Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 5A TN

Các Con Là Sự Sáng Thế Gian

(Mt 5,13-16)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Anh em là muối và là ánh sáng (Mt 5,13-16) Núi Phúc thật, tháng 6 năm 28.

Mt 5,13-16b1.Chính anh em là muối cho đời

Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

Nói ‘muối cho đời’, Chúa Giêsu đã dành lời ca khen cao quí nhất cho người Kitô hữu. Khi muốn nhấn mạnh đến giá trị và sự hữu hiệu, đắc lực của ai, ta nói ‘người đó là muối cho đời’. Thời xưa, muối được đánh giá rất cao. Hy Lạp cho muối là thần. Người Rôma nói ‘không gì cần thiết bằng mặt trời và muối (nil utilius sole et sale)’.[1]

Muối chỉ:

1.1.Sự tinh tuyền

Mầu trắng lóng lánh của muối dễ dàng gợi cho ta ý tưởng đó. Người Rôma nói muối là chất tinh ròng nhất, vì muối phát sinh từ những chất tinh ròng nhất là mặt trời và biển cả. Thực sự, muối là của lễ sơ khai nhất trong các của lễ dâng lên các thần linh, và cho đến sau này, những của lễ hy sinh người Do Thái dâng cũng vẫn dâng với muối. Nếu người Kitô hữu là muối đất thì họ phải là gương trinh khiết. Một trong những đặc tính của xã hội là hạ thấp các tiêu chuẩn về liêm chính, chuyên cần, lương tâm, luân lý… người Kitô hữu là người phải nêu cao tiêu chuẩn trinh trong trong lời nói, tư tưởng và tác phong. Có người đã viết sách tặng J.Y.Simpson, người ‘làm những gì tốt nhất là người đáng tin nhất’. Không người Kitô hữu nào có thể rời bỏ những tiêu chuẩn của liêm chính thích đáng. Không người Kitô hữu nào có thể coi nhẹ, hạ thấp những tiêu chuẩn luân lý trong một thế giới, mà đâu đâu cũng thấy đầy rẫy những mời gọi làm bậy… không thể trốn thoát cuộc đời, nhưng người Kitô hữu phải, như Giacôbê nói, ‘có lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố’ (Gc 1,27).[2]

1.2.Thời xưa, muối là một trong những chất ướp thông dụng nhất

Plutarch bảo thịt là xác chết, là phần của xác chết, nên tự nhiên sẽ hư thối; nhưng muối sẽ giữ cho thịt được tươi, khỏi hư thối. Muối giữ cho khỏi hư thối. Kitô hữu là muối cho đời, giữ đời được tươi tốt, khỏi những hư thối bệ rạc. Kitô hữu phải là thuốc khử trùng cho cuộc đời. [3]

1.3.Nhất nữa muối là hương vị

Không muối, đồ ăn có gì đáng ăn. Cuộc đời người Kitô hữu không phải là cuộc đời buồn. Kitô giáo đối với cuộc đời phải như muối đối với đồ ăn. Thảm kịch là có những Kitô hữu lại ngược lại; họ loại bỏ hương vị trong cuộc sống. Swinburne nói: ‘ngài đã chiến thắng, hỡi người Galilê bạc nhược; thế giới đã xanh tươi nhờ hơi thở của ngài’. Dầu sau khi Constantine đã làm cho Kitô giáo thành quốc giáo trong khắp đế quốc Rôma, hoàng đế Julian lại muốn xoay ngược đồng hồ, lập lại lòng tôn thờ các thần linh. Ibsen nói Julian phàn nàn: ‘các người có thấy rõ những người Kitô hữu kia? Mắt lõm, da nhạt, ngực lép; chúng sống cách của chúng, không ham mê; trời sáng chói, chúng không màng, đất mầu mỡ chúng không ham; chúng chỉ muốn từ bỏ, hy sinh, sẵn sàng chịu chết’. Như Julian nói thì Kitô giáo đã loại bỏ tính sống động trong cuộc đời. Oliver Wendell Homes có lần nói: ‘có thể tôi đã nhập hàng giáo phẩm, nếu những tư giáo tôi biết đã không tắc trách quá đáng như thế’. Robert Louis Stevenson viết trong nhật ký, ghi lại một ngày đặc biệt ‘hôm nay tôi đi nhà thờ mà không thấy chán nản’. Người ta cần tìm lại được sự rạng rỡ của đức tin đã mất. Trong thế giới bồn chồn, người Kitô hữu phải tỏ ra thanh thản. Trong thế giời trầm cảm, Kitô hữu phải là người đầy tươi vui. Bất cứ đâu, bất cứ khi nào, Kitô hữu phải là muối cho đời, đem đến tươi vui, hương vị. Muối không mất mặn, không mất hương vị. Nhưng nếu mất, muối không còn công dụng gì nữa. Mất mặn là vì tại Palestin, như E.F.F.Bishop trong Jesus of Palestine, trưng lời giải thích của cô F.F.Newton, bếp bình thường được đắp bằng đá ngoài trời, trên những lớp tôn. Để giữ nóng, một lớp muối dầy được đặt dưới những lớp tôn. Sau một thời gian, lớp muối sẽ mất mặn. Người ta lật những lớp tôn, lấy muối chết đổ đi, rồi lại thêm muối mới vào. Muối đổ đi đó không còn công dụng gì, ngoài việc bị chà đạp. Hình ảnh cho ta một điểm cốt yếu được nhắc đi nhắc lại trong Tân Ước là ‘vô dụng sẽ dẫn đến đổ vỡ’. Người Kitô hữu không đạt tới mục đích sẽ là người Kitô hữu đang đi đến đổ vỡ. Là muối cho đời mà không còn tinh tuyền, mất sức khử trùng, không còn hương vị, thì chỉ còn vất bỏ ngoài đường cho người ta dầy đạp. Đôi khi các giáo hội xưa áp dụng bản văn một cách rất lạ. Tại Hội Đường của người Do Thái, khi có người đã bỏ đạo rồi trở lại, đương sự phải chịu hình phạt là nằm ngang cửa để người ta bước qua. Vài nơi trong Kitô giáo cũng áp dụng việc đền tội tương tự; nằm rồi mời người ta bước qua, ‘xin hãy bước qua vì tôi là muối đã mất mặn, mất hương vị’.[4]

2.Chính anh em là ánh sáng cho trần gian

Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà.

Có thể nói đây là lời khen lớn lao nhất đối với người Kitô hữu. Chính Chúa đã xưng mình là ánh sáng (Ga 9,5). ‘Chính anh em là ánh sáng cho trần gian’. Chúa đòi những ai đi theo phải nên ánh sáng như chính Người. Người Do Thái nghe Chúa nói, cũng hiểu ngay, vì chính họ vẫn nói ‘Giêrusalem là ánh sáng cho dân ngoại’. Và Pháp Sư danh tiếng cũng được gọi là ‘ánh sáng cho Ítraen’. Nhưng cách người Do Thái nói câu này là chìa khóa giúp ta hiểu lời Chúa. Họ nói không ai lấy lửa riêng mà đốt đèn của mình. Quả thật Giêrusalem là ánh sáng cho dân ngoại, nhưng ‘Thiên Chúa mới là đèn của Giêrusalem’. Có nghĩa là những ánh sáng của một dân tộc, của người Thiên Chúa chỉ là ánh sáng vay mượn. Người Kitô hữu cũng như thế. Chúa Giêsu không đòi ta phải phát ra ánh sáng của mình mà phải chiếu rọi ánh sáng của Người. Ánh sáng của mình, nếu có, chỉ là ánh sáng phản chiếu từ ánh sáng Chúa Giêsu. Ánh sáng chiếu rọi từ người Kitô hữu là ánh sáng từ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn họ. Ta hay nói cô dâu rạng rỡ. Đó là sự rạng rỡ chiếu từ tình yêu trong tim cô. Vậy Chúa có ý gì khi nói ‘chính anh em là ánh sáng cho trần gian’.[5] 2.1.Đầu tiên đó là ánh sáng phải được nhìn thấy

Nhà cửa bên Palestin rất tối tăm, vì chỉ có một cửa sổ tròn không quá 18 inches. Đèn là đèn dầu chỉ đủ sáng le lói. Không dễ đốt lại vào thời chưa có diêm hay quẹt. Thường thường người ta để đèn trên đế, nhưng khi ra ngoài, đề phòng khỏi cháy nhà, người ta đặt đèn xuống nền đất. Đèn chỉ có mục đích là để xem thấy. Đấy là ý nghĩa Chúa muôn nói ‘anh em là ánh sáng cho trần gian – phải được xem thấy’. Có người đã nói ‘môn đệ không thể thầm kín được, vì hoặc là bí mật làm nhòa môn đệ hoặc là môn đệ sẽ xóa bỏ bí mật’. Kitô giáo phải hoàn toàn được mọi người xem thấy. Ánh sáng cũng không thể chỉ thấy trong thánh đường, nhưng khắp mọi nơi, trong mọi sinh hoạt, công việc hằng ngày, tiệm ăn, công sở, chợ búa… Chúa không nói ‘anh em là ánh sáng trong nhà thờ’, nhưng ‘anh em là ánh sáng cho trần gian’.[6]

2.2.Ánh sáng anh em phải là ánh sáng chỉ đường dẫn lối

Như hải đăng, những ngọn đèn bên sông, trên đường ban đêm. Làm gương cho người khác. Những khi cần người xướng xuất, Kitô hữu phải là người đứng lên. Gặp trường hợp sai quấy, Kitô hữu sẵn sàng lên tiếng làm gương. Và nếu không có ai khởi xướng, làm gương, những trường hợp cụ thể có thể được thi hành. Vì thực tế, không thiếu những người nhát đảm, không muốn khởi xướng, lãnh đạo… thế giới cần sự chỉ lối, hướng dẫn. Thế giới cũng đầy người đang chờ đợi các lãnh tụ…[7]

2.3.Ánh sáng anh em phải có tính cách cảnh báo

Đèn vàng, đèn đỏ trên các ngã đường là những ngọn đèn cảnh báo giúp ta giảm tốc độ, phải ngừng hầu tránh nguy hiểm. Cảnh báo để hiệu quả tốt hơn chứ không chỉ để ngăn ngừa hiệu quả xấu. Đó là vừa báo động vừa khích lệ. Florence Allshorn, hiệu trưởng, giáo sư nổi tiếng, khi phải cảnh cáo học trò, bà thường ‘choàng tay lên người học trò’. Không phải trong cơn giận, bực bội, kết án… song trong tình yêu. Tóm lại ánh sáng phải được xem thấy, cảnh báo và hướng dẫn chỉ đường.[8]

2.4.Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Hai sự kiện quan trọng nhất trong đoạn này:

2.4.1.Những công việc tốt phải được trông thấy

Hy lạp có hai danh từ chỉ việc tốt. Agathos là tốt về phẩm; Kalos là không những tốt về phẩm mà lại còn kèm ý nghĩa đẹp, lôi cuốn, hấp dẫn. Tốt trong câu 16 là kalos. Kitô hữu không những phải tốt, agathos, mà còn phải kèm tính cách lôi cuốn, hấp dẫn, kalos. Vì có khi là tốt, agathos, nhưng không có tính lôi cuốn hấp dẫn, như cau có, quá ngặt…

2.4.2.Những việc lành phúc đức chúng ta làm không được kéo người ta chú ý đến chúng ta, nhưng phải kéo người ta chú ý đến Thiên Chúa

Nói câu trên, Chúa Giêsu cấm điều có người gọi là ‘tốt trên sân khấu’. Tại một đại hội có một số người trẻ, D.L.Moody cũng tham dự. Sau suốt một đêm cầu nguyện, sáng sau Moody hỏi họ đã làm những gì tối trước. Họ đáp ‘ông không thấy chúng tôi rạng rỡ ra sao?’. Moody chỉ đáp ‘Môsê không muốn khuôn mặt của ông rạng rỡ’. Rạng rỡ để kéo chú ý cho mình, không phải là rạng rỡ của người Kitô thật… một trong những sử gia xưa viết về Henry đệ ngũ sau trận chiến tại Agincourt ‘ông ấy không muốn đoàn thê tử ca hát sau trận chiến thắng vẻ vang, vì ông muốn tất cả phải được dành cho Thiên Chúa’. Người Kitô hữu không bao giờ được nghĩ đến những gì mình đã làm mà phải luôn nghĩ những việc Thiên Chúa đã ban cho mình làm được, không được kéo người ta nhìn đến mình mà phải luôn làm cho người ta nhìn đến Thiên Chúa. Vì thế, bao lâu nghĩ đến lời khen, cảm ơn, uy danh vì những công việc đã làm, người Kitô hữu thực sự chưa bắt đầu đi trên đường Kitô giáo.[9]

 

I.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Lobsang Rampa là một thiền sư Tây Tạng nổi tiếng trên thế giới với tác phẩm “con mắt thứ ba” (Le troisème oeil). Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam dịch là “Các Lạt Ma Hóa Thân”. Ở trang 11-12 (Bản Việt Ngữ) viết rằng: “theo khoa học huyền môn, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ, một áo khoác bên ngoài của một linh hồn hay “Chân Ngã”… quanh con người có một vầng hào quang thô thiển phản ánh nguồn sinh lực bên trong. Một người thánh thiện hay khỏe mạnh thì hào quang sáng rõ, vươn ra cách thể xác vài phân. Một người tội lỗi hay yếu đuối thì hào quang mờ tối, thu sát vào thân xác.  

Khai mở Thần Nhãn để quan sát vầng hào quang này, ta có thể biết được chân tướng mọi người mọi vật hay tình trạng sức khỏe của một người để chữa bệnh. 

Lobsang Rampa kể tiếp:

Đúng thời kỳ sinh nhật thứ 9 của ông, ông được đưa vào một căn phòng đặc biệt. Bốn Vị Lạt Ma Trưởng Lão trong đó có sư phụ ông cũng đến đó truyền dạy cho ông những phép bí truyền để khai mở Thần Nhãn… sau 9 tháng công phu luyện tập, ông đã thành công… lần đầu tiên ông mở mắt ra quan sát chung quanh, một kinh nghiệm lạ lùng xẩy ra khiến ông xúc động. Ông thấy có bốn vị Lạt Ma Trưởng Lão đều được bao phủ quanh mình bởi một hào quang chói lọi như ánh lửa. Về sau ông hiểu rằng các vị Trưởng Lão có một đời sống rất tinh khiết mới có được hào quang như vậy. 

Khi ông khai mở Thần Nhãn, ông phát hiện những rung động khác nữa, xuất phát từ cái trung tâm hào quang đó.  Nhờ đó ông có thể đoán biết tình trạng sức khỏe của một người ra sao. Cũng như thế, bằng cách xem sự thay đổi mầu sắc của hào quang, ông có thể đoán biết kẻ đó nói dối hay nói thật.[10]

Trong bài  Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: các con là ánh sáng trần gian…sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

Các con là ánh sáng trần gian. “Theo khoa học huyền môn, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ, một áo khoác bên ngoài của một linh hồn. Quanh con người có một vầng hào quang phản ánh nguồn sinh lực bên trong. Một người thánh thiện thì hào quang sáng rõ, vươn ra cách thể xác vài phân. Sau 9 tháng luyện tập, Lobsang Rampa thấy có bốn vị Lạt Ma Trưởng Lão đều được bao phủ quanh mình bởi một hào quang chói lọi như ánh lửa. Và ông nói rằng các vị Trưởng Lão có một đời sống rất tinh khiết nên mới có được hào quang tỏa sáng như vậy. 

Điều này cho thấy, nếu chúng ta sống thánh thiện, thì chính con người chúng ta sẽ tỏa sáng. Có lẽ chính vì thế mà chúng ta thấy trong hình các thánh nhân thường có hào quang tỏa sáng trên đầu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chưa tu luyện được như các thiền sư hay các thánh, thì chúng ta có thể tỏa sáng bằng chính những công việc tốt lành của chúng ta.

Một hôm thánh Phanxicô Assisi gọi một thầy dòng lên dặn:

– Con lo sửa soạn chiều nay chúng ta phải đi giảng.

Đến giờ phải đi, hai cha con ra khỏi nhà đi một vòng quanh thành phố rồi trở về nhà.  Thầy dòng lấy làm lạ hỏi:

– Cha bảo cha đi giảng, sao chưa giảng mà cha đã về ?

Thánh Phanxicô nghiêm trang đáp :

– Như vậy đã là giảng rồi đó.

Thánh Phanxicô có ý nói: đi một vòng nghiêm trang nết na cho người ta thấy, đó cũng là một bài giảng, bài giảng bằng gương sáng.

Gương sáng là một cách thuyết phục và thánh hóa người khác mau lẹ nhất. Chính vì vậy Chúa bảo chúng ta: các con là ánh sáng trần gian, các con hãy là chứng nhân của Thầy.

Là ánh sáng tức là làm chứng nhân của Chúa. Làm chứng bằng chính cuộc sống của mình, nhưng nhiều khi chúng ta vô tình hay hữu ý đã trở thành phản chứng, làm méo mó khuôn mặt của Đức Kitô, khiến người ta không nhận ra Chúa, khiến người ta không muốn theo Chúa.           

Ta hãy nghe Mahatma Gandhi – được Ấn Độ xem như là một vị thánh  trong Ấn Độ Giáo – nói về cách sống đạo của những Kitô hữu trong xã hội của ông. Ông đã lên tiếng, có vẻ như thách thức người Kitô hữu: nếu những người Kitô hữu ở Ấn Độ thật sự sống đúng tinh thần của Đức Kitô, thì họ chẳng cần mất công rao giảng, toàn Ấn  Độ sẽ trở thành Kitô hữu hết. 

Lạy Chúa xin cho chúng con suy gẫm Lời Chúa và thực hành Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: các con là ánh sáng trần gian…sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời. Amen

 

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.254

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.254-255

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.255

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.255-256

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.256-257

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.257

[7] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.257

[8] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.257

[9] Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.258

[10] Giuse Đinh lập Liễm, CN 5A TN

Xem thêm

NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

  Không kể 117 vị tử đạo tại Việt Nam được phong thánh năm 1988 …