Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Phục Sinh, năm B, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Phục Sinh, năm B, của LM Đan Vinh

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B

Cv 9,26-31 ; 1 Ga 3,18-24 ; Ga 15,1-8

 

Ở LẠI TRONG CHÚA

LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ SINH NHIỀU HOA TRÁI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 15,1-8

(1) Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em  (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái, và trở thành môn đệ của Thầy.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự hiệp thông với Đức Giê-su là điều kiện để đức Tin của các môn đệ có thể phát sinh hoa trái. Cũng như cành nho phải kết hiệp mật thiết với thân cây mới sinh hoa kết trái thế nào, thì các tín hữu cũng phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su mới có thể làm vinh danh cho Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi các linh hồn.

3. CHÚ THÍCH:

– C 1-3: + Thầy là cây nho thật: Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã so sánh dân Ít-ra-en như là một vườn nho gồm những cây nho thuần chủng hảo hạng mà Thiên Chúa đã chọn lựa và vun trồng (x Is 5,1-7). Nhưng Ít-ra-en đã biến thành loài nho tạp chủng, chỉ phát sinh ra quả dại trái chua (x. Gr 2,21). Trong Tân Ước, Đức Giê-su đã khẳng định Người thực là cây nho của Thiên Chúa (x Ga 15,1). + Cha Thầy là người trồng nho: Chúa Cha đã trồng cây nho này khi sai Đức Giê-su xuống trần gian cứu độ loài người. + Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi: Thiên Chúa đồng thời cũng là chủ cây nho sẽ loại bỏ những cành nho nào không phát sinh hoa trái, nghĩa là không sống tốt hơn người thu thuế và dân ngoại (x. Mt 5,46-47), không thánh thiện hơn các kinh sư và các Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 5,20), không trở thành muối ướp cho thiên hạ khỏi hư hỏng (x Mt 5,13), không chiếu tỏa ánh sáng qua việc lành phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân (x. Mt 5,14-16). + Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn: Cây nho có khả năng sinh hoa trái ám chỉ các tín hữu tốt sẽ được chủ vườn tỉa bớt cành lá rườm rà là các thói hư tật xấu để họ phát sinh hoa trái là các việc lành nhiều hơn. + Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em: Lời Chúa cũng như lưỡi dao sắc bén, có thể thanh luyện, tỉa bớt các thói hư tội lỗi, làm cho các tín hữu ngày một hoàn thiện hơn.

– C 4-5: + Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em: Tin Mừng Gio-an có nhiều câu Đức Giê-su nói đến “ở lại trong” hay “gắn liền với” như sau: “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (x. Ga 15,4), “Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4-5), “Lời Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,7), “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10) ; “Nếu không gắn liền với thân cây nho” (Ga 15,4). “Ở lại trong lời Người” (Ga 8,31), “Ở lại trong ánh sáng” là yêu thương anh em (1 Ga 2,10), “Mầm sống của Thiên Chúa sẽ ở lại trong người ấy, và người ấy sẽ không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1 Ga 3,9). + Thầy là cây nho, anh em là cành: Giống như cành nho phải liên kết với thân cây nho thì các môn đệ cũng phải hiệp thông với Đức Ki-tô, để đón nhận được sức sống là Ơn Thánh Thần (x Ga 20,21). + Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái: Người môn đệ nếu biết hiệp thông và ở lại với Đức Giê-su thì sẽ đón nhận được nhựa sống ân sủng từ Đức Giê-su thông ban. Khi đó, sứ mệnh tông đồ dù bước đầu có khó khăn nhưng cuối cùng cũng sẽ thành công, giống như hạt giống sau ba lần thất bại vì được gieo vào vệ đường, đất pha sỏi đá, đất có nhiều cây gai… cuối cùng đã được nhiều hoa trái khi gieo vào đất tốt (x. Mt 13,3-8). + Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được: Đức Giê-su là nguồn sống mới, giúp loài người được ơn cứu độ. Về phạm vi ân sủng, các môn đệ sẽ thất bại nếu không “ở lại trong” hay kết hiệp với Người (x 1 Cr 3,6-7).

– C 6-8: + Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo: Những người không kết hiệp với Đức Giê-su, tức là không được Người tỉa sạch tội lỗi và các thói hư tật xấu, không được ơn Thánh Thần thánh hóa, thì sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và không được sống đời đời. + Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi: Số phận của những người này là sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời vào ngày tận thế, giống như “cỏ lùng” sẽ bị quăng vào lửa khi tới mùa gặt, nơi đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (x. Mt 13,41-42). + Thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý: Một khi đã kết hiệp với Đức Giê-su, thì lời cầu nguyện nhân danh Người sẽ đẹp lòng Chúa Cha và được nhậm lời (x Ga 16,23). + Điều làm Chúa Cha được tôn vinh: Thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi. Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian, để nhờ Con của Ngài mà nhân loại được sống đời đời. Vì thế, khi chúng ta sinh hoa trái, sống tốt lành thánh thiện và làm cho nhiều người được ơn cứu độ… là chúng ta đã làm theo ý Chúa Cha, làm sáng Danh Cha, hay làm cho Cha được tôn vinh (kinh Lạy Cha). + Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy: Khi chúng ta trở thành chứng nhân của Đức Giê-su, giúp lương dân nhận biết tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa… là chúng ta phát sinh nhiều hoa trái và mới trở thành môn đệ thực sự của Đức Giê-su.

4. CÂU HỎI:

1) Chúa Giê-su muốn dạy các tín hữu điều gì qua đoạn Tin Mừng này?

2) Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã so sánh dân Ít-ra-en với cây nho thế nào?

3)Trong Tân Ước, Đức Giê-su đã ví mình như cây nho và người trồng nho là ai?

4) Cây nho không sinh hoa trái sẽ bị chặt đi ám chỉ loại tín hữu nào?

5) Cây sinh trái tốt sẽ được chủ vườn làm gì để nó sai trái hơn? Lời Chúa ví như vật dụng gì để cắt tỉa cành nho?

6) Đức Giê-su đã nói những lời nào để mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong”hay “gắn liền với” Người?

7) Ai ở lại trong Chúa Giê-su và gắn bó với Người sẽ được gì?

8) Câu “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” phải được hiểu thế nào ?

9) Số phận đời đời của những kẻ không ở lại trong Đức Giê-su ra sao ?

10) Để lời cầu nguyện được Thiên Chúa chấp nhận thì cần có thái độ nào đối với Đức Giê-su?

11) Các tín hữu phải có nếp sống ra sao để Chúa Cha được tôn vinh?

12) Cụ thể các tín hữu phải làm gì để phát sinh được nhiều hoa trái đức tin?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

 2. CÂU CHUYỆN: Gương kết hiệp với Chúa của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su:

Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, sinh năm 1873 tại A-lăng-sông (Alancon) nước Pháp. Ngay từ khi 15 tuổi, Tê-rê-sa đã được đặc ân gia nhập vào dòng kín Các-men. Chín năm sau, tức năm 1897, chị Tê-rê-sa đã an nghỉ trong Chúa do bị bệnh lao phổi. Thế mà, ngay sau khi qua đời, tiếng thơm nhân đức của chị đã lan rộng khắp nơi. Rồi 28 năm sau, tức năm 1925, chị Tê-rê-sa đã được Đức Pi-ô XI phong lên bậc hiển thánh và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Cuối cùng, Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị còn phong chị Tê-rê-sa lên bậc tiến sĩ của Hội Thánh.

Đọc tiểu sử của thánh nữ, ta thấy chị không phải vất vả đi khắp nơi giảng dạy giáo lý Thánh Kinh cho dân chúng, đương đầu với lạc giáo như thánh Đa-minh; Không sống khắc khổ ăn chay đánh tội như thánh Phan-xi-cô Khó Khăn; Không bỏ quê hương đi đến những vùng xa xôi truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê ; Không để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý và thần học như thánh Tô-ma A-qui-nô ; Không làm nhiều phép lạ giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh như thánh Mác-tin Po-rê; Không chịu cực hình đau khổ để làm chứng cho Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam… Thế nhưng tại sao Tê-rê-sa lại được Hội Thánh tôn vinh như một đại Thánh của thế kỷ XX và XXI? Thưa chính là nhờ chị có đời sống nội tâm đạo đức, luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su như cành nho gắn liền với thân cây nho. Nhờ sự kết hiệp đó, dù không làm được những việc lớn lao bề ngoài, nhưng Tê-rê-sa đã đem lại nhiều ích lợi cho Hội Thánh, đặc biệt là đường lối nên thánh của chị thánh rất phù hợp với Lời Chúa dạy và với tâm lý con người trong thời đại ngày nay. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su, mà Tê-rê-sa đã đem lại một sinh lực mới cho Hội Thánh, như lời Chúa phán: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

3. THẢO LUẬN: 1) Cụ thể, bạn nên làm gì để noi gương Tê-rê-sa “Sống đời thường bằng một cách thức phi thường”? 2) Ngày nay chúng ta có thể làm ba cách để kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su như sau: Một là năng tham dự thánh lễ Chúa Nhật và sốt sắng rước lễ để hiệp thông với Hội Thánh và hiệp nhất với Chúa Giê-su Thánh Thể; Hai là lắng nghe Lời Chúa qua các buổi học giáo lý Thánh kinh tại nhà thờ hay khi đọc lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình; Ba là sống kết hiệp với Chúa bằng việc năng dâng lời nguyện tắt trước mỗi công việc thường ngày. Chẳng hạn: ”Lạy Chúa, con xin làm việc này để tỏ lòng yêu mến Chúa”. Ngoài ba cách trên, bạn còn có thể làm gì để ở lại trong Chúa Giê-su hay sống kết hiệp mật thiết với Người?

4. SUY NIỆM:

1) Thầy là cây nho, anh em là cành:

Cây nho và cành nho là một. Có một sự lệ thuộc hỗ tương giữa cây với cành và cành này với cành khác. Nếu nói “Tôi theo Ðức Kitô nhưng không theo Hội Thánh” tức là chia cắt Ðức Kitô khỏi Hội Thánh, giống nhứ cắt cành ra khỏi thân cây. 

Những môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu đã nhìn thấy Người, ăn uống và trò chuyện với Người sau khi Người sống lại. Nhờ đó họ cảm nghiệm sâu sắc về tầm quan trọng của sự liên kết với Người. Họ luôn ý thức thực hành lời dạy của Đức Giê-su: “Thầy là cây nho, anh em là cành”.

2) “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 14,5b)::

 Nếu người ta gắn bó với Ðức Giêsu thì họ sẽ phát sinh nhiều hoa trái như Người đã hứa: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Cuộc đời của người tín hữu chỉ trở nên phong phú nhờ đón nhận được ơn Chúa ban. Như lời Ðức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”.

Người môn đệ thực sự của Ðức Giêsu không chỉ là kẻ đi theo Người mà còn là kẻ kết hiệp mật thiết với Người như lời Tông đồ Phaolô: “Không phải tôi sống, chính Ðức Kitô sống trong tôi”. Môn đệ là người “ở lại trong Ðức Kitô”, nối dài sự hiện diện và hoạt động của Ðức Giêsu trên trần gian như một Kitô khác. Nếu chúng ta là môn đệ thực sự của Đức Giê-su, thì chính Lời Người sẽ chiếm hữu chúng ta và cắt tỉa chúng ta. Bấy giờ cuộc đời chúng ta sẽ được biến đổi, nhựa sống ân sủng của cây nho Đức Kitô sẽ hiện diện dồi dào trong các cành nho là chúng ta và giúp chúng ta sản sinh nhiều hoa trái xum xuê là các việc bác ái yêu thương tha nhân.  

3) Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn:

 Khi trồng nho, thân cây thuộc loại yếu ớt không thể tự đứng thẳng mà phải được cột sát vào một cây cọc và mọc để leo lên một giàn tre, cây nho sẽ có điều kiện phơi cành và lá dưới ánh nắng mặt trời nên sẽ xanh tươi. Khi cây đủ lớn, sẽ được chủ vườn cắt tỉa bớt cành lá để từ chỗ bị cắt tỉa sẽ phát ra nhiều nhành lá mới, và ra chùm bông rồi biến thành những chùm nho sum suê đẹp mắt. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa, chúng ta sẽ được Chúa trao cho nhiều cơ hội là hoàn cảnh bất lợi, các người chung quanh thù ghét, các thất bại gặp trong cuộc sống… để giúp chúng ta cắt tỉa các thói hư như ích kỷ tự ái cao và tự mãn tự kiêu trong chúng ta.

Đức Giêsu đã nói: ”Không có Thầy anh em không làm được gì”. Chúng ta sống được là nhờ ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong tay Chúa. Đời sống của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ, ngoài Chúa ra không ai có thể giúp ta sống dồi dào. Chúa ban cho chúng ta ơn lành qua Lời Chúa và các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Nhờ biết dựa vào ơn Chúa giúp bằng việc năng đọc Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể, chúng ta mới có sự sống thiêng liêng và phát sinh nhiều hoa trái mến Chúa yêu người như linh đạo của thánh Tê-rê-sa.

4) Hoa trái bác ái từ việc “ở lại trong Chúa” như thánh nữ Tê-rê-sa:

– Linh đạo của thánh Tê-rê-sa: Tê-rê-sa đã vâng lời bề trên báo cáo về linh đạo của mình gọi là Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng trong cuốn sách “Tự Thuật”. Đây là Đức Bác Ái cụ thể rút ra từ lời dạy và gương lành của Đức Giê-su trong Tin Mừng và được Tê-rê-sa tóm lại như sau:

Luôn tin yêu phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng, như đứa con thơ trong lòng mẹ.

Quyết tâm thực thi tình mến Chúa yêu người giữa đời thường: “Sống đời thường bằng một cách thức phi thường”.

Lòng Mến còn được thể hiện bằng việc tận hiến toàn thân để làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ phần rỗi tha nhân.

Vui vẻ đón nhận những hiểu lầm, chịu đựng các bất công khinh dể của tha nhân, coi nó như những món quà Chúa gởi đến cho mình để giúp cắt tỉa thói hư và ngày một nên hoàn thiện hơn.

– Bài ca đức ái theo linh đạo của Tê-rê-sa: trong cuốn Tự Thuật Tê-rê-sa đã viết ca tụng đức Ái như hoa trái của việc đạo đức thực sự là lòng mến Chúa như sau:

“Đức Ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể, thì các chi thể đương nhiên phải có một chi thể trọng yếu hơn là trái tim luôn cháy lửa yêu mến. Chỉ có lòng mến mới thúc bách mọi thành viên trong Hội Thánh hăng hái hoạt động. Nếu ngọn lửa mến đó tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị tử đạo sẽ không hy sinh đổ máu. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi khác, bao quát mọi không gian và thời gian. Tóm lại lòng mến là vĩnh cửu”.

Về đời sống nội tâm, Tê-rê-sa đã thưa với Đức Giê-su như sau: “Ôi Giê-su là Tình Yêu của con. Con đã khám phá ra ơn gọi của con là Sống Tình Yêu! Con đã tìm ra chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh là Mẹ con mà Chúa đã ban cho con. Con sẽ là Tình Yêu, và như vậy con sẽ là tất cả…” (Trích sách Tự Thuật).

Quả vậy, chính lòng mến Chúa tha thiết đã làm cho Tê-rê-sa tiến nhanh tới đỉnh trọn lành, và kết thúc cuộc đời trong bình an và hạnh phúc. Ai thực sự thánh thiện sẽ có một đời sống bác ái trọn hảo.

5. CẦU NGUYỆN:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Chúa là cây nho, chúng con là cành. Cành nho chỉ sống được là nhờ hút được nhựa sống từ thân cây nho. Chúng con cũng chỉ có sự sống siêu nhiên nhờ ơn Chúa ban. Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn kết hiệp với Chúa bằng việc năng đến nhà thờ dự lễ, để được lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn xin vâng. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón rước Chúa mỗi ngày. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ sống kết hiệp mật thiết với Chúa và đưa nhiều người về làm con Chúa Cha.

– LẠY CHÚA. Xin giúp chúng con biết kết hiệp với Chúa noi gương Mẹ Ma-ri-a xưa: Sau khi đón nhận Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã đem Thai Nhi Giê-su đến chia sẻ với gia đình Gia-ca-ri-a và làm cho thai nhi Gio-an khỏi tội tổ tông truyền. Xin cho chúng con hôm nay, sau khi đón rước Chúa Thánh Thể vào lòng, cũng biết đem Chúa là tình yêu đến chia sẻ cho người thân trong gia đình, đem Chúa là tình yêu đến tạo tình hiệp thông giữa cộng đoàn giáo xứ, đem Chúa là tình yêu vị tha đến phục vụ mọi người, nhất là những người bệnh tật, đau khổ bất hạnh… Nhờ được kết hiệp với Chúa, chúng con sẽ vui lòng đón nhận mọi điều may rủi gặp phải trong cuộc sống. Chúng con hy vọng rằng: khi cùng chết với Chúa, chúng con cũng sẽ cùng được sống lại với Chúa sau này.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG