiên, vì vậy, Người phải trở về với siêu nhiên, đó là VỀ TRỜI.
Vâng, nhưng mầu nhiệm Thăng Thiên không phải là một ngày lễ, mà là một hành trình phải phấn đấu liên lỉ. Vì hình ảnh về trời của Chúa Giêsu là một biểu tượng duy nhất nơi Đấng Cứu Thế. Bởi vì, về trời theo nghĩa đen là kết thúc một hành trình làm Người của Chúa Giêsu. Mỗi một con người cũng sẽ kết thúc hành trình của mình nơi dương thế. Nhưng, chưa ai có thể biết chắc mình đã được về trời.
Rõ ràng, mầu nhiệm Thăng Thiên rất thiết thực và gần gũi với con người chúng ta. Dù muốn hay không, dù giàu hay nghèo, dù tin hay không? Con người trần gian cũng phải trở về trời. Nhưng, điều kiện duy nhất để được ở trên trời, có nghĩa là “ngự” bên hữu Thiên Chúa, thì mặc nhiên họ phải tin vào Thiên Chúa. Đó là một điều kiện duy nhất cần và đủ. Vì con người trần gian tranh đấu để làm gì? Để kiếm gì? Nếu một mai họ “nhắm mắt, xuôi tay”, thì họ sẽ đi về đâu? Tranh đấu làm điều tốt nơi dương thế, nếu điều tốt ấy thật sự hữu hiệu cho mình và tha nhân thì tốt, nhưng một mai “chết đi” ta có gì mang theo. Như vậy, thế gian thật là phù phiếm. Nhưng nếu ở thế gian không làm điều thiện thì khốn nạn hơn. Theo đó, Đức Tin là điều cần thiết biết bao! Bởi vì “ĐỨC TIN“ đem lại cho con người một cuộc sống hiện tại và tương lai tươi sáng. Đức Tin nuôi dưỡng hiện tại, và đưa con người đến sự sống vĩnh hằng.
Trở lại Tin Mừng Lễ Thăng Thiên hôm nay (Mc 16, 15-20), lời Chúa cho chúng ta một thông điệp “Truyền Giáo”, có nghĩa là mang Chúa Giêsu đến với tha nhân. Đó là ý nghĩa “Thăng thiên” tâm hồn của con người “trao” và “nhận“ Đấng Thăng Thiên. Vâng, nếu chúng ta muốn “THĂNG THIÊN“, thì không còn con đường nào khác là “TIN” vào Đấng Thăng Thiên.
Nói đến thăng thiên là nói đến thiên đàng, nói đến thiên đàng là nói đến “lòng người”. Nói, đến thiên đàng, người ta cứ nghĩ là nơi chốn trên cao, nhưng, thật ra thiên đàng chính là “lòng người”. Lòng người thiện hảo chính là thiên đàng. Thiên đàng tại thế mới có Thiên Đàng mai sau. Thiên Đàng không phải là một cuộc sống vương giả, mà là một tâm hồn thảnh thơi. Muốn có một tâm hồn thảnh thơi, thì con người cần phải “Thăng Thiên“. Thăng Thiên là lột bỏ tất cả mọi thứ ràng buộc vô bổ, biết tìm kiếm chân lý, mà chân lý vĩnh cửu là Thiên Chúa. Vì có Thiên Chúa thì có tương lai, vì tương lai thuộc về Thiên Chúa.
Lễ thăng thiên của mỗi người, phụ thuộc vào tương lai. Vì không ai biết trước được tương lai của chính mình. Vì thế, nếu chúng ta tin vào Đấng Thăng Thiên “duy nhất“ là Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ có tương lai cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng ta vậy!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con người trần thế biết nhận ra tình yêu vĩnh cửu và duy nhất nơi Thiên Chúa là Cha nhân từ, và ơn cứu chuộc nơi Con Một Chúa là Đức Giêsu-Kitô. Để mai ngày chúng con cũng được Thăng Thiên với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời./. Amen.
Phêrô Trần Đình Phan Tiến