Đức Giêsu, Đấng kiện toàn giao ước
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – B
Lịch sử cứu độ là bản trường ca vô tận diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính tình yêu của Ngài, Đấng tác tạo mọi sự, đã làm nên lịch sử thánh. Toàn bộ Kinh Thánh được tóm kết trong hai chữ “Tình Yêu”, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Giao ước tình yêu
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng của Chúa. Không những thế, Chúa còn ký kết với dân Ngài một Giao Ước Tình Thương được tạc vào đá qua trung gian Môsê. Trong Giao ước ấy, mỗi bên đều có nghĩa vụ và quyền lợi của mình: về phía Thiên Chúa, Chúa nhận dân là dân riêng của Chúa và hứa sẽ bảo vệ giữ gìn; về phía dân, họ nhận Chúa là Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ Mười Điều Răn Chúa truyền.
Sở dĩ gọi là Giao Ước Tình Thương là vì dân Israel đã thường xuyên vi phạm giao ước ấy, quay lưng lại với Thiên Chúa, thờ bò vàng (x. Xh 32), dẫn đến hậu quả là nước mất, nhà tan, dân chúng lâm cảnh lưu đày. Vì yêu thương và thành tín, Chúa vẫn giữ lời giao ước. Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật là bằng chứng : “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ trọn lời hứa với cha ông anh em, mà Chúa đã ra tay uy quyền giải thoát và đưa anh em ra khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. Và anh em sẽ biết rằng Đức Chúa, Chúa của anh em, mới thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành : cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ trọn lời giao ước, và tỏ lòng nhân nghĩa đối với những ai yêu mến Người và tuân hành các giới luật Người ban” (Đnl 7,6.8-9”.
Giao ước mới
Thiên Chúa không đành phá vỡ giao ước, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu là lý do Chúa lại trao ban cho dân một giao ước mới. Giêrêmia là người duy nhất nói về “giao ước mới”, ông tuyên sấm: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng”. Họ đã bất trung, lỗi lời giao ước, chạy theo các thần ngoại mà thờ, không tuân giữ các điều Chúa truyền dạy, sống bất công và vô luân. Chúa là Thiên Chúa tình thương, vấn vương khi tạo dựng, lòng thành tín của Chúa trải muôn ngàn đời, không hề lỗi lời giao ước. Thay vì chia tay để con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một giao ước mới khi tuyên sấm: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng”.
Giao ước mới này sẽ được ký kết với toàn thể dân Chúa là Israel và Giu-đa, và sẽ vững bền mãi mãi. Thiên Chúa sẽ in sâu vào trái tim con người sự hiểu biết và tình yêu của Ngài mà không đòi hỏi điều kiện gì khả dĩ có thể trở nên vô hiệu lực khi điều kiện đó không tuân giữ được: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 34).
Nếu Luật của Thiên Chúa trước kia được khắc vào đá và Môisen phải đọc và truyền cho dân, dân đã lỗi phạm do vô tình hay hữu ý, khiến Chúa nổi giận. Nay Chúa trao ban Luật cho dân với một cách thức và công thức mới là ghi tạc vào lòng con cái Israel (x. Gr 31, 33). Mỗi người sẽ nhận được trực tiếp và cá nhân với Chúa (x. Gr 31, 34) không qua trung gian: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em ” (Gr 31, 34). Theo nghĩa Kinh Thánh là hiệp thông với Chúa cách sâu xa nhất. Công thức của hai bên: “Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 34), đây là nét đặc trưng của giao ước kể từ khi Xuất hành (x. Xh 6, 7) sẽ được áp dụng cho từng người trong dân. Một giao ước “khiến mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Chúa, vì Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho dân” (Gr 31, 34). Giao ước mới này sẽ được Đức Kitô thực hiện và hoàn tất trong “giai đoạn” vượt qua.
Trong lịch sử cứu độ; các giao ước được sắp xếp theo chiều từ thấp lên cao như những mắt xích, mà đỉnh điểm tối hậu là Giao Ước Mới, giao ước được thiết lập trong máu Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa thực hiện một lần thay cho tất cả; nghĩa là nơi Con Một yêu dấu, Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh viễn với con người.
Bằng một ẩn dụ về hạt lúa mì, Chúa Giêsu dùng với hình ảnh giầu biểu cảm về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự biến đổi từ cõi chết qua cõi sống.
Ðể chứng minh giao ước này là giao ước đời đời không hề thay đổi, Đức Giêsu đã trao ban bánh và rượu trong Lễ Vượt Qua, tượng trưng cho thịt và máu của Người, làm dấu chỉ giao ước hữu hình ở lại luôn mãi với loài người chúng ta (x. Ga 6,53-56, Mt 26,17-28).
Chúng ta phải khẳng định rằng, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã phải chịu chết cách đau đớn và nhục nhã trên Thánh Giá. Cũng vì tội lỗi loài người, và để tha tội cho chúng ta mà Chúa Giêsu đã lấy chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới như lời Chúa nói trong bữa tiệc lý : “Máu Giao Ươc Mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (x. Mt 14,24 ; Lc 20,22 ; 1Cr 11,25).
Dân chúng thời Cựu Ước được ơn tha tội nhờ máu chiên bò, nhưng đến thời Tân Ước, họ được ơn tha tội nhờ Máu Chúa Giêsu đổ ra (x.1 Cor 5,7). Trong giao ước mới này, muôn người được ơn tha tội nhờ bửu huyết châu báu Chúa Kitô.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ