Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Hãy cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa

(Mc 1, 40-45)

7_resizeNgười phong cùi tiến gần Chúa Giêsu, khiêm tốn, nài xin Chúa chữa lành. Muốn hiểu được lời thỉnh cầu này, chúng ta phải biết rằng vào lúc bấy giờ, người phong cùi là kẻ hoàn toàn bị khai trừ khỏi xã hội. Mắc phải một chứng bệnh nặng nề và ô uế như thế, kẻ ấy phải sống ngoài cộng đoàn của mình.

Ngay từ hồi xa xưa trong quá khứ, người ta đã đề ra những biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng nhất để tránh mọi đụng chạm thể xác giữa những người khỏe mạnh và những người mắc bệnh phong cùi.

Sách luật Môse nói như sau: “Một khi mắc chứng bệnh này, người phong cùi phải mặc quần áo rách rưới, tóc tai bù xù, râu mép để dài và phải la lớn: Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh thì kẻ ấy vẫn phải sống tách biệt, phải ra ngoài đồng vắng mà ở” (Lv 13,45-46).

Trong Kinh Thánh, bệnh phong cùi không những chỉ là thứ bệnh gây kinh tởm, gậm nhấm và làm biến dạng cơ thể người bệnh, mà nó còn là thứ bệnh mang chiều kích tôn giáo.

Kẻ mắc bệnh phong cùi bị xem như đã phạm trọng tội nên bị Chúa trừng phạt.

Một số giáo sĩ đương thời với Chúa Giêsu còn dám phóng đại cho rằng bệnh phong cùi được dùng để trừng phạt bảy mối tội đầu như: vu khống, giết người, làm chứng gian, sống trụy lạc, kiêu căng, trộm cắp và tham lam.

Từ thuở xưa, người phong cùi bị mọi người kể như là một xác chết không hồn. Bị phong cùi là ngay lập tức bị khai trừ, bị ruồng bỏ như một thây ma ô uế, nghĩa là không thể tương giao với Thiên Chúa cũng như với con người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành thứ bệnh này. Ngài đã dùng như một hình phạt thì chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát bệnh nhân khỏi hình phạt đó. (x. cuộc đời Myria, em gái Môse trong Ds 12,1-16).[1]

Chính vì thế, người phong cùi đến với Đức Giêsu, quì  gối xuống van xin Người, và nói với Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và nói với anh ta: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Ngay lập tức, bệnh phong cùi biến khỏi anh ta và anh ta được sạch.

Sau khi người bệnh được chữa lành, Đức Giêsu nghiêm giọng, đuổi anh ta đi ngay và nói với anh ta:  “Coi chừng, đừng nói gì với ai, nhưng anh hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, anh hãy tiến dâng những gì Môsê đã truyền, để làm chứng trước mặt họ” (Mc 1,44).

Anh mù đã không vâng lời Chúa Giêsu nhưng đã lớn tiếng rao báo lòng thương vô bờ bến của Chúa đối với anh. Và đây chính là cách bày tỏ tác động lớn lao của việc được chữa lành nơi anh ta. Làm sao anh ta có thể im lặng được khi niềm vui gặp được Đức Giêsu, hạnh phúc được chữa lành, được hội nhập vào cộng đồng là quá lớn. Để diễn tả sự sống mới, cuộc đời mới, tương quan mới, anh ta không còn cách nào khác là ra đi loan báo về Đức Giêsu.

Một Mục Sư Tin Lành kể lại: “Ông được mời đến giảng Lời Chúa tại một trài cùi do cơ quan truyền giáo lập ra. Ông rất đắn đo, do dự vì ông không thích đến một nơi như vậy. Nhưng rồi vì lời mời quá nồng nhiệt tha thiết nên cuối cùng ông không thể từ chối. Ông nghĩ cử tọa là những người bị xã hội ruồng bỏ, ít học, nghèo nàn với cuộc sống của những con người như những vật phế thải nên không cần chuẩn bị bài giảng.

Ông đến nơi trước một ngày. Vừa 7g00 sáng, ông đã thấy họ mang Thánh Kinh đến nhà thờ trong trại, mặc dù theo chương trình, buổi thờ phượng 9g00 mới bắt đầu. Ông tò mò bước lần đến nhà thờ. Ông thấy họ cầu nguyện, họ tôn vinh rồi họ cầu nguyện. Ông thấy họ rất vui, bình an và rất hạnh phúc có lẽ hơn những ngưởi lành mạnh trong Hội Thánh của ông.

Tời giờ thờ phượng, họ như sốt ruột, ngóng chờ tôi và rất muốn nghe bài chia sẻ của tôi. Cầu nguyện khai lễ là một người cùi cao niên. Ông cảm tạ Chúa đã ban cho họ sự sống, ban cho họ thức ăn, quần áo mà không phải làm lụng vất vả như nhiều người khác. Ông cầu xin Chúa ban phúc cho những người hảo tâm đã thương yêu và giúp đỡ họ. Ông nài xin Chúa ban cho những ân nhân của họ có cuộc sống hạnh phúc.

Tôi cúi đầu khi nghe lời cầu nguyện. Lòng tôi bắt đầu tự hỏi.

Tại sao họ có sự bình an, hạnh phúc trong khi họ mang trong người chứng bệnh nan y? Biết bao nhiêu người lành lặn như tôi đã vô cùng chật vật tìm kiếm sự bình an, hạnh phúc như họ. Họ sống trong thiếu thốn, với nhu cầu tối thiểu nhưng họ rất bình an và vui thỏa. Tại sao họ có thể cám ơn Chúa khi đang mang trên mình một chứng bệnh nan y, bị xã hội ruồng bỏ? Những thắc mắc đó vẫn tiếp tục trong đầu tôi.

Sau đó họ tôn vinh. Họ hát bản nhạc” Hãy Đếm Các Ơn Phúc Chúa Ban”. Họ hát hết ba câu rồi họ tiếp tục tôn vinh trở lại. Họ hát say mê, say mê tôn vinh cho đến khi người điều khiển chương trình ra dấu chấm dứt thì họ mới ngưng hát.

Tôi thấy xấu hổ trước khung cảnh đầy hạnh phúc này. Tôi xấu hổ trước thái độ tôn vinh của họ. Tôi thấy tôi không xứng đáng đứng trên bục giảng để nói với một cử tọa tràn đầy  hạnh phúc, tràn ngập sự bình an, thỏa lòng và nhất là hết lòng cảm tạ vì những hồng ân Chúa ban cho họ.

Mục Sư kể tiếp: “Dĩ nhiên bài chia sẻ của tôi là lời thú tội”.

– Tôi xấu hổ vì tôi không “Đếm Các Ơn Phúc Chúa Ban” cho mà chỉ biết trông chờ những gì còn đang thiếu.

– Tôi xấu hổ vì tôi chỉ cảm tạ những gì tôi có mà người khác không có, trong khi họ cảm tạ Chúa vì những nhu yếu của con người như không khí, hơi thở, thức ăn cần dùng, quần áo giản dị, lành lặn và giấc ngủ an lành mỗi đêm.

Quả thật họ ý thức được thế nào là hành trang của một khách lữ hành, sống tạm ở thế gian rồi sẽ trở về với Chúa. Chúng ta biết mình là lữ hành nhưng sống như một người định cư vĩnh viễn. Mai này gặp Chúa, thật sẽ ngỡ ngàng, xấu hổ.

Người mù đã lớn tiếng cám ơn Chúa Giêsu dù Chúa Giêsu đã cấm anh ta. Đây là một điều làm chúng ta phải suy nghĩ. Nếu trong cuộc sống, chúng ta nhận ra những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, chắc chắn chúng ta phải loan báo Tin Vui cho những người khác. Trong thực tế, chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn, nhưng chúng ta đã không nhận ra những hồng ân đó. Vậy chúng ta hãy tha thiết xin Chúa ban cho chúng ta nhận ra các ơn lành phần hồn phần xác mà mỗi ngày Thiên Chúa ban cho chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ hăng say đi loan báo Tin Mừng Tin Vui như người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Jacques Hervieux: CN 6B TN

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN