SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
CHÚA THÁNH THẦN
KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG
Hôm nay, Chúa Nhật VI Phục Sinh, Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm về vai trò của Chúa Thánh Thần như là “Kiến trúc sư của sự hiệp nhất trong đa dạng”. Tiếp nối ý tưởng này, Đức Thánh Cha Leo XIV trong bài giảng vào ngày khởi đầu sứ vụ Phêrô đã tha thiết mời gọi: “Chúng ta hãy trở thành một chút men nhỏ bé của hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ trong khối bột ấy. Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm tốn và niềm vui: hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người hơn!”, qua đó, chúng ta nhận thấy khát vọng thiêng liêng căn bản nhất của con người là được thuộc về Chúa và hiệp nhất với nhau trong Người. Chính vì vậy, ngọn lửa khát vọng này thôi thúc chúng ta suy gẫm Lời Chúa hôm nay về sự hiệp nhất trong đức tin, một sự hiệp nhất được Chúa Thánh Thần vun đắp và thể hiện qua tình yêu và bình an.
Trong bài đọc từ sách Công vụ Tông Đồ, chúng ta thấy Hội Thánh sơ khai đã phải đối diện với những thách thức có nguy cơ làm tổn hại đến sự hiệp nhất. Vấn đề phép cắt bì không chỉ là một tranh luận về nghi thức, mà còn là một thử thách về lòng bao dung và sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người tin Chúa có nguồn gốc khác biệt. Tuy nhiên, chính khát vọng thiêng liêng, ước muốn trung thành với Tin Mừng, đã dẫn dắt các Tông Đồ và các vị lãnh đạo đến một cuộc đối thoại chân thành và một quyết định dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Họ đã đặt sự hiệp nhất trong những điều cốt yếu của đức tin lên trên hết, mở ra cánh cửa cho mọi người đón nhận Chúa Kitô mà không phải mang gánh nặng của những luật lệ không cần thiết. Như vậy, đây là một minh chứng hùng hồn cho thấy khát vọng thiêng liêng giúp chúng ta vượt qua những khác biệt để tìm thấy sự hiệp nhất trong Đức Kitô.
Tiếp nối mạch suy tư này, hình ảnh Thành Thánh Giê-ru-sa-lem mới trong sách Khải Huyền hé mở cho chúng ta đích điểm của khát vọng thiêng liêng ấy: một sự hiệp nhất hoàn hảo trong vinh quang của Thiên Chúa, nơi không còn bóng tối của sự chia rẽ, mà chỉ có ánh sáng của tình yêu và bình an vĩnh cửu. Mười hai cửa thành mang tên mười hai chi tộc Israel và mười hai nền móng mang tên mười hai Tông Đồ tượng trưng cho sự hiệp nhất giữa quá khứ và hiện tại, giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa dân riêng và Hội Thánh phổ quát. Do đó, viễn cảnh này củng cố niềm hy vọng của chúng ta và mời gọi chúng ta ngay từ bây giờ hãy sống hướng đến sự hiệp nhất và bình an mà Chúa hứa ban.
Để đạt được sự hiệp nhất và bình an ấy, Lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an hôm nay chỉ ra con đường, đó chính là tình yêu và sự vâng phục Lời Chúa. Tình yêu đích thực kết nối chúng ta với Chúa và với nhau. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Đây là tình yêu mà Chúa Giê-su đã sống và mời gọi chúng ta sống: một tình yêu lớn hơn cả tình bạn, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã minh chứng điều đó bằng cái chết của Ngài trên thập giá vì chúng ta. Vì thế, để thực sự hiệp nhất với Chúa và với nhau, chúng ta cần mở lòng đón nhận tình yêu mà Chúa Giê-su đã trao ban, một tình yêu vô vị lợi, tha thứ và chữa lành. Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giê-su hứa ban, chính là sức mạnh giúp chúng ta sống được tình yêu cao cả ấy, soi sáng tâm trí, khơi dậy tình yêu và ban bình an cho những ai tin. Như lời Đức Thánh Cha Leo XIV, “chúng ta hãy đến gần Chúa Kitô, đón nhận Lời Người, để trở thành một gia đình duy nhất trong Ngài.” Thật vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự hiệp nhất trong sự đa dạng, giúp chúng ta trân trọng những khác biệt và xây dựng một cộng đoàn yêu thương.
Lời mời gọi “hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người hơn!” của Đức Thánh Cha Leo XIV vẫn vang vọng, thúc giục mỗi người đang sống đức tin hãy nuôi dưỡng khát vọng thiêng liêng, ước mong hiệp nhất với Chúa và anh chị em. Sự hiệp nhất này không phải là sự đồng nhất, xóa bỏ đi những nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp, mà là sự hòa quyện của muôn màu trong bức tranh ân sủng phong phú.
Trong bối cảnh xã hội hiện tại, với những khác biệt về vùng miền, văn hóa và cả những quan điểm sống, chúng ta được mời gọi học hỏi từ Hội Thánh thuở ban đầu. Hãy tập lắng nghe và đối thoại với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tại các cộng đoàn giáo xứ, trong mỗi gia đình, sự hiệp nhất được xây dựng bằng hành động cụ thể: sẻ chia, cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau. Hãy vượt qua những nghi kỵ, những định kiến để nhận ra rằng tất cả đều là con một Cha trên trời, cùng nhau hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn trong Nước Chúa.
Đặc biệt, trong cuộc sống thường nhật, mỗi tín hữu có thể trở nên chứng nhân cho sự hiệp nhất và bình an bằng cách sống theo Lời Chúa, thực hành bác ái với tha nhân, không phân biệt tôn giáo hay địa vị. Hãy trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng vào mọi khía cạnh của đời sống, góp phần kiến tạo một xã hội hòa thuận, bác ái và tiến bộ.
Ước mong mỗi người chúng ta, được khơi dậy bởi khát vọng thiêng liêng, được liên kết bằng tình yêu Chúa và được Thánh Thần dẫn lối, sẽ trở thành người xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong thế giới hôm nay. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển