Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ MẸ THIÊN CHÚA, CẦU CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ MẸ THIÊN CHÚA, CẦU CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

madonnaA.LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA

1.Nội dung tín điều “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”
Thánh công đồng Êphêsô năm 431 công bố rằng: “Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Đức Maria là mẹ Thiên Chúa không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ người Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được thân xác thánh thiêng có linh hồn. Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình. Vì thế chúng ta nói Ngôi Lời đã sinh ra làm người”.
Dân thành Êphêsô công khai bày tỏ niềm hân hoan trước kết quả này. Họ tổ chức rước đuốc mừng các nghị phụ công đồng. Từ đó, phần sau của kinh Kính Mừng đã hình thành: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.
Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1931 nhân ngày kỷ niệm 100 năm công đồng Êphêsô, chính thức lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, mừng kính trong toàn thể Giáo Hội ngày 19/10 hàng năm.
Đức Phaolô VI cho mừng lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào đầu năm dương lịch, ngày thế giới cầu cho hòa bình: “Khi canh tân Mùa Giáng Sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Mẹ Thiên Chúa, vào ngày 01/01. Theo Phụng vụ Rôma, nhằm tôn kính Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tôn vinh địa vị đặc biệt, khiến cho “Mẹ rất thánh, đáng tiếp nhận nguồn sống cho chúng tôi”.

2.Suy niệm tín điều “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”
2.1.Suy niệm tín điều “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”
Nơi con người, bất cứ cái gì xảy ra trong phạm vi bản tính con người đều quy hướng về ngôi vị người (personne, personalité). Thí dụ : những tương quan kinh tế trong xã hội, những tương quan của tình bạn, những tương quan của đôi vợ chồng. Tương quan tình mẫu tử cũng vậy, mặc dầu bắt đầu trên phạm vi bản tính nhưng hoàn toàn quy hướng về ngôi vị và sự tự do của ngôi vị, lại còn ràng buộc các ngôi vị trong một tình yêu thiêng liêng bất diệt vì người mẹ :
– Nếu là mater corporis (mẹ của thân xác) thì chỉ do việc sinh sản thôi. Con vật cũng sinh con và làm mẹ con của nó. Bình thường thôi.
– Nếu là mater animae (mẹ tâm hồn), là mẹ do việc giáo dục. Thầy cô là cha mẹ tinh thần của học trò, nhưng không thể so với bà mẹ hiền được.
– Còn nếu là mater mei, mới là mẹ hiền của tôi vì đã sinh ra tôi, đã nuôi dưỡng dạy bảo tôi, đã thương mến tôi hơn cả mẹ tôi thương con người mẹ tôi. Đây mới thật là mẹ của toàn thể con người xét như là một chủ thể, một ngôi vị, một tình yêu. Đây là bậc mẹ hoàn hảo, cao nhất, nơi con vật không có.
Nơi Đức Maria, mater mei mà còn mater Dei vì Ngôi Vị mà Đức Mẹ cưu mang và sinh ra là Ngôi Hai Thiên Chúa. Như vậy, ta dễ thấy Đức Maria không những là mẹ nhân tính Đức Kitô Giêsu mà còn là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa “secundum quod verbum incarnatum est” (xét về mặt Ngôi Hai Nhập Thể).
Đức Nữ Trinh Maria đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp con Ngài và hiệp nhất mật thiết bền chặt với con. Đức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng cao quý này, ngài trổi vượt mọi thụ tạo trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời vì thuộc dòng dõi Ađam, ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa “ngài là Mẹ thật các chi thể (của Đức Kitô)… vì đã cộng tác trong Đức Ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu”. Vì thế, ngài cũng được chào kính như chi thể tối cao và độc nhất vô nhị cũng như mẫu mực và gương sống phi thường của Giáo Hội trên phương diện Đức Tin và Đức Ái. Và Giáo Hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên ngài tình con thảo như đối với một người mẹ rất yêu dấu (Lumen gentium, số 53, Bản dịch của Giáo Hoàng học viện).
2.2.Tình yêu của một người mẹ
2.2.Tình yêu của một người mẹ trần thế
Câu chuyện kể rằng: Người mẹ trẻ với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa trẻ từ tay vị bác sĩ. Thế nhưng, nụ cười bỗng tắt lịm khi nhìn thấy vành tai của đứa bé không như những đứa trẻ khác. Nhưng may mắn thay, đứa trẻ vẫn nghe được bình thường. Điều này có nghĩa cấu tạo tai trong của đứa trẻ vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, người mẹ vẫn không khỏi lo buồn về khiếm khuyết của con mình. Điều đó càng khiến người mẹ thêm xót xa và thấy mình có lỗi với con.
Ngược lại, đứa trẻ vẫn vô tư vui sống, không hay biết gì về khuyết tật của mình.Cho đến một ngày kia, cậu bé đi học về và ôm chầm lấy mẹ, rồi òa khóc: “Mẹ ơi ! Các bạn trêu chọc con, chúng nói con là thằng bị “cụt” tai!”.
Những lời nói của con như một vết dao cứa vào con tim người mẹ. Ôm con vào lòng, người mẹ như ôm trọn cả nỗi đau đớn của mình. Rồi chỉ trong giây lát, cậu bé bỗng ngừng khóc.
Quay lại nhìn mẹ, cậu bé dõng dạc nói: “Con sẽ chứng minh với mọi người rằng con tuy khuyết tật về thân thể, nhưng con sẽ không khuyết tật về tâm hồn. Mẹ đừng khóc nữa, mẹ nhé!”.
Rồi một ngày kia, cuộc đời cậu bé dường như được mở ra với một tia hy vọng mới. Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định cậu có thể được ghép tai, chỉ cần có ai đó đồng ý hiến tai cho cậu. Thế là cha mẹ cậu bé lao vào cuộc tìm kiếm người có thể hiến tai cho đứa con. Họ đã làm mọi phương cách có thể: thông báo trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, qua những người quen, bè bạn xa gần. Nhưng tuyệt nhiên không nhận được bất cứ sự hồi âm nào. Mọi chuyện tưởng như rơi vào vô vọng, bỗng một ngày nọ, người cha trở về nhà với gương mặt đầy phấn khởi và thông báo rằng: “Ba đã tìm được người tự nguyện hiến tai cho con”.
Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp, cậu bé được ghép một đôi tai mềm mại, hoàn hảo. Thế nhưng, cậu bé không sao tìm ra được người đã hiến tặng tai cho mình. Người ta bảo rằng người đó muốn được thầm lặng giúp đỡ nên quyết không tiết lộ danh tánh.
Thế rồi cậu bé lớn lên và trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, chàng vẫn luôn trăn trở về việc vẫn chưa thể đền đáp người đã hiến tặng đôi tai cho mình. Rồi một ngày nọ, chàng trai được tin mẹ của mình ốm nặng. Đáp chuyến bay sớm nhất về nhà, anh lao đến bệnh viện với mẹ. Nhìn mẹ thoi thóp những hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, chàng trai cúi xuống ôm mẹ nức nở khóc.
Anh hôn lên đôi bàn tay gầy guộc bao năm tảo tần nuôi mình khôn lớn.
Anh hôn lên vầng trán hằn lên những nếp nhăn của mẹ, rồi nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc bạc trắng của mẹ. Bỗng anh bàng hoàng nhận ra: mẹ anh đã không còn đôi tai nữa.
Giờ thì anh đã hiểu vì sao bao năm nay, mẹ lại luôn tìm cách xa lánh anh. Anh cũng nhận ra sự thật là đã rất nhiều năm rồi, mẹ không hề cắt tóc, rất ít khi ra khỏi nhà và không mấy khi giao tiếp với những người xung quanh.
Rưng rức khóc, chàng trai quỳ xuống bên mẹ, ôm lấy thân hình nhỏ bé của mẹ. Anh hôn lên má, lên trán người mẹ những cái hôn đầy yêu thương và nói: “Mẹ ơi! Mẹ chẳng những đã cho con sự sống mà còn cho con cả cuộc đời của mẹ. Con cảm ơn Mẹ!
2.2.2. Tình yêu của Đức Maria, người Mẹ của Thiên Chúa
Tình yêu của Đức Maria, người Mẹ của Thiên Chúa qua sự kiện Đức Thánh Giáo Hòang Gioan Phaolô II bị ám sát:
Vào chính ngày 13.5.1981, ngày của Đức Mẹ Fatima, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Tông đồ vĩ đại của lòng tôn sùng Mẹ Maria, bị tên khủng bố Hồi Giáo Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, ám sát trên chính quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma trong một buổi tiếp kiến chung. Tên khủng bố chỉ đứng cách Đức Gioan Phaolô II khoảng 4 thước nên tất cả bốn viên đạn thoát ra khỏi lòng khẩu súng lục của y đều trúng đích. Nhưng nhờ có «bàn tay hiền mẫu của Mẹ Maria» chở che, đã lái hướng bay của các viên đạn định mệnh kia, nên không có một viên nạn nào trúng vào chỗ hiểm trên người Đức Thánh Cha. Do đó, ngài chỉ bị trọng thương, chứ không bị tử thương. Qua sự kiện lạ lùng đó, Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn thâm tín rằng việc ngài thoát khỏi một cái chết hầu như không thể tránh khỏi như thế là một phép lạ của Đức Mẹ Fatima, nên một năm sau cuộc ám sát, năm 1982, ngài đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và để dâng hiến cả thế giới cho Đức Mẹ.
Và ngày 25.03.1984, ngày Lễ Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại một lần nữa dâng hiến cả thế giới cho Mẹ Maria một cách trọng thể tại Roma. Và ngài cũng yêu cầu tất cả các Giám Mục trên khắp thế giới hãy thực hiện như thế.

3. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới
Hôm nay là ngày đầu năm dương lịch. Ngày Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã chọn làm ngày hòa bình thế giới. Hòa bình hay nói cách khác sự an bình Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại qua lời tung hô của các thiên thần trong đêm Chúa Giáng Sinh:” Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương “. Sự an bình này quả thực rất cần thiết bởi vì không có hòa bình trong tâm hồn, con người không thể nào có thể có hòa bình đối với người khác. Chúa Giêsu đến trần gian để ban bình an cho nhân loại: ” Ta để lại bình an cho các con. Ta ban bình an của Ta cho các con “. Chúa đến ở giữa nhân loại, ở giữa chúng ta: ” Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta “. Mẹ Maria đã sinh Đấng Cứu Thế để Ngài ban hòa bình cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình vì thế Hòa Bình của con người và Hòa Bình trên thế giới nằm trong tay của Người. Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại, trao tặng cho mỗi người chúng ta món quà vô giá là Con yêu dấu của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ chan chứa nơi con yêu quí của Mẹ là Đức Kitô. Do đó, con người, loài người chỉ có thể có sự an bình được nếu mỗi người chúng ta biết làm mới con người, làm mới cuộc đời của mình để đón nhận sự an bình Thiên Chúa trao tặng qua Con Một Yêu Dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. 
Chúng ta hãy ngước nhìn lên Mẹ, Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, chiêm ngắm Mẹ, noi gương bắt chước Mẹ vì Mẹ sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được sự an bình của Con Mẹ, sự bình an mà các thiên thần đã hát vang trên không trung năm xưa. 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con luôn có sự an bình trong tâm hồn chúng con và luôn biết chiếu tỏa sự an bình cho mọi người đặc biệt năm mới 2017 này. Amen.

B.NĂM THÁNH KỶ NIỆM 100 NĂM ĐỨC MẸ FATIMA

1.LÃNH ƠN TÒAN XÁ TRONG NĂM THÁNH KỶ NIỆM 100 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA
Quý Bạn đọc thân mến, quý vị nào đã lỡ bỏ mất cơ hội lãnh Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót đã qua, xin đừng buồn, vì vẫn còn có cơ hội lãnh ơn đại toàn xá mỗi ngày 1 lần trong Năm Thánh Kỷ Niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại làng Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban Ơn Toàn Xá trong dịp này, được tính bắt đầu kể từ ngày Chúa Nhật Thứ I Mùa vọng 27/11/2016 đến hết ngày 26/11/2017.
Tin Fatima, Portugal, ngày 1 Tháng 12, 2016. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định ban Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Kỷ Niệm 100 Năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha  (Portugal 1917-2017).  Ơn Toàn Xá bắt đầu được tính từ ngày  (Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng) 27 Tháng 11, 2016, và sẽ kết thúc vào ngày 26 Tháng 11, 2017.
Giám đốc đền Thánh Fatima, André Pereira đã giải thích với hãng tin CNA là, các giáo hữu có thể lãnh Ơn Toàn Xá (mỗi ngày) trong suốt Năm Thánh Kỷ Niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima. Theo bản văn chi tiết được đăng trên trang điện tin của đền thánh cho biết:

Có ba cách lãnh Ơn Toàn Xá như sau:

1. Hành Hương tới Đền Thánh
Cách lãnh ơn Toàn Xá thứ nhất là, “các tín hữu giáo dân phải hành hương tới Đền Thánh Fatima ở Bồ Đào Nha (Portugal) và tham dự một thánh lễ hoặc một buổi cầu kinh dâng kính Đức Trinh Nữ”.  Ngoài ra, các giáo hữu phải đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, và cầu xin với Thánh Mẫu Chúa.
2. Cầu nguyện trước bất cứ Thánh tượng Đức Bà Fatima nào
Cách lãnh ơn Toàn Xá thứ hai áp dụng cho “những tín hữu giáo dân sùng đạo đến tôn kính thánh tượng Đức Mẹ Fatima được đặt nơi công khai cho giáo dân tôn kính trọng thể trong bất cứ nhà thờ nào, tại đền thánh hay tại nơi xứng hợp vào những ngày lễ kỷ niệm hiện ra, ngày 13 mỗi Tháng từ tháng Năm cho tới Tháng Mười (2017), và sốt sắng tham dự ít ra một số thánh lễ hay vài buổi cầu nguyện để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria .”
Vị giám đốc Đền Thánh Fatima cho biết, về cách thứ hai viếng Thánh Tượng Đức Trinh Nữ, “không nhất thiết phải kính viếng tại Fatima duy chỉ có ở Portugal”, nhưng có thể viếng tượng Mẹ Fatima bất cứ nơi nào trên thế giới.
Những ai muốn lãnh Ơn Toàn Xá cũng phải nguyện một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính và cầu xin cùng Đức Mẹ Fatima.
(điều kiện này thực đơn giản, và tiện lợi, quý vị cứ thấy nhà thờ, công viên, thánh đài, nguyện đường hay buổi rước kiệu nào … có tượng Mẹ Fatima thì vô viếng liền.  Còn ai có người thân đau bệnh già yếu, cứ thỉnh tượng Mẹ Fatima về để ngay đầu giường, hay treo lên tường ngay trước mắt cho họ, để họ dễ bề hiệp thông cùng Giáo Hội cầu nguyện lãnh ơn xá. )
3. Người già cả và đau yếu
Cách lãnh ơn Toàn Xá thứ ba áp dụng cho những người già cả, vì tuổi tác, đau bệnh hoặc vì những lý do nghiêm trọng khác, không thể tham dự cùng.
Những cá biệt này có thể cầu nguyện trước Tượng Đức Mẹ Fatima và họ phải có ý hiệp thông cùng với các ngày lễ kỷ niệm hiện ra trong năm thánh, vào ngày 13 mỗi tháng, từ tháng Năm cho tới Tháng Mười 2017.
Họ cũng phải “dâng lên Chúa từ bi với sự quyết tâm, cậy nhờ Đức Maria, dâng lên những kinh nguyện và đau khổ của họ hoặc những hy sinh họ chịu đựng trong cuộc sống.
Để lãnh ơn toàn xá, các tín hữu giáo dân cũng phải hoàn tất các điều kiện thông thường đòi buộc như: đi Xưng Tội (trong vòng 1 tuần), Rước Lễ, chừa bỏ và tránh lánh khỏi dính bén tội lỗi, và cầu nguyện theo Ý Đức Giáo Hoàng (nguyện 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Tin Kính).
Xin lưu ý thêm: Ai không đủ điều kiện thì cũng được ơn tiểu xá. Những ai muốn lãnh ơn xá phải sống trong tình trạng thánh sủng, không mắc tội trọng.  Ơn Toàn Xá tha hết tội trọng và tội nhẹ (tha tội tha vạ), ơn tiểu xá chỉ tha một phần phạt tạm, ơn xá có thể nhượng lại hoặc có ý xin chỉ cho các đẳng linh hồn luyện ngục.
Ngoài những Năm Thánh được Đức Giáo Hoàng ban riêng, quý vị còn có thể được lãnh ơn toàn xá mỗi ngày 1 lần, và quanh năm có 365 ngày để xin nhượng lại ơn đại xá cho các đẳng luyện ngục.

2.Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Fatima dịp 100 năm hiện ra
Năm 2017 tới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có mặt tại Fatima vào dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại nơi đây cho ba trẻ mục đồng vào ngày 13 tháng Năm 1917 trong bối cảnh toàn thế giới bị đảo lộn bởi cuộc đệ nhất thế chiến, hãng tin Zenit trích ngồn tin của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha cho hay: Đức Giáo Hoàng sẽ đến Fatima dịp 100 năm hiện ra.
Theo Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng Phụ Lisbonne, Đức Thánh Cha chỉ giới hạn chuyến tông du lần này tại Fatima mà không viếng thăm bất cứ một thành phố nào khác của Bồ Đào Nha.
 Vào dịp tháng Tư năm ngoái, Đức Thánh Cha đã bày tỏ nguyện vọng hành hương Fatima vào dịp trọng đại này khi chia sẻ với vị giám mục sở tại rằng : « Nếu Thiên Chúa còn cho tôi sống và khỏe mạnh, tôi ước ao được đến địa danh Đức Mẹ hiện ra ».
 Ngay sau hai tháng được bầu làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã dâng triều đại của mình cho Đức Mẹ Fatima.
 Tưởng cũng nhắc lại, đây là vị Giáo hoàng thứ tư đặt chân tới địa điểm hành hương Fatima : đầu tiên là Đức Phaolô VI vào ngày 13/05/1967 dịp kỷ niệm 50 năm hiện ra ; Đức Gioan Phaolô II với 3 lần vào năm 1982 để tạ ơn Đức Mẹ che chở khỏi cuộc ám sát, 1991 và năm 2000 dịp Năm thánh bước sang Thiên Niên kỷ mới ; và Đức Bênêđictô XVI vào tháng Năm 2010.

Lm.Giuse Đỗ văn Thụy, MSV

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …