Nhân loại đang rất cần Bình An Giêsu
SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM– C
( Ga 14, 23-29 )
Trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, bình an luôn là khát vọng thiêng liêng và bất tận của con người. Đây không chỉ là trạng thái không có chiến tranh, mà còn là điều kiện tiên quyết để con người sống và yêu thương nhau. Quả thật, con người ở mọi nơi mọi thời luôn khao khát bình an, muốn sống tự do, hạnh phúc, không có chiến tranh. Thế giới hòa bình giúp con người ngồi lại với nhau, bắt tay nhau xây dựng địa cầu.
Trải qua bao thăng trầm, nhất là trong thế kỷ XX đầy biến động với hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng loạt cuộc xung đột khu vực, nhân loại đã rút ra một chân lý không thể chối cãi: chiến tranh chưa bao giờ là lối thoát, hoà bình mới là đích đến.
Thực tế cho thấy, chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào, luôn đi kèm với những hệ lụy, không chỉ tàn phá cơ sở vật chất, chiến tranh còn để lại những vết thương tinh thần kéo dài qua nhiều thế hệ. Từ những thành phố đổ nát ở Ukraine, Dải Gaza, Sudan đến Yemen, Lebanon, Myanma…, hàng chục triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành nạn nhân của các cuộc chiến mà họ không hề lựa chọn.
Báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, thế giới hiện có hơn 114 triệu người phải di tản, con số cao nhất trong lịch sử hiện đại. Nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua, dân thường, trẻ em và phụ nữ.
Giữa tiếng bom rơi và các loại máy bay tối tân gào rít trên bầu trời ở một số quốc gia, máu của người dân ở dải Gaza và ở Trung Đông cùng cuộc xung đột Nga – Ukraina kéo dài hơn 2 năm nay, đã và đang cướp đi hàng triệu người dân vô tội.
Nền hòa bình của nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những người có lương tri trên thế giới luôn theo dõi sát sao và kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn để ngồi lại với nhau giải quyết thông qua đàm phán hòa bình.
Trong bối cảnh đó, “bình an” càng trở nên có ý nghĩa. Bởi lẽ, trong thế giới ngày nay, bình an không còn là điều hiển nhiên, mà là một lựa chọn có ý thức. Bình an cần được nâng niu, trân trọng và gìn giữ
Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con…” (Ga 14,27). Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa.
Bình an của Đức Ki-tô
“Bình an cho anh em!” (Lc 24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giê-su sau khi sống lại và hiện ra với các môn ngày thứ nhất trong tuần.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là ‘bình an’ mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác?
Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giê-su sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết. Thế nên, với nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò, đang lúc các môn đệ ưu sầu lo lắng. Chúa Giê-su nói với các ông: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1); “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng.
Tại sao bình an của Chúa Giê-su thế gian không thể ban tặng?
Thưa, vì Chúa Giê-su là Thái Tử Hoà Bình, là bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con người. Có bình an Giê-su, con người các ông hoàn toàn đổi mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửa đóng then cài, nay đi rao giảng Chúa Giê-su chết bị chôn trong mồ đã sống lại hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết.
Bình An có tên là Giê–su
Chúa Giê-su chính là bình an đích thực. Có bình an của Chúa Giê-su đồng nghĩa với có chính Chúa, “Bình An Giêsu”. Có được Bình An Giê-su người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lành mạnh, bình an cả xác hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này.
Bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại. Chúa Giê-su đã chào các môn đệ: “Bình an cho các con”, Người cũng truyền cho các ông: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5-6).
Chúa Giê-su là chính sự bình an: “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy”. Các ông chỉ có được khi tuân giữ lệnh Chúa truyền là “yêu thương nhau” (Ga 13, 34).Về vấn đề này, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Con đường của bình an chung cục phải đi qua trong tình thương và hướng tới việc tạo nên một nền văn minh tình thương. Giáo hội chăm chú nhìn về Đấng là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và bất chấp mọi đe doạ không ngớt gia tăng, Giáo hội không ngừng hy vọng, Giáo hội không ngừng kêu cầu và phục vụ hoà bình của nhân loại trên trái đất” (Dominum et Vivificantem đoạn 67).
Không thể có bình an nếu không có sự tha thứ. Hãy tuân giữ luật yêu thương, và tha thứ cho nhau, ngay cả kẻ thù của mình (Mt 5, 44), thay vì luật báo thù. Bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực. Báo thù không dẫn đến hoà bình. Chỉ có tình thương mới đem lại bình an thực sự, vì Thiên Chúa là Tình yêu là nguồn bình an (Ga 4, 8, 16; Rm 16, 20).
Lạy Chúa, xin thương ban cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ