Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Thường niên, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Thường niên, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 5B TN

Cầu Nguyện Trong Đời Thường

Mc 1,29-39a(Mc 1,29-39)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Sự cần thiết của cầu nguyện trong cuộc sống

Chỉ cần đọc những gì xảy ra tại Caphácnaum ta sẽ thấy Chúa không có lúc nghỉ ngơi, một mình. Chính vì thế giờ đây, Người cần tới Thiên Chúa; trước khi cho phải có nhận, trước khi giúp người, phải được kiện cường. Người biết không thể sống nếu không có cầu nguyện. Dr.A.D.Belden định nghĩa cầu nguyện là ‘linh hồn kêu xin Thiên Chúa’. ‘Không cầu nguyện là mắc tội không thể tưởng, đó là lơ là việc góp thêm trợ lực từ Thiên Chúa’. Không cầu nguyện là có lỗi kinh sợ vì không biết ‘thêm Thiên Chúa vào kho tàng của mình’. ‘Khi cầu nguyện, ta mở trí để sức mạnh và quyền lực của ta được Thiên Chúa kiện cường’. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, biết rõ nếu muốn gặp con người, Người phải gặp Thiên Chúa trước. Chúa mà còn cần cầu nguyện như thế, thì ta còn cần cầu nguyện gấp mấy.

2.Chúa đã vào nơi hoang vắng để cầu nguyện

Chúa đã ra nơi hoang vắng để cầu nguyện, mà dân chúng cũng ra tìm Người. Không cách nào Chúa có thể đóng cửa ẩn mình. Rose Macaulay, tiểu thuyết gia, nói trong đời này, tất cả cô cần là có ‘một căn phòng riêng’. Đó chính là điều Chúa Giêsu cũng cần mà không bao giờ có. Một bác sĩ thời danh đã nói ‘thầy thuốc chỉ thỉnh thoảng mới thuyên chữa, thường thì giảm bớt, còn luôn luôn phải yên ủi. Đó là nghĩa vụ luôn luôn đặt trên vai Chúa, Người ta cũng nói, bổn phận của bác sĩ là giúp người ta sống và chết, mà con người thì thường xuyên là sống và chết. Bổn phận của Chúa cũng là thường xuyên giúp con người sống và chết. Bản tính tự nhiên của con người là thiết lập những hàng rào để có thời giờ nghỉ ngơi một mình; Chúa Giêsu không bao giờ được như vậy. Cảm thấy mình mệt nhọc nhưng Chúa vẫn cảm thấy sự cần thiết cấp bách của con người. Vì thế khi dân chúng kéo đến, Chúa liền chỗi dạy đi giúp họ. Cầu nguyện không bao giờ làm việc thay cho ta, cầu nguyện chỉ kiện cường để ta hoạt động. Chúa Giêsu ra đi giảng dạy trong các Hội Đường tại Galilê. Trong Máccô, việc ra đi chỉ nói trong một câu, nhưng phải cả tuần hay hằng tháng. Khi Người đi, Người giảng dạy và thuyên chữa.

3.Trong khi rao giảng và thuyên chữa, Chúa không bao giờ tách lìa ba điều

3.1.Lời nói và việc làm

Chúa không bao giờ nghĩ công việc đã được thực hiện khi mới chỉ nói lên. Chúa không bao giờ cho rằng bổn phận của Người đã hoàn thành khi mới chỉ thôi thúc con người đến với Thiên Chúa, đến với sự tốt lành. Fesdick nói về một học viên đã mua những sách vở tốt nhất, sắm những dụng cụ, tiện nghi thuận lợi nhất, ghế ngồi thoải mái nhất, dễ chịu nhất để rồi khi ngồi vào ghế, anh lim rim ngủ miệt. Chỉ có lời nói mà không việc làm cũng giống vậy.

3.2.Linh hồn và thể xác

Có những người cho rằng thể xác không quan trọng, trong khi con người gồm cả linh hồn lẫn thể xác. Bổn phận của người Kitô hữu là cứu rỗi toàn thể con người chứ không phải chỉ một phần con người. Quả thật được hạnh phúc, nếu có bị chết đói, sống trong một ổ chuột, trong sự cô đơn và đau đớn mà được hưởng những lúc êm đềm ngọt ngào với Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là lý do để không lo cho người đó khỏi bệnh, sống xứng đáng hơn. Các nhà truyền giáo thời xưa, không chỉ mang Kinh Thánh mà còn mang sách vở, thuốc men; họ xây nhà trường, lập nhà thương. Nói đến tin mừng xã hội như một điều ngoại lệ, một chọn lựa hay như phần riêng biệt của thông điệp Kitô giáo là điều hoàn toàn sai lầm. Không, thông điệp Kitô giáo là một, rao giảng và hoạt động để con người cả linh hồn lẫn thể xác nên tốt…

3.3.Trời với đất

Nhiều người quan tâm đến trời đến nỗi quên hết những gì đời này, trở thành những người mơ tưởng không thực tế. Lại có nhiều người quan tâm đến đời này đến nỗi quên hết những gì đời sau. Giấc mơ của Chúa Giêsu là mọi sự sẽ thực hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6,10). Trời và đất là một.

4.Lc 4,40-44.

4.1. Sáng sớm Chúa đi cầu nguyện

Chúa chỉ có thể đáp ứng những đòi hỏi khẩn thiết các bệnh tật của con người, khi Người đã cầu nguyện với Thiên Chúa. Vào những năm 1914-1918, lúc thế chiến bùng nổ, bộ tham mưu triệu tập cuộc họp. Mọi người đều hiện diện chỉ trừ Marshal Foch, vị tướng chỉ huy. Viên sĩ quan quen biết Marshal, nói ‘tôi nghĩ có thể tìm thấy ông ở đâu’. Ông dẫn người ta tới nhà nguyện đổ nát gần tổng hành dinh, và tại đó người ta thấy Marshal đang quì gối trước bàn thờ siêu vẹo, cầu nguyện… Trước khi gặp họp với con người, Marshal Foch thấy cần phải gặp Thiên Chúa trước.

4.2.Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra phàn nàn, khó chịu khi bị lũ đông làm rầy

Cầu nguyện cần thiết nhưng sau cùng, nhu cầu con người cần hơn. Florence Allshorn, nhà truyền giáo đại tài, thường quản trị những đại học huấn luyện các nhà truyền giáo. Bà hiểu bản tính con người và bà không chấp nhận những người lấy cớ cầu nguyện để không phải rửa chén bát. Phải cầu nguyện; nhưng cầu nguyện không bao giờ là cớ để trốn trách thực tế. Cầu nguyện không thể chuẩn chước để làm ngơ những tiếng kêu cần thiết của người khác. Phải chuẩn bị để làm việc, nhưng đôi khi phải dậy sớm hơn để làm việc cả khi mình không muốn.

4.3.Chúa Giêsu cấm không cho ma quỉ nói

Chúa Giêsu thường không cho người ta nói về Người. Lý do vì người Do Thái đang trông đợi Đấng Thiên Sai. Với họ, Đấng Thiên Sai là Đấng sẽ dùng quân đội, sức mạnh, giải phóng họ khỏi ách nô lệ. Họ sẵn sàng hưởng ứng bất cứ ai có thể đáp ứng ước mong của họ. Ý niệm Đấng Thiên Sai như thế hoàn toàn trái với Đấng Thiên Sai đích thực, đó là Đấng giải phóng nhưng không phải giải phóng theo nghĩa chính trị mà giải phóng nội tâm, linh hồn bằng Thập Giá, đau thương xỉ nhục.

4.4. Nước Thiên Chúa gồm ba giai đoạn

Ở đây Luca lần thứ nhất nói đến Nước Thiên Chúa (xem Mc 1,15). Nước Thiên Chúa là bản chất thông điệp của Chúa. Và Nước Thiên Chúa gồm ba giai đoạn đồng loạt

4.4.1.Quá khứ. Abraham, Isaác, Giacóp đã sống trong Nước Chúa hàng nhiều thế kỷ trước đây (Lc 13,28).

4.4.2.Hiện tại. Chúa nói ‘Nước Chúa đang ở trong, ở giữa các ngươi’ (Lc 17,21).

4.4.3.Tương lai. Đó là điều Thiên Chúa vẫn còn ban và con người phải luôn luôn cầu nguyện.

4.5.Làm sao Nước Chúa vừa là quá khứ, hiện tại và tương lai

Hãy đọc kinh Lạy Cha: ‘Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ (Mt 6,10). Ngôn ngữ Do thái thường dùng kiểu nói câu sau giải thích ý nghĩa câu trước. Ở đây: Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Có nghĩa là Nước Chúa là một xã hội trong đó ý Chúa được thể hiện ở dưới đất cũng như ở trên trời. Vậy trong quá khứ ai thực hiện ý Chúa, người đó đã ở trong Nước Chúa; hiện giờ ai thi hành ý Chúa, người đó cũng ở trong Nước Chúa; và sau này, có ai thực thi Ý Chúa, người đó cũng ở trong Nước Chúa. Quá khứ, hiện tại, tương lai đều là một. Có người tuân theo ý Chúa từng lúc. Chỉ có Chúa Giêsu tuân theo Ý Chúa thường xuyên, trọn vẹn. Vì thế Người là nền tảng và là hiện thân của vương quốc. Người xuống thế cho con người khả năng làm điều đó. Tuân theo Ý Chúa là công dân của nước Chúa. Ta có thể cầu nguyện rất tốt như sau ‘lạy Chúa, xin cho Nước Chúa bắt đầu từ con’.[1] 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Mấy năm trước đây tạp chí Thế Giới Ngoài Trời (Outdoor World) có đăng một bài của Barry Lopez như sau: “vào một buổi sáng mưa phùn, Barry thức dậy một mình đi dạo trong rừng trước buổi điểm tâm. Vừa rảo bước giữa những dãy thông và bá hương.

Barry vừa nhớ lại một buối sáng y hệt sáng hôm nay, khi còn là chú bé con, chàng đã được nhìn thấy ông nội một mình bước ra khỏi nhà đi dạo ngang qua chính những hàng cây này. Khi ông nội trở về chú bé Barry hỏi ông nội đã đi đâu và làm gì. Ông nội mỉm cười, ôm choàng Barry rồi nói: “nào chúng ta hãy cùng đi dùng điểm tâm, cháu nhé!”
Tiếp tục bước đi dưới cơn mưa phùn, Barry gặp một quãng rừng trống. Chàng liền quỳ xuống và đặt đôi tay lên mặt đất ẩm ướt. Điều này gây cho chàng cảm giác rằng chàng đang hiệp nhất với toàn thể vũ trụ.

Barry nhớ lại lời ông nội đã từng dạy bảo chàng: khi nào cảm thấy cô đơn thì nên đi bách bộ vào rừng tìm yên tĩnh, đoạn làm bất cứ điều gì đang được thôi thúc trong lòng, chẳng hạn như quì gối xuống đặt tay lên mặt đất.
Nửa giờ sau, khi Barry trở về nhà, ông cảm thấy như được đổi mới, được hồi phục sức lực. Bấy giờ ông mới hiểu được lý do ông nội thường hay đi dạo trong rừng vào buổi sớm mai. Bà của Barry có lần nói cho ông hay đấy chính là cách thức ông nội cầu nguyện.

Ông ấy luôn luôn đi sang tận mé rừng bên kia, đứng trên bờ biển, tay thọc vào túi, lắng nghe đại dương reo.[2]
Đoạn Tin Mừng hôm nay, cho thấy một ngày sinh hoạt của Chúa Giêsu: ban ngày giảng dạy, chữa bệnh và “sáng tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện”. Lý do khiến Đức Giêsu làm điều này cũng chính là lý do Barry thường làm, đó là tự đổi mới chính mình, tự hồi phục lại năng lực cho chính mình.

Chúng ta có thể đánh mất chính mình trong khi làm việc, nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong công việc. Đây là lý do tại sao trong cuộc sống, chúng ta cần có một nơi yên tĩnh.

Chúng ta cần phải học nơi Đức Giêsu, về cách kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm.

Ra đi cầu nguyện không phải là cách thế trốn thoát, nhưng điều này đưa đến sự tái cam kết. Cần có thời gian để cống hiến, và cần có thời gian để tiếp nhận. Để có được một cuộc sống lành mạnh, chúng ta cần phải quan tâm đến cả hai lối sống trên. Sau một ngày học hành mệt nhọc, người bạn trẻ thường có thói quen ghé ngang qua nhà thờ để viếng Chúa, và lần nào cũng bắt gặp một cụ già ngồi yên lặng trước Thánh Thể trong nhà tạm.

Ngày kia, một người bạn trẻ chờ cho cụ cầu nguyện xong, tiến đến gần và hỏi:
– Cụ ngồi lâu giờ như vậy, có nghe Chúa nói gì với cụ không?
– Cụ già chậm rãi trả lời :
– Chúa không nói gì hết, Ngài chỉ nghe thôi.
– Vậy thì cụ nói những gì với Chúa?
– Lão cũng chẳng nói gì cả, chỉ nghe thôi.
Thấy người bạn trẻ có vẻ ngỡ ngàng, cụ nói tiếp:
– Lão thấy có bốn giai đoạn trong đời sống cầu nguyện. Thời gian đầu thì lão nói, Chúa nghe, sau đó thì Chúa nói, lão nghe. Giai đoạn kế tiếp thì không ai nói hết vì cả hai cùng nghe và giai đoạn cuối là lúc không ai nói mà cũng không ai nghe. Tất cả chỉ là một sự thinh lặng tuyệt đối.

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,

– Xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

– Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

– Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,

để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

– Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.

– Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

– Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.[3] 

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh,O.P,Theo Chúa Kitô (Quyển 2 (tập I) trg.204-207

[2] Cha Mark Link, SJ, CN 5B TN

[3] Lời nguyện của Mẹ Têrêxa Calcutta

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …