Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Phục Sinh , của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VI Phục Sinh , của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 6C PS

 BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU

(Ga 14,23-29)

5-24-2019 5-21-45 PMBình An là món qùa quý báu nhất, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông Đồ và những người tin theo Chúa. Tâm hồn bình an thì luôn thanh thản, an hòa và vui tươi. Sự bình an đích thực chính là ân sủng của Chúa. Chúa chính là nguồn ơn bình an. Ngay khi Chúa giáng trần, các thiên thần đã đồng thanh ca hát: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”(Lc 2,14). 

Rồi khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu căn dặn các ông: “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “bình an cho nhà này”. Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy, bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10,5-6)

Và sau khi sống lại, mỗi lần hiện đến với các Tông Đồ, Chúa đều chúc bình an. Thánh Luca ghi lại: “các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “bình an cho anh em! “(Lc 24,36). Rồi “tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “bình an cho anh em.”(Ga 20,26). 

Chính vì vậy trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).

Theo phong tục Do Thái, khi từ giã nhau, người ta thường chào nhau bằng “bình an” (shalom), nhưng ở đây sự bình an của Đức Giêsu để lại, không có ý nghĩa như lời chào thông thường, vì thế gian chỉ có thể cầu chúc bình an chứ không thể ban bình an, còn Đức Giêsu chính Người ban bình an của Người.

Bình An, ở đây không phải chỉ là vắng bóng bạo hành, không có chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc và quốc gia mà chính là sức khỏe, sự thịnh vượng, hạnh phúc sung mãn và ơn cứu độ. Và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này, vì đó là phúc lộc cứu độ tuyệt vời nhất: “lúc đó, sự công chính nở rộ và bình an lớn lao tới khi mặt trăng khuất bóng “ (Tv 72, 7).

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến một sự bình an bên trong của con tim, sự bình an của con người với chính mình và với Thiên Chúa.

“Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. “(Ga 14, 27).

Trong cuốn sách Go Down to the Potter’s House của Donagh O’Shea, ông có một câu chuyện về một ông vua có hai hoạ sĩ trong triều là hai đối thủ gay gắt. Một ngày nọ, nhà vua nói: “trẫm quyết định một lần cho xong để biết ai trong hai là hoạ sĩ giỏi nhất. Hai khanh phải vẽ cùng một đề tài và như vậy, trẫm sẽ ở giữa để phán quyết. Và đề tài là sự bình an”.

Hai hoạ sĩ đồng ý, và một tuần sau trở lại với các bức tranh của họ. Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh của mình. Nó cho thấy một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi trập trùng bên nhau và một mặt hồ không gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự hài hòa, bình an và tĩnh lặng. Nhưng khi nhìn vào bức tranh, quay lại nói với hoạ sĩ, “bức tranh của khanh đẹp thật, nhưng nó làm ta buồn ngủ”.

Kế đó, hoạ sĩ thứ hai đã trình bày công trình của mình. Nó cho thấy một thác nước chảy ầm ầm. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy tiếng gầm của thác nước khi va vào các tảng đá ở bên dưới hàng trăm thước.

Nhà vua tức giận nói: “nhưng đây không phải là một cảnh bình an như trẫm đã ra lệnh”. Hoạ sĩ không đáp lại nhưng xin nhà vua tiếp tục xem. Sau ít phút, nhà vua nhận ra một chi tiết quan trọng: ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây mọc lên với một tổ chim trên cành. Khi nhìn kỹ, nhà vua thấy có một con chim trong tổ: một con se sẻ đang ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ các con nó được sinh ra, một hình ảnh bình an thật hoàn hảo.

Nhà vua rất thích thú khi nhìn ra điều đó. Quay lại người hoạ sĩ thứ hai, ngài nói: “trẫm rất thích bức tranh khanh đã chuyển tải một điều rất quan trọng về bình an, đó là có thể sống trong bình an cả khi ở giữa cảnh ồn ào hỗn loạn của cuộc sống”.

Đức Giêsu đã nói về sự Bình An của Chúa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

Bình An ở đây là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Và Đức Giêsu đã ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì thế, Người có thể nói về sự bình an cả khi các kẻ thù đang siết chặt vòng vây xung quanh Người và ngay cả gần kề cái chết.

Bình An, không xao xuyến không sợ hãi chính là sự tín thác vào Thiên Chúa. Đó là điều mà người ta có thể có cả khi ở giữa sự xáo trộn, xung đột và những vấn đề chưa giải quyết được. Đó chính là sự Bình An mà Chúa muốn nói với các môn đệ và cũng là nói với chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”(Ga 14, 27).

Quả thật “Bình An” là một trong những từ đẹp nhất và giàu ý nghĩa nhất trong ngôn ngữ Kitô giáo. Bình An gồm hai khía cạnh tích cực và tiêu cực : không có xáo trộn và có một tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và con người. Bình an giữa con người với con người được bảo đảm nhờ công nghiệp Đức Kitô quy tụ mọi tín hữu thành gia đình của Thiên Chúa, và vào trong mối tương quan hài hòa với tha nhân.

Đức Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến, là Đấng Trung Gian của sự Bình An này, nên Người có thể gọi đó là sự Bình An của riêng mình: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em.” Không phải là thứ bình an giả tạo mà nhiều lần các ngôn sứ đã cảnh báo và Đức Giêsu đã từ chối đem xuống trên mặt đất nhưng là Bình An đích thực của Thiên Chúa, mà để ban cho thế gian, Đức Giêsu đã phải hy sinh chính mạng sống của mình.

Hiệu quả của ơn Bình An này là: các môn đệ không còn xao xuyến nữa, dù trước viễn tượng Đức Giêsu sẽ khuất dạng, hay trước nhiệm vụ đang chờ, chính họ sẽ là những người đem Tin Mừng cứu độ vào giữa lòng thế giới. Đây là lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ và cũng là lời Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay.Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …