Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

 

 

Để sinh trái phải kết hợp với cây Giêsu

(Ga 15, 1 – 8)

Chúa nhật thứ IV vừa qua Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động để diễn tả tương quan rất dễ thương giữa Thiên Chúa với Dân Ngài là “Mục tử” và “đàn chiên”. Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng một bức họa phúc dụ về cây nho và nhành nho, tự ví von mình là cây nho thật, các môn đệ là nhành và Chúa Cha là người trồng nho. Chúa nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15, 1). Các môn đệ là nhành để có nhiều hoa trái thì phải kết hợp với Chúa như cành với cây, như dây với đàn. Điều này không có gì lạ, vì trong Kinh Thánh, rất nhiều lần dân Israen được sánh ví với vườn nho sai trái khi trung tín với Thiên Chúa; nhưng một khi họ xa Chúa, tức cành lìa khỏi cây, họ trở nên khô héo, không còn khả năng làm ra “loại rượu làm phấn khởi lòng người” nữa (x. 104, 15).

Thuật ngữ “hoa trái” được lặp đi lặp lại cả thảy sáu lần trong đoạn Tin Mừng (Ga 15, 1-8), cho thấy hoa trái là điều tối cần đối với cây. Người trồng nho nào khi cắm nho xuống đất lại chẳng hy vọng vào tương lai vườn nho sẽ cho nhiều hoa trái. Chúa Cha muốn chúng ta sinh nhiều hoa trái, đó là chuyện bình thường. Chúa Giêsu khẳng định: “Chính Ta đã chọn các ngươi, và đã đặt các ngươi ra, ngõ hầu các ngươi đi và sinh trái, và trái trăng của các ngươi còn mãi” (Ga 15, 16).

Ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây nho vào Mầu nhiệm Phục sinh và Khổ Nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ gốc nho này chúng ta lãnh nhận nhựa sống và sống sự sống của Chúa Giêsu, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Giêsu, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Ngài. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: “Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc “ở lại” cách thâm sâu và trung tín với Chúa” (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 305). Ðiều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì “nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho” (Ga 15, 4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, “các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15, 5).  

Chúng ta là kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô, sinh nhiều hoa trái chứng tỏ chúng ta là môn đệ, là chi thể đích thực của Chúa Kitô. Chúa đã từng lên án những cây vả cằn cỗi chỉ có lá không có quả. Người kết án tên đầy tớ vô dụng đã mang bạc của chủ đi chôn. Người trách mắng những người Pharisêu không làm công việc của cha họ là Abraham (Ga 8, 39). Chúng ta đã được ghép vào thân cây mới, cây nho Giêsu. Chính nhựa Giêsu, và sự hiện diện của Chúa Giêsu khi chúng ta nhận lãnh trong Thánh Thể đổi mới chúng ta: “Nhành nào sinh trái thì Cha Thầy tỉa sạch để nó sai trái hơn” (Ga 15, 2). Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho thật” (Ga 15, 1).

Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm. Nhưng thử hỏi: kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái dễ chịu của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 6).

Để là những cây sinh trái, chúng ta phải gắn bó với Chúa Kitô như nhành nho với cây nho, được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể sinh nhiều hoa trái. Hoa trái ở đây theo thánh Phaolô là hoa trái của Thần Khí cụ thể như: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23).

Mang lại hoa trái là đưa bàn tay ra giúp người ốm đau bệnh tật, thăm người già sống cảnh cô đơn, giúp đỡ những người khổ đau nghèo đói, an ủi và biết cách lắng nghe cũng như khuyến khích và tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, tích cực tham gia vào đời sống của giáo xứ, chia sẻ với mọi người.

Để có được nhiều hoa trái, chúng ta phải là những nhành cây duy trì mối quan hệ thường xuyên với Thầy Chí Thánh Giêsu là thân cây. Vì vườn nho thật của Thiên Chúa, có cây nho thật là Chúa Giêsu. Như Ðức Kitô ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, các môn đệ cũng thế, những người được cắt tỉa nhờ Lời của Thầy mình. Nếu các môn đệ gắn kết với Thầy cách thâm sâu, họ trở thành những nhành nho sai trái, làm cho vụ mùa bội thu. Thánh Phanxicô de Sale viết: “Cành liên kết với thân và sinh trái không bởi tự chính nó nhưng là nhờ thây cây: hiện nay chúng ta được gắn kết trong tình mến với Đấng Cứu Thế như chi thể với đầu. Vì thế, những việc lành phúc đức hưởng nhờ từ Người đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu” (Trattato dell’amore di Dio, XI, 6, Roma 2011, 601).

Thiên Chúa cần chúng ta để tái tạo một thế giới tốt hơn, một thế giới của sự tôn trọng, huynh đệ và yêu thương. Thiên Chúa cần đến bàn tay, đôi chân và tấm lòng của chúng ta. Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng nếu kết hợp với Đức Kitô, như cành nho với cây nho, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh và sức sống, chúng ta yêu mến nhau và chúng ta sinh nhiều hoa trái. “Ai ở lại trong Thầy kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn gắn bó và kết hiệp với Chúa cho đến trọn đời ngõ hầu sinh được nhiều hoa thơm trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …