Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

CN 6A TN

Chúa Giêsu kiện toàn Lề Luật

(Mt 5,17-37)

I.TÀI LIỆU GỢI ÝMt 5, 17 - 37c

1.Chúa nói đến tính cách trường cửu của Luật

Vừa đọc, ta thấy đây là lời lạ lùng nhất trong bài giảng trên núi. Trong đoạn trên, Chúa nói đến tính cách trường cửu của Luật. Vậy mà Phaolô lại nói ‘cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô’ (Rm 10,4). Và chính Chúa Kitô lại lỗi đi lỗi lại điều Do Thái gọi là Luật, như không rửa tay, chữa bệnh ngày thứ bảy… đến nỗi bị kết án phải chết trên Thập Giá. Nhưng ở đây, Chúa lại nói đến Luật với một giọng kính trọng, người Do Thái khó thể vượt qua đến nỗi ‘một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được!’. Có người ngỡ ngàng trước lời nói trên, nên cho rằng Chúa đã không nói như thế. Họ nói Matthêu là người Do Thái nhất trong các Thánh Ký, viết cho người Do Thái để thuyết phục họ Đức Kitô là Đấng Cứu Thế, nên bảo Chúa đã phán như vậy. Nhưng ai trong loài người có thể sáng kiến ra lời nói như thế? Học hiểu ý nghĩa trong đoạn, ta phải nhận chính Chúa đã nói như vậy.[1]

2.Người Do Thái hiểu Lề Luật theo bốn cách

2.1.Luật là Mười Giới Răn.

2.2.Luật là Năm Quyển Đầu trong Kinh Thánh, Ngũ Thư, đó là Lề Luật trổi vượt, được họ kính trọng nhất trong Kinh Thánh.

2.3.Luật và Tiên Tri là toàn thể Kinh Thánh; đó là những gì ta có thể gọi là Cựu Ước.

2.4.Lề Luật là Luật truyền khẩu hay Lề Luật thuộc các Kinh Sư.[2]

3.Lề Luật của các Kinh Sư là gì

Thời Chúa Giêsu thì ý nghĩa sau cùng là thông dụng nhất, nhưng thực tế thì chính Lề Luật của các Kinh Sư mà Chúa Giêsu và Phaolô kết án hoàn toàn. Vậy thì Lề Luật của các Kinh Sư là gì?

Trong Cựu Ước, ta thấy rất ít qui chế và luật lệ, mà chỉ có những nguyên tắc tổng quát, con người phải học hỏi, giải thích dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa để áp dụng vào đời sống cụ thể. Mười Giới Răn cũng không có qui chế và luật lệ. Đối với người Do Thái thời sau này, những nguyên tắc tổng quát không đủ. Họ cho rằng Lề Luật là thiêng liêng là lời của Thiên Chúa, gồm đầy đủ ý nghĩa trong đó. Nếu lời Chúa không có ý nghĩa minh nhiên rõ ràng thì phải có ý nghĩa tiềm ẩn. Công việc là phải học hỏi để tìm những ý nghĩa tiềm ẩn đó. Vì thế nẩy sinh lớp người học hỏi Kinh Thánh, gọi là giới Kinh Sư để rút ra những qui chế luật lệ. Như về kiêng việc ngày Sabat, Kinh Thánh chỉ nói đại cương là phải thánh hóa, kiêng việc. Nhưng thế nào là công việc, những việc nào phải kiêng… Mang vật nặng là công việc, nhưng thế nào là nặng, nặng bao nhiêu… biết bao nhiêu công việc thường ngày phải giải thích… viết lách là công việc, nhưng viết thế nào, viết bao nhiêu… đi lại di chuyển cũng thế. Kinh Sư là những người học hỏi rút ra những qui chế, luật lệ. Biệt Phái, tên của họ, có nghĩa là những người tách riêng, là những người tách biệt khỏi những công việc thường ngày để giữ những qui chế luật lệ đó. Qua nhiều thế hệ, Luật thuộc giới Kinh Sư đó không được ghi chép mà chỉ truyền miệng. Vào thế kỷ 3, những qui chế, luật lệ đó mới được thâu lại trong cuốn gọi là Mishnah gồm 63 đề mục, dịch sang Anh Ngữ dài gần 800 trang. Đến lượt Mishnah cũng không đầy đủ, người ta lại phải giải thích, thâu lại trong cuốn gọi là Talmud. Bản Talmud Giêrusalem gồm 12 pho sách; bản Talmud Babylon có 60 pho sách.[3]

4.Vậy thì ý nghĩa thật của Luật là gì

Chúa Giêsu tuyên bố Người xuống thế không để loại bỏ Luật mà để kiện toàn. Nghĩa là Người đến để làm ý nghĩa thật của Luật được sáng tỏ. Cả đến đàng sau của Luật truyền khẩu và Luật thành văn có một nguyên tắc lớn mà giới Kinh Sư và Biệt Phái không hiểu hoàn toàn. Nguyên tắc lớn đó là trong mọi sự, con người phải tìm Thánh Ý Chúa và khi đã biết Ý Chúa phải tận hiến cả đời mình để vâng theo. Người Kinh Sư và Biệt Phái đúng khi tìm Thánh ý Chúa và rất đúng khi tận hiến đời mình vâng theo. Nhưng họ sai khi tìm Ý Chúa trong muôn vàn qui chế luật lệ con người làm ra. Vậy thì nguyên tắc thật đàng sau toàn thể Luật là gì, nguyên tắc mà Chúa Giêsu đến để kiện toàn, ý nghĩa thật của nó mà Chúa Giêsu đến để làm rõ?

4.1.Khi nhìn đến Mười Giới Răn, bản tính và nền tảng của mọi luật, ta có thể thấy toàn thể ý nghĩa có thể được tóm tắt trong lời tôn trọng hay đúng hơn là tôn kính

Tôn kính Thiên Chúa, danh Chúa, ngày của Chúa, tôn trọng cha mẹ, sự sống, tài sản, địa vị của cha mẹ, tôn trọng sự thật, danh tốt của người khác, tôn trọng người khác để những ước ao xấu không làm chủ mình. Đó là những nguyên tắc nền tảng đàng sau Mười Giới Răn, những nguyên tắc tôn kính Thiên Chúa và tôn trọng người khác và chính mình. Không có những nguyên tắc này sẽ không có luật. Luật dựa trên những nguyên tắc đó. Tôn trọng và tôn kính là những điều Chúa Giêsu đến để kiện toàn.

4.2.Tôn trọng hay tôn kính đó là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa, trả cho con người những gì thuộc con người

Người đến để tỏ cho con người biết trong đời sống cụ thể, thế nào là tôn trọng, thế nào là tôn kính. Người Hy Lạp nói công bằng hệ tại việc trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa, trả cho con người những gì thuộc con người. Đó là trả cho Thiên Chúa lòng tôn kính, trả cho con người sự tôn trọng. Sự tôn kính và tôn trọng đó không hệ tại vâng theo những qui chế, luật lệ tỉ mỉ; không hệ tại của lễ nhưng là lòng thương xót, không hệ tại vị luật mà hệ tại tình yêu; không tại những cấm đoán nhưng tại dạy bảo để khuôn mẫu cuộc đời vào giới răn tích cực của tình yêu. Lòng tôn kính và tôn trọng là nền tảng của Mười giới răn, sẽ không qua đi và sẽ trường cửu cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và người khác.[4]

5.Khi nói về Luật và Phúc Âm, Chúa Giêsu ngầm đưa ra một số nguyên tắc rộng lớn

5.1.Có sự liên tục giữa quá khứ và hiện tại

Đừng bao giờ nhìn cuộc sống như một cuộc chiến giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại lớn lên từ quá khứ. Sau Dunkirt trong thế chiến thứ hai, phát sinh khuynh hướng đổ lỗi tai họa quân lực của Anh Quốc cho vài người, nhiều người muốn khiển trách những người lãnh đạo trong quá khứ. Lúc đó, Mr. Winston Churchill đã nói lời rất khôn ngoan ‘nếu tranh cãi giữa quá khứ và hiện tại, chúng ta sẽ đánh mất tương lai’. Luật đã có trước Phúc Âm. Con người phải học hỏi sự khác nhau giữa điều phải và điều quấy, phải học hỏi về sự bất lực của mình trong việc đương đầu, đối phó với những đòi hỏi của luật và đối phó với những đòi hỏi của Thiên Chúa, phải học hỏi về ý nghĩa của tội, về sự bất xứng, sự bất cân bằng. Người ta trách mắng quá khứ về nhiều sự, và thường rất đúng, nhưng còn đúng hơn là phải công nhận món nợ ta mắc với quá khứ. Như Chúa Giêsu đã nhìn thấy, bổn phận của con người không phải là quên cũng như cố gắng trừ bỏ quá khứ, nhưng là xây dựng trên nền tảng của quá khứ. Ta đã tham dự vào sự lao công khó nhọc của người khác và ta phải làm việc để người khác tham dự vào lao công của chúng ta.[5]

5.2. Đối với Kitô hữu nguyên tắc của luật là tình yêu

Người ta có thể nói ‘Chúa Giêsu đã chấm dứt luật, rồi có thể làm gì tùy ý’. Người ta có thể nghĩ mọi bổn phận, mọi trách nhiệm, mọi giới răn đã chấm dứt… nhưng Chúa đã cảnh cáo: phải công chính hơn Kinh Sư và Biệt Phái. Tiêu chuẩn của Kinh Sư và Biệt Phái là luật; mục đích của họ, ước ao của họ là chu toàn những đòi hỏi của Luật. Nếu chỉ có thế thì ít nhất, theo nguyên tắc, ta có thể chu toàn luật một cách đầy đủ… theo một ý nghĩa, sẽ có lúc người ta có thể nói ‘tôi đã chu toàn những gì luật đòi; bổn phận của tôi được miễn; luật không trách tôi được gì’. Nhưng tiêu chuẩn của người Kitô hữu là tình yêu. Ước ao của người Kitô hữu là tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với Thiên Chúa vì Người đã yêu thương ta trong Đức Giêsu Kitô. Làm sao có thể tuyên bố mình đã thỏa mãn được đòi hỏi của tình yêu, cho dầu nói theo lý thuyết? Yêu ai, ta cảm thấy muốn tôn quí, muốn phục vụ người đó suốt đời, và nếu có dâng cho họ hết cả mặt trời mặt trăng, hết cả vũ trụ, ta vẫn thấy còn ít, vì đối với tình yêu thì toàn thể hoàn vũ có là gì. Người Do Thái chủ ý chu toàn luật của Thiên Chúa, mà đòi hỏi của luật thì luôn luôn có giới hạn. Trái lại, người Kitô hữu chủ ý tỏ lòng biết ơn tình yêu của Thiên Chúa, mà đòi hỏi của tình yêu thì không giới hạn. Chúa Giêsu không đưa ra cho con người luật của Thiên Chúa mà đưa ra cho con người tình yêu của Thiên Chúa. Nên từ xưa thánh Âutinh đã nói ‘mến Chúa đi rồi làm gì thì làm’.[6]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Có câu chuyện kể rằng: chiều tối, nước lũ cuồn cuộn ập đến. Ông Lưu khi thấy nước lũ đã dâng đến mặt cầu, ông mới chống gậy, vịn thành cầu, dắt theo đứa cháu từ từ lội qua cầu. Đang đi, ông bỗng phát hiện một nhịp bị nước lũ cuốn đi.

Thật nguy hiểm quá! Nếu không có cái thành cầu hai ông cháu sẽ chìm sâu trong biển nước. Thế là họ vội quay lại, dự định sẽ leo lên ngọn núi nhỏ sau nhà để tránh lũ.

Hai ông cháu vừa về đến đầu cầu thì thấy một chiếc xe hơi đang chạy tới. Ông Lưu lập tức giơ cây gậy ra để chặn đầu xe và hét lớn: “cầu hư rồi”.

Không biết sao tài xế không những không dừng xe mà còn tăng tốc, bất chấp cây gậy cản phía trước, lao về phía cầu và lập tức bị chìm xuống đáy sông.

– “Ông ơi, vì sao chú ấy lại tự tìm lấy cái chết?”.

. “Cháu không hiểu rồi. Chú ấy không phải muốn tìm cái chết mà là muốn được sống. Chú ấy tăng tốc là muốn nhanh chóng thoát chết”, ông vừa nói vừa đi nhặt cây gậy bị xe cán gãy làm đôi

– “Ông đã giơ gậy lên, vì sao chú ấy không chịu dừng lại?

. “Tiếng mưa gió lớn quá, chú ấy không nghe được tiếng ông, chú ấy tưởng rằng ông cháu mình muốn quá giang để thoát nạn. Chú ấy không muốn vì chúng ta mà lỡ mất thời gian quý báu, nhưng chú ấy đâu biết rằng phía trước là con đường chết. Tiếc rằng gậy ông quá ngắn, không thể cản được chú ấy”.

– “Sao chú ấy lại dám tông gãy gậy ông?”

. “Vào giây phút sinh tử, đừng nói tông gãy một cây gậy, thậm chí còn có thể tông cả vào ông, cán qua người ông để lao về phía trước nữa đấy”.

– “Ông ơi, nước lũ càng lúc càng lớn, ông cháu mình hãy leo lên núi nhanh lên, nếu không sẽ mất mạng đấy”.

. “Ông còn phải đợi một chút. Cháu nghe xem, lại có tiếng xe chạy đến và ông đã lấy chính thân mình để chận chiếc xe lại.[7]

Ông lão cứu họ, mà họ lại cứ tưởng ông muốn đi nhờ xe, để rồi đi đến chỗ chết. Chúa Giêsu đến để hoàn thiện lề luật để giải thoát giới lãnh đạo Do Thái mà họ lại cứ cho rằng Chúa đến phá hủy lề luật. Chúa không đến huỷ bỏ Lề Luật nhưng kiện toàn Lề Luật. Chúa Giêsu đi thẳng vào nguồn ngọn, vào đáy lòng và lương tâm, nơi xảy ra đích thực mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Giá trị luân lý của hành vi không nằm ở vẻ bên ngoài của chúng, nhưng ở những quyết định từ bên trong. Chúa Giêsu đến hoàn thành Lề Luật theo nghĩa là Người nới rộng nó tới thế giới lương tâm chớ không phải chỉ giữ luật theo hình thức bên ngoài. Chúa nêu ra một số điểm cụ thể như sau:

  1. Chớ giết người

Không chỉ huỷ hoại sự sống thể xác mới phải ra toà, nhưng chỉ mới giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã đủ để lãnh án nặng nề, vì đó là con đường dẫn đến tội giết người.

  1. Chớ ngoại tình

Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và lãnh trách nhiệm bảo vệ người bạn đời của mình. Điều răn này nhằm bảo vệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Song ý nghĩa nó đi xa hơn, sâu hơn nhiều. Chúa Giêsu đặt nó vào bình diện của ước muốn. Chính lòng ước muốn sẽ đưa con người đến chỗ ngoại tình.

  1. Chớ thề gian

Luật cũ cấm phản bội lời thề. Còn Đức Kitô nói không được thề thốt gì cả, nhưng có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là ma quỉ.

Anh chị em thân mến,

Tình yêu chính là Luật Mới đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi: “Ta không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”, nghĩa là Đức Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Luật mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới: “anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”. Do đó, chúng ta không lạ gì lối giữ đạo duy hình thức, vụ Lề Luật của các luật sĩ và các nhóm Biệt Phái Pharisêu thời Chúa Giêsu, đã bị chính cuộc sống của Chúa Giêsu vạch trần là giả hình là “mồ mả tô vôi”: giữ luật chi li, nhưng là để cho bản thân mình nổi danh đạo đức trước người khác và tự mãn nơi lòng mình. Tệ hơn nữa là hạng người mượn danh “Luật Chúa” để kết án người tội lỗi và người nghèo khổ nên Chúa Giêsu đã bảo: “nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Chúa Giêsu đã cảnh báo những người đương thời với Chúa và Chúa cũng cảnh báo con người chúng ta hôm nay. Amen

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.259

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.259

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.260

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.26

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.262

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.262

[7] QUANG TỊNH, Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ trg.141-143

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …