Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật VI TN, năm A, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật VI TN, năm A, của Trầm Thiên Thu

CUỘC SỐNG

CUỘC SỐNGCó lẽ khó có thể định nghĩa đầy đủ về cuộc sống hoặc cuộc đời, nhưng ai cũng cảm nghiệm rất cụ thể và “trọn vẹn” ở một mức độ nào đó. Người ta nói “đời là bể khổ”, cách nói này có thể tiêu cực hoặc tích cực theo tầm nhìn của mỗi người – để bi quan yếm thế hoặc để nỗ lực sống tốt.

Cuộc sống trần gian vốn dĩ bình thường nhưng lại rất phức tạp, vì thế cần phải biết đơn giản hóa cuộc sống để vượt qua chính mình và vượt qua tất cả mọi sự đời. Đó là cách “buông thả” để tự giải thoát mình khỏi mọi thứ rắc rối – buông thả chứ đừng buông xuôi. Tỷ phú Bill Gates (“cha đẻ” của Microsoft, sinh năm 1955) nhắn nhủ: “Đừng so sánh mình với bất cứ ai trên thế giới này. Nếu bạn tự so sánh như vậy tức là bạn sỉ nhục chính mình. Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó”. Một câu nói đáng để chúng ta “vắt tay lên trán” mà suy nghĩ lắm.

Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Thượng Đế khép lại cánh cửa này thì lại mở cánh cửa khác để người ta tiếp tục sống. Thượng Đế rất công bằng. Chúng ta không có quyền chọn nơi sinh nhưng chúng ta có quyền chọn cách sống. Hãy cứ là chính mình, có thể cuộc sống của chúng ta không có gì nổi trội, rất ư bình thường nhưng vấn đề là đừng sống tầm thường. Đó là sự tự do mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi chúng ta.

Sách Huấn Ca có đề cập sự tự do của con người, với cách đặt vấn đề giản dị và tự nhiên: “Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Người” (Hc 15:15). Chữ “nếu” xem chừng đơn giản mà lại phức tạp, ngắn gọn mà dài lê thê. Tác giả sách Huấn Ca nói cụ thể: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì sẽ được cái đó” (Hc 15:16-17). Muốn gì, cứ lấy; thích gì, được nấy. Trong cuộc sống hằng ngày, người Việt cũng thường nói: “Thích thì chiều”. Vừa khôi hài, vừa nghiêm túc. Đó là cách đề cập sự tự do. Sự tự do quý giá, nhưng con người phải trả giá cao về cách chọn lựa của mình. Quả là gay go thật!

Gọi là tự do nhưng cũng có giới hạn, trong “phạm vi tự do” đúng nghĩa – tức là tự do làm điều tốt mà thôi. Trong cuộc sống, cái gì cũng có lý do riêng và mang tính đặc thù. Kinh Thánh lý giải: “Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người KHÔNG truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng KHÔNG cho phép ai phạm tội” (Hc 15:18-20).

Sử dụng quyền tự do để làm điều ác thì sẽ nhận phần đau khổ, sử dụng quyền tự do để làm điều tốt thì sẽ nhận phần hạnh phúc. Người ta cũng nói là “ác giả, ác báo” hoặc gọi là “luật nhân – quả”. Luật Chúa là những gì rất tự nhiên, rất bình thường. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người” (Tv 119:1-2).

Cuộc sống là chuỗi ngày tháng tìm kiếm Chúa. Tìm thì sẽ gặp, gặp Ngài qua việc tuân giữ Thánh Luật. Ngài vẫn “hóa trang” thành những con người nghèo khổ trong cuộc sống đời thường. Tác giả Thánh Vịnh vẫn luôn tâm niệm: “Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh, truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn. Ước mong sao con hằng vững bước theo thánh chỉ Ngài ban” (Tv 119:4-5). Ước mong sao các Kitô hữu cũng luôn tâm nguyện như vậy để làm chứng về Thiên Chúa và cũng là cách sống thánh giữa cuộc đời này.

Chính nhân còn sai lầm mỗi ngày bảy lần, huống chí phàm phu tục tử, vì thế mà luôn cần ơn tha thứ của Thiên Chúa: “Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây để con được sống và tuân giữ lời Ngài. Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao” (Tv 119:17-18). Thật là không dễ hoàn thiện khi còn bị giằng co giữa tinh thần và xác thịt, sơ sảy một chút là “chết chắc”. Biết vậy không phải là để buông xuôi mà là để cố gắng, và không ngừng tự nhủ: “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng. Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ” (Tv 119:33-34).

Thông minh không phải để tự tôn hoặc làm điều gì khác người, mà là để “hết lòng tuân giữ Thánh Luật của Thiên Chúa”. Đó là sống khôn ngoan, cách sống này cần thiết lắm. Salômôn đã thực sự khôn ngoan khi ông chỉ xin ơn khôn ngoan. Ai tuân giữ Luật Chúa là người khôn ngoan, như Kinh Thánh xác định: “Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là KHÔN NGOAN và THÔNG MINH” (Đnl 4:6). Cách sống khôn ngoan cũng là cách sống thông minh, thật kỳ diệu về mối liên quan này.

Đề cập sự khôn ngoan, Thánh Phaolô phân tích: “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 2:6-7). Thiên Chúa quan phòng và tiền định mọi sự, nhưng Ngài tiền định điều tốt, sự lành, chứ Ngài không ấn định sự dữ, điều ác. Thuyết Nhị Nguyên (Dualism) và các thuyết liên quan (như Albigensianism, Manichaeism, Priscillianism,…) là các tà thuyết đối lập với Thiên Chúa, và trái ngược với Công giáo.

Thánh Phaolô cho biết thêm: “Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2:8-10). Cách thức của Thiên Chúa luôn trái ngược với cách thức của phàm nhân: Không mà Có, Yếu mà Mạnh, Dốt mà Giỏi, Nhỏ mà Lớn, Thua mà Thắng, Chết mà Sống,…

Thiên Chúa khác hẳn đối với chúng ta về mọi thứ. Chúng ta cứ tưởng thế này rồi áp đặt hoặc khinh chê người khác, vì chúng ta suy diễn theo cách của mình, thậm chí có khi còn áp đặt cả đối với Thiên Chúa. Ngài cũng phải “chịu đựng” cái thói suy diễn của chúng ta lắm đấy.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Mt 5:17-37) có năm vấn đề – tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ và hàm súc, tất nhiên là cũng “chói tai” nữa.

– Vấn đề thứ nhất về Lề Luật. Chúa Giêsu đến để kiện toàn luật Môsê nhưng chúng ta lại cứ tưởng Ngài đến để phá bỏ Lề Luật cũ. Chính Ngài đã xác định: “Trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18). Và Ngài kết luận: “Ai bãi BỎ dù chỉ là MỘT trong những điều răn NHỎ NHẤT ấy và DẠY người ta làm như thế thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5:19). Chúa Giêsu xác định rõ ràng như vậy, nhưng trong thự tế đời thường vẫn có tình trạng “so sánh” vì chúng ta vẫn nhìn nhau bằng con mắt phàm phu tục tử, “con chiên” nào béo thì vẫn được lưu ý đặc biệt!

Để nhấn mạnh, Chúa Giêsu đòi hỏi nghiêm túc về Đức Công Chính của người môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em KHÔNG ăn ở công chính HƠN các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ CHẲNG được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Ai dám vỗ ngực mình là người công chính? Vì có “máu” Pharisêu nên người ta vẫn ưỡn ngực và vỗ rất mạnh để người khác phải chú ý. Tình trạng này không hiếm thấy trong cuộc sống hằng ngày đâu!

– Vấn đề thứ nhì về Tính Giận Ghét (cũng đề cập trong Lc 12:57-59). Chúa Giêsu đưa ra Luật xưa: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Đúng, không sai. Nhưng như vậy còn tiêu cực, và Ngài muốn chúng ta phải sống tích cực: “Ai GIẬN anh em mình thì đáng bị đưa ra toà. Ai MẮNG anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai CHỬI anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:22). Những lời nhẹ nhàng mà nhức nhối lắm, nếu không “nghe tai này qua tai kia”. Điều luật tích cực chắc chắn khó hơn nhiều so với điều luật tiêu cực.

Và còn hơn thế nữa, Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-24). Sự thể có vẻ bình thường mà lại rất bất thường, không hề giống như chúng ta tưởng.

Cụ thể hóa vấn đề, Chúa Giêsu giải thích chi tiết: “Hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng(Mt 5:25-26). Đó cũng là bí quyết Ngài chỉ cha chúng ta cách sống đúng đắn và tích cực về đức ái, cũng chính là sống lòng thương xót vậy.

– Vấn đề thứ ba về Chuyện Ngoại Tình. Luật cũ cấm chung: Chớ ngoại tình. Chúa Giêsu rạch ròi chi tiết hơn: “Ai NHÌN người phụ nữ mà THÈM MUỐN thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:25). Loại tội này không ai biết, chỉ có chính mình biết và Chúa biết mà thôi. Bề ngoài nghiêm nghị chưa chắc là đạo đức, cúi đầu chưa chắc là vâng phục, khúm núm chưa chắc là ngoan ngoãn,… đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Chúa Giêsu xoáy sâu và cụ thể luôn: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy MÓC mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh LÀM CỚ cho anh sa ngã thì hãy CHẶT mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” (Mt 5:25-30). Quả thật, những lời nói kiểu này rất “khó nghe”, nhưng sự thật thì mãi là sự thật, không thể khác được.

– Vấn đề thứ tư về Chuyện Ly Dị (cũng đề cập trong Mt 19:9; Mc 10:11-12 và Lc 16:18). Luật Cựu Ước dạy: “Ai rẫy vợ thì phải cho vợ chứng thư ly dị”. Tương tự, ngày nay người ta ra tòa án đời và có giấy chứng thực ly hôn là xong. Ai lo phận nấy. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì không thể như vậy: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai RẪY vợ là ĐẨY vợ đến chỗ ngoại tình; và ai CƯỚI người đàn bà BỊ RẪY thì cũng phạm tội NGOẠI TÌNH” (Mt 5:31). Rất rõ ràng, rất rạch ròi. Tuy nhiên, tại một số Giáo Hội địa phương ở hải ngoại, cụ thể là Hoa Kỳ, có trường hợp hai vợ chồng còn sống, họ không ở với nhau mà hai người vẫn được cưới người khác. [Tôi biết một trường hợp như vậy. Phải chăng cả hai đều không khai báo thật hay có vấn đề gì?].

– Vấn đề thứ năm về Lời Thề Hứa. Chúa Giêsu tiếp tục dẫn chứng Luật cũ: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa”. Rồi Ngài ra nghiêm lệnh: “ĐỪNG thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. ĐỪNG chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. ĐỪNG chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. ĐỪNG chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:34-37). Bốn cái “đừng” liên tiếp. Chúa Giêsu đưa ra là bốn mệnh lệnh phủ định nhằm đề cao sự thật, vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát chúng ta (Ga 8:32).

Cuộc sống có triết lý riêng, đừng lo người khác không hiểu mình hoặc ghét mình, họ nhìn mình thế nào không thành vấn đề, quan trọng là bản thân mình nhận biết mình như thế nào. Cuộc đời sẽ thú vị và có ý nghĩa nếu biết SỐNG CHO, SỐNG VÌ và SỐNG VỚI người khác trong tình liên đới yêu thương – cả tình Chúa và tình người. Hãy ghi nhớ lời hứa của Thiên Chúa từ ngàn xưa: “Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29:11).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết sống theo Thánh Ý Ngài mọi nơi và mọi lúc. Con chỉ là một kẻ bình thường nhất trong số những người bình thường, nhưng xin đừng để con sống tầm thường, và xin Ngài gìn giữ con trong điều kiện bình thường – chứ con không dám xin điều khác thường khi Ngài không muốn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN