Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI TN, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI TN, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Mc 1,40-45)

Trong bài đọc thứ hai mà chúng ta vừa mới nghe, thánh Phaolo mời gọi: “Anh em hãy noi gương tôi như tôi đã noi gương Đức Kitô”. Lời dạy đó cho chúng ta hiểu rằng Đức Kitô là gương mẫu của mọi kitô hữu. Đời sống của các kitô hữu phải là đời sống theo gương Đức Kitô. Thế nhưng, vấn đề là nhiều người trong chúng ta chưa hiểu mấy về đời sống và lời dạy Đức Kitô nên rất nhiều khi chúng ta không thể theo gương Đức Kitô một cách trực tiếp mà phải đi con đường gián tiếp tức là noi gương bắt chước một vị nào hay một vị thánh nào đó để có thể mô phỏng đời sống của Đức Kitô.

Thánh Phaolo mời gọi các kitô hữu noi gương thánh nhân để sống đúng ơn gọi kitô hữu của mình và thánh Phaolo cho thấy rằng thực ra thánh nhân cũng phải bắt chước Đức Kitô mà thôi. Nói cách khác mọi kitô hữu đều được mời gọi đi theo Đức Kitô nhưng người thì hiểu biết nhiều hơn nên có thể sống Lời Chúa cách trực tiếp hơn, còn người hiểu biết ít hơn nên cần phải qua một trung gian để hiểu và sống Lời Chúa và như thế nghiên cứu, học hỏi Phúc Âm có thể giúp chúng ta theo gương Đức Kitô tốt hơn.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta một gương mẫu của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đến với người bị coi là nhơ uế và đến với người ấy khi người ấy cầu xin: “Nếu Ngài muốn Ngài có thể làm cho tôi sạch”. Theo quan niệm Do Thái thời đó, người nào mắc bệnh phung đều bị coi là “nhơ bẩn” trước mặt xã hội loài người và nhất là trước Thiên Chúa. Vì thế, họ bị xua đuổi, phải tuyệt giao với mọi người kể cả bạn bè thân thuộc.

Những qui định về căn bệnh nầy được ghi rõ trong bài đọc 1 trích từ sách Lêvi. Theo đó, người bị mắc bệnh phung không được phép lai vãng đến các hội đường để tham dự các lễ nghi phụng tự. Bao lâu còn mang vết phung trên thân xác, họ phải “ở riêng một mình, chỗ nó ở phải ở bên ngoài trại” (Lv 8, 46). Lời van xin của người phung hôm nay diễn tả tâm trạng đau khổ cùng cực và sau khi chữa lành, Đức Kitô truyền người đó “hãy đi trình diện với tư tế, và vì được sạch rồi thì hãy dâng lễ vật như Mai-sen đã truyền dạy”. Từ nay, người phung được tiếp nhận vào trong cộng đoàn, được tham gia mọi sinh hoạt phụng vụ của cộng đoàn.

Nhận định như thế cho thấy hành động của Chúa Giêsu thật là mạo hiểm. Mạo hiểm vì Đức Kitô “giơ tay đụng đến” người phung. Việc đụng chạm này làm cho Đức Kitô bị ô uế. Việc đụng chạm đó cũng cho thấy Đức Kitô đã gánh lấy tội ác của nhân loại và trở nên đồng hình đồng dạng với các tội nhân như Thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu với môn đệ: “Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng đã mang tội trần gian” (Ga 1, 19). Đức Kitô đã rửa con người khỏi mọi vết nhơ tội khiên, trao ban quyền làm con cái Thiên Chúa, xứng với phẩm giá con người, là hình ảnh của Thiên Chúa.

Đó lành hình ảnh tượng trưng mà chúng ta có thể thấy được qua việc người phung được chữa lành. Người mắc bệnh phung hôm nay đã được hồi sinh, vì kể từ đây, ông ta được quyền trở lại nếp sống con người, mọi giao tế gia đình và xã hội được hoàn trả, được sinh hoạt giữa xã hội loài người với tất cả quyền công dân, và nhất là được quyền tham dự các buổi phụng tự trong hội đường, nghĩa là được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, tái lập mọi thông hảo với Thiên Chúa.

Trường hợp của người phung hôm nay khiến chúng ta nghĩ tới biết bao nhiêu triệu người phung trên thế giới. Hơn thế nữa, chúng ta cũng nghĩ tới không biết bao người mắc bệnh “phung” theo nghĩa tượng trưng tức là những người sống bên lề xã hội: đó là những thanh thiếu niên phạm pháp, những người bị coi là thành phần tệ nạn xã hội, những người bị xua đuổi, những người cô thân cô thế, già nua tuổi tác… Họ đã mang trong mình những vết loét. Hình dạng cũng như cuộc sống của họ như lời van xin thống thiết, họ đã cho thấy những vết thương lở loét đang cần tình thương để băng bó, đang cần những bàn tay dìu dắt, đang cần những cuộc đời xả thân phụng sự. Chúng ta được mời gọi đến với họ nhưng bài Phúc Âm cũng cho thấy chỉ khi đến gặp Đức Kitô thì người phung mới thực sự lành mạnh.

Người ta kể lại một câu chuyện: Người nọ mới trở thành Kitô hữu. Ông thường nói về Chúa Kitô. Ngày kia người láng giềng hỏi đố ông: “Anh có biết gì về Đức Kitô không?”. Người mới theo đạo trả lời: “Có, tôi biết”. Người láng giềng hỏi: “Đức Kitô sinh ra bao giờ?”. Người có đạo nói không biết chắc. Người láng giềng hỏi tiếp: “Người chết lúc bao nhiêu tuổi?”. Người đạo mới vẫn không trả lời được. Người láng giềng nói “Như vậy là anh chẳng biết gì về đức Kitô hết trơn? Người có đạo trả lời: “Tuy tôi biết ít lắm. Nhưng tôi biết chắc điều này là hai năm trước đây, tôi nằm đường, nằm chợ, tôi say sưa rượu chè, tôi mắc nợ ngập đầu. Hai năm trước đây vợ tôi ít khi mỉm cười. Thấy bóng tôi, các con tôi sợ hãi. Nhưng ngày nay, tôi là một người đàn ông tiết độ. Tôi sạch nợ và còn đủ khả năng mua một căn nhà mới. Ngày nay, vợ tôi thường tươi cười, các con tôi chạy lại chào đón tôi. Chúa Kitô đã làm cho tôi tất cả những điều ấy và đó là điều tôi biết chắc hơn hết”.

Chúa Kitô có thể đổi mới đời sống một con người, làm cho một người trở lại với cộng đoàn: cộng đoàn đó có thể là gia đình, có thể là tu viện, xứ đạo… Muốn vậy mỗi người chúng ta cần tự ý thức rằng, mình cũng là những người mắc bệnh “phung” trong tâm hồn, khi chúng ta không thể sống chung với người khác. Chúng ta cũng cần phải đến gặp gỡ Đức Kitô để xin Ngài thanh tẩy và làm cho chúng ta nên sạch. Chỉ có Thiên Chúa đến mới giải thoát được con người khỏi sự thống trị của tà thần. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm tăng giá trị cho con người siêu vượt lên trên vạn vật. 

Xin Chúa chữa trị bệnh phung nơi tâm hồn chúng ta.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …