(Xh 24, 3-8; Dt 9, 11-15; Mc 14, 12-16.22-26)
“Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy.
Máu giao ước đã đổ ra vì muôn người”
Tin mừng Marcô 28, 14, 12-16.22-26:
Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”. Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta”. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.
Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu.
Suy niệm:
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều đề cập tới Giao ước. Trong bài đọc 1, sách Xuất Hành tường thuật nghi lễ ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Môsê cho giết bò, lấy máu của chúng rẩy một phần lên bàn thờ tượng trưng cho Thiên chúa và phần kia rẩy trên dân chúng. Máu tượng trưng cho sự sống, vì thế ý nghĩa của việc rảy máu là từ nay hai bên kết ước (Thiên Chúa và dân Do Thái) cùng một sự sống. Môsê lấy máu rảy trên dân chúng và nói: “Đây là giáo ước Đức Chúa đã lập với anh em”. Giao ước cũ ngày xưa ký kết ở núi Sinai được đóng dấu bằng máu chiên bò.
Bài đọc II, Thư Do thái xác định Đức Giêsu là Thượng tế Giao ước mới, thánh hóa nhân loại bằng chính máu của Ngài: “Người là trung gian của một giao ước, lấy cái chết của mình mà chuộc tội người ta đã phạm trong thời giáo ước cũ và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9, 14-15).
Trong bài Tin mừng, Thánh Marcô tường thuật bữa tiệc vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu. Trong bữa tiệc ly này, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể và ký kết với toàn thể nhân loại một giao ước mới bằng chính máu của Người: “Anh em hãy cầm lấy đây là mình Thầy, và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông… Người bảo các ông: “Đây là Máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người”.
Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước mới có tính trường tồn vĩnh viễn sẽ không bao giờ bị phá hủy và bảo đảm cho con người sự sống đời đời. Đó là bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong thánh lễ để hiện tại hóa lễ hy sinh thập giá của Đức Giêsu hầu ban ơn cứu độ cho con người tời ngày tận thế. Thật vậy, mỗi lần cử hành thánh lễ là Giáo hội lập lại giao ước đã ký kết giữa Thiên Chúa và loài người nhờ máu của Đức Giêsu đổ ra trên thập giá.
Hôm nay lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo hội nhắc nhở người Kitô hữu, những điều căn bản về bí tích Thánh Thể (Sách GLHTCG số 1322 – 1326):
– Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình yêu, một sáng kiến táo bạo nhất của Thiên Chúa tình yêu.
– Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo, trung tâm đời sống tín hữu Kitô.
– Bí tích Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau.
– Bí tích Thánh Thể là món quà cao quý nhất Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Đó là chính Đức Kitô Giêsu.
– Bí tích Thánh Thể chính là lương thần cho cuộc sống người tín hữu và bảo đảm hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu ta sẽ sống đời đời”.
Mầu nhiệm tình yêu này vượt quá sự hiểu biết của con người. Đức Giêsu đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta, đến nỗi Người không thể cho chúng ta điều gì hơn thế nữa. yêu là cho đi, cho hết, cho cả cuộc đời.
Năm 1987 một trận động đất lớn đã xảy ra ở Acmênia thuộc khối Liên Xô cũ, giết chêts hàng ngàn người. Thiệt hại to lớn về người và của cải vật chất. Trong số những người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn có hai mẹ co bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt trong một khoang trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi, con khát quá”. Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con uống. Nhưng tình mẫu tử, vì thương con, bà đã có một sáng kiến vô cùng táo bạo: bà dùng miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho chảy máu ra và đưa vào miệng cho con mút. Một lúc sau, người con lại kêu lên “con khát quá”. Bà lại cắt những đầu ngón tay cho con mút. Nhờ máu của người mẹ, mà cô bé sống. Cuối cùng lính cứu hộ đến cứu sống hai mẹ con. Người mẹ bất tỉnh, người con còn tỉnh táo. Hôm đó mẹ Têrêsa Calcutta cũng có mặt chứng kiến 2 mẹ con bà Suzanna được cứu sống. Người ta đưa 2 mẹ con vào nhà thương cấp cứu. Sau khi tỉnh lại, người mẹ được nhà báo hỏi:
– Lý do nào thúc đẩy bà có sáng kiến táo bạo như thế?
– Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống.
Câu chuyện thật cảm động. Bà Suzanna đã lấy máu của mình nuôi con vì muốn con bà sống. Bà đã hy sinh tất cả cho người con. Cũng vậy, vì yêu thương nhân loại, vì muốn nhân loại được sống, Đức Giêsu hy sinh, đã chết cho con người được sống. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã trở nên tấm bánh cho mọi người, chỉ vì yêu thương chúng ta.
Môn nay, lễ Mính Máu Thánh Chúa Giêsu, Giáo hội mong muốn người Kitô hữu:
– Yêu mến bí tích Thánh Thể qua việc siêng năng tham dự thánh lễ, nhất là thánh lễ Chúa nhật.
– Sống hiệp nhất và yêu thương phục vụ cho mọi người, để như Đức Giêsu Kitô, chúng ta trở nên tấm bánh cho anh em, cho mọi người.
Ước mong cuộc đời chúng ta là thánh lễ nối dài “Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để trở thành chứng nhân”. Amen.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam