Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 7A TN

Hãy Yêu Thương Kẻ Thù

(Mt 5,38-48)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Mt 5,38-48aHãy yêu kẻ thù (Mt 5,38-48; Lc 6,27-36) Núi Phúc Thật, tháng 6 năm 28.

1.Bộ luật Hammurabi có từ năm 2285 đến 2242 trước Chúa

Ít có nơi trong Tin Mừng nói về bản chất luân lý Kitô giáo rõ hơn ở đây. Đây là đặc tính của đời sống Kitô giáo, tư cách một người Kitô hữu. Chúa trưng luật rất xưa ‘răng đền răng, mắt đền mắt’ (luật Talionis). Luật này đã có trong luật xưa nhất đời Hammurabi. Hammurabi cai trị tại Babylon từ năm 2285 đến 2242 trước Chúa. Luật Hammurabi phân biệt trường hợp người quí phái và người lao động. ‘Nếu ai làm mù mắt người quí phái, mắt người ấy cũng phải bị móc; nếu ai gây thương tích chân tay người quí phái, chân tay người ấy cũng phải bị gây thương tích. Nếu làm người nghèo mù hay làm hại chân tay, người gây hại phải đền 1 mina bạc. Nếu làm gẫy răng một người, răng người ấy phải bị gẫy; nếu làm gẫy răng của người lao công, phải đền 1/3 mina bạc’. Nguyên tắc thật đơn sơ rõ ràng.[1]

2.Bộ luật Hammurabi ảnh hưởng trên luật Cựu Ước

Bộ Luật Hammurabi ảnh hưởng đến Cựu Ước. Sách Xuất hành dạy “nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,23-25); “Nếu ai làm cho người đồng hương phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gẫy đền chỗ gẫy, mắt đền mắt, răng đền răng; nó đã làm cho người khác mang tật thế nào, thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy” (Lv 24,19-20). Đó là những luật thường được trưng đối với những tội phạm trong Cựu Ước. Trước khi chỉ trích những luật trên, cần chú ý:

2.1.Luật Talionis, ‘mắt đền mắt, răng đền răng’ dầu sao cũng đã bắt đầu có sự thương xót

Mục đích nguyên thủy của nó là hạn chế sự báo thù. Thời xưa, những mối thù truyền kiếp mang đặc tính xã hội trong các bộ lạc. Nếu một người trong một bộ lạc bị thương, thì mọi người trong bộ lạc đó phải đi báo thù mọi người bộ lạc của người đã gây thương tích. Và báo thù mong muốn thì thường là giết chết. Luật Talionis chủ ý hạn chế sự báo thù. Đó là chỉ cho cá nhân bị báo thù, ai làm người nấy chịu. Và sự báo thù cũng không hơn sự thiệt hại đã phải chịu.[2]

2.2.Hơn nữa, không được tự ý trả thù, mà phải được quan tòa tại tòa tiểu hình hướng dẫn (Đnl 19,18)

Luật này không cho cá nhân tự ý, vì thế nhiều khi không còn hoàn toàn như luật ‘răng đền răng, mắt đền mắt’.[3]

2.3.Và cũng không được thi hành theo nghĩa đen

Giới luật sư lý luận nếu theo nghĩa đen có thể lại ngược lại sự công bằng, vì có thể nhầm mắt tốt với mắt xấu, mắt xấu với mắt tốt. Và rồi vết thương có thể đền theo giá trị tiền bạc. Luật Do Thái trong đoạn Baba Kamma cẩn thận nói về việc lượng định sự thiệt hại. Nếu một người gây thương tích cho người khác, người đó bị tính 5 tội: vết thương, sự đau đớn, việc chạy chữa, mất thời giờ, mất danh giá. Đối với vết thương, người bị thương bị coi như người nô lệ, đem ra chợ bán. Gía trị của nguời đó trước và sau khi bị thương phải được cứu xét và người gây vết thương phải chịu trách nhiệm. Đối với sự đau đớn, sự thuyên chữa, mất thì giờ, bị chế nhạo, mỗi điều phải lượng định giá trị bằng tiền để đền bù. [4]

2.4.Và quan trọng nhất là phải nhớ luật Talionis không phải là toàn thể đạo đức của Cựu Ước

Quan trọng nhất là phải nhớ luật Talionis không phải là toàn thể đạo đức của Cựu Ước. Ngược lại trong Cựu Ước đã chiếu tỏa lờ mờ và cả vẻ rực rỡ của lòng thương xót. ‘Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình’ (Lv 19,18). ‘Kẻ thù con có đói, hãy cho nó bánh ăn, nó có khát hãy cho nó uống’ (Cn 25,21). ‘Con đừng nói: “hắn đối xử với tôi ra sao, tôi xử lại với hắn như vậy’ (Cn 24,29). ‘Nó cứ đưa má cho kẻ tát, chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ’ (Ac 3,30). Cựu Ước cũng đầy rẫy lòng thương xót. Vì thế, nền đạo đức xưa dựa trên luật má đền má. Nhưng quả thật, đó là luật của lòng thương xót. Đó thật là luật cho quan án chứ không phải luật của cá nhân. Đó thật là luật không được hiểu theo nghĩa đen. Đó thật là luật của lòng thương xót. Nhưng Chúa Giêsu loại bỏ chính nguyên tắc của luật đó vì leo thang báo thù, dù được kiểm soát, hạn chế đến đâu cũng không có chỗ trong cuộc đời Kitô giáo. Vì thế, đối với người Kitô hữu, Chúa Giêsu loại bỏ luật báo thù có hạn chế xưa để đưa vào tinh thần mới, tinh thần không phàn nàn và không leo thang báo thù. Tiếp đến, Chúa đưa ra ba gương mẫu.[5]

2.5.Cũng phải nhớ, hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen là hoàn toàn không hiểu lời Người

2.5.1.Chúa nói ai vả má bên phải, hãy giơ cả má bên trái

Vả má trái người đối diện, không thể vả bằng lòng bàn tay. Mà phải vả bằng ‘mu bàn tay’; mà vả bằng mu bàn tay, theo luật Pháp Sư, là xỉ nhục hai lần. Chúa có ý bảo ‘cả khi có ai trực tiếp, cố ý khinh dể, làm sỉ nhục con, con cũng không được trả thù. Sỉ nhục dù lớn dù nhỏ, cũng không được trả thù, đó là ý Chúa muốn dạy. Chính Chúa làm gương: bị coi là tham ăn, bạn với người thu thuế, đĩ điếm… tín hữu thời sơ khai bị vu cáo là ăn thịt người, là mưu mô đốt phá, là vô luân… Shaftesbury khi xử án những người nghèo, kẻ bị áp bức, ông bị cảnh giác là sẽ không được đồng bạn tán đồng cũng như sẽ không hy vọng được lên chức tổng trưởng nội các. Khi Wiberforce khởi sự việc giải thoát nô lệ, người ta đồn rằng ông là người chồng dữ tợn, đánh vợ, đã cưới người da đen. Thỉnh thoảng trong Giáo Hội, có người bị ‘sỉ nhục’ vì đã không được mời lên bục, vì bị quên không được cảm ơn, không chu toàn nhiệm vụ. Người Kitô hữu thật, đã quên điều bị xỉ nhục, đã học nơi Thầy mình lãnh nhận bất cứ xỉ nhục nào mà không phàn nàn, hay trả thù. [6]

2.5.2.Nếu người ta có lấy áo trong thì hãy cho cả áo ngoài

Trường hợp này còn hơn là mắt đền mắt. Áo trong (chitòn), người nghèo nhất cũng có vài cái để thay đổi. Áo ngoài rộng, giống cái chăn, choàng ban ngày, ban đêm làm chăn và chỉ có một. Thực tế, theo luật Pháp Sư thì áo trong có thể bị giữ làm đồ cầm nhưng không thể giữ áo ngoài. “Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ” (Xh 22,26). Nghĩa là áo ngoài không thể bị lấy mãi mãi. Vì thế, Chúa Giêsu có ý dạy người Kitô hữu không bao giờ nghĩ đến quyền lợi của mình. Có những người luôn luôn đòi quyền lợi của mình, đặc ân của mình, sẵn sàng đem ra tòa hơn là chịu nhượng thiệt hại nhỏ nhất. Trong các giáo xứ cũng thế, đầy những người như thế. Những người như thế, cả đến bắt đầu hiểu thế nào là người Kitô hữu cũng chưa đạt tới. Người Kitô hữu không được nghĩ đến quyền lợi, đến uy thế mà phải nghĩ đến bổn phận, đến trách nhiệm. Kitô hữu là người quên quyền lợi và người tranh đấu vì quyền lợi ở ngoài hay trong Giáo Hội là người xa con đường Kitô giáo.[7]

2.5.3.Đi hai dặm

Hình ảnh này ta không biết mấy vì đó là hình ảnh của xứ bị chiếm đóng. Cưỡng bách có một lịch sử. Aggareuein là động từ do danh từ aggareus, tiếng Ba tư, có nghĩa là người đưa thư. Người Ba tư có hệ thống thư tín rất hay. Đường xá được chia ra từng chặng cho một ngày; tại mỗi chặng có đồ ăn, nước uống, có cỏ rơm cho ngựa, và có ngựa mới cho đường tiếp. Nếu thiếu những điều trên thì bất cứ cá nhân nào cũng có thể bị bắt buộc phải cung cấp, kể cả việc phải đưa thư thay. Sau cùng danh từ có nghĩa là bất cứ thứ cưỡng bách dịch vụ nào từ người thống trị. Trong xứ bị trị, công dân có thể bị cưỡng bách cung cấp đồ ăn, chỗ ở, vác đồ. Có khi người cai trị cưỡng bách cách chuyên chế vô lối hết sức. Palestin là xứ bị trị; bất cứ lúc nào, người Do Thái cũng cảm thấy mũi giáo của người Rôma kê vào vai mình. Đó là điều đã xẩy ra cho Simôn Xirênê trên đường Thập giá. Điều Chúa dạy có nghĩa là “nếu chủ người có cưỡng bách ngươi phải hướng dẫn hay mang vác một dặm, đừng cưỡng bách đi một dặm mà phải vui vẻ đi hai dặm”. “Đừng nghĩ đến quyền lợi mà phải nghĩ đến bổn phận, đến đặc ân là được phục vụ”.

Hai cách làm việc:

– tối thiểu, không hơn không kém, còn làm một cách phàn nàn, chê ghét…

– vui lòng, mỉm cười.

Làm mà còn làm tốt, tốt không ngờ, ngoài mong mỏi của mọi người. Người Kitô hữu không quan tâm đến làm như mình thích, mà quan tâm đến giúp đỡ cả khi được yêu cầu cách bất lịch sự, vô lý… vì thế trong đoạn này, với hình ảnh sống động ở Phương Đông, Chúa Giêsu đưa ra ba luật lớn: người Kitô hữu không bao giờ phàn nàn miễn cưỡng hay tìm cách leo thang trả thù

– Người Kitô hữu không bao giờ tìm kiếm bênh vực quyền lợi

– Người Kitô hữu không bao giờ nghĩ đến làm theo mình thích mà luôn nghĩ đến bổn phận giúp đỡ. Vấn đề là thêm được bao nhiêu nữa? [8]

2.6.Sau cùng Chúa Giêsu dạy phải cho

Cho chứ không lấy lại. Như Đệ Nhị Luật (15,7-11) đã dạy cứ sau 7 năm, mọi nợ nần phải được xóa bỏ. Vì thế có người khi gần đến năm thứ bảy, không muốn cho vay mượn. Cũng vì thế luật cho vay mượn Do Thái ra đời:

2.6.1.Không được từ chối cho vay mượn

‘Hãy cẩn thận, đừng từ chối việc bác ái, vì ai từ chối việc bác ái, người ấy giống kẻ thờ tượng thần’. Nếu từ chối làm việc bác ái, có ngày sẽ phải đi xin và có lẽ lại phải xin chính những người mình đã từ chối.[9]

2.6.2.Hợp nhu cầu người nhận

Đệ Nhị Luật truyền phải cho người cần bất cứ điều gì họ thiếu. Nghĩa là không chỉ cho đủ mà còn phải cho đủ để họ có thể ít nhất giữ được tiêu chuẩn và sự dễ chịu họ đã có trước. Hillel cho rằng con của người quí phái mà nghèo thì phải được cung cấp không những khỏi đói mà còn phải cho ngựa để đi và một người nô lệ chạy trước. Hillel cũng nói nếu không có nô lệ, chính ông sẽ làm người nô lệ chạy trước đó. Tư tưởng thật hay vì không chỉ giúp đỡ cho khỏi nghèo đói mà còn để đương sự khỏi cảnh hèn.

2.6.3.Riêng tư, kín đáo

Cụ thể, Pháp sư còn nói người cứu giúp phải giúp riêng tư đến nỗi không cần biết mình đã giúp ai, người nhận cũng không biết nhận từ ai. Vì thế tại Đền Thờ có những nơi khuất để làm việc này. Những quà giúp cũng được dùng thầm kín để giúp người xưa kia đã giầu sang, cho những con gái của họ của hồi môn để họ có thể lấy chồng. Người Do Thái chê ghét những của bác ái vì uy danh, công khai, tự ái.

2.6.4.Tùy tính khí người nhận

Với những người có của cải, song không biết dùng, phải giúp như quà tặng, nhưng sau được chiết vào tài sản của họ, coi quà tặng như của cho vay. Với người kiêu căng mà xin trợ giúp, Pháp sư Ishmael đề nghị là người giúp sẽ tới gặp anh và nói ‘thưa bạn, có lẽ bạn cần thuê, vay’. Như thế danh giá anh không bị tổn thương. Tuy vậy không được đòi lại của thuê vay đó, nên của giúp được coi như quà tặng. Đến nỗi, nếu không thể giúp, người đó cũng phải khéo léo từ chối để không làm tổn thương người đi vay mượn.

2.6.5.Vừa là đặc ân vừa là bổn phận

Vừa là đặc ân vừa là bổn phận, vì thực tế mọi của giúp đỡ không là gì khác hơn là làm cho Thiên Chúa. Giúp đỡ người thiếu thốn không phải là việc người ta lựa chọn mà là điều phải làm, vì nếu từ chối là chối chính Thiên Chúa. ‘Ai kết thân với người nghèo là cho Chúa mượn, Người sẽ trả ơn đó’; ‘Với những ai tỏ lòng thương xót, trời sẽ thương xót; những ai không thương xót, trời sẽ không thương xót’. Pháp Sư yêu thích tỏ ra rằng nhân hậu là một trong số ít những điều Luật không đòi giới hạn… Vậy thì phải nói rằng Chúa Giêsu dạy phải cho bất kể điều gì? Câu trả lời cần phải phân biệt. Phải tính đến hậu quả của việc cho. Nếu cho mà làm cớ cho họ tiếp tục đi ăn cắp, làm việc xằng bậy, cổ võ tính lười biếng… thì không nên. Nhưng cũng nên nhớ có người bảo chỉ giúp qua những tổ chức, đường lối công cộng chứ không giúp những trường hợp cá nhân, để rồi sau cùng chẳng cứu giúp gì cả. Trường hợp này thì thà giúp có bị lừa dối thì cũng còn hơn không giúp.[10]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Luật Talion (luật báo thù): ngày xưa dân Do Thái cũng như dân ngoại đối xử với nhau quá mức trong việc trả thù (St 4,15; 4,17-24)  (Kn 4,23-24). Nhưng khi luật Talion ra đời, luật này qui định một hình phạt tương đối với thiệt hại đã gây ra. 

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu khởi sự bằng cách trích dẫn luật cổ nhất thế gian: mắt đền mắt, răng đền răng, luật ấy gọi là  Lex talionis (luật báo thù). Nó xuất hiện trong bộ luật cổ nhất gọi là luật của Hammurabi, vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285-2242 TC. 

Luật Hammurabi phân biệt cách đối xử kỳ lạ giữa người quí phái và công nhân: nếu một người gây cho người quí phái mất con mắt thì người ấy sẽ phải mất một mắt. Nếu người ấy làm thương tật người quí phái thì người ta sẽ làm thương tật người ấy…nếu người nào làm cho người ngang hàng gẫy răng, thì người ta cũng làm cho người ấy rụng lại một răng…nguyên tắc thật rõ ràng và rất đơn giản: nếu ai làm cho người khác bị thiệt hại điều gì thì người ấy bị thiệt hại tương đương.

Luật ấy trở thành một phần nhỏ của đạo đức Cựu Ước.  

Trong Cựu Ước luật ấy được đề cập không dưới ba lần: “còn nếu có sự thiệt hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng đền mạng, lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng, lấy tai đền tai, lấy chân đền chân, lấy phỏng đền phỏng, lấy bầm đền bầm, lấy thương đền thương”(Xh 21,23-25). “Khi người nào làm thương tích  cho kẻ lân cận mình, thì người ta phải làm thương tích cho người đó lại như chính người đó đã làm, gẫy đền gẫy, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta sẽ làm cho người ấy đồng một thương tích như người ấy đã làm cho người khác”(Lv 24,19-20).“Mắt ngươi chớ có thương xót, mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (TL 19,21).

Chúng ta nhận thấy rằng luật Talion đã có sự tiến bộ. Luật này có ý  hạn chế luật báo thù. Luật qui định chỉ người gây thương tích mới bị hình phạt và hình phạt không được thái quá, mà chỉ tương đương với sự thiệt hại mà người ấy đã gây ra mà thôi.[11] 

Luật cũ cho phép báo thù, Còn Đức Giêsu nói: “còn Thầy, Thầy bảo các con: “các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”(Mt 5,43-44). 

Truyện tổng thống Nelson Mandela: ông Nelson Mandela đã trải qua 27 năm trong nhà tù Nam Phi. Sau cùng, khi ông được phóng thích, ông có đủ lý do  để trả thù những người đã cướp đoạt tự do của ông một cách bất công.

Trong cuốn tiểu sử tự thuật “hành trình đến tự do” (1994), ông nói với chúng ta: “tôi biết rằng dân chúng chờ đợi tôi nuôi dưỡng sự giận dữ  đối với người da trắng. Nhưng tôi đã không làm thế.  

Trong nhà tù, sự tức giận của tôi với người da trắng giảm xuống, nhưng lòng thù ghét hệ thống xã hội đã tăng lên. Tôi muốn thấy đất nước Nam Phi thấy tôi yêu thương  cả những kẻ thù của tôi trong khi tôi thù ghét hệ thống đã khiến chúng ta  chống đối lẫn nhau. Tôi đã thấy sứ mạng của tôi là rao giảng sự hòa giải hay chữa lành những vết thương lâu đời và xây dựng một nước Nam Phi mới”[12]

Mục sư Luther King: trong tác phẩm “chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói :”trong Tân Ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói  đó là tình yêu Thiên Chúa  được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta  đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu: “các con hãy yêu thương kẻ thù”.

Phần tôi, tôi sung sướng  vì Ngài đã không nói: ”anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em”  bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm.Tôi không thể có xúc cảm với người đang ném bom vào gia đình nhà tôi.Tôi không có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi.  Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người”[13]. Amen

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.277

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.278

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.278

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.278

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.277

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.279

[7] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.279

[8] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.280

[9] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.280-281

[10] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.282

[11] Giuse Đinh lập Liễm

[12] McCarthy,  Chúa nhật và lễ trọng năm A, trg. 359-360

[13] Casterman, chỉ có một cuộc cách mạng trg.108-109

Xem thêm

22-11-2024 9-10-55 PM

Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 23/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN