Đừng ném đá. Xin đừng. Hãy bỏ đá xuống
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – C
(Ga 8,1-11)
Đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an (Ga 8,1-11) kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giê-su một thiếu phụ, chị này không có tên, cũng chẳng có danh tính nào khác: chỉ biết chị là một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, có vậy thôi. Chị bị mắc kẹt trong một tình huống đặc biệt gây tò mò (x.Ga 7,53-8,11). Tuy nhiên, trên hết cô ấy là một tội nhân được tha thứ.
Đối với một kẻ ngoại tình, cần có ba người, nghĩa là có vợ, chồng và nhân tình. Nhưng ở đây chỉ có một mình thiếu phu được các luật sĩ và biệt phái đưa đến trước mặt Chúa Giê-su. Ban đầu, người ta không quan tâm đến chị mấy: điều quan trọng nhất là các nhà thông luật đã thử Chúa Giê-su, nên đặt Người vào một tình huống tế nhị. Liệu Chúa có minh oan cho người phụ nữ này, đi ngược lại luật Mô-sê không? Hay Chúa quyết định lên án chị?
Mọi người có mặt đều hồi hộp đợi Chúa trả lời. Nhưng Chúa Giê-su thay vì từ chối trả lời câu hỏi một cách trực tiếp của các luật sĩ và biệt phái, Người đã xoay chuyển tình thế: từ câu hỏi của các ông về việc áp dụng Luật Mô-sê, sang việc yêu cầu các ông tự chất vấn lương tâm của chính mình với câu: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7).
Chúng ta không biết gì về thái độ của người thiếu phụ trong vụ án này, vì chị không có tên. Chị từ đâu đến chúng ta cũng chẳng hay, ngoại trừ lỗi lầm của chị, một lỗi lầm công khai không thể nghi ngờ, một lỗi lầm mà bất cứ người phụ nữ nào cũng không tự bảo vệ được mình. Chúng ta hình dung ra chị đứng trước đám đông với cáo trạng, chắc chị đang sợ hãi, xấu hổ, có lẽ nhếch nhác, đầu tóc, quần áo, “bị bắt quả tang” mà.
Câu nói của Chúa Giê-su với chị: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” ( Ga 8,11). Nghĩa là chỉ sau khi những người buộc tội chị ra đi hết, chị mới có thể mở miệng và nói được mấy từ để đáp lại Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, không ai cả” (Ga 8, 11). Từ “Thầy” ở đây không phải là một lời tuyên xưng đức tin, mà là một cách xưng hô tôn trọng cùng người đối thoại với chị. Cuộc đối thoại ngắn gọn, nhưng những lời cuối cùng của Chúa Giê-su nói lên điều cốt yếu. Cũng một câu: “Ai trong các ông sạch tội hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8.7), khiến các thẩm phán con người đã tự xét xử mình, và vị thẩm phán thiêng liêng, ban sự tha thứ cho thiếu phụ phạm tội ngoại tình, đồng thời khuyến khích mọi người đừng phạm tội nữa.
Qua câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7), Chúa Giêsu muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh chị em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh chị em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.
Khi bàn về câu truyện này, thánh Au-gút-ti-nô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và misericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17).
“Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10-11).
Đoạn Tin Mừng này có thể được gọi với tiêu đề là: “Tội nhân được tha thứ“. Khi đọc đoạn này, nhiều người đã tập trung vào chiều kích tội lỗi và lời buộc tội chị được các biệt phái và luật sĩ đưa ra. Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả của câu chuyện liên quan đến sự tha thứ mà Chúa Ki-tô ban cho một người phụ nữ bị những người đàn ông sẵn sàng lên án tử. Một người phụ nữ vô danh, đại diện cho những nạn nhân, hay những người yếu đuối nhất, đến nỗi bị coi như một đồ vật, nhưng lại là những người mà Chúa Ki-tô dành cho họ cái nhìn với sự chú ý, nhất là sự tha thứ yêu thương và giải phóng của Người.
Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gio-an 7, 53 – 8,11 . Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pha-ri-sêu. Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Au-gút-ti-nô hỏi liệu những người chồng ghen tuông, lo lắng về sự tự do mà Chúa Giê-su ban cho những người vợ, có xé trang này ra khỏi Kinh thánh của họ không! Trên thực tế, đoạn văn này không được tìm thấy trong hầu hết các bản viết tay tiếng Hy Lạp trước thế kỷ 12, và cũng không có trong một số bản viết tay tiếng Latinh.
“Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình/Tôi đứng đằng sau chuyện đó!” (Georges Brassens, “Dưới bóng những người chồng”). Đoạn văn này là một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng, và câu nói “đừng ném đá” bắt nguồn trực tiếp từ đó.
Thông điệp của Chúa Giê-su rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô ngần vô hạn, vượt quá mọi mức độ. Ngài là như vậy, Ngài hành động vì tình yêu và sự nhưng không. Chúng ta không thể trả ơn Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta tha thứ cho anh chị em của mình, chúng ta bắt chước Thiên Chúa. Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình. Xin đừng ném đá. Hãy bỏ đá xuống khỏi tay. Thiếu phụ không tên có thể là mỗi chúng ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ