Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT VI QUANH NĂM

(Lv 13, 1-2. 44-46; 1Cr 10. 31-11.1, 16-23; Mc 1, 40-45)

“Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi”

 

Tin mừng Marco 1, 40-45:

2_resizeCó người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Suy niệm:

Tất cả những phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện, những phép lạ chữa lành đều biểu lộ Tình thương đầy quyền năng của Thiên Chúa và nói lên sứ mạng Thiên sai của Đức Giêsu. Thánh sử Marco đưa ra một loạt phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu. Ngài đến để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và ma quỷ, xoa dịu nỗi khổ đau của con người.

Trong bài Tin mừng Chúa nhật VI hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành một người bị bệnh phong cùi, một việc chữa lành rất đặc biệt. Anh đến với Chúa Giêsu, quỳ gối nài xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho con nên lành sạch”. Chúa Giêsu động lòng thương, Người đưa tay chạm đến anh và nói: “Ta muốn anh được sạch”. Việc chữa lành này xảy ra thật nhanh chóng.

Theo luật xưa trong đạo Do Thái, bệnh phong không những được xem là một căn bệnh thể lý, mà còn là một hình thức nhơ uế trầm trọng xét về mặt tôn giáo. Người bị bệnh phong đau đớn về thể xác thì ít, nhưng đau khổ về mặt tinh thần thì nhiều: bị cách ly với cộng đoàn xã hội, với người thân, bị coi là người bị Thiên Chúa phạt, bị mắc tội “bị nhơ uế”, bị mọi người loại trừ và xa lánh. Như thế bệnh phong cùi được xem là một cái chết về mặt tôn giáo và dân sự, xã hội và việc người phong  được chữa lành là một hình thức được phục sinh, được hồi sinh…

Người phong cùi đến với Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu không xua đuổi anh, không xa lánh anh, trái lại Ngài đón nhận anh, tiếp xúc với anh, ân cần đối thoại với anh, thông cảm, thương mến anh, tôn trọng anh. Điều lý thú nhất trong câu chuyện là cách Chúa Giêsu đối xử với anh: Ngài đưa tay đụng vào anh. Như thế Ngài đã phạm luật và bị mắc nhơ uế… Tình thương vượt qua mọi ranh giới lề luật để rồi Chúa Giêsu chữa lành anh và dạy chúng ta phải tôn trọng và yêu mến con người, bởi tất cả đều là con Thiên Chúa. Đụng chạm đến người phong, Đức Giêsu muốn sửa chữa sự lệch lạc thiếu tình thương thông cảm của lề luật Do Thái. Qua việc đặt tay của Chúa Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

M.Carré nói: “Sống trong một thế giới đầy đau khổ, nước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin tưởng cậy trông”. Đối với anh bệnh phong, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhấm, trong lúc tâm hồn tan nát vì mọi người kinh tởm xa lánh, chính trong lúc đau khổ vô cùng, anh lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và phó thác trọn vẹn cho tình yêu của Người. Vì thế, Đức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Người để làm phát sinh hiệu quả kỳ diệu là cho anh được lành lại cả thể xác lẫn tâm hồn.

Bài học mà Chúa muốn chúng ta bắt chước anh phong cùi là tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Như lời của G. Bossis: “Hãy tin và tin nhiều hơn nữa cho đến khi xảy ra phép lạ”.

Thánh Phanxico Salesio nói: “Chúng ta sẽ an toàn vươt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa”.

Các sách Tin mừng trình bày Đức Giêsu luôn làm 2 việc: Chữa lành và rao giảng Tin mừng. Hai việc làm này liên kết và hỗ trợ cho nhau tạo nên một sứ điệp duy nhất về niềm hy vọng và ơn cứu độ. Đức Giêsu vừa rao giảng vừa chữa bệnh. Việc chữa bệnh hổ trợ cho việc rao giảng. Như vậy là một cách rao giảng Tin mừng.

Người phong cùi trong bài Tin mừng được chữa bệnh mà còn được đón nhận Tin mừng. Sau khi được khỏi bệnh, chính anh lại trở thành kẻ loan báo Tin mừng. “Đi khỏi nơi đó, anh liền cao rao và loan truyền tin đó… và người ta khắp nơi tuôn đến cùng Người”.

Những thực hành cụ thể mà Chúa Giêsu muốn chúng ta phải sống:

– Tin tưởng vào tình thương đầy quyền năng của Thiên Chúa.

– Tôn trọng, yêu mến những anh em đau bệnh, nghèo khổ và tận tình giúp đỡ những người cần đến chúng ta.

– Luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và loan báo Tin vui cho mọi người như anh bệnh phong trong bài Tin mừng.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

  Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu …