CHÂN LÝ TIN MỪNG
Vâng, sự cùng đích của Tin Mừng phải là chân lý, vì sự cùng đích của khiêm nhường chính là sự thật, sự thật chính là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Chân Lý. Vì lẽ đó cho nên, Thiên Chúa hạ bệ những kẻ kiêu ngạo, nhưng nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Với tâm tình trên, chúng ta thấy, nếu nâng cao một sự thật, hay đề cao sự thật, thì không phải là kiêu ngạo, vì đề cao sự thật, mới dám sống vì sự thật, từ đó mới đủ can đảm bảo vệ sự thật, bảo vệ sự thật là bảo vệ chân lý, bảo vệ đức tin.
Theo đó, “muối và ánh sáng” mà Chúa Giêsu nói trong đoạn Tin Mừng (Mt 5, 13-16) hôm nay, chính là “Lòng thương xót” của Thiên Chúa.
Vâng, khởi đi từ bài đọc I (Is 58, 7-10), chúng ta thấy Thiên Chúa đã phán dạy sự nhân từ, sự bác ái đối với người cùng khổ. Như vậy, muối và ánh sáng mà Chúa Giêsu dạy trong đoạn (Mt 5, 13-16) hôm nay chính là lòng bác ái đối với tha nhân. Đồng thời, đây chính là chân lý của Tin Mừng. Vì nếu, những người là môn đệ Đức Kitô mà không trở nên muối và ánh sáng cho đời thì không còn nghĩa lý gì?
Thánh Phaolo nói: “cho dù anh em có nói được tiếng nói của loài người và của các thiên thần, nhưng không có lòng bác ái, thì cũng giống như não bạt, phèn la kêu chũm chọe …” (1Cr 13, 1-13).
Bài đọc II hôm nay (1Cr 2, 1-5), thánh Phao- lô xác quyết, ngài không dùng triết lý cao siêu mà giảng dạy về Đức Kitô chịu đóng đinh, mà dùng tình bác ái huynh đệ mà rao giảng. Vì nếu dùng lý lẽ khôn ngoan của phàm nhân, thì không thể nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa, như vậy sẽ đối nghịch với chân lý Tin Mừng và đức tin của chúng ta sẽ không dựa vào lý lẽ của Thiên Chúa, mà dựa vào lý lẽ của phàm nhân.
Muối cho đời…
Chủ đề của đoạn Phúc Âm hôm nay mà Chúa Giêsu nói đến chính là sự bác ái, bác ái chính là men, là muối, là ánh sáng cho đời. Ai cũng biết muối là chất xúc tác, muối có vị mặn, đó là tính đặc trưng của muối. Chính vị mặn đó, mà muối có giá trị, để bảo quản thức ăn, để tăng gia vị cho cơ thể. Vì muối chính là nước mặn của biển, được phơi dưới ánh sáng mặt trời, khi nước bốc hơi, còn lại vị mặn, lấp lánh những tinh thể muối. Như vậy, theo định nghĩa muối: chất rắn có tinh thể (Na Cl) Clorua Natri, dùng để bảo quản và làm gia vị. Tuy nhiên, có nhiều loại muối, không phải muối nào cũng dùng làm muối ăn. Nhưng “Muối” trong Tin Mừng mà Chúa Giêsu nói đến, chắc chắn là muối ăn. Tính chất của muối là dùng để ướp thức ăn đặc biệt là cá, thịt hằng ngày. Vì độ mặn của muối làm cho thức ăn không hôi thối. Vãy muối phát ra vị mặn, đồng thời là giá trị chính của muối. Vì vậy tục ngữ Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Thật là chí lý!
Từ muối và cá, người Việt đã làm ra một sản phẩm có giá trị là “Nước mắm”, một thứ gia vị dùng trong những bữa cơm hằng ngày của người Việt, và ngày nay lan rộng ra khắp năm Châu. Nếu không có nhiên liệu chính là muối, thì không thể có sản phẩm là nước mắm, dù có cá.
Qua hình ảnh và tính chất cần thiết của muối, mà Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính anh em là muối cho đời…” (c 13). Vâng, muối mà Chúa Giêsu nói ở đây chắc chắn không phải là nghĩa đen, mà chính là lòng bác ái, vị tha của những ai bước theo Chúa.
Ánh sáng cho trần gian…
Ánh sáng ai cũng thấy, ai cũng biết, từ ánh sáng của vũ trụ là mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, là các tinh tú được treo lơ lững trên bầu trời. Đến ánh sáng nhỏ bé mà chúng ta có thể thắp lên được, như nhóm bếp, thắp đèn v.v… Nguyên lý của ánh sáng là làm cho sáng, đặc trưng của ánh sáng là sức nóng, chính sức nóng đã làm cho nó sáng lên. Gía trị của ánh sáng cũng đem lại sự sống, chúng ta thấy đời sống thực vật, nếu không có ánh sáng thì lá cây không xanh, sở dĩ lá cây có được màu xanh là nhờ chất diệp lục ở lá và tia nắng mặt trời tiếp xúc vào nên tạo cho lá cây có màu xanh. Nếu trồng một cái cây trong bóng râm hoàn toàn trong một thời gian dài, thì nó sẽ vàng úa.
Cũng vậy, ánh sáng rất cần thiết cho đời sống động vật, nếu con người và thú vật sống trong môi trường không có ánh sáng, thì sẽ bị bệnh mà chết, ánh sáng rất cần cho hệ xương và da. Và ánh sáng rất cần cho thị giác, nếu mọi thứ xung quanh đều tối tăm, mắt chúng ta không nhìn thấy gì cả, và cảnh mù lòa, tối tăm thật là khổ sở. Nên chi, ánh sáng rất cần thiết cho sự sống của nhân loại. Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “Thà thắp lên một ngọn đèn nhỏ, còn hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng đêm”.
Đó là ánh sáng tự nhiên cần thiết cho đời sống tự nhiên như thế nào. Từ đó, ai cũng biết giá trị của ánh sáng. Như vậy, giá trị của ánh sáng là để tỏa chiếu, để làm cho mọi người thấy rõ. Nếu thắp đèn lên mà lấy thùng úp lại thì làm chuyện điên rồ. Bởi vì không phát huy gía trị chân chính của nó, giá trị chân chính là giá trị tự nhiên mà có. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết việc cần làm sáng Danh Chúa qua việc làm bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Chúng ta đừng nhầm lẫn việc bác ái đích thực xuất phát từ Lời Chúa và việc bác ái vì danh lợi trần thế. Việc bác ái đích thực xuất phát vì Lời Chúa thì như ánh sáng được thắp lên và chiếu giãi cho mọi người, để tôn vinh Thiên Chúa là sự sáng thật, điều ấy chính là chân lý Tin Mừng. Đừng nhầm lẫn với sự khoe mình, nếu chúng ta tự khoe mình, thì đó là điều kiêu ngạo. Nhưng chúng ta trở nên ánh sáng đích thực vì Lời chúa cho tha nhân, thì đáng được biểu dương.
Chúng ta cần phân biệt rằng những việc đạo đức cá nhân thì nên kín đáo, vì chúng ta làm cho chính ta, thì càng kín đáo càng tốt, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công cho chúng ta. Còn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết, chúng ta phải trở nên muối, nên ánh sáng, và như Chúa Giêsu đã giải thích giá trị của muối và ánh sáng. Như vậy, để trở nên người tốt cho mọi người nhìn thấy mà ngợi khen Thiên Chúa, chính là trở nên, muối và ánh sáng thì không sợ là khoe mình, khi chúng ta thực thi đúng Lời Chúa.
Ai cũng biết câu chuyện của Mẹ Têresa Calucutta khi làm việc truyền giáo, đã đến nhà của một người đàn ông mù, ông ta đã sống trong bóng tối, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã từ lâu. Khi Mẹ Teresa đến thăm, thì thấy căn phòng của ông ta tối om, không có tí ánh sáng nào, thì nói: “Sao ông không thắp đèn lên?” Ông ta đã trả lời: “Tôi không còn nhìn thấy ánh sáng đã lâu rồi, có thắp đèn lên cũng vô ích thôi”. Nhưng Mẹ Teresa nói: “Ông hãy để tôi thắp đèn lên và ông sẽ thấy sự kỳ diệu của nó.” Trước sự thuyết phục chân thành và đầy lòng bác ái của Mẹ Teresa. Người đàn ông đã đồng ý để Mẹ thắp đèn lên. Và sự kỳ diệu đã đến, tuy người đàn ông mù không nhìn thấy ánh sáng tự nhiên, nhưng ông ta đã được ánh sáng siêu nhiên chiếu tỏa. Và rồi các nữ tu của Mẹ Teresa đã dọn dẹp căn phòng của người đàn ông mù sạch đẹp hơn, vì họ đã nhìn thấy ánh sáng trong căn phòng và mọi thứ được dọn dẹp cách ngăn nắp. Và ánh sáng trong căn phòng tỏa ra xung quanh, nên dân làng biết có người và họ chạy đến giúp đỡ cho người đàn ông đáng thương đó. Và việc làm bác ái của Mẹ Teresa chính là thứ ánh sáng mà Chúa Giêsu đã nói, và ánh sáng đó không hề tắt. Như vậy, nếu chúng ta không có ánh sáng và không đến cùng ánh sáng thì chúng ta không thắp sáng được cuộc đời của chúng ta như người đàn ông mù. Vì vậy, Lời Chúa hôm nay thật là cần thiết cho chúng ta: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian …” ( c 14).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa là ánh sáng đã chiếu giãi trong đêm đen. Và Chúa muốn cho chúng con phải trở nên ánh sáng của trần gian, để chiếu soi đêm tối. Xin cho chúng con biết đón nhận Chân Lý Tin Mừng mà thực thi, hầu mang lại ánh sáng vĩnh cửu cho chúng con là việc làm sáng Danh và ngợi khen Cha chúng con ở trên trời ./. Amen
09/02/2014
P.Trần Đình Phan Tiến