LỄ THÁNH GIA THẤT
(Mt 2,13-15.19.23)
Phong trào gia đình công giáo đã có từ thế kỷ 16, nhưng đến cuối thế kỷ 19, Đức Giáo Hòang Lêô XIII cỗ vũ và đặt ra lễ Thánh Gia nhằm thúc giục mọi người theo gương Thánh Gia Thất mà sống trên thuận dưới hòa để tạo lập những gia đình hạnh phúc. Năm 1994 Liên hiệp quốc cũng như Giáo Hội đã chọn làm năm quốc tế về gia đình.
Ngày nay, gia đình đang gặp cơn khủng hỏang trầm trọng, đang trên đà xuống dốc. Gia đình là nền tảng của xã hội mà nền tảng đã lung lay thì xã hội cũng sụp đổ. Do đó, Giáo Hội muốn cho chúng ta tổ chức lễ Thánh Gia là để đề cao vai trò của gia đình và đưa ra một tấm gương tuyệt hảo cho mọi người bắt chước, hầu củng cố lại gia đình và giúp cho xã hội thêm vững chắc.
Gia đình là một vườn ươm thuận lợi để làm phát triển các đức tính tốt cho con trẻ như yêu thương, vâng lời, phục vụ, hiền hòa, hy sinh, nhịn nhục,tha thứ…Một trong những yêu tố quan trọng để làm cho gia đình được hạnh phúc là mỗi phần tử trong gia đình phải có một tình yêu vô vị lợi.
Chúng ta thấy thánh Giuse và Đức Maria không bao giờ bận tâm về tư lợi của mình mà bỏ quên ích lợi của Chúa Giêsu. Trái lại, chúng ta chỉ thấy các ngài hòan tòan quên mình, coi nhẹ sở thích riêng tư. Tâm trí và ánh mắt các ngài luôn để ý đến những nhu cầu nhỏ bé, những mong ước đơn sơ của người khác,
vì hạnh phúc là gì nếu không phải là làm cho người khác được hạnh phúc.
Hạnh phúc gia đình luôn luôn đòi hỏi phải biết quên mình, hy sinh cho kẻ khác.
Câu chuyện “thằng bé cụt tai” kể rằng:
“Người mẹ trẻ với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa trẻ từ tay vị bác sĩ.
Thế nhưng, nụ cười bỗng tắt lịm khi nhìn thấy vành tai của đứa bé không như những đứa trẻ khác. Nhưng may mắn thay, đứa trẻ vẫn nghe được bình thường.
Điều này có nghĩa cấu tạo tai trong của đứa trẻ vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, người mẹ vẫn không khỏi lo buồn về khiếm khuyết của con mình. Điều đó càng khiến người mẹ thêm xót xa và thấy mình có lỗi với con. Ngược lại, đứa trẻ vẫn vô tư vui sống, không hay biết gì về khuyết tật của mình. Cho đến một ngày kia, cậu bé đi học về và ôm chầm lấy mẹ, rồi òa khóc: “mẹ ơi! các bạn trêu chọc con, chúng nói con là thằng “cụt tai!”
Những lời nói của con như một vết dao cứa vào con tim người mẹ. Ôm con vào lòng, người mẹ như ôm trọn cả nỗi đau đớn của mình. Rồi chỉ trong giây lát, cậu bé bỗng ngừng khóc. Quay lại nhìn mẹ, cậu bé dõng dạc nói: “con sẽ chứng minh với mọi người rằng con tuy khuyết tật về thân thể, nhưng con sẽ không khuyết tật về tâm hồn. Mẹ đừng khóc nữa, mẹ nhé!”
Rồi một ngày kia, cuộc đời cậu bé dường như được mở ra với một tia hy vọng mới. Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định cậu có thể được ghép tai, chỉ cần có ai đó đồng ý hiến tai cho cậu. Thế là cha mẹ cậu bé lao vào cuộc tìm kiếm người có thể hiến tai cho đứa con. Họ đã làm mọi phương cách có thể: thông báo trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, qua những người quen, bè bạn xa gần. Nhưng tuyệt nhiên không nhận được bất cứ sự hồi âm nào.
Mọi chuyện tưởng như rơi vào vô vọng, bỗng một ngày nọ, người cha trở về nhà với gương mặt đầy phấn khởi và thông báo rằng: “Ba đã tìm được người tự nguyện hiến tai cho con”. Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp, cậu bé được ghép một đôi tai mềm mại, hoàn hảo. Thế nhưng, cậu bé không sao tìm ra được người đã hiến tặng tai cho mình. Người ta bảo rằng người đó muốn được thầm lặng giúp đỡ nên quyết không tiết lộ danh tánh.
Thế rồi cậu bé lớn lên và trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, chàng vẫn luôn trăn trở về việc vẫn chưa thể đền đáp người đã hiến tặng đôi tai cho mình.
Rồi một ngày nọ, chàng trai được tin mẹ của mình ốm nặng. Đáp chuyến bay sớm nhất về nhà, anh lao đến bệnh viện với mẹ. Nhìn mẹ thoi thóp những hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, chàng trai cúi xuống ôm mẹ nức nở khóc. Anh hôn lên đôi bàn tay gầy guộc bao năm tảo tần nuôi mình khôn lớn. Anh hôn lên vầng trán hằn lên những nếp nhăn của mẹ, rồi nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc bạc trắng của mẹ. Bỗng anh bàng hoàng nhận ra: mẹ anh đã không còn đôi tai nữa.
Giờ thì anh đã hiểu vì sao bao năm nay, mẹ lại luôn tìm cách xa lánh anh. Anh cũng nhận ra sự thật là đã rất nhiều năm rồi, mẹ không hề cắt tóc, rất ít khi ra khỏi nhà và không mấy khi giao tiếp với những người xung quanh.
Rưng rức khóc, chàng trai quỳ xuống bên mẹ, ôm lấy thân hình nhỏ bé của mẹ. Anh hôn lên má, lên trán người mẹ những cái hôn đầy yêu thương và nói: “mẹ ơi! mẹ chẳng những đã cho con sự sống mà còn cho con cả cuộc đời của mẹ. Con cảm ơn Mẹ! Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ