CHÚA GIÊSU MẶC KHẢI MẦU NHIỆM PHỤC SINH
(Ga 11, 1 – 45)
Vâng, từ ngữ Phục sinh, có thể nói là một cụm từ “độc quyền” của Kitô giáo, và của Công Giáo nói riêng. Vì ngoài Chúa Giêsu ra không có một ai từ cõi chết sống lại cả. Cụm từ độc quyền ở đây không phải là độc tài, không phải là ích kỷ, chỉ dành cho riêng mình.
Vâng, kính thưa quý vị! Điều gì quan trọng hơn sinh – tử, giàu, nghèo, sang, hèn, ngu dốt, hay thông thái, đều phải cúi chào Sinh – Tử. Vâng, sinh – tử là hai điểm mấu chốt của đời người. Có sinh, ắt có tử. Sinh – Tử, Tử – Sinh là chuyện thường tình, nhưng là một điều vô cùng hệ trọng. Dù nói, dù ăn, dù khôn ngoan, học thức, hay ngu dốt, quyền thế, hay culi, tự do, nô lệ đều phải chết. Nhưng vấn đề đặt ra là: Tại sao phải chết? Sự chết không phải là điều Thiên Chúa tạo thành. Đây là một điều chắn chắc, bởi vì nơi Thiên Chúa sự chết không ngự trị được. Vì Thiên Chúa là Hằng Sống, là Nguồn sống, là đích đến của thụ tạo.
Vâng, không có Tin Mừng của Chúa Nhật nào quan trọng hơn chủ đề của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại (Ga 11, 1- 45). Người chết được sống lại là Lazaro, một nhân vật có tên tuổi, có quê quán, có thân nhân, có người chung quanh chứng kiến. Điều mà Chúa Giêsu làm cho Lazaro, là điều mà biết bao nhiêu hôn quân, bạo chúa từ cổ chí kim mong ước kiếm tìm, nhưng không thể gặp được vị thần “trường sinh bất tử”, hay vị thần “phục sinh”. Nhưng nếu ai gặp và tin vào Chúa Giêsu thì người ấy sẽ được toại nguyện. Như Lời Chúa nói với cô Matta: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù có chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ. Chị có tin như thế không?” (Ga 11, 25- 26).
Vâng, nhân thế chỉ sợ cái chết, vì chết là hết, chết là một cái gì đó thiệt thòi nhất, lỗ lã nhất, bất hạnh nhất, vì cái chết mà không có Đức Kitô và không thuộc về Đức Kitô và không tin vào Đức Kitô, thì cái chết đó quả là thiệt thòi nhất, đau buồn nhất, bất hạnh nhất.
Như vậy, cụm từ “Phục Sinh” quả thật là “độc quyền“ là “duy nhất”, bởi vì chỉ có một mình Thiên Chúa sở hữu, nhưng Thiên Chúa không độc tài, mà Thiên Chúa trao ban sự “độc quyền“ đó cho những ai tin vào Đức Kitô, là một Ngôi Vị Thiên Chúa, đã làm Người để trao ban sự “độc quyền” sự sống và sự sống lại cho những ai tin vào Người, vì Người đã đổi lấy sự “độc quyền“ ấy từ cuộc tử nạn của Người. Từ đó, Người có quyền tự Phục Sinh và trao ban sự phục sinh cho kẻ tin.
Tại sao nơi Chúa Giêsu có sự sống và sự sống lại?
Thưa, đó là ”Thần Khí”, vì Thần Khí chính là sự sống. Vì Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt không có ích chi. Xác thịt chỉ sự được tạo thành, còn Thần Khí chính là sự tạo dựng, quyền năng tạo dựng. Đó là Thiên Chúa.
Bài đọc I (Ed 3 , 12-14) và thánh thư Phao-lô (Rm 8, 8 – 11) cho chúng ta hiểu rõ về những gì mà Đức Kitô đã làm cho Lazaro. Theo đó, niềm tin vào Đức Kitô là một sự hợp lý về phương diện siêu nhiên, mà không có cơ sở nào khác phản biện được, có chăng chỉ là ngụy biện và tự lừa dối mình. Nếu, những ai từ chối hoặc né tránh Đức Kitô, quả là thiệt thòi cho họ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho Lazaro sống lại là Chúa muốn Mặc Khải sự sống lại từ Chúa. Và quyền năng sự sống và sống lại từ Chúa là một điều chân thật, bởi vì chính Chúa là Nguồn sống, là Thần Khí và là chân lý. Xin cho chúng con biết tin vào Lời Chúa để có sự sống đời đời ./. Amen
06/04/2014
P.Trần Đình Phan Tiến (Bước Theo)