(Ga 12, 20-33)
Chúng ta đang sống trong Chúa Nhật thứ 5 MC. Chúa Nhật tuần sau là lễ Lá, chúng ta sẽ cùng với Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, cùng nhau cử hành cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Nói như thế có nghĩa là thời gian đã đến gần, thời gian giao ước mới, giao ước được ký bằng máu Đức Giêsu trên thánh giá. Giao ước mới nầy được tiên báo qua bài đọc 1 có 3 đặc tính:
– Thứ nhất: Đây không phải là làm mới lại giao ước cũ, giao ước đã ký với dân qua Môisen vì dân đã phản bội giao ước nầy.
– Thứ hai: đây là giao ước được ghi trong đáy lòng, trong tâm hồn.
– Thứ ba: đây là giao ước dành cho những người kính sợ Chúa, nhận biết Chúa là Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ quên đi tội ác của họ. Từ nay sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người không còn nữa bởi vì tội lỗi làm con người xa cách Thiên Chúa nên xóa tội đồng nghĩa với việc con người sống thân mật với Thiên Chúa.
Vì thế, sứ điệp sám hối luôn là sứ điệp quan trọng trong Mùa chay. Sám hối để từ bỏ con đường chết đi vào con đường sống. Sám hối để chấm dứt tình trạng xa cách Thiên Chúa và tìm cách trở về nhà Cha, sống thân mật với Chúa. Sám hối để sống trong giao ước mới. Sám hối để được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại. Sám hối qua hành động cụ thể là xưng tội.
Như thế xưng tội hay xin Chúa tha thứ tội lỗi không đồng nghĩa với việc quay lại quá khứ cho dù là xin tha thứ tội lỗi trong quá khứ, nhưng còn giúp cho cuộc sống hiện tại được tốt hơn, làm cho dung nhan đích thực của Thiên Chúa đã được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu, được bày tỏ cho người khác biết, đồng thời chiếu toả trên thế giới sự thật về “Thiên Chúa là Tình Yêu” qua tình yêu thương lẫn nhau.
Tất cả những điều đó đòi hỏi người Kitô hữu có một tinh thần vâng phục, vâng phục như Đức Kitô đã vâng phục. Bài đọc thứ hai cho thấy Đức Giêsu đã vâng phục trong nước mắt: Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ … Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu. Nhờ đó Thiên Chúa Cha đã cứu Đức Kitô khỏi sự chết làm làm cho Đức Kitô trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho những kẻ vâng lời Đức Kitô.
Bài Phúc âm cho thấy Đức Kitô cứu độ mọi người qua thập giá. Chúa Giêsu nói: “khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Chúng ta thấy thánh Gioan nhìn việc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá như là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh được đưa lên cao: “Đã đến giờ Con người được tôn vinh” cũng là giờ mà hạt lúa mì rơi xuống đất và thối đi, thối đi mới sinh bông hạt.
Ở đây Chúa Giêsu dùng một kiểu nói gây cho chúng ta sự khó khăn trong thực tế vì nếu hạt lúa mì thối đi thì con hy vọng gì được nữa. Có lẽ ở đây phải hiểu là nếu hạt lúa mì cứ khăng khăng giữ nguyên tình trạng cũ, tình trạng hạt lúa mì thì không thể sinh bông hạt được. Thế nhưng nếu hạt lúa mì ấy mất đi hình dạng hạt của mình để trở nên cây lúa thì mới trổ sinh bông hạt được.
Chúa Giêsu ví Người như hạt lúa bị chôn vùi trong đất. Việc ấy như chúng ta thấy làm cho Người run sợ: “Xin cứu con khỏi giờ nầy” xin cứu khỏi giờ bị chôn nầy. Thế nhưng Người cũng nói câu tiếp theo: “Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ nầy”. Cuộc khổ nạn hay thánh giá làm cho Chúa Giêsu run sợ nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu tháo lui trong nhiệm vụ của Người. Nói khác đi Chúa Giêsu vâng lời đến cùng Thiên Chúa Cha nhưng vâng lời trong run sợ.
Lời Chúa hôm nay đặc biệt nhắc nhở chúng ta, những người theo Chúa bởi vì: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời nầy thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.” Chúa Giêsu không bảo tất cả chúng ta phải đi tự tử, nhưng vấn đề là ở chổ có hai sự sống khác nhau và nhiều khi chúng đối nghịch với nhau nghĩa là nếu bảo vệ quá đáng sự sống nầy sẽ làm mất sự sống kia. Nếu chúng ta tìm cách sống giàu có bằng phuơng pháp bất chính như buôn bán chất ma túy chẳng hạn thì chắc chắn sự sống đời đời sẽ bị lâm nguy.
Đức Giêsu còn nói: “Ai phục vụ Thày thì hãy theo Thày; và Thày ở đâu kẻ phục vụ Thày cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thày, Cha của Thày sẽ quí trọng người ấy”. Nếu ngày xưa các tông đồ hay các thánh phải hy sinh nhiều, kể cả hy sinh tính mạng vì Đức Giêsu thì ngày nay các môn đệ của Người cũng không có con đường nào khác. Người môn đệ phải theo sát gót bước Thầy Chí Thánh trên con đường thập giá.
Thánh giá của người môn đệ hôm nay là phải khởi đi từ sự hy sinh quên mình hằng ngày để phục vụ tha nhân và phụng sự Chúa. Chính khi phục vụ tha nhân cũng như phục vụ Chúa mà người môn đệ được tôn vinh như Đức Kitô. Người môn đệ được tôn vinh nghĩa là người môn đệ ấy chứng tỏ cho những người chung quanh biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người môn đệ ấy.
Tất cả những điều đó đều phải được thực hiện qua thập giá, qua việc chôn vùi mình trong lòng đất, qua việc thay hình đổi dạng để trở nên cây lúa sinh bông hạt. Nhắc đến thánh giá có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy khó khăn. Điều đó không lấy làm lạ vì chính Chúa Giêsu cũng cho thấy Người phải run sợ. Thế nhưng cũng chính Người làm gương cho chúng ta về việc đảm nhận những khó khăn ấy để mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Chúa Giêsu không bỏ cuộc trước những gian khổ.
Xin cho chúng ta biết nhìn về Đức Kitô trên cây thánh giá mỗi khi gặp gian nan thử thách trong cuộc sống. Chính nhờ biết tìm đến nương nhờ nơi sức mạnh của Đức Giêsu trên thánh giá mà chúng ta có can đảm vác thánh giá qua việc gánh vác những bổn phận trong gia đình, trong cộng đoàn, cũng như trong cuộc đời.
LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng