Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Thường Niên, năm C, của Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Thường Niên, năm C, của Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Ơn gọi cuộc đời

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – C

(Lc 5,1-11)

lc5111Chúa thương, chọn gọi ai thì Chúa biến đổi người ấy. Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11) là ba chứng nhân về điều nói trên. Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng Thiên Chúa yêu họ và họ đã đáp trả cách quảng đại. Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.

Ơn gọi của Isaia

Trong một thị kiến uy nghi, Isaia được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nghe tiếng các Thiên Thần Sốt mến luân phiên tung hô: Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa” (x. Is 6,2). Điều đó khiến ông run sợ  và cảm thấy mình bất xứng, nên đã thốt lên lời: Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn” (x. Is 6,3). Trước sự khiêm tốn ấy, Chúa sai sứ thần đến thanh tẩy ông bằng than lửa hồng, ông trở nên thanh sạch và được Chúa tuyển chọn, ông đã can đảm đáp lại : Này  con đây, xin hãy sai con” (x. Is 6,8)Tình yêu Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Phêrô

Simon Phêrô đang ở trên thuyền đánh cá cùng đồng nghiệp, bỗng Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông. Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông. Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon : “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Phản ứng của Simon là : “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,8). Lời Chúa Giêsu đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể. Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người. Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.

Bảo Phêrô : “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu“, là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, “và thả lưới bắt cá”. Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi. Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi“(Lc 5,8). Chúa trấn an : “Ðừng sợ :từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.

Chúa Giêsu thật nhân lành! Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người. Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói : “Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi! Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí. Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có” (1Cr 1,26-28).

Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, “Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi”. Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, “Tôi được chọn vì cấp bậc của mình”. Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, “Tôi được chọn vì khả năng của mình”.

Ơn gọi của Phaolô

Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao ?

Ơn gọi mỗi người chúng ta

Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn. Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người. Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.

Từ ơn gọi của các tiên tri, đến ơn gọi của các Tông đồ và cuối cùng là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Isaia, Phaolô, Phêrô là mẫu số chung cho ơn gọi của mỗi người.  Ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa chọn để trở thành Kitô hữu, sứ giả loan báo Tin mừng. Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng. Nhưng Chúa chọn gọi ai là Người biến đổi như đa biến đổi như tiên tri Isaia, Phaolô, Phêrô, dù chúng ta bất xứng. Thánh Irênê nói : ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa. Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình. Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa : trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi. Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa. Mong sao, mỗi người chúng ta ý thức được trách nhiệm, bổn phận cao quý của mình là trở nên sứ giả Tin Mừng của Thiên Chúa giữa đời hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa “Xin Vâng” với Chúa trong vui sướng hân hoan. Amen.

 

 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …