Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

 (Cv 15, 1-29; Kh 21, 10-23; Ga 14, 23-29)

“Thầy để lại bình an cho anh em”

Tin mừng Gioan Ga 14, 23-29:

h8_resizeKhi ấy Đức Giêsu nói rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin”.

Suy niệm:

Bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay trong bối cảnh vào đêm trước ngày Chúa Giêsu chịu chết. Ngài nhìn thấy sự sợ hãi âu lo, buồn sầu và bất an trên khuôn mặt các tông đồ. Ngài nhìn thấy một viễn tượng đầy gian nan khó khăn và nguy hiểm đang chờ đón họ, khi họ bước vào một thế giới đầy thù nghịch để loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn dân. Đức Giêsu đã an ủi, khích lệ các tông đồ bằng những lời thân tình: “Anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”.

Nội dung bài Tin mừng gồm 3 điểm chính:

– Lòng yêu mến đối với Đức Giêsu được biểu lộ qua việc tuân giữ các lời giáo huấn của Chúa. Tình mến này có tính tương tác với Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu mến Đức Giêsu là yêu mến Chúa Cha, Chúa Thánh Thần. Ba ngôi sẽ ngự nơi tâm hồn những ai tuân giữ lời Thiên Chúa. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy…”.

– Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ sẽ dạy dỗ, hướng dẫn và làm cho các tông đồ thấu hiểu giáo lý của Chúa Giêsu.

– Bình an của Đức Kitô sẽ đến với các tông đồ:

“Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.

Chúng ta suy niệm và tìm hiểu sự bình an của Đức Giêsu hứa ban cho các tông đồ và cho mỗi người chúng ta.

Bình an tiếng Do thái là Shalom, ân huệ, phúc lộc lớn lao mà ai cũng mong ước, là khát vọng của con người. Ai cũng muốn được an vui hạnh phúc. Khi đi xa người ta thường chúc nhau “thượng lộ bình an” đi xa về mà không bị tai nạn, người ta bảo tôi về nhà bình an. Người ta mua bảo hiểm nhân mạng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xe… Tất cả đều nói lên khát vọng của con người là muốn an lành, bình an, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội.

Đức Giêsu phân biệt hai loại bình an:

– Bình an theo lối thế gian là đời sống thoải mái, mạnh khỏe, giàu sang, phú quý, ổn định cuộc sống… Hòa bình là vắng bóng chiến  tranh, không có giặc giã.

– Bình an của Chúa Giêsu ban là sự an lành trọn vẹn cả tâm hồn lẫn thể xác. Bình an là tình trạng thoải mái, an vui của một tâm hồn sống trong tương quan hài hòa với Chúa và với anh em! Đó là sự bình an đích thực. Sự bình an đặt nền tảng trên tình thương và sự công chính. Thực tế cho thấy không thể có bình an cho kẻ dữ, người gian ác, tội lỗi, người bất lương. Lương tâm họ luôn bị cắn rứt, dày vò như kẻ sát nhân, chẳng hạn như trường hợp Cain giết Abel.

– Có những người luôn sống bình an giữa bao thăng trầm sóng gió của cuộc đời như ông Gióp có sự bình an, khi ông gặp gian khổ, tai họa trong đời “Chúa cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa. Mình biết đón nhận những ơn lành của Chúa, tại sao những điều dữ lại không biết đón nhận”.

– Thánh Phaolô, thánh Phêrô bị bắt bớ, tra tấn, tù đầy… Các ngài luôn có sự bình an trong tâm hồn “Chúng tôi vui mừng vì được chịu bách hại vì danh Đức Giêsu Kitô”.

– Các Thánh Tử Đạo Việt Nam rất hạnh phúc và an bình khi bị đưa ra pháp trường hành hình. Các ngài còn ao ước được chết tử vì đạo để được về thiên đàng như thánh Phêrô Cao đã cầu nguyện: “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô, được đón nhận nghành lá tử đạo để về tới thiên đàng”. Như thế, bình an trong tâm hồn là hệ quả của việc chiếm hữu Nước Trời” (Tv 85, 11; 119; 165).

Trong triều đình nhà vua kia, có hai họa sĩ tài ba, nhưng luôn đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết dứt khoát ai trong hai là người giỏi nhất”. Vậy hai người vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài là “bình an”. Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại đem theo bức họa của mình trình lên đức vua.

Bức họa của người thứ nhất vẽ một quang cảnh thơ mộng: đồi núi nhấp nhô bao quanh một hồ nước rộng lớn, mặt nước phẳng lặng, không gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thoát, thoải mái. Xem xong, nhà vua nói: “Bức họa đẹp nhưng nó làm ta buồn ngủ quá”.

Bức họa của người thứ hai là một thác nước. Hình ảnh rất sinh động như nghe được tiếng thác nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói:

– Đây, đâu phải cảnh bình an.

– Xin bệ hạ nhìn kỹ chút nữa

Vua khám phá thấy một cành cây nép mình sau thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nủa mở. Chim mẹ bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này, nó đã chuyển tải được ý tưởng độc đáo về bình an”. Sống bình an giữa những xáo trộn của cuộc đời. Vua đã tôn vinh họa sĩ này là họa sĩ tài giỏi nhất triều đình.

Chỉ có sự bình an đích thực khi con người sống tương quan hài hòa với Chúa và anh em trong tình mến chân thành và tuân theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Chỉ có tình yêu thương mới đem lại bình an thực sự cho con người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG