Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 6B PS

Giới Răn Mới

Ga 15,9-17b

(Ga 15,9-17)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Giới Răn Mới (Ga 13:31-35) Giêrusalem, thứ năm, tháng 4 năm 30, 7 giờ tối.

18 Đang khi dùng bữa, Người nói: “ 31Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: “giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Đoạn này nói về bốn thứ vinh quang:

1.Vinh quang của Chúa Giêsu, đó là Thập Giá

Căng thẳng đã hết, do dự, hồ nghi không còn. Giuđa đã ra đi và chỉ còn Thập Giá. Ở đây chúng ta trực diện với chính những bại hoại nhục nhã của cuộc đời. Vinh quang lớn nhất là vinh quang trong hy sinh. Trong bất cứ trận chiến nào, vinh quang lớn nhất không thuộc về những người sống sót mà thuộc về những người đã chết, như Laurence Binyon viết: “họ lớn lên mà không già, chúng ta còn lại lại già thêm. Thời gian tuổi tác, chẳng ưu tư. Năm tháng qua đi chẳng kết án, từ bình minh tới lúc chiều tà, Ta hằng nhớ họ mãi mãi”. Trong y khoa, không phải những bác sĩ gặp may được ghi nhớ, mà là những ai hy sinh mạng mình để có được sức mạnh chữa lành. Lịch sử mọi nơi mọi thời vẫn dành ghi nhớ cho những ai hy sinh…

2.Thiên Chúa được vinh quang

Chính vì Chúa Giêsu vâng lời mà Thiên Chúa được vinh quang. Chỉ có một cách để tỏ lòng yêu, lòng ngưỡng mộ, lòng tin tưởng người lãnh đạo, đó là vâng phục. Chỉ có cách trọng kính cha mẹ là vâng lời cha mẹ. Chúa Giêsu hết lòng tôn kính cũng như đem lại vinh quang tối đa cho Thiên Chúa vì Người đã hết lòng vâng lời Thiên Chúa đến nỗi chết trên Thập Giá.

3.Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa tôn vinh chính mình

Thật lạ là vinh quang tối đa cho Thiên Chúa lại nằm trong mầu nhiệm Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa không được vinh danh nào cho bằng khi được yêu như thế. Nếu Thiên Chúa ở trên cao, uy nghi, bất cảm và lạnh lùng, không bị sầu muộn, không bị làm mất lòng bất cứ cách nào, thì con người có thể sợ, có thể ngưỡng mộ, nhưng không bao giờ có thể yêu mến. Luật hy sinh không phải là luật của đất mà là luật vừa thuộc trời vừa thuộc đất. Đó là Nhập Thể và Thập Giá, hai mầu nhiệm bầy tỏ vinh quang Thiên Chúa.

4.Thiên Chúa tôn vinh Chúa Giêsu

Đây là mặt khác của vấn đề. Lúc đó thì Thập Giá là vinh quang của Chúa Giêsu, vì Thập Giá cũng có nghĩa Sống Lại, Lên Trời và Ngự Xuống, Tân Ước nói là ngày Quang Lâm. Trên Thập Giá, Chúa Giêsu thấy vinh quang riêng của Người. Nhưng ngày kia, vinh quang của Người sẽ tỏ lộ ra cho thế giới và hoàn vũ. Sự chiến thắng của Chúa Giêsu phải theo sau sự hèn hạ. Lễ phong vương của Người phải theo sau cuộc đóng đinh. Vòng gai phải đổi thành triều thiên vinh quang. Đó là vận động của Thập Giá, nhưng Vua Giêsu sẽ chiến thắng tiến vào trước mặt toàn thế giới… 33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bấy giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Chúa Giêsu ban giới răn khi từ biệt các môn đệ. Thời gian vắn vỏi, nếu muốn nghe tiếng Chúa, họ phải nghe trong lúc này. Người sắp thực hiện một chuyến đi mà không ai theo được, Người đi một mình. Trước khi ra đi, Người truyền cho họ một giới răn là phải thương yêu nhau như Người đã thương yêu họ. Với ta, giới răn đó có nghĩa gì, liên hệ ta với đồng bạn ra sao?

5.Người thương yêu các môn đệ thế nào

5.1.Người thương yêu họ xả kỷ vô vị lợi

Tình yêu nhân loại, cho dầu cao thượng đến mấy, cũng luôn luôn nhuộm mầu sắc vị kỷ. Có thể vô ý thức, khi làm ơn, giúp đỡ, ta thường nghĩ đến việc sẽ nhận lại được gì. Ta nghĩ sẽ được hạnh phúc hay sẽ bị phật lòng nếu tình yêu của mình được đón nhận hay bị từ chối. Rất thường khi ta nghĩ ‘tình yêu này sẽ làm gì cho ta? Thường thì đàng sau mọi sự, điều ta tìm là hạnh phúc của mình. Hay tốt nhất thì cũng hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Còn Chúa Giêsu, Người không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ ước ao là ban chính mình và tất cả những gì Người có cho những kẻ Người yêu…

5.2.Người thương yêu họ cách hy sinh

Chúa thương yêu họ không giới hạn; không quan tâm đến việc hạn chế tình yêu của mình. Không đòi hỏi nào của tình yêu là quá đáng. Nếu tình yêu đòi Thập Giá, Người sẵn sàng đón nhận. Có khi ta nghĩ tình yêu sẽ cho ta hạnh phúc. Đúng thế, sau cùng thì tình yêu cho ta hạnh phúc, nhưng trước đó thường đem lại đau đớn và thập giá.

5.3.Chúa thương yêu họ cách hiểu biết

Người rất hiểu biết các môn đệ. Ta chỉ hiểu biết một người khi sống với người ấy. Khi sống với họ ta mới biết tính nết, những khuyết điểm, những nhỏ mọn của họ. Chúa Giêsu đã sống với các môn đệ ngày này qua ngày khác trong nhiều tháng nhiều năm và hiểu biết tất cả những gì phải biết, tốt và xấu của họ; vậy mà Người vẫn thương yêu họ. Đôi khi ta nói tình yêu mù quáng, nhưng không đúng. Mù quáng có thể đưa đến sự tỉnh ngộ ê chề. Tình yêu thực là tình yêu mở mắt, không phải yêu theo tưởng tượng, trí vẽ, mà là yêu những gì thấy rõ.

5.4.Chúa thương yêu họ cách tha thứ

Kẻ đầu nhóm đã chối bỏ Người, còn tất cả, đều hối hả thoát thân, bỏ Người một mình. Lúc Chúa còn sống, họ chẳng bao giờ hiểu Người. Họ tối tăm, vô cảm, chậm khôn. Sau cùng, họ nhút nhát vụng về. Vậy mà Chúa vẫn không khiển trách; không có gì thiếu xót mà không được Người tha thứ. Tình yêu không tha thứ không thể là gì khác ngoài tự khô héo và chết… chúng ta là thụ tạo nghèo nàn, không gì làm ta phật lòng cho bằng khi bị những người ta yêu phản bội. Chính vì thế tình yêu bền bỉ phải xây trên tha thứ vì không tha thứ thì chỉ có chết.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Yêu Như Chúa Yêu” (Ga 15,9-17)

Chúng ta đã sống giới răn yêu thương như thế nào và tình yêu thương mà chúng ta đang sống đó là tình yêu thương nào?
Quả thực chúng ta vẫn sống, vẫn yêu thương, nhưng yêu thương có nhiều cách, yêu thương có nhiều thể loại.
– Loại thứ nhất là yêu thương vụ lợi
Chúng ta yêu thương người khác bởi vì họ có lợi cho chúng ta. Cái lợi đó thể là cái lợi vật chất hay tinh thần. Cái lợi đó có thể là tự nhiên hoặc siêu nhiên. Như vậy đây chỉ là tác động của tính ích kỷ hơn là tác động của tình yêu thương.
– Loại thứ hai là yêu thương lãng mạn
Đó là loại tình cảm hướng chúng ta về người khác bởi vì niềm vui thích mà người khác đem lại cho chúng ta. Chúng ta say mê người khác, nhưng đó không phải là tình yêu. Chúng ta tưởng rằng mình yêu người khác, nhưng thật ra, chúng ta yêu chính mình chúng ta.

– Loại thứ ba  là yêu thương nhân bản
Đó là tình yêu dành cho nhân loại nói chung. “Tôi yêu nhân loại, nhưng tôi không dính dáng gì với họ”. Tôi yêu nhân loại nhưng lại rất hờ hững với những người chung quanh tôi.

– Loại thứ tư là tình yêu Kitô giáo
Loại thứ tư là tình yêu Kitô giáo là tình yêu chính Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta mà Người gọi là giới răn mới: “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”[2] 

“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”
– Yêu “như Thầy đã yêu” chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội.            
– Yêu “như Thầy đã yêu” chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như “bạn hữu thân tình”.                   
– Yêu “như Thầy đã yêu chính là “yêu cho đến cùng”, yêu cho đến chết và chết trên Thập Giá.                                                                                                                         
Vâng, kể từ khi Con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu “như Thầy đã yêu”.
Chúng ta chỉ có thể yêu “như Thầy đã yêu” khi chúng ta dám xả thân đến mức như Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống cho chúng ta.
Như vậy, yêu “như Thầy đã yêu” không phải là tình yêu vị kỷ (Eros). Yêu người khác chỉ để lợi dụng, chỉ để chiếm đoạt.                                      
Còn Yêu “như Thầy đã yêu” chính là tình yêu vị tha (Agapé). Tình yêu sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác. 
Một buổi tối nọ, sau khi ngôi sao âm nhạc nổi tiếng của Broadway, Mary Martin lên sân khấu trình bầy vở nhạc kịch lừng danh South Pacific (vở nhạc kịch này đoạt giải hay nhất năm 1950) được Oscar Hammerstein khen tặng với nội dung như sau: 
Mary mến, một cái chuông không phải là chuông cho đến khi cô rung cái chuông đó. Một bản nhạc không phải là bản nhạc cho đến khi cô hát bài hát đó lên.Tình yêu không phải là tình yêu cho đến khi cô cho đi tình yêu của cô” và cô ta đã tâm sự: “tối nay, tôi đã cho đi tình yêu của tôi”[3] 
            Tình yêu không phải là tình yêu cho đến khi tình yêu được cho đi           
            Tình yêu không phải là tình yêu cho đến khi tình yêu được trao ban.           

Tức là tình yêu phải được thực hiện như Chúa Giêsu đã dạy “yêu như Thầy đã yêu”.    
Trong cuộc sống hằng ngày, không phải chúng ta không biết đến đòi hỏi của Chúa Giêsu là yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương. Chúng ta cũng biết rằng tình yêu là dấu chứng thuộc về Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, luôn luôn có một khoảng cách, một khoảng cách rất xa: chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho tha nhân. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình yêu tha nhân trong một mức độ nào đó để khỏi phải thiệt thòi cho mình.           
Chúng ta vẫn muốn dựa vào một danh xưng bề ngoài để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chứ chúng ta chưa dám “liều mạng” để khẳng định chân tính Kitô hữu của mình bằng ý nghĩa và hành động yêu thương biết thực sự cho đi. Vì thế mà ngay đối với chúng ta, là linh mục, là tu sĩ hay giáo dân chúng ta vẫn chưa thoát khỏi lối sống của người thế gian: người ta đối xử với tôi thế nào, tôi đối xử lại như thế ấy! Quan hệ của chúng ta với tha nhân còn mang nặng tính vụ lợi, mua bán, đổi chác. Và vì thế cách sống của chúng ta chẳng nói được với ai điều gì về niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Tình Yêu cả! 
Chính vì vậy, ai không yêu thương, người ấy không phải là Kitô hữu, ai không yêu thương, người ấy không phải là người đi theo Chúa, ai không yêu thương, người ấy không phải là con cái đích thực của Thiên Chúa.                                          
Điều Chúa muốn nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là hãy lắng nghe Lời Chúa và đưa Lời Chúa vào cuộc sống: “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai Tập Hai trg.354-357

[2] Flor McCarthy, CN 5C PS

[3] Internet

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …