Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 30 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 30 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM

(Xh 22, 20-26; 1Tx 1, 5c-10; Mt 22, 34-40)

“Yêu thương là điều răn quan trọng nhất

h2_resizeTin mừng Matthêu 22, 34-40:

34 Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng:36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”37 Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, những người thuộc nhóm Pharisêu và Hêrôđê liên kết với nhau để gài bẫy Đức Giêsu về việc nộp thuế cho Xêda. Họ đã thất bại hoàn toàn. Nhưng họ không chịu thua, thua keo này bày keo khác. Họ đề cử một người thông luật để tranh luận với Chúa Giêsu. Họ đặt vấn đề: “Trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”. Đây là một câu hỏi hóc búa, nan giải vì đạo Do Thái có luật Torah gồm 613 khoản luật: 365 luật phải giữ và 248 luật cấm mà luật nào cũng đều quan trọng.

Đức Giêsu đã trả lời một cách minh bạch và đầy xác quyết: “Mến Chúa và yêu người là hai điều luật quan trọng nhất”. Đức Giêsu muốn dạy chúng ta: Đạo Công giáo là đạo bác ái, đạo yêu thương. Yêu thương là điều răn quan trọng nhất.

Theo Đức Giêsu, mến Chúa và yêu người liên kết với nhau thành một. Mến Chúa thì phải yêu người, và yêu người thì phải mến Chúa. Mến Chúa và yêu người luôn luôn song đôi với nhau, không thể thiếu một trong hai. Thánh Gioan tông đồ đã dạy: “Mến Chúa mà không yêu người là nói dối”. Hơn nữa Đức Giêsu cho thấy mến Chúa và yêu người là điều răn duy nhất đó là yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của tất cả nọi lề luật.

“Tất cả luật Môisê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40).

Thánh Phaolô cũng dạy: “Yêu thương là chu toàn lề luật”. Nét độc đáo của giới luật yêu thương là Đức Giêsu đã đồng hóa tình Chúa và tình người: yêu Chúa là yêu người; yêu người là yêu Chúa. Trong bài diễn văn về cánh chung, Đức Giêsu đã nói rất cụ thể: “Giúp người nghèo một chén nước lã là giúp Chúa. Hãy vào hưởng hạnh phúc Nước Trời”. Như thế yêu thương có tính cách phổ quát và vĩnh cửu. Đức mến Kitô giáo buộc chúng ta phải yêu thương mọi người kể cả kẻ thù của chúng ta nữa “Cầu nguyện và làm ơn cho kẻ hại mình”. Tình thương có tính vĩnh cửu và bền vững, đồng thời bảo đảm hạnh phúc Nước Trời. Ở trên thiên đàng đức mến vẫn tồn tại như lời thánh Phaolô đã xác quyết trong bài ca đức mến:

“Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba dều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 13).

Người ta sống ở đời cần phải có tấm lòng, có tình thương “Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu”. Dưới cái nhìn của y khoa, yêu thương còn đem lại sức khỏe, cho nên mỗi người gìn giữ và nâng cao sức khỏe của mình bằng những hành vi nhân ái. Dr.Karl Menninger khẳng định: “Tình yêu chữa bệnh cho con người, cả những người cho nó và cả những người nhận nó”. Với lòng yêu thương, chúng ta cho và cùng lúc chúng ta được nhận. Hạnh phúc đến từ lòng yêu thương của chúng ta, và cũng từ sự yêu thương của mọi người dành cho mình, Sophocles đã nhận định: “Có một từ giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi đau khổ trong cuộc sống. Đó là từ yêu thương”. Thi hào Shaspeare đã nói: “Hạnh phúc nhất của con người là yêu và được yêu”. Không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Đời vắng bóng tình yêu là hỏa ngục. Ông Charles Dicken đã nói: “Một trái tim biết yêu thương là sự thông thái thực sự nhất, vì khi sống trong yêu thương, chúng ta có tất cả”.

Hôm nay Chúa nhật truyền giáo hướng chúng ta về việc loan báo Tin mừng tình thương cứu độ trong thế giới hôm nay. Nhìn lại lịch sử truyền giáo của Giáo hội, công việc truyền giáo đạt kết quả tốt, nhiều anh em lương dân về với Chúa là do những việc từ thiện bác ái của người giáo dân. Bởi theo Công đồng Vatican II, truyền giáo là chiếu tỏa tình thương của Thiên Chúa cho anh em, là sống bác ái, phục vụ anh em, thực hiện đức công bằng trong xã hội, là xây dựng một nền văn hóa tình thương. Nói cách khác, Kitô phải phải làm việc truyền giáo bằng chính cuộc sống chứng nhân tình thương giữa lòng thế giới.

Thiên Chúa là tình thương, tình yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, bản chất của con người là tình thương. Tình thương là dấu chỉ chắc chắn nhất chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Chính khi chúng ta sống bác ái, yêu thương trong gia đình, xã hội xóm làng là chúng ta đã và đang làm việc truyền giáo.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …