Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Giêsu dạy cách yêu

SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM – B

(Ga 15, 9-17)

Ga 15, 9-17aTình Yêu! Đây là một đề tài rất quen thuộc và rất phổ biến đối với thời đại chúng ta. Cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiêu phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v… Nhưng thứ tình yêu mà người ta bàn đến là thứ tình yêu nào? Thật là hàm hồ không thể xác định được.

Tình yêu mà chúng ta bàn đến hôm nay là thứ tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, một thứ tình yêu cao quý giúp cho con người vươn tới Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8). Tình yêu này là cốt lõi trong đạo và đã trở thành giới luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi… Ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình” (Mt 22,37-39). Giới luật này đã được ghi trong sách Thứ luật và sách Lêvi…

Nếu giới răn yêu người đã có sẵn trong sách Lêvi, tại sao hôm nay Chúa Giêsu lại còn dạy ta một cách yêu như Chúa yêu : “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12)?

Chúng ta tự hỏi, phải chăng con người dùng những tình cảm tự nhiên để yêu như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, đồng lớp đồng niên mến thương nhau, hay hai người nam nữ yêu nhau là chưa đủ hay là khác với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu chúng ta sao mà Giêsu còn dạy chúng ta một cách thức yêu : Yêu như Thầy đã yêu ?

Vậy, yêu như Thầy đã yêu là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ như có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói yêu như Thầy đã yêu mến các con là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng (x. Ga 14, 13). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu thí mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con (Ga 14, 9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngừng chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vậy đâu là bằng chứng để chứng tỏ chúng ta yêu Chúa ? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người (Ga 15, 10). Yêu như Thầy yêu là thế đấy.

Thánh Augustinô nói tiếp : Yêu như Thầy đã yêu các con, khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Thánh Gioan Tông Đồ viết : Thiên Chúa là Tình Yêu… hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa… Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa (1 Ga 4, 7 – 8). Gioan quả quyết : Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta (1 Ga 4, 10).

Sở dĩ Chúa Giêsu đưa ra cách yêu này vì nội dung của nó phong phú hơn. Nó phong phú không tại chữ “yêu” mà tại chữ “như”. Chúng ta phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương. Chúa đã chúng ta thế nào chúng ta phải làm như vậy.

Thực ra, Chúa Giêsu đã làm gương, đã thực hiện trước, chúng ta chỉ việc dấn bước theo gương Người. Đây là một việc khả thi, không vượt quá sức chúng ta.

Thiên Chúa đã con người bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên loài người, ban cho con người những hồng ân bên trong và bên ngoài; Ngài cũng đã yêu con người với một tình yêu khổ đau khi cứu chuộc loài người, khi Ngài nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau đớn nhất, để minh chứng cho con người thấy tình yêu của Chúa, để con người cảm nhận được sự thật rằng : “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Thánh Gioan viết : “Chúa Giêsu đã yêu thương họ thì yêu thương đến cùng”.

Đến cùng của con người có nghĩa là sự chết, Chúa đã yêu thương ta đến chết, Ngài nói : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Ga 15,13-15). Chữ “bạn” ở đây trong nghĩa tích cực chỉ những ai thương mình, nhưng trong nghĩa tiêu cực nó chỉ những người mình thương. Chúa Giêsu gọi Giuđa là “bạn” (Mt 26, 50) không phải vì Giuđa thương Ngài, nhưng vì Ngài thương Giuđa, coi Giuđa như bạn hữu: đó là ý nghĩa của lời Chúa. Con người có thể là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của nhân loại.

Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu thương xót, một tình yêu thứ tha, không muốn tiêu diệt kẻ thù, nhưng tiêu diệt lòng thù hận nếu có. (x. Ep 2,16).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết yêu thương nhau như cách Chúa đã yêu để chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …