Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Lễ Mình Máu Chúa Kitô

Bàn Tiệc Thánh và bữa ăn gia đình

LeMMTCKiToHôm nay chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, trung tâm của Giáo Hội, trung tâm của đời sống đức tin, trung tâm của giáo xứ và đời sống của mỗi người như Công đồng Vatican II đã nói: “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo”, “Bí Tích Thánh Thể tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: đó chính là Đức Kitô”.

1.Bí Tích Thánh Thể: Mầu Nhiệm Tình Yêu

Vào năm 1263, một linh mục từ Prague, thủ đô Tiệp Khắc, đi hành hương tới Rôma cầu xin Thiên Chúa gia tăng đức tin cho ngài vì đang có những nghi ngờ về ơn kêu gọi. Trên đường tới Rôma, ngài ngừng lại ở một thị xã cách Rôma 70 dặm về phía bắc. Tại đây, trong thánh lễ, khi truyền phép ngài nâng cao bánh lễ lên, tấm bánh đã trở nên thịt và bắt đầu chảy máu. Những giọt máu đã chảy xuống trên tấm khăn thánh nhỏ màu trắng trên bàn thờ. Năm sau, 1264 Đức Giáo Hoàng Urban IV đã thành lập lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, và ngài đã yêu cầu thánh Thomas Aquinas sáng tác một bài ca cho ngày lễ. Thánh Thomas đã viết ra hai bài nổi tiếng là “Tantum Ergo” và “O Salutaris” mà chúng ta vẫn thường hát khi chầu Thánh Thể. Tấm khăn thánh mang những vết máu vẫn còn được lưu giữ tại vương cung thánh đường Orvieto, phía bắc thành phố Roma.

Và đây, một bài báo đã đăng tin ngay trên trang nhất về vụ cháy rừng khủng khiếp vừa xảy ra, một câu chuyện đã gây rất nhiều xúc động cho người đọc.

Sau khi ngọn lửa đã được dập tắt, những người kiểm lâm rất vất vả khi đi vào rừng để ước lượng mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng. Một người kiểm lâm trẻ tuổi nhất bất chợt phát hiện thấy một con chim đã chết đứng bất động như một bức tượng gỗ trên một cành cây cao đang cháy dở trước mặt anh. Một chút sợ hãi xen lẫn chút nghịch ngợm tò mò, người kiểm lâm ấy bèn tìm lấy một cành cây nhỏ, thử chọc vào xác con chim đã chết. Lúc anh đang thử thọc nhẹ vào con chim đã chết cháy như vậy, bất thình lình, anh hoảng hốt khi thấy có một chú chim con từ dưới cánh con chim đã chết cháy bay vụt ra… Những người đi trong đoàn kiểm lâm ai nấy đều sửng sốt. Người kiểm lâm cao tuổi nhất trong nhóm có mái tóc bạc phơ nói rằng, suốt mấy chục năm làm nghề gác rừng, ông chưa từng thấy có chuyện lạ như vậy. Hóa ra, trong lúc ngọn lửa quái ác thiêu đốt cánh rừng, và vì yêu con, chim mẹ đã dang rộng đôi cánh để che chở cho con mình. Lúc đám cháy chưa lan tới, chim mẹ đã có thể bay đi thật nhanh để tìm một nơi an toàn cho riêng mình, nhưng chim mẹ đã không bay đi, vì biết con mình còn rất yếu ớt, bé nhỏ và không thể bay theo kịp mình. Chim mẹ không muốn bỏ mặc con mình ở lại với mối nguy hiểm đang chờ đợi nó. Khi ngọn lửa hung hãn đã bùng lên dữ dội và khi sức nóng của ngọn lửa sắp thiêu cháy mình, chim mẹ vẫn không hề nao núng, dao động. Chim mẹ sẵn sàng đón nhận cái chết để lấy đôi cánh chở che cho con mình được sống. Có lẽ chim mẹ biết chắc một điều rằng, với tình yêu và đôi cánh chở che của mình, con mình sẽ sống.

Ôi! Tình yêu có sức mạnh thật lớn lao và kỳ diệu, nên một vĩ nhân nào đó đã nói: “tình yêu mạnh hơn sự chết”. Nói cách khác, cái chết cũng không thể nào tiêu diệt nổi tình yêu và sự hy sinh chính là thước đo của tình yêu. Một hình ảnh thật sống động gợi lên tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta.

2.Bí Tích Thánh Thể: Mầu Nhiệm Hiệp Thông

Thánh Thể là bàn tiệc của Chúa, bữa tối của Chúa, tấm bánh bẻ ra, lễ bẻ bánh. Thánh Thể được cử hành dưới hình thức một bữa ăn (Mt 26,26). Thánh Thể là bí tích lễ Vượt Qua của Đức Giêsu, là một mầu nhiệm hiệp thông.

Theo não trạng thời đó, mọi bữa ăn chung là một cử chỉ xây dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Phaolô lấy cảm hứng từ biểu tượng đó (1Cr 10,16-17) khi bàn về lễ hy tế. Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc tập họp chung quanh Đức Giêsu. Triều đại ngự đến nơi bản thân Đức Giêsu khi Thiên Chúa tôn vinh Người trong cái chết. Khi dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa, có thế nói con người ngồi vào bàn tiệc khi họ hiệp thông với lễ Vượt Qua của Đức Giêsu. Sự hiện diện của Đức Giêsu tạo sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức Giêsu vừa là phòng tiệc vừa là lương thực.

Thánh Thể là biểu tượng hiện thực của Đức Kitô vượt qua, là nơi tập họp và là bữa tiệc của cuộc lễ. Vì thế, Thánh Thể là sự hiệp thông. Các hy tế xưa kia thường kết thúc bằng một bữa ăn. Nhờ hy tế, Trời và Đất nối kết với nhau. Nhờ bữa ăn hiệp thông, phạm vi linh thánh được nới rộng đến những người thông hiệp trong cùng một sự thánh hiến. Nơi Đức Kitô, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và thế giới trở thành hiện thực. Người là Chiên Thiên Chúa, được thánh hiến từ đời đời (Ga 10,36) và thánh hiến cách viên mãn trong cái chết  và vinh quang (17,19) và trong Thần Khí của sự phục sinh. Khi ăn chiên Vượt Qua, con người đi vào giao ước Vượt Qua, cùng với Người trở nên cùng một của lễ được Thánh Thần thánh hóa (Rm 15,16), gặp gỡ Đức Kitô trong cái chết và sự phục sinh của Người.

Trong Đức Kitô, hy tế và bữa ăn làm thành một phụng vụ bất khả phân. Người vừa chịu hiến tế vừa là lương thực, là Chiên Vượt Qua của chúng ta (l Cr 5,7), là hy tế và bữa ăn của chúng ta. Thánh Thể là bí tích của cuộc Vượt Qua của Đức Kitô và của sự hiệp thông của chúng ta vào cuộc Vượt qua này. Giáo Hội hiệp thông với hy tế khi cùng cử hành hy tế với Đức Kitô vì Thánh Thể là sự hiện diện của hy tế Vượt Qua trong tính hiện thực của hy tế này. Người Kitô hữu cử hành hy tế bằng việc hiệp thông với hy tế và chỉ có thể hưởng nhờ ơn ích của hy tế bằng cách tham dự vào.[1]

  1. Bí Tích Thánh Thể: Bàn Tiệc Thánh và bữa ăn gia đình

3.1.Bàn Tiệc Thánh và bữa ăn gia đình

Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn, bởi vì trong bữa ăn người ta không chỉ ăn cơm, ăn bánh, ăn rau ăn thịt, nhưng người ta còn chia sẻ tâm tình với nhau. Trong bữa ăn chúng ta có một thời gian chung, một thời gian để gặp gỡ nhau. Đây là một thời khắc thiêng liêng người ta dành cho nhau, ở bên nhau, sống với nhau, gạt bỏ mọi lo toan, gạt bỏ mọi tính toán. Từ xa xưa trong bữa ăn gia đình Việt Nam, chúng ta thấy cả ông bà, cha mẹ, con cháu đều quây quần bên một cái mâm tròn, đặt giữa một chiếc chiếu vuông hay trên một chiếc phản vuông, không phân biệt già trẻ lớn bé, các con các cháu đều ngồi quây quần bên cha mẹ, ông bà. Cả nhà đều có chung một nồi cơm, một chén nước mắm, một tô canh, một dĩa xào. Mọi người nhường nhịn nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Ăn chung một nồi cơm, chấm chung một chén nước mắm, múc chung một tô canh, gắp chung một dĩa xào. Ăn chung với nhau, cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi, cùng nhau để thương yêu nhau, gạt bỏ mọi ích kỷ, xa cách, tự cao tự đại.

Mỗi khi bất ngờ có một hai người khách tới, cũng được mời ngồi vào; rồi thêm đũa, thêm bát, mỗi người ăn bớt đi một chút là đâu vào đấy cả. Không có kiểu chia khẩu phần riêng rẽ (ration) như người Tây Phương. Dụng cụ để và cơm, gắp rau là đôi đũa cũng rất có ý nghĩa triết lý. Trẻ con phải học tập để “điều hoà” hai chiếc đũa mới trưởng thành được, cách thức ăn chung như thế mới nói lên được chữ Hoà trong việc ăn uống. Ăn uống hoà với nhau, chia sẻ ngọt bùi, cay đắng cùng nhau để mà thương yêu nhau, gạt bỏ mọi hận thù ghen ghét.[2]

Người Việt Nam ăn cơm là chủ yếu: khát vọng vốn có tự ngàn xưa vẫn là no cơm ấm áo. Bởi giá trị đặc biệt của nó nên hạt gạo được ví là hạt ngọc Trời ban cho: nhờ Trời mới có cơm ăn áo mặc. Vì thế khi ăn cơm mà để hạt cơm văng vãi xuống đất thì “tội chết” nhất là không được giẫm lên hạt cơm mà đi.

Cơm là phúc lộc Trời ban: “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Vì thế trong bữa ăn, dù có bực mình, cha mẹ vẫn nhịn nhục không đánh mắng con cái. Cả nhà ăn uống sum họp vui vẻ xong đã, sau đó muốn mắng thế nào thì mắng.

Của ăn trời ban là ban chung cho mọi người nên không dành riêng cho ai, mọi người đều được hưởng lộc Trời ban. Vì thế mà có tục lệ mời ăn cơm: trước khi ăn con cháu phải mời cha mẹ, gặp người khách đi qua cũng phải mời: “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Khách có thể không báo trước, gia chủ có thể không chuẩn bị; nhưng vẫn có thể vào ngồi ăn uống vui vẻ. Giữa hàng xóm láng giềng, thiếu chút mắm muối, chút gia vị, người ta sang xin bên hàng xóm. Có bát canh ngon, có hoa quả đầu mùa, có cơm gạo mới liền đem biếu ông bà cha mẹ để tỏ lòng thảo hiếu:

Có con mà gả chng gần

Có bát canh cẩn nó cũng đem cho. [3] 

3.2.Bánh và rượu trong Bàn Tiệc Thánh đi vào cuộc sống đời thường

Bánh và rượu mang nhiều ý nghĩa hỗn hợp, cả trong cuộc sống lẫn trong bí tích Thánh Thể.

Một mặt, bánh có lẽ là biểu tượng đầu tiên của chúng ta về lương thực, sức khoẻ, dinh dưỡng và đời sống cộng đoàn. Xin cho chúng con lương thực hằng ngày! Chúng ta hãy cùng nhau bẻ bánh! Bánh là hình tượng cho cuộc sống và sống chung với nhau.

Ít có cái gì có thể nói về cuộc sống một cách tuyệt vời cho bằng hương vị chiếc bánh mới. Mùi thơm từ chiếc bánh mới chính là hương vị cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một câu chuyện khác về chiếc bánh. Bánh được làm từ đâu? Từ lúa mì, từ những hạt riêng lẻ, phải bị nghiền nát để trở nên bột mì, một thứ mang đặc tính chung, sau đó phải chịu đựng sức nóng của lửa để nướng thành thứ cho chúng ta hương vị cuộc sống. Giống như thánh Augustinô đã đề cập đến trong một bài giảng:

“Đúng là chiếc bánh này không phải làm từ chỉ một hạt lúa mì, có phải không các bạn? Trước khi hợp lại để làm chiếc bánh, các hạt lúa mì đứng riêng lẻ. Trước khi hoà trộn vào nhau bằng nước, chúng được nghiền nát. Bởi vì nếu trước đó, chúng không được nghiền nát, sau đó chúng không được làm ẩm thì chúng không hình thành cái mà chúng ta gọi là bánh… Và sau đó, nếu không có lửa thì chúng cũng không thành bánh được”. Bánh phải được nướng trong lò với một sức nóng dữ dội. Lúc đó bánh nói lên được cả niềm vui và cả đau đớn.

Rượu cũng mang trong mình hai ý nghĩa như vậy: một mặt, nó là thức uống dành cho các bữa tiệc, có lẽ nó là biểu tượng đặc trưng nhất cho những gì liên quan đến lễ tiệc. Rượu không thể đóng vai trò như một thức uống thiết yếu, một thực phẩm căn bản. Nó không phải là chất đạm cần thiết cho sức khoẻ, nhưng là món ăn phụ, nói lên những gì ở bên ngoài các công việc vất vả kiếm sống và duy trì cuộc sống. Rượu nói lên tình bằng hữu, cộng đoàn, lễ tiệc, niềm vui, tiêu khiển, chiến thắng. Chúng ta tổ chức mọi lễ tiệc không chỉ với trọn tình yêu mà còn với rượu.

Tuy nhiên, tương tự như bánh, rượu cũng còn một ý nghĩa nữa: rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm và có tính lễ tiệc. Không ngạc nhiên khi Đức Giêsu đã chọn rượu làm biểu tượng cho máu của Người.

Thật là hữu ích khi chúng ta sống trong tâm trạng có nhiều ý nghĩa này khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Bánh và rượu được dâng lên để cầu xin Thiên Chúa thánh hoá trở nên máu và thịt của Ngôi Hai Thiên Chúa, và một cách chính xác bánh và rượu được dâng lên trong nhiều ý nghĩa của nó.

Một mặt, bánh và rượu đại diện cho mọi thứ trong đời sống và thế gian, đó là: khoẻ mạnh, trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức sống, đầy màu sắc. Chúng đại diện cho sự tốt đẹp của thế gian này; niềm vui của thành công, lễ tiệc, hội hè, và tất cả những gì mang trong nó nguồn ơn của Thiên Chúa khi Người tạo dựng nên địa cầu và tuyên bố mọi sự tốt đẹp. Thánh Thể còn cho ta mùi vị của chiếc bánh mới.

Tuy nhiên đó chỉ mới một nửa ý nghĩa. Thánh Thể cũng được dâng lên trong sự hiến dâng tất cả những gì bị nghiền ép, tan vỡ, đốt cháy vì bạo lực. Rượu, một cách thích đáng, cũng chính là máu. Tại bàn tiệc Thánh Thể chúng ta dâng lên cả sức khoẻ, thành công, thất bại và lỗi lầm của thế gian và cầu xin Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong hiệp nhất đó. Cha Pierre Teilhard de Chardin cũng nhắc đến điều này một lần: Trong một cách có ý nghĩa, vật chất được thánh hoá mỗi ngày nói lên sự phát triển của thế gian trong ngày đó – bánh một cách thích hợp tượng trưng cho những gì được tạo nên bởi thành tựu trong sản xuất, máu rượu là những gì được tạo nên bởi mất mát trong một quá trình đầy nỗ lực, vắt kiệt sức lực.

Những gì chúng ta thấy nơi bàn tiệc Thánh Thể: tốt đẹp, niềm vui cuộc sống cũng như thất bại trong cuộc sống, những nỗi đau là cùng ở trong một tình trạng căng thẳng như nhau, cái mà chúng ta cần thiết phải dâng lên hằng ngày trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta làm điều đó cách nào đây?

Bằng cách thưởng thức cuộc sống và tất cả những thú vui chính đáng, không tội lỗi, không chê bai chúng nhân danh Thiên Chúa, chân lý và người nghèo, ngay cả khi chúng ta đến đứng bên Thập Giá muôn đời của Đức Kitô, là nơi những người bị gạt ra ngoài, người nghèo, người ốm đau, người khó ưa, người cô đơn, người đói, người bị chèn ép, người mù tìm thấy nới chốn của họ.

Bánh và rượu có thể mang đến cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa. Điều đó có nghĩa chúng ta phải tôn kính trước vẻ đẹp thiên nhiên, nét duyên dáng của một vận động viên, năng lượng huyền bí trong âm nhạc, sức mạnh trong bản năng tính dục, hài hước trong vở hài kịch hay, cảm giác sôi nổi của khoẻ mạnh, hương sắc và điều thú vị khắp nơi trong cuộc sống, ngay cả khi chúng ta nhận biết và tương trợ với tất cả những cái bị loại ra, bị gạt bỏ bởi các năng lượng kì diệu này, những cái mà cuối cùng rồi cũng quay về với khởi nguồn trong Thiên Chúa.

Trong tin mừng Thánh Gioan, nước biến thành rượu, rượu trở thành máu, máu và nước đều chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Đó cũng là điều đã diễn ra nơi bàn tiệc Thánh Thể và trong cuộc sống chúng ta. Nhiệm vụ chúng ta là giữ bánh và rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa.[4]

3.3.Những nét văn hóa của bữa ăn gia đình truyền thống Việt Nam, nếu biết trân trọng, sẽ chuẩn bị chúng ta tham dự Bàn Tiệc Thánh một cách rất có ý nghĩa

Muốn sống, muốn khỏe mạnh thì phải ăn uống cho đầy đủ, thiếu ăn là suy dinh dưỡng. Mà đặc tính của ăn là phải thường xuyên, đều đặn. Vì thế của ăn Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng người Kitô hữu, là của ăn đi đường trên con đường dương thế. Bữa ăn nào cũng có nét văn hóa của nó – văn hóa ẩm thực Việt Nam coi hạt cơm là phúc lộc trời ban, ăn cơm là sum họp gia đình, là kính trên nhường dưới, là biểu lộ tấm lòng thành dâng kính của lễ tinh hoa. Đó là những nét đẹp đẽ của văn hóa trong bữa ăn sẽ giúp chung ta chuẩn bị bữa tiệc Thánh Thể một cách ý thức, trân trọng và đậm đà bản sắc dân tộc[5].

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

[1]F.x. Durwell, THÁNH THỂ, Bí TÍCH VƯỢT QUA trg.151-152  trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể của  ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác,

[2] Lý minh Tuấn, Triết Lý Chữ Hòa trg.58-59

[3]Lm. Luy Phạm Văn Nhượng, BỮA TIỆC THÁNH THỂ trg.395 trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể

  của ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác.

[4] Ronald Rolheiser, OMI, Cô đơn khi dời nhà trg.13-16

[5] Lm. Luy Phạm Văn Nhượng, BỮA TIỆC THÁNH THỂ trg.404 trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể của ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác.

 

[6] Lý minh Tuấn, Triết Lý Chữ Hòa trg.58-59

[7]Lm. Luy Phạm Văn Nhượng, BỮA TIỆC THÁNH THỂ trg.395 trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể

  của ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác.

[8] Lm. Luy Phạm Văn Nhượng, BỮA TIỆC THÁNH THỂ trg.404 trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể của ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác.

 

[9]F.x. Durwell, THÁNH THỂ, Bí TÍCH VƯỢT QUA trg.151-152  trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể của  ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác,

[10] Lý minh Tuấn, Triết Lý Chữ Hòa trg.58-59

[11]Lm. Luy Phạm Văn Nhượng, BỮA TIỆC THÁNH THỂ trg.395 trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể

  của ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác.

[12] Lm. Luy Phạm Văn Nhượng, BỮA TIỆC THÁNH THỂ trg.404 trong sách Thần học về Bí Tích Thánh Thể của ĐGM Phaolô Bùi văn Đọc và các linh mục khác.

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …