Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Rất Cần Sự Cảm Thông

(Mc 1, 40 – 45)

5_resizeBệnh phong cùi đã có từ bao đời nay. Bệnh này thường bị coi là căn bệnh nguy hiểm và cần phải né tránh bởi con người sợ bị lây nhiễm. Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một căn bệnh nan y bất trị thường gặp lúc bấy giờ. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. Người bệnh bị cách ly và bắt buộc phải cảnh báo người khác về căn bệnh của mình (x. Lv 13, 1-2. 44-46).

Giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đặt thêm luật về bệnh phong cùi, khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp khó khăn một cách không cần thiết. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong cù, phải ở xa họ khoảng khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng khoảng 45m. Sách Lêvi đưa ra điều luật là người phong cùi phải sống “phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”(x. Lv 13, 44-46). Tuy nhiên, một số chuyên gia luật Do Thái giải thích rằng điều luật này có nghĩa là những người phong cùi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong cùi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.

Về mặt tôn giáo, bệnh phong cùi làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi. Người Việt Nam chúng ta cũng na ná tương tự như người Do Thái, ai bị bệnh thì phải xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng.

Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi vẫn bị liệt vào loại bị cấm tiếp xúc, người bị bện phải tránh xa và phải làm hiệu để người khác tránh xa mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác, bởi vì Người đến để yêu thương và cứu giúp mọi người, nên Người đã chữa lành cho người mắc bệnh phong cùi như trong Tin Mừng Marcô 1, 40-45 thuật lại hôm nay.

Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm tới người cùi này. Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Chúa về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật còn là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối vớ tội lỗi con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi. Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật của con người.

Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn nhiều loại “Người cùi” kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người dơ dáy, hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc, họ bị liệt ra bên ngoài xã hội, thiếu sự cảm thông và tình liên đới cộng đồng. 

Con người ta, sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình. Bệnh tật là điều phải có trong kiếp sống làm người. Ai cũng có bệnh, không nhẹ thì nặng, chẳng ai thoát khỏi căn bệnh ở đời. Vì thế, chúng ta phải liên đới, hiệp thông và trợ giúp lẫn nhau với tình yêu thương, đặc biệt với những ai mắc bệnh hiểm nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu mà vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa với con người, giữa người khỏe với kẻ bệnh tật để chữa lành họ. Xin trợ giúp chúng con làm được những điều Chúa muốn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …