CN.LEPHUCSINH NĂM B
LỄ VỌNG PHỤC SINH
Các Bà Run Rẩy Sợ Hãi
(Mc 16,1-8)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
1.Các bà hoảng sợ
Tất cả những trình thuật về Truyền Tin (loan báo một sứ điệp của Chúa) trong Kinh Thánh đều ghi lại chi tiết này. Những gì thuộc về Thiên Chúa thường gây bối rối cho lý trí của con người và tạo nên một thú vị ngạc nhiên, sợ hãi thiêng thánh. Ở đây Maccô sử dụng một từ quen thuộc với ông (exéthambêthêsan: có nghĩa là các bà bối rối, hồn siêu phách lạc). Cũng như không người “Caphacnaum đã kinh ngạc” trước sự can thiệp đầu tiên của Đức Giêsu (Mc 1,27 xem thêm Mc 10,24-32 và 14,33).
Nhưng nếu sự đột xuất của Đấng hoàn toàn khác lạ thường gây bối rối, thì sự hiện diện của Người lại trấn an và làm ta bình tâm ngay. Thiên Chúa không đích thực là Đấng chỉ nhằm hù dọa chúng ta. Người vẫn thường nói: “các ngươi đừng sợ”. Thế nên, ta cần lưu ý, Maccô không thuật lại sự hiện ra đúng nghĩa của Đức Giêsu… nhưng chỉ ghi một “Lời” mạc khải, qua một thiên sứ, nói lên “đức tin”, một trong những điểm của “kinh Tín Kính” ta vẫn đọc.
2.Các bà tìm Đức Giêsu Nagiaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa.
Người bị đóng đinh vì chúng tôi dưới thời Phongxiô Philatô, Ngày thứ ba, Người đã sống lại”
Đó là lời tuyên xưng Đức Tin của các Kitô hữu tiên khởi (Cv 2,23; 3,15; 4,10; 10,39; 13,28-30) Đó cũng là Đức Tin của chúng ta.
Trình thuật của Maccô nhấn mạnh những khía cạnh cụ thể, như thế muốn nói với chúng ta rằng, đó cũng chính là Đức Giêsu, “người Nagiaret”, kẻ “bị đóng đinh”, Đức Giêsu của lịch sử.
Kẻ bị đóng đinh đã thức dậy.
Kẻ bị đóng đinh đã phục sinh
Người không còn ở đây nữa! Vậy Người ở đâu?
3.Chỗ đã đặt Người đây này, xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô như thế này: “Người sẽ đến Galilê trước các ông”
Rõ ràng, Maccô không muốn chúng ta quan tâm đến “ngôi mộ” nữa, Thiên Chúa cũng không muốn con người để ý đến “mồ táng” đó. Cả Đức Giêsu cũng thế, trước khi chết, Người đã nói chính lời đó: “sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em” (Mc 14,28). Chàng “thanh niên mặc áo trắng ngồi bên hữu phải chăng là chính Đức Giêsu, một Giêsu mới, Đức Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha? Đức Giêsu mà người ta mới tiếp xúc đầu tiên, với con mắt trần gian, không còn nhận ra nữa; ta hãy nhớ lại trường hợp của Mácđala, tại khu vườn; bà cứ tưởng Người là người làm vườn” cũng như hai môn đệ làng Emmau, ‘con mắt họ đã bị đóng lại’
Hãy đi! Hãy ra đi! Đừng dừng lại tại ngôi mộ đó. Đừng ở lại Giêrusalem.
Hãy đi về phía trước, nói Đức Giêsu đang sống động nơi Người đã đến trước anh em, nơi Người đã hẹn gặp anh em tại Galilê! Trên miền đất của anh em, những người xứ Galilê, trong đời sống hiện thực thường ngày. Đối với Maccô, Galilê là tên của vùng đất đó, có một ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Ông đã nhắc đến tên đó 12 lần trong Tin Mừng của ông. Chính tại đó mà cuộc đời Đức Giêsu đã đạt tới đỉnh cao. Cũng tại đó lần đầu tiên Tin Mừng của Thiên Chúa đã vang lên. Chính Đức Giêsu đã biểu lộ những dấu lạ đầu tiên quyền năng của Người tại đó. Và cũng là nơi qui tụ nhiều đám đông.
Giờ đây, thời của Galilê lại bắt đầu, thời quy tụ một dân tộc mới chung quanh Phêrô, thời của những “dấu chỉ” mới, thời của Tin Mừng: Giáo Hội khởi sự… và Giáo Hội chính là nơi hiện diện của Đấng “không còn ở đây nữa, nghĩa là không còn ở trong mồ mà người ta đã chôn táng Người”. Đó là một lệnh lên đường. Nào, hãy lên đường. Đừng ở lại đây làm gì! Hãy đi nói với Phêrô. Hãy trở lại Galilê.
4.Ở đó các ông sẽ được thấy Người, như Người đã nói với các ông
Ở đây không giải thích theo phạm vi triết học và lý luận. Các tông đồ cũng như chúng ta, được mời gọi tin theo một lời nói, và dấn thân trong một hành động hiện thực: góp phần cho việc tập hợp những người tin Đức Giêsu chung quanh Phêrô, và thi hành những gì Đức Giêsu đã báo trước khi Người còn sống.
Đối với Maccô, tin vào việc sống lại, trước hết không phải là vấn đề gây nhức óc cho trí hiểu, nhưng là thái độ cùng với anh em mình dấn thân vào một cuộc sống mới, theo một Lời báo trước!
5.Vừa ra khỏi mộ, các bà liền cắm đầu chạy
Các bà đã đến mộ cốt là làm được một việc, thế nhưng các bà lại phải đi mà không thể thi hành được điều đó. Các bà mang dầu thơm về. Các bà vội rời gót khỏi nơi đó.
6.Các bà run lẩy bẩy, hết hồn vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ quá
Đây là những lời cuối cùng của đoạn Tin Mừng Lễ Phục Sinh.
“Run lẩy bẩy” (tromos) và “ngây ngất xuất thần” (extasis). Làm sao có thể diễn tả hay hơn sự đột nhập bất ngờ và gây đảo lộn của Nước Thiên Chúa trong lịch sử con người? Xuyên suốt Tin Mừng của mình, Maccô đã nhấn mạnh đến “bí mật” che giấu căn tính đích thực của Đức Giêsu Nagiaret: mỗi lần có kẻ nào nói quá sớm Người là “Con Thiên Chúa”, Đức Giêsu đều buộc họ phải im lặng. Câu kết này của Maccô giữ trọn ý nghĩa. Chúng ta hãy trân trọng nó? Các người nữ “im lặng” và “chẳng nói gì với ai”: nói thế nào được khi con người Đức Giêsu đã vượt thoát khỏi mọi nắm giữ và trở nên một mầu nhiệm không còn thuộc phạm vi nhân loại, luôn gây bối rối. Tất cả những ai muốn kiếm tìm trong những trình thuật trên, một sự “hiển nhiên tuyệt đối” một sự “ổn định hoàn toàn”, thì sẽ gặp thất vọng. Chính Maccô muốn dẫn chúng ta vào sự im lặng của Đức Tin và thái độ tôn thờ. Lạy Chúa Giêsu, Chúa cao cả hơn mọi tưởng tượng của chúng con.[1]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Qua bài Tin Mừng, Thánh Marcô cho thấy, sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà salômê đã đến mồ Chúa Giêsu và được một thanh niên mặc áo trắng bảo các bà đi báo cho các môn đệ là Chúa Giêsu đã sống lại. Các bà run rẩy sợ hãi trốn ra khỏi mồ.(Mc 16,1-8).
Và thánh Matthêu còn cho chúng ta thấy: “đang khi các bà lên đường thì mấy người lính canh vào thành báo cho các thượng tế biết tất cả sự kiện đã xảy ra. Các thượng tế kinh hòang và đã cho tiền các lính canh để phao tin là đang lúc chúng tôi ngủ thì các môn đã đến lấy xác ông Giêsu.
Chúng ta thấy các bà sợ, các thượng tế cũng sợ, nhưng hai cái sợ khác nhau như thế nào 1.Thánh Marcô ghi lại: vừa ra khỏi mồ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì quá sợ hãi” (Mc 16, 8)
Các bà sợ là phải, vì các bà ra mộ là để viếng xác Chúa, một cái xác của người mình yêu mến để bớt đi nỗi nhớ. Quả thật, khi người thân của chúng ta chết, chúng ta thường không muốn chấp nhận sự ra đi của họ. Chúng ta biết rằng họ đã chết, và chúng ta luôn cố gắng tạo ra một mối tương quan nào đó với họ. Một trong những cách thông thường nhất là ra viếng mộ. Ra viếng mộ với hy vọng làm vơi đi nỗi nhớ, nhưng chính việc ra viếng mộ lại càng làm cho chúng ta thương nhớ người chết hơn, bởi vì, chính lúc đứng trước ngôi mộ, lại là lúc, một lần nữa, chúng ta xác nhận rằng: người thân yêu của chúng ta đã chết thật. Nghĩa là giữa chúng ta và họ, không còn mối liên hệ bình thường như những người đang sống. Cũng vậy, ra viếng mộ, các bà cũng muốn cho vơi đi nỗi nhớ, nhớ một người đã chết và các bà chỉ nghĩ đến thi thể của thầy mình, nghĩa là bà đến đó để gặp một xác chết. Đối với các bà, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc, nhưng sự kiện trước mắt lại khác hẳn, nên “vừa ra khỏi mồ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì quá sợ hãi” (Mc 16, 8). Nhưng cái sợ ở đây là một cái sợ đứng trước một niềm vui quá lớn đến nỗi không bao giờ dám nghĩ tới.
2.Còn cái sợ của các thượng tế như thế nào?
Thánh Matthêu ghi lại: “các bà đang đi, thì mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo lại cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền hội họp với các kỳ mục. Sau khi bàn bạc, họ cho lính canh một số tiền lớn và bảo: “các anh nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của ông đã đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các ông phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như lời căn dặn. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do Thái cho đến ngày nay (Mt 28,11-15). Cái sợ ở đây là cái sợ một tội lỗi sắp bị lộ tẩy.
Chúng ta thấy, trước sự phục sinh của Đức Kitô, các bà run sợ, các thượng tế cũng run sợ, nhưng các bà run sợ khi đứng trước một niềm vui quá lớn đến nỗi không bao giờ dám nghĩ tới, đang khi đó các thượng tế cũng run sợ, nhưng run sợ vì một tội lỗi sắp bị lộ tẩy. Chính vì thế mà các bà đã vô cùng vui mừng sung sướng khi gặp được Chúa Giêsu và hăng hái mang tin mừng phục sinh đến cho mọi người và ngược lại các thượng tế đã từ chối không tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu, bất chấp những sự kiện hiển nhiên. Kết cục, các thượng tế đã bóp méo sự thật với những lý chứng thật nực cười.
Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 2.000 năm cũng đang xảy ra với chúng ta hôm nay, khiến mỗi người chúng ta đang hiện diện trong Đêm Phục Sinh này phải suy nghĩ.
CHÚA NHẬT PHỤC SINH: Ngôi Mộ Trống (Ga 20,1-9)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
1.Không ai yêu mến Chúa Giêsu cho bằng Maria Macđala
Chúa đã làm cho bà những ơn không ai có thể làm được; và bà không bao giờ có thể quên. Truyền thống cho Maria là kẻ có tội khét tiếng mà Chúa Giêsu đã chuộc lại, tha thứ và tinh luyện. Henry Kingsley có vần thơ đẹp về bà: “tại cổng Micae. Macđala tơi tả; trên mạo gai Giuse, chào mào hát: hãy để cô vào! Micae hỏi: ‘cô có thấy những vết thương?’ Có biết tội mình? Đã chiều, mà đã chiều, chào mào lại ca: để cô vào, để cô vào. Vâng con biết những vết thương, thấy những tội con. Chào mào lại hát: cô biết, biết rất rõ tội mình. Để cô vào, để cô vào. Micae lại hỏi: cô không dâng của lễ, không chuộc được tội. Chào mào lại ca: cô ăn năn, ăn năn và ăn năn, để cô vào, để cô vào. Hát xong, chào mào ngủ thiếp. Đêm về, cổng Micae rộng mở: mời Maria vào”. Maria tội lỗi nhiều nên bà yêu mến nhiều, tất cả bà có chỉ là tình yêu. [2]
2.Phong tục của người Palestin khi có người qua đời
Thói quen ở Palestin là thăm mộ người yêu trong ba ngày sau khi chôn táng. Người ta tin trong ba ngày, hồn người chết vẫn còn lảng vảng gần mộ. Sau đó sẽ biến mất vì lúc đó thân xác bắt đầu biến hình, không thể nhận dạng. Bạn bè của Chúa không thể đến trong ngày thứ bảy, vì nếu ra mộ là lỗi luật thứ bảy. Thứ bảy của chúng ta là Chúa nhật, bà ra mồ lúc còn sớm. Danh từ ‘sớm’ ở đây là ‘pròi’, chỉ canh tư (3-6 giờ). bà phải ra mộ sớm vì bà không thể trì hoãn chần chừ thêm. Khi tới nơi, bà hết sức ngạc nhiên và bỡ ngỡ. Mộ ngày xưa thường không đóng bằng cửa. Trước mộ là lối vào, trong có hòn đá tròn như bánh xe. Hơn nữa Matthêu (27:66) nói giới chức đã niêm phong hòn đá để chắc không ai có thể mở. Vậy mà tới nơi, Maria thấy huyệt đã mở; bà có thể nghĩ người Do Thái đã lấy xác Chúa hầu hành hạ Người hơn, hoặc xác Chúa đã bị ma cà rồng làm hại. Cảnh tượng làm bà hoảng hồn, bà vội về báo cho các môn đệ. Bà đến với Phêrô và Gioan. Maria là gương mẫu đặc biệt của kẻ tiếp tục yêu và tin, cả khi không hiểu. Và chính tình yêu và niềm tin, sau cùng đã thấy vinh quang. Một trong những điều sáng chói nói lên Phêrô vẫn là lãnh đạo các tông đồ. Chính ông là người mà Maria đã đến. Bất kể việc ông chối Chúa, Phêrô vẫn còn là đầu các tông đồ. Ta thường nói tới sự yếu đuối và bất thường của Phêrô, nhưng vẫn có gì ngoại thường về con người có thể trực diện với đồng loại sau khi sa ngã; vẫn có gì về con người mà người khác sẵn sàng chấp nhận như người lãnh đạo sau sự sa ngã. Đừng bao giờ để sự yếu đuối của ông làm ta mù đến nỗi không nhìn thấy sức mạnh và địa vị luân lý của Phêrô và sự kiện Phêrô sinh ra làm lãnh đạo. Vì thế với Phêrô và Gioan mà Maria tới gặp. [3]
3.Ngay sau đó, Phêrô và Gioan hối hả chạy ra mộ
Họ chạy, và Gioan trẻ hơn nên chạy tới mộ sớm hơn. Khi cùng đến nơi, Gioan nhìn vào trong nhưng không vào. Phêrô với trực tính cố hữu, không chỉ nhìn vào mà đi thẳng vào trong. Phêrô chỉ bỡ ngỡ trước mộ trống, còn Gioan đã suy tính nếu xác Chúa bị trộm thì sao lại để lại các khăn liệm? Và khăn liệm, khăn che đầu lại còn nguyên, như xác Chúa đã thoát ra? Lúc đó Gioan hiểu và tin; vải liệm xác không bừa bãi, không lộn xộn, mà lại vẫn xếp y nguyên khi liệm, là điều tiếng Hy Lạp thuật lại. Toàn điểm diễn tả là khăn liệm không như cởi bỏ ra, mà y như Chúa thoát ra. Cảnh tượng bỗng làm Gioan hiểu những gì đã xảy ra, và ông tin. Không phải nhờ đọc sách thánh làm ông tin mà là những gì mắt ông thấy làm ông tin, mắt tình yêu. Tình yêu đóng vai trò khác thường trong truyện này. Chính Maria yêu Chúa nhiều nên đã đến thăm mộ Chúa trước nhất.[4]
4.Chính Gioan, người môn đệ Chúa yêu là người thứ nhất tin Chúa đã sống lại
Đó luôn luôn là vinh quang lớn của Gioan. Ông là người thứ nhất hiểu và tin. Tình yêu đã cho ông đôi mắt để nhìn và hiểu những dấu chỉ. Ở đây ta thấy một qui luật của đời sống, là không thể hiểu một người nếu không có liên hệ tình cảm với người đó. Như một người điều khiển ban nhạc có cảm tình với bản nhạc của nhạc sĩ mà ông điều khiển. Tình yêu là thông dịch viên đại tài. Tình yêu có thể hiểu những gì lý trí không thể hiểu. Tình yêu có thể hiểu ý nghĩa khi tìm tòi không hiểu. Một họa sĩ trẻ đem bức họa Chúa Giêsu mình vẽ cho Dore chấm. Dore xưa nay vẫn chậm phê, và sau khi coi xét, ông phê ‘nếu yêu Người, anh sẽ vẽ Người tốt hơn’. Không thể hiểu Chúa Giêsu hay giúp kẻ khác hiểu Người nếu ta không yêu mến Người.[5]
Hiện ra với Maria Mácđala (Ga 20:11-18; Mc 16:9-11) Chúa nhật, ngày 9 tháng 4 năm 30.
5.Tại sao Maria lại không nhận ra Chúa ngay
Có người gọi đây là truyện nhận biết vĩ đại nhất trong văn chương. Phần Maria được vinh dự là người thứ nhất thấy Chúa sống lại. Toàn câu truyện rải rác dấu vết tình yêu của bà. Sau khi từ mộ về, đưa tin cho Phêrô và Gioan xong, trở lại mộ, Maria thấy mình bơ vơ, vì Phêrô và Gioan đã biến mất. Bà đứng đó và khóc. Không cần tìm lý do sao Maria không biết Chúa Giêsu. Maria không nhận ra Chúa chỉ vì nước mắt bà dàn dụa. Toàn cuộc đối thoại với đấng bà tưởng là người làm vườn, tỏ ra tình yêu của bà ‘nếu ông là người đem Người đi, hãy cho tôi biết ông để Người ở đâu’. Maria không nêu tên Chúa vì cho mọi người đã phải biết Người, trí lòng bà đầy Chúa nên không ai khác có thể xâm nhập. ‘Tôi sẽ đem Người về’. Làm sao Maria có thể đem Người về, đem về rồi để đâu? Bà không hề nghĩ đến những vấn đề đó. Bà chỉ ao ước được chan hòa tình yêu của mình trên thân xác Chúa. Vừa khi trả lời người bà tưởng là người làm vườn, bà phải quay lưng lại mộ và Chúa Giêsu. Ngay lúc ấy, bà chỉ nghe thấy tiếng ‘Maria’. Và cũng đáp ngay ‘Thầy’. Vì thế ta thấy chỉ có hai lý do rất giản dị nhưng lại rất thâm sâu tại sao Maria không nhận biết Chúa Giêsu.
Maria không nhận ra Chúa vì:
5.1.Nước mắt dàn dụa
Khi mất người thân yêu, ta thường sầu muộn và thương khóc. Nhưng một điều phải nhớ, là những trường hợp đó thường là ích kỷ. Vì ta bị cô đơn, mất mát, ta bị bỏ rơi. Ta không thể khóc vì người đã ra đi như là vị khách của Thiên Chúa. Đó là vì ta mà ta khóc. Đó là điều tự nhiên không thể tránh. Đồng thời, đừng để nước mắt làm mờ những vinh quang thiên đàng. Phải có nước mắt, nhưng đừng vì nước mắt mà làm mờ vinh quang… [6]
5.2.Maria không nhận biết Chúa vì bà quay hướng khác, quay lưng lại với Chúa nên không thấy
Nơi mồ mả sao có thiên đàng; nơi mồ mả không có những người thân yêu của ta. Thân xác thối rữa của họ có thể còn đó, nhưng con người thực của họ có thể đang ở trên thiên đàng với Chúa Giêsu, mặt đối mặt với Người, trong vinh quang Thiên Chúa. Khi gặp sầu muộn, đừng để nước mắt làm mờ vinh quang; cũng đừng dán mắt vào mộ huyệt mà quên thiên đàng.[7]
6.Về với Thiên Chúa’ nghĩa là ‘hẹn gặp lại’
Alan Walker trong Núi Sọ. Mọi người kể về cuộc an táng cho người mà nghi lễ chỉ là hình thức, cho người chẳng phải là Kitô hữu cũng không liên quan gì đến Kitô giáo. ‘Khi nghi lễ xong, một thiếu nữ trẻ nhìn xuống phần mộ, thốt lên ‘từ biệt, cha’. Đó là chấm dứt cho những ai không có hy vọng Kitô giáo’. Đối với chúng ta, đó chính là lúc ‘tạm biệt’, ‘về với Thiên Chúa’ nghĩa là ‘hẹn gặp lại’. Trong đoạn này có một điều rất khó khăn. Sau mọi việc xảy ra, Chúa Giêsu nói với Maria ‘đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha’ (Ga 21:27). Trong Luca, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ đang sợ hãi ‘nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?’ (Lc 24:39). Trong Matthêu, chúng ta lại đọc ‘bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người’ (Mt 28:9). Cả câu nói của Gioan cũng khó hiểu. Ông bảo Chúa Giêsu nói ‘đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha’ tựa như nói: có thể động đến Người sau khi Người đã lên cùng Cha’. [8]
7.Không có cắt nghĩa nào hoàn toàn thỏa mãn. Không giải thích nào đầy đủ được.
7.1.Tất cả có một ý nghĩa thiêng liêng
Sự tiếp xúc thực sự với Chúa Giêsu chỉ có thể sau khi Người lên trời. Nghĩa là sự tiếp xúc thể lý không quan trọng mà sự tiếp xúc bằng đức tin với Chúa sống lại và hằng sống mới quan rọng. Đó quả là đúng sự thật và quí hóa nhưng hình như không phải ý nghĩa trong đoạn này.
7.2. Có lẽ do lối dịch sai từ Aramic sang Hy Lạp
Tất nhiên Chúa nói tiếng Aramic chứ không phải Hy Lạp. Và Gioan đã cho ta lời dịch sang Hy Lạp. Có người đề nghị Chúa Giêsu thực sự đã nói ‘thôi, đừng giữ Thầy lâu nữa, nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và nói với họ trước khi Thầy về cùng Cha…’ Tựa như Chúa nói ‘đừng thờ lạy Thầy lâu trong niềm vui các con mới thấy, nhưng hãy đi đưa tin cho các môn đệ…’ Rất có thể đây là chúng ta có lời giải thích. Thể truyền khiến trong tiếng Hy Lạp ở thể hiện tại và có nghĩa ‘đừng đụng Thầy’. Có thể Chúa nói với Maria ‘đừng ích kỷ giữ Thầy cho con. Ít nữa Thầy sẽ lên cùng Cha Thầy. Thầy muốn gặp các môn đệ Thầy trước đó. Hãy đi nói với họ tin mừng là đừng làm mất thời giờ chúng ta có cùng nhau’. Có thể đó là ý nghĩa tuyệt vời và thực sự là điều Maria hiểu.
- Maria ‘đừng sợ: Thầy chưa về với Cha đâu, Thầy vẫn còn ở đây với các con
Có thể một giả thiết nữa. Ba thánh ký kia nhấn mạnh đến sự kiện là các tông đồ đang sợ hãi bỗng nhận biết Chúa Giêsu (Mt 28:10; Mc 16:8; Lc 24:5). Trong Gioan không nói đến sự sợ này. Đôi khi những người chép lại những bản thảo cũng lầm lẫn vì những bản thảo không dễ đọc. Vài học giả nghĩ rằng điều nguyên thủy Gioan viết không phải MÈ APTOU, ‘đừng động đến Thầy’ mà MÈ PTOOU ‘đừng sợ’ (động từ PTOEIN có nghĩa là đừng sợ hãi vu vơ). Trường hợp này Chúa nói với Maria ‘đừng sợ; Thầy chưa về với Cha đâu, Thầy vẫn còn ở đây với các con’. Không giải thích nào thỏa mãn hoàn toàn, nhưng có lẽ lối giải thích thứ hai coi như hợp lý nhất. Bất cứ sự việc thế nào, thì Chúa Giêsu cũng đã sai Maria về bảo các môn đệ là điều Người hay nói với họ, nay đã xảy ra, là Người đang về cùng Cha. Và Maria đã đến báo tin ‘Tôi đã thấy Thầy’. Trong thông điệp của Maria có chính bản chất của Kitô giáo, vì người Kitô hữu cốt yếu là người có thể nói ‘Tôi đã thấy Thầy’. Kitô hữu không phải là người nói ‘tôi biết về Người’ mà là kẻ nói ‘tôi biết Người’; không phải người ‘bàn luận về Người’ mà là kẻ ‘đã gặp Người’. Cảm nghiệm Chúa là Đấng còn sống.
Như ta thấy trong phần giới thiệu, tin mừng Máccô quả thực chấm dứt ở câu 8. Nên ta chỉ đọc đoạn này để biết sự khác biệt với tin mừng và hình như không có trong bản thảo lớn nào. [9]
7.4.Người viết đoạn kết này tin rõ ràng rằng Giáo Hội có những công việc Chúa Giêsu truyền
Bản tóm tắt sau này thay kết thúc mà Maccô khi còn sống đã không viết hay đã viết sai. Điều rất thích thú là đoạn này để lại cho chúng ta hình ảnh bổn phận của Giáo Hội. Người viết đoạn kết này tin rõ ràng rằng Giáo Hội có những công việc Chúa Giêsu truyền:
– Rao giảng. Giáo Hội, nghĩa là mọi tín hữu là những người rao giảng, là tiền hô của Chúa.
– Thuyên chữa: kitô hữu phải quan tâm đến hồn, xác người khác, Chúa Giêsu đã làm thế. Chúa Giêsu ước mong đem lại sự lành mạnh hồn xác cho con người.
– Giáo Hội có nguồn sức mạnh. Đừng hiểu theo nghĩa đen, như sức mạnh bắt rắn độc, uống nọc độc, mà là sức mạnh giúp ta thích ứng với cuộc đời, sức mạnh thích ứng mà người khác không có.
– Giáo Hội không bao giờ cô đơn. Chúa Kitô luôn hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội. Chúa của Giáo Hội vẫn ở với giáo hội và vẫn là Chúa của sức mạnh… và thế là tin mừng kết thúc với thông điệp là cuộc đời Kitô hữu là cuộc đời sống trước nhan và quyền năng của Đấng đã bị đóng đanh và đã sống lại.[10]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Ngôi mộ trống (Ga 20,1-9)
- Sự kiện ngôi mộ trống
Đức Giêsu đã đi vào cõi chết của con người. Người ta đã chôn Ngài trong mộ đá, nhưng rồi sáng ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài nữa.
– Bà Maria Mađalêna ra thăm mộ hỏang hốt kêu lên: người ta đã lấy xác Thầy rồi.
– Hai môn đệ Phêrô và Gioan chạy ra mộ, nhưng thấy ngôi mộ đã mở toang. Nhìn vào trong, thấy khăm liệm còn đó, Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan đã thấy và tin.
Tại sao cả ba, đứng trước cùng một sự kiện, mà kẻ tin, người lại không tin? Đó chính là tâm trạng của mỗi người đối với Chúa Giêsu.
- Tâm trạng của Maria Mađalêna và Gioan
Khi người thân của chúng ta chết, chúng ta thường không muốn chấp nhận sự ra đi của họ. Chúng ta biết rằng họ đã chết, và chúng ta luôn cố gắng tạo ra một mối tương quan nào đó với họ. Một trong những cách thông thường nhất là ra viếng mộ. Ra viếng mộ với hy vọng làm vơi đi nỗi nhớ, nhưng chính việc ra viếng mộ lại càng làm cho chúng ta thương nhớ người chết hơn, bởi vì, chính lúc đứng trước ngôi mộ, lại là lúc, một lần nữa, chúng ta xác nhận rằng: người thân yêu của chúng ta đã chết thật. Nghĩa là giữa chúng ta và họ, không còn mối liên hệ bình thường như những người đang sống. Cũng vậy, ra viếng mộ, Maria cũng muốn cho vơi đi nỗi nhớ, nhớ một người đã chết và Maria chỉ nghĩ đến thi thể của thầy mình, nghĩa là bà đến đó để gặp một xác chết. Với tâm trạng đó, làm sao bà có thể nghĩ đến chuyện Chúa sống lại được. Quả thật, đối với Maria Mađalêna, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc. Nhưng đối với Gioan, ngôi mộ đâu có mùi chết chóc, ngôi mộ đâu có hoang vu, ngôi mộ đâu có trống rỗng, nhưng ngôi mộ đã được mở ra và Đức Giêsu đã phục sinh và bước ra khỏi mồ.
- Tâm trạng của Phêrô và Gioan
Còn Phêrô, ông đang sợ hãi, ông đang sợ bị liên lụy, ông đang sợ bị bắt bớ. Ông chạy ra ngôi mộ với tâm trạng đối phó. Với tâm trạng đó, làm sao ông có thể nghĩ đến việc Chúa sống lại được. Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan “ông đã thấy và tin.” Quả thực thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu. Tình yêu đó đã thể hiện ra bên ngòai, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa trên con đường khổ giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá đến giây phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình, cho dù hòan cảnh có bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ tới Chúa Giêsu, luôn nhớ đến những lời giảng dạy của Thầy và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với tâm tình này Gioan đã nhận ra Chúa sống lại. Ông đã thấy và tin.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Chú giải của Noel Quesson –
https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-phuc-sinh-nam-b/
[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.480
[3][3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.481
[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.481
[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.482
[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.483
[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.484
[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.484
[9] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.484
[10] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.484