Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Thường Niên, năm B của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Thường Niên, năm B của Trầm Thiên Thu

Kiếp khổ

(Chúa Nhật V TN, năm B)

h5Đời là bể khổ. Đó là câu nói “cửa miệng” khi người ta nói tới cuộc đời. Khi sinh ra, ai cũng cất tiếng khóc chào đời. Chào đời là vui mà không cười, sao lại khóc? Phải chăng “định mệnh” đã an bài? Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Ông Thích Ca Mâu Ni vốn là một hoàng tử, sống sung sướng an nhàn, nhưng sau khi tham quan bốn cửa thành, ông đã nhìn thấy dân chúng đau khổ, rồi “giác ngộ” và nhận định : “Sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, và tử là khổ”. Phật giáo bốn chân lý cao cả làm nền tảng, đó là Tứ Diệu Đế (còn gọi là Tứ Thánh Đế): Khổ đế (chân lý về sự đau khổ), Tập đế (chân lý về sự phát sinh đau khổ), Diệt đế (chân lý về sự diệt khổ), và Đạo đế (chân lý về đường dẫn tới sự diệt khổ).

Quả thật, cái khổ bao vây tứ phía, mở mắt ra là thấy khổ, khổ suốt ngày cho tới khuya, đôi khi nằm ngủ cũng chưa yên. Vì thấy khổ quá nhiều, Chúa Giêsu đã luôn chạnh lòng thương khi người ta chịu sự kìm kẹp của đau khổ. Ở đâu cũng có đau khổ: Ở trên, ở dưới, ở trước, ở sau, ở bên phải, ở bên trái. Chẳng tránh đâu cho khỏi nắng. Càng tránh đau khổ thì càng đau khổ. Muốn tránh khổ, chỉ có cách “đi xuyên qua nó”, tức là coi nó như không có, chấp nhận nó: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23). Đau khổ là mầu nhiệm. Dù không tỳ vết tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu vẫn PHẢI chịu đau khổ (Mt 16:21; Mt 17:22; Mc 8:31; Lc 9:22; ; Lc 17:25). Ngài chịu đau khổ để cứu độ nhân loại.

Đau khổ như ma quỷ, nó cứ “ám” chúng ta suốt ngày đêm. William Arthur Ward (1921-1994, ký giả và thi sĩ Mỹ) rút ra kinh nghiệm: “Người khôn ngoan là người học được những sự thật này: Rắc rối là tạm thời, thời gian là thuốc bổ, đau khổ là ống nghiệm” (Wise are they who have learned these truths: Trouble is temporary, time is tonic, tribulation is a test tube). Dù sao thì cũng phải ráng thôi!

Đau khổ xuất hiện ở mọi nơi và mọi lúc, từ khi Nguyên Tổ nghe lời xúi dại của Con Rắn. Thiên Chúa thấy sự ác lan tràn mặt đất nên Ngài buồn rầu (St 6 :5-6). Thiên Chúa không gây ra điều ác, vì Ngài tốt lành, từ bi và nhân hậu, chính dục vọng của con người gây ra tội lỗi, và tội lỗi sinh ra cái chết (x. Gc 1:13-15). Đó là quy trình của đau khổ trên thế gian này.

Trong dịp ĐGH Phanxicô tông du Phi Luật Tân hồi trung tuần tháng 1-2015, bé gái mồ côi Glyzelle đã khiến ngài và cả thế giới mủi lòng khi em hỏi trong niếng nấc nghẹn ngào: “Tại sao Thiên Chúa cho phép chuyện này xảy ra? Trẻ em không có lỗi chi. Tại sao chúng con chỉ được một số ít người giúp đỡ?”. Một câu hỏi hóc búa quá! ĐGH Phanxicô cũng không biết phải nói gì hơn là ôm chặt em trong vòng tay yêu thương và cảm thông.

Ông Gióp là hiện thân của đau khổ, dù ông sống tốt lành. Ông nhận xét: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công; cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề. Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: ‘Khi nào trời sáng?’. Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: ‘Bao giờ chiều buông?’. Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng!” (G 7:1-4). Cả cuộc đời hầu như phàm nhân không được ngơi nghỉ, lo rồi sợ, sợ rồi hoang mang. Cứ thế, kiếp người bị đày đọa trong kiếp khổ triền miên, cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng!

Thất vọng rồi hầu như tuyệt vọng. Ông Gióp tha thiết cầu xin: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7:6-7). Buồn quá! Não nề quá! Thế nhưng bị đau khổ có khi lại là cái may, vì sung sướng quá có thể hóa rồ dại, lúc đó còn nguy hại hơn là chịu đau khổ.

Cái mình bảo là hên nhưng lại có thể là xui, cái mình cho là xui lại có thể là hên, giống như chuyện Tái Ông mất ngựa vậy. Nhưng tất cả đều là Thánh Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể hiểu thấu. Vậy thì chúng ta lại phải tạ ơn Ngài mà thôi, như tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy! Chúa là Đấng xây dựng lại Giêrusalem, quy tụ dân Ítraen tản lạc về” (Tv 147:1-2).

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài đã từng mủi lòng và bật khóc khi thấy người khác chịu mất mát, đau khổ (Lc 11:35). Kinh Thánh cho biết: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một. Chúa chúng ta thật là cao cả, uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường! Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147:3-6). Thiên Chúa của chúng ta luôn trắc ẩn, đặc biệt là đối với những người hèn mọn. Chính người đời còn biết nhận xét: “Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra”. Chắc chắn không ai phải cùng đường hoặc không lối thoát giữa những nỗi đau khổ hằng ngày trên đường lữ hành trần gian.

Dù chịu bao gian khổ, nhưng Thánh Phaolô vẫn kiên trì và tự nhủ: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16). Không làm điều đó thì khốn, nhưng nếu làm điều đó thì phúc. Thánh Phaolô lý luận: “Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9:15-19). Chấp nhận và tự nguyện làm nô lệ tức là chấp nhận và tự nguyện chịu đau khổ. Ngược đời thế đấy!

Thánh Phaolô nói và làm thật, không nói suông: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9:22-23).

Sinh, lão, bệnh, tử là bốn “mũi nhọn” chĩa vào con người. Đánh vần chữ KHỔ là “ca hát ô khô hỏi Khổ”, “ca hát” thì vui, thế mà chả vui tí ti nào. Khổ thật! Có lẽ vì thế mà ngày nay người ta đánh vần là “khờ ô khô hỏi Khổ”, khổ quá nên “khờ” phải rồi! Và Tin Mừng hôm nay (Mc 1:29-39) nói về việc Chúa Giêsu diệt trừ một trong bốn cái khổ đó.

Một hôm, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Đây là hai “cặp bài trùng” được Chúa Giêsu gọi làm các môn đệ đầu tiên. Lúc đó, nhạc mẫu của ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Họ nói cho Ngài biết tình trạng của bà. Ngài lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy. Lạ thay, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Tin lành hoặc tin dữ luôn được người ta đồn rất nhanh. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Thánh sử Mác-cô cho biết rõ ràng: “Cả thành xúm lại trước cửa”. Thế thì đông lắm, đông như kiến, vì ai cũng muốn tận mắt chứng kiến “sự lạ” nhãn tiền. Hôm đó, Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Ngài là ai. Ngài không cho quỷ tiết lộ bí mật vì “giờ của Ngài chưa đến”.

Hôm sau, mới sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Hành động của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện là điều vô cùng cần thiết, nhất là khi mới thức dậy. Không thấy Sư Phụ Giêsu đâu, ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Ngài, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”. Cà phê cà pháo chi sớm rứa? Ăn sáng thì càng phải từ từ chứ!

Nghe mấy đệ tử nói vậy, Ngài lại bảo họ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Chúa Giêsu luôn quan tâm và chú trọng việc cầu nguyện và làm việc. Sau đó, Ngài đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ – tức là diệt khổ cho những người đang phải chịu đau khổ.

Sai lầm dẫn tới phạm tội, tội lỗi sinh ra đau khổ. Kinh Thánh cho biết: “Có sáu điều làm Đức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Ngài ghê tởm: Mắt kiêu kỳ, lưỡi điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội, lòng mưu tính những chuyện xấu xa, chân mau mắn chạy đi làm điều dữ, kẻ làm chứng gian thốt ra lời dối trá, người gieo xung khắc giữa anh em” (Cn 6:16-19). Tránh được những điều đó thì chúng ta khả dĩ tránh được sai lầm, tránh sai lầm thì tránh được tội lỗi, tránh tội lỗi thì tránh được đau khổ.

Đau khổ có giá trị đặc biệt. Chịu đau khổ là vác thập giá, chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô, để đền tội của chính mình và đền tội thay cho người khác. Cuộc đời các thánh cho chúng ta thấy rằng các ngài đều đã từng đau khổ nhiều – đau khổ tinh thần, đau khổ thể lý, hoặc cả hai dạng. Như vậy, đau khổ là điều kỳ diệu. Đau khổ càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chân nhận giá trị của đau khổ mà không than thân trách phận. Chúng con không dám xin Ngài kéo chúng con ra khỏi đau khổ, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc chúng con trong đau khổ. Tất cả xin vì sáng danh Chúa và cứu các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN